Giăng 18:33–40; Lu Ca 23:8–11
Chúa Giê Su Bị Xét Xử và Đánh Đập
Sau khi Chúa Giê Su bị bắt giữ và bị vu oan trước các lãnh đạo người Do Thái, Ngài bị đưa ra xét xử trước Phi Lát, người có quyền xét xử dân La Mã. Đấng Cứu Rỗi đã nhu mì không phản kháng trước những người La Mã, bị đánh đập một cách đau đớn và bị kết án tử hình. Bài học này nhằm giúp em tìm hiểu thêm về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho tất cả mọi người và đặc tính toàn hảo của Ngài, cũng như cách em có thể noi theo tấm gương của Ngài tốt hơn.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Cảm thấy bị ngược đãi
-
Có một số tình huống thường gặp nào mà trong đó một thanh thiếu niên có thể bị nhạo báng, bị vu cáo hoặc bị ngược đãi?
-
Một thanh thiếu niên điển hình có thể có một số cách phản ứng gì đối với sự đối xử như vậy?
Chúa có thể ở cùng chúng ta và giúp chúng ta phát triển từ những kinh nghiệm khó khăn. Ngài có thể giúp chúng ta ứng phó với sự khó khăn và sự chống đối theo những cách giống như Đấng Ky Tô. Hãy suy ngẫm về những kinh nghiệm cá nhân của riêng mình khi bị nhạo báng, bị vu cáo hoặc bị ngược đãi, bao gồm cả cách phản ứng của em và lý do tại sao.
Khi Chúa Giê Su Ky Tô gần kề những sự kiện cuối cùng của cuộc đời Ngài, Ngài đã bị nhạo báng, vu cáo và ngược đãi. Khi em nghiên cứu những sự kiện cuối cùng này trong cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi, hãy tìm những đặc điểm tính cách đã giúp Ngài trung tín kiên trì và hoàn thành sứ mệnh của Ngài. Cũng hãy thành tâm cân nhắc cách em có thể noi theo tấm gương của Ngài.
Chúa Giê Su bị xét xử bất công và bị kết án tử hình
Sau khi Chúa Giê Su chịu đau đớn ở Vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài bị bắt, và các lãnh đạo người Do Thái (Tòa Công Luận) đã xét xử Ngài một cách bất công và kết án tử hình Ngài. Tuy nhiên, vì Y Sơ Ra Ên nằm dưới quyền cai trị của người La Mã nên việc hành quyết phải được sự cho phép của người La Mã. Vì lý do này, người Do Thái đã đưa Chúa Giê Su đến chỗ Phi Lát, người lãnh đạo La Mã cai quản xứ Giu Đê, và cáo buộc Ngài nổi loạn chống lại chính quyền La Mã vì tự xưng là “Vua dân Giu Đa” (xin xem Mác 15:2). Phi Lát đã gửi Chúa Giê Su đến cho Vua Hê Rốt An Ti Pa, đang ở Giê Ru Sa Lem để dự Lễ Vượt Qua, hy vọng Vua Hê Rốt sẽ xét xử Ngài ở Ga Li Lê, nhưng Vua Hê Rốt đã gửi Chúa Giê Su trở lại cho Phi Lát.
Hãy đọc hai hoặc nhiều câu chuyện sau đây, kể lại việc Chúa Giê Su bị buộc tội một cách bất công và cuối cùng bị kết án như thế nào. Khi em đọc, hãy tìm kiếm xem Chúa Giê Su đã phản ứng như thế nào trong mỗi tình huống này. Hãy nhớ rằng Ngài có quyền năng giải thoát chính Ngài khỏi những hoàn cảnh này ( xin xem Ma Thi Ơ 26:52–54).
1. Chúa Giê Su bị Tòa Công Luận thẩm vấn. Đọc Ma Thi Ơ 26:57–68 .
2. Chúa Giê Su bị Phi Lát tra hỏi. Đọc Giăng 18:33–40 .
3. Chúa Giê Su xuất hiện trước Vua Hê Rốt. Hãy đọc Lu Ca 23:8–11 .
4. Chúa Giê Su bị quân lính La Mã đánh đập và rồi bị Phi Lát tra hỏi lần thứ hai. Đọc Giăng 19:1–16 . Có thể là hữu ích khi biết cây khổ hình là một chiếc roi da thường gắn các vật sắc nhọn (chẳng hạn như các mảnh đá, kim loại hoặc xương) được đan xen vào vài sợi dây da. Nhiều người đã không sống sót sau trận đánh đập do bị chấn thương thể xác nghiêm trọng bởi cây khổ hình.
-
Đấng Cứu Rỗi đã phản ứng như thế nào trong những tình huống này?
-
Em nghĩ tại sao Đấng Cứu Rỗi đã phản ứng theo cách đó?
Đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô
Đọc 1 Nê Phi 19:9 và những lời phát biểu sau đây, tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc về đặc tính của Đấng Cứu Rỗi.
