Lớp Giáo Lý
Giăng 14:15–31; 15:10–14


Giăng 14:15–31; 15:10–14

“Nếu Các Ngươi Yêu Mến Ta, thì Giữ Gìn Các Điều Răn Ta”

Hình Ảnh
Jesus teaches about forgiveness to Peter.

Khi Đấng Cứu Rỗi và Các Sứ Đồ của Ngài giữ Lễ Vượt Qua ở phòng trên, Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy cho Các Sứ Đồ những lẽ thật quan trọng. Khi sự thống khổ của Ngài tại Vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ sắp xảy đến, Chúa Giê Su đã hướng dẫn cho những người mà Ngài yêu quý rằng: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15). Bài học này có thể giúp em bày tỏ tình yêu thương của mình với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách vâng theo các giáo lệnh của Ngài.

Quan sát và phân biệt. Hãy dành thời gian quan sát học viên và tìm kiếm sự giúp đỡ của Thánh Linh trong việc phân biệt những nhu cầu của các em để có thể điều chỉnh bài học cho phù hợp. Đừng quá bận tâm đến việc bao quát tài liệu bài học hoặc những điều sẽ nói tiếp theo; điều này có thể làm lu mờ nhu cầu của học viên và những thúc giục của Đức Thánh Linh.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên xem “Nếu Ngươi Yêu Mến Ta thì Hãy Tuân Giữ Các Giáo Lệnh của Ta,” bài nói chuyện trong Đại Hội Trung Ương của Carole M. Stephens, trước đây thuộc Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ, từ mã thời gian 0:00 đến 4:31. Yêu cầu học viên suy ngẫm về điều mà câu chuyện này có thể dạy cho chúng ta về lý do Chúa ban cho chúng ta các giáo lệnh này.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Cân nhắc bắt đầu lớp học bằng cách chia sẻ những ví dụ cá nhân về những người trong gia đình thể hiện tình yêu thương với nhau. Hoặc là, mời học viên thảo luận các câu hỏi sau đây.

Em thể hiện tình yêu thương bằng cách nào?

  • Làm thế nào em có thể biết được một người nào đó yêu thương mình? Những lời nói, hành động hoặc thái độ nào cho thấy tình yêu thương của họ?

  • Làm thế nào em có thể thể hiện tình yêu thương của mình với người khác?

  • Nếu em yêu thương một người nào đó, nhưng thái độ hoặc hành động của em không phải lúc nào cũng thể hiện tình yêu thương đó thì sao? Em có thể làm gì?

Khi Đấng Cứu Rỗi tiếp tục hướng dẫn Các Sứ Đồ của Ngài trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Ngài đã dạy về tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta và dạy cách chúng ta thể hiện tình yêu thương của mình với Ngài.

Tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng của học viên, mỗi học viên có thể đọc tất cả các câu sau đây hoặc có thể chia lớp thành hai nhóm và chỉ định một trong các đoạn thánh thư cho mỗi nhóm.

Học Giăng 14:15, 21, 23–24 Giăng 15:10–14 , tìm kiếm những điều Đấng Cứu Rỗi phán bảo chúng ta có thể làm để thể hiện tình yêu thương của chúng ta dành cho Ngài và Cha Thiên Thượng.

Sau khi học viên đọc xong, hãy khuyến khích các em đặt câu hỏi hoặc đưa ra nhận xét về những điều đã đọc. Khi các em làm như vậy, hãy giúp học viên nhận ra cách chúng ta có thể thể hiện tình yêu thương của mình với Thượng Đế và cũng giúp các em ghi lại những từ hoặc cụm từ cho thấy tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta.

  • Đấng Cứu Rỗi đã nhấn mạnh điều gì trong những câu này về cách chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương với Ngài?

Hãy cân nhắc viết lên trên bảng điều sau đây hoặc một lẽ thật tương tự mà học viên đã nhận ra: Chúng ta thể hiện tình yêu thương của mình với Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.

  • Các câu này dạy gì về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta?

  • Có một số tình huống nào mà những lẽ thật Đấng Cứu Rỗi đã dạy trong những câu này sẽ trở nên hữu ích?

Nếu học viên đã được mời xem video như một phần trong sinh hoạt chuẩn bị của học viên, thì hãy mời các em thảo luận về những điều các em đã học được về lý do Chúa ban cho chúng ta các lệnh truyền, thay vì xem lại video trong lớp. Hoặc học viên có thể xem video “Nếu Ngươi Yêu Mến Ta thì Hãy Tuân Giữ Các Giáo Lệnh của Ta,” từ mã thời gian 0:00 đến 4:31, trên trang ChurchofJesusChrist.org, hoặc đọc lời phát biểu dưới đây.

Chị Carole M. Stephens, trước đây thuộc Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã dạy về mục đích của Thượng Đế khi ban cho chúng ta các giáo lệnh và động cơ của chúng ta để vâng theo các giáo lệnh đó.

Xem video “Nếu Ngươi Yêu Mến Ta thì Hãy Tuân Giữ Các Giáo Lệnh của Ta,” từ mã thời gian 0:00 đến 4:31, trên trang ChurchofJesusChrist.org. Trong video này, Chị Carole M. Stephens, trước đây thuộc Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Phụ Nữ, đã chia sẻ một kinh nghiệm mà chị có với cháu gái Chloe.

Hình Ảnh
Official portrait of Carole M. Stephens, sustained at the April 2012 general conference as first counselor in the Relief Society general presidency, October 2012. Released April 2017 General Conference.

Đôi khi chúng ta cũng cảm thấy rằng luật pháp của Thượng Đế hạn chế sự tự do cá nhân của chúng ta, cất đi quyền tự quyết, và hạn chế sự tăng trưởng của chúng ta. Nhưng khi chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết lớn lao hơn, khi chúng ta để cho Đức Chúa Cha giảng dạy chúng ta, thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy rằng các giáo lệnh của Ngài là một cách để biểu hiện về tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta và việc tuân theo các giáo lệnh của Ngài là một cách để bày tỏ tình yêu mến của chúng ta lên Ngài.

(Carole M. Stephens, “Nếu Ngươi Yêu Mến Ta thì Hãy Tuân Giữ Các Giáo Lệnh của Ta”, Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 119)

Cân nhắc yêu cầu một vài học viên giúp lập bản liệt kê sau đây bằng cách viết câu trả lời của các bạn học lên trên bảng.

Liệt kê một số luật pháp và giáo lệnh mà em cảm thấy chứng tỏ được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho em. Để giúp em suy ngẫm về một số giáo lệnh, em có thể xem lại Mười Điều Giáo Lệnh (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3–17) hoặc Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ[cuốn sách nhỏ, năm 2011].

  • Làm thế nào mà những giáo lệnh em đã liệt kê là sự “biểu lộ về tình yêu thương của [Thượng Đế] dành cho chúng ta”?

  • Làm thế nào mà việc em tuân theo những giáo lệnh này có thể là sự “biểu lộ về tình yêu thương của [em] dành cho Ngài”?

Hãy chọn một trong các giáo lệnh từ bản liệt kê của em. Đó có thể là một điều mà em đang cố gắng tuân giữ hoặc một điều mà em đã bị cám dỗ để vi phạm nhưng đã chọn vâng theo.

Xác thực nỗ lực vâng lời của học viên bằng cách nhận ra một số giáo lệnh mà các em đang tuân giữ và giúp các em đánh giá động cơ của mình để tuân giữ những giáo lệnh đó.

Cân nhắc trưng ra các câu hỏi sau đây và cho học viên thời gian thích hợp để suy nghĩ thấu đáo và viết câu trả lời của các em vào nhật ký ghi chép việc học tập của mình. Hãy lưu ý đến tính nhạy cảm của những câu hỏi này.

Những câu hỏi sau đây sẽ giúp em đánh giá động cơ của mình để tuân giữ những giáo lệnh của Thượng Đế. Khi nghĩ về những câu trả lời của mình, điều quan trọng cần biết là em có thể có nhiều lý do khác nhau để tuân giữ các giáo lệnh. Bất kể động cơ hiện tại của em là gì, hãy tiếp tục vâng lời, và mong muốn vâng lời vì tình yêu thương của em có thể tăng lên theo thời gian.