Anh Cả Robert D. Hales (1932–2017) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ điều sau đây:
Cách phản ứng theo như Đấng Ky Tô không thể được viết ra trước hoặc dựa vào một công thức. Đấng Cứu Rỗi phản ứng khác nhau trong mỗi hoàn cảnh. Khi Ngài đương đầu với Vua Hê Rốt tà ác, Ngài đã giữ im lặng. Khi Ngài đứng trước Phi Lát, Ngài đã chia sẻ một chứng ngôn giản dị và mạnh mẽ về thiên tính và mục đích của Ngài. …
Một số người lầm tưởng rằng những câu trả lời bằng cách giữ im lặng, hiền lành, tha thứ và chia sẻ chứng ngôn khiêm nhường là thụ động hoặc yếu đuối. Nhưng, việc “yêu kẻ thù nghịch [của chúng ta], chúc phước cho người nguyền rủa [chúng ta], đối xử tốt với người ghét [chúng ta], và cầu nguyện cho người lợi dụng [chúng ta], và kẻ bắt bớ [chúng ta]” ( Ma Thi Ơ 5:44) đòi hỏi đức tin, sức mạnh, và hơn hết là sự can đảm của Ky Tô hữu.
(Robert D. Hales, “Sự Can Đảm của Ky Tô Hữu: Cái Giá để Làm Môn Đồ”, Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 72)
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Cũng hãy lưu ý đến cách Đức Thầy bị lên án và kết tội trước Phi Lát để bị đóng đinh [xin xem Ma Thi Ơ 27:2 , 11–26 ]. … Sự nhu mì của Đấng Cứu Rỗi được minh chứng trong cách [phản] ứng [có kỷ luật], sự kiềm chế mạnh mẽ, và [việc] không sử dụng quyền năng vô hạn của Ngài cho lợi ích cá nhân.
(David A. Bednar, “Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng”, Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 33)
-
Em đã học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi qua cách Ngài phản ứng lại trong những hoàn cảnh khó khăn này?
-
Những hành động của Đấng Cứu Rỗi thể hiện “lòng thương yêu nhân từ … đối với con cái loài người” như thế nào? ( 1 Nê Phi 19:9).
-
Làm thế nào mà việc biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô có những thuộc tính này giúp em yêu thương và tin cậy Ngài hơn?
Điều quan trọng cần lưu ý là trong nhiều trường hợp, Đấng Cứu Rỗi đã bạo dạn quy trách nhiệm cho những người khác về hành động của họ (xin xem Mác 11:15–17 , Giăng 2:13–16 , Giáo Lý và Giao Ước 133:48–51). Với tư cách là tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta muốn phản ứng lại những lời nhạo báng, vu cáo hoặc sự ngược đãi bằng tình yêu thương, lòng can đảm và sự nhu mì. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên cho phép người khác lạm dụng hoặc làm hại mình. “Chúa lên án hành vi lạm dụng dưới mọi hình thức—bao gồm [việc bỏ bê] và lạm dụng thể xác, tình dục hoặc bằng lời nói” (Thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, “Preventing and Responding to Abuse”, ngày 26 tháng Ba năm 2018). Nếu chúng ta bị lạm dụng, điều quan trọng là chúng ta phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ một người lớn đáng tin cậy ngay lập tức.
-
Hãy nhớ lại thời điểm em cảm thấy bị nhạo báng, vu cáo hoặc ngược đãi. Tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh để biết những cách thích hợp giống như Đấng Ky Tô mà các em có thể ứng phó với tình huống này. Viết ra những điều em đã làm tốt và cách em có thể muốn cải thiện.
-
Viết ra hai ví dụ về thời điểm hoặc hoàn cảnh mà việc ghi nhớ đặc tính của Đấng Ky Tô đã giúp đỡ hoặc có thể giúp em. Cuộc sống của em có thể sẽ khác biệt ra sao nếu em luôn cố gắng phát triển những đặc điểm giống như Đấng Ky Tô?
-
Chọn một đặc điểm giống như Đấng Ky Tô mà em muốn phát triển một cách trọn vẹn hơn. Hãy suy ngẫm về những khoảng thời gian trong ngày khi em có thể tập sử dụng đặc điểm này.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Giăng 6:36 . Vương quốc mà Chúa Giê Su đang nói đến là gì?
Anh Cả D. Todd Christofferson dạy rằng:
Khi Đa Ni Ên giải thích giấc mơ của Vua Nê Bu Cát Nết Sa ở Ba Bi Lôn, để cho nhà vua biết “những ngày sau rốt,” [ Đa Ni Ên 2:28 ] thì ông tuyên bố rằng “Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời” [ Đa Ni Ên 2:44 ]. Là vương quốc đã được tiên tri trong ngày sau, Giáo Hội không phải do con người tạo ra, mà do Thượng Đế của thiên thượng thiết lập và lăn đi trên khắp thế gian như một hòn đá “đục ra từ núi, chứ chẳng phải bởi tay con người mà ra [ Đa Ni Ên 2:45 ; xin xem thêm câu 35 ].
Số mệnh của Giáo Hội là thiết lập Si Ôn để chuẩn bị cho sự trở lại và trị vì ngàn năm của Chúa Giê Su Ky Tô. Trước ngày đó, Giáo Hội sẽ không phải là một vương quốc theo như bất cứ ý nghĩa chính trị nào—như Đấng Cứu Rỗi phán: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy” [ Giăng 18:36 ; sự nhấn mạnh được thêm vào]. Thay vì thế, đó là nguồn thẩm quyền của Ngài trên thế gian, người thực hiện các giao ước thánh của Ngài, người trông nom các đền thờ của Ngài, người bảo vệ và rao giảng lẽ thật của Ngài, nơi quy tụ của dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán, và là một chỗ “phòng vệ và dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút nguyên vẹn lên toàn thể thế gian” [ Giáo Lý và Giao Ước 115:6 ].
(D. Todd Christofferson, “Tại Sao Giáo Hội Là Cần Thiết”, Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 111)