  • Điều gì thúc đẩy em tuân giữ giáo lệnh này?

  • Em cảm thấy như thế nào về lý do của mình để tuân giữ các giáo lệnh so với tấm gương của Chúa về việc vâng lời vì tình yêu thương?

  • Tại sao những lý do đằng sau sự vâng lời của em (động cơ của em) lại quan trọng?

  • Em sẽ đưa ra lời khuyên bảo nào cho một người muốn vâng theo các giáo lệnh của Thượng Đế vì tình yêu thương?

Tấm gương về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta

Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho chúng ta một tấm gương toàn hảo về cách tuân theo luật pháp và những giáo lệnh của Thượng Đế vì tình yêu thương thanh khiết. Sau Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Ngài nói: “Nhưng thế gian phải biết rằng ta yêu mến Cha, và làm theo điều Cha đã phán dặn” ( Giăng 14:31). Sau đó, Chúa Giê Su đã chịu khổ sở vì tội lỗi của chúng ta và “mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ” của chúng ta ( An Ma 7:11) trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và một lần nữa trên thập tự giá.

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã mời chúng ta suy ngẫm kỹ xem tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô có thể thúc đẩy chúng ta làm gì. Em có thể muốn xem video “Ở trong Sự Yêu Thương Ta”, trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 14:27 đến 14:50, hoặc đọc lời phát biểu sau đây:

Hình Ảnh
Official portrait of Carole M. Stephens, sustained at the April 2012 general conference as first counselor in the Relief Society general presidency, October 2012. Released April 2017 General Conference.

Anh chị em chẳng sẽ yêu mến Ngài là Đấng đã yêu thương anh chị em trước sao? [xin xem 1 Giăng 4:19 ]. Vậy thì, hãy tuân giữ các giáo lệnh của Ngài [xin xem Giăng 14:15 ]. Anh chị em sẽ là người bạn của Ngài, là Đấng đã phó mạng sống của Ngài cho bạn bè Ngài không? [xin xem Giăng 15:13 ]. Vậy thì, hãy tuân giữ các giáo lệnh của Ngài [xin xem Giăng 15:14 ]. Anh chị em sẽ ở trong tình yêu thương Ngài và nhận được tất cả những gì Ngài rộng lượng ban cho anh chị em không? Vậy thì, hãy tuân giữ các giáo lệnh của Ngài [xin xem Giăng 15:10 ].

(D. Todd Christofferson, “Ở trong Sự Yêu Thương Ta”, Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 51)

  • Làm cách nào mà sự cam kết của em để vâng lời nhiều hơn, dựa trên tình yêu thương, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô? (Xin xem Mô Si A 5:13 .)

Khi em cố gắng tuân giữ các giáo lệnh vì tình yêu thương dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, em sẽ cảm nhận được tình yêu thương của hai Ngài gia tăng trong cuộc sống của em (xin xem Giăng 14:21). Nếu em gặp khó khăn để vâng theo, hoặc thậm chí trong ước muốn để vâng theo, thì Cha Thiên Thượng có thể giúp em nếu em khiêm nhường cầu xin Ngài thay đổi tấm lòng. Ngoài ra, hãy ghi nhớ rằng một trong những giáo lệnh là phải hối cải, và chúng ta có thể tuân giữ giáo lệnh này trong khi nỗ lực để khắc phục những yếu kém của mình.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Tại sao Thượng Đế yêu cầu chúng ta vâng theo các giáo lệnh của Ngài?

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy:

Hình Ảnh
Official Portrait of President Dallin H. Oaks taken March 2018.

Thượng Đế đòi hỏi chúng ta phải tuân theo các giáo lệnh của Ngài vì chỉ qua sự vâng lời đó, kể cả sự hối cải, chúng ta mới có thể trở về sống nơi hiện diện của Ngài và trở nên hoàn hảo như Ngài.

(Dallin H. Oaks, “Hai Giáo Lệnh Lớn”, Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 74)

Lý do tôi vâng theo các giáo lệnh này có quan trọng không?

Mỗi người chúng ta nên tự hỏi lý do tại sao chúng ta tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế. Có phải vì chúng ta sợ bị trừng phạt chăng? Có phải vì chúng ta mong muốn được tưởng thưởng vì đã sống một cuộc sống tốt lành không? Có phải vì chúng ta yêu mến Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô và muốn phục vụ hai Ngài không?

Tuân theo các giáo lệnh bởi vì chúng ta sợ bị trừng phạt thì tốt hơn là không tuân giữ gì cả. Nhưng chúng ta sẽ được vui sướng hơn nếu chúng ta vâng lời Thượng Đế bởi vì chúng ta yêu mến Ngài và muốn vâng lời Ngài. Khi chúng ta tự nguyện vâng lời Ngài, thì Ngài có thể ban phước cho chúng ta một cách rộng rãi. Ngài phán: “Ta, là Chúa, … thích tôn vinh những ai biết phục vụ ta trong sự ngay chính và trong lẽ thật cho đến cùng” [ Giáo Lý và Giao Ước 76:5 ]. Sự vâng lời cũng giúp chúng ta tiến triển và trở nên giống như Cha Thiên Thượng hơn. Nhưng những người không làm gì cả cho đến khi nào họ được truyền lệnh để làm và rồi miễn cưỡng tuân giữ các giáo lệnh thì sẽ mất đi phần thưởng của họ [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:26–29 ].

(Các Nguyên Tắc Phúc Âm[năm 2009], trang 231–232)

Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Giăng 15:18–25 . “Ví bằng người đời ghét các ngươi”

Nếu học viên gặp khó khăn để vâng theo các giáo lệnh vì bị ảnh hưởng hoặc ngược đãi bởi thế gian, thì những câu này có thể giúp các em có can đảm hoặc có được quan điểm đúng.

Mời học viên suy ngẫm xem Chúa Giê Su Ky Tô sẽ được đón nhận như thế nào nếu giáo vụ trên trần thế của Ngài diễn ra trong thời kỳ của chúng ta.

Học viên có thể nghiên cứu Giăng 15:18–25 , tìm kiếm những điều Đấng Cứu Rỗi đã phán về thế gian và lý do tại sao dân của Ngài luôn phải chịu sự chống đối và ngược đãi từ thế gian. Chúng ta có thể tìm thấy niềm an ủi và sức mạnh nào để vâng theo trong sứ điệp của Ngài?

Chúng ta có thể tuân giữ các giáo lệnh này ngay cả khi chúng ta không hiểu lý do tại sao chúng được ban cho

Tiên Tri Joseph Smith (1805–1844) đã nói: “Tôi đã lập ra một luật lệ cho tôi: Khi Chúa truyền lệnh, hãy làm theo” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2011], trang 173). Thánh thư và lịch sử Giáo Hội có nhiều câu chuyện về những người đã chọn vâng theo ngay cả khi họ không hiểu trọn vẹn lý do tại sao giáo lệnh hoặc lời khuyên bảo đó được đưa ra. Những đoạn sau đây gồm có các ví dụ về sự vâng lời đầy dẫy đức tin và một số phước lành mà những người này nhận được vì họ đã vâng theo:

A Đam và Ê Va: Môi Se 5:5–12

Si Môn Phi E Rơ và những người bạn đồng hành của ông: Lu Ca 5:4–11

Nê Phi: 1 Nê Phi 9:5–6

Có thể mời học viên suy ngẫm về những câu hỏi sau đây: Có một số giáo lệnh nào mà các em chưa hiểu trọn vẹn? Làm cách nào mà tình yêu thương của các em dành cho Thượng Đế có thể giúp các em trung tín và vâng theo cho đến khi hiểu biết sâu sắc hơn?

Xem lại các cam kết của em

Hãy mời học viên xem lại bất kỳ kế hoạch hoặc cam kết nào mà các em đã thực hiện gần đây để vâng theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Các em có thể đã làm như vậy trong một buổi học giáo lý trước đây hoặc như là một phần của mục tiêu của các em cho chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ. Nếu các em chưa có một mục tiêu hoặc kế hoạch để trở nên vâng lời hơn, thì các em có thể nghĩ đến một trong những giáo lệnh mà mình đã liệt kê trong bài học này.

In