Ma Thi Ơ 27:24–66; Mác 15:15–38
Trong khi Đấng Cứu Rỗi đang trải qua nỗi đau đớn dã man khi bị treo trên thập tự giá, những kẻ thù nghịch đã chế nhạo và bảo Ngài hãy tự giải thoát mình khỏi sự hành hạ. Nhưng Ngài đã ngay chính chịu đựng, tiếp tục nỗi thống khổ của Ngài vì chúng ta. Bài học này có thể giúp em hiểu rõ hơn và biết ơn nỗi thống khổ và cái chết của Đấng Cứu Rỗi trên thập tự giá như một phần thiết yếu trong Sự Chuộc Tội của Ngài.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Chúa Giê Su bỏ mạng sống của Ngài vì chúng ta
Trong bài học này, em sẽ học về cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những điều em biết về cái chết của Đấng Cứu Rỗi và cảm nghĩ của em về việc đó. Em có tin rằng Ngài đã chết để cứu chuộc em không? Nếu vậy, làm cách nào em có thể thể hiện lòng biết ơn của mình đối với sự hy sinh của Ngài? Trong khi học, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để giúp em trả lời những câu hỏi này.
Sự Đóng Đinh Chúa Giê Su Ky Tô trên Thập Tự Giá
Sau khi Đấng Cứu Rỗi bị xét xử bởi người Do Thái và tiếp theo đó bởi vua Hê Rốt và Phi Lát, Ngài đã bị đánh đập một cách tàn nhẫn và bị dẫn đến Gô Gô Tha (còn được gọi là Đồi Sọ) để bị đóng đinh trên thập tự giá.
Cân nhắc đánh dấu cụm từ “Họ đã đóng đinh Ngài trên cây thập tự rồi” trong Ma Thi Ơ 27:35. Hãy đọc trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư mục “Đóng Đinh Trên Thập Tự Giá, Sự” để xem cách hành hình này bao gồm những gì.
Đọc những câu sau đây về Sự Đóng Đinh Đấng Cứu Rỗi Trên Thập Tự Giá. Đánh dấu những chi tiết mà em cảm thấy quan trọng.
-
Ma Thi Ơ 27:27–31. Những người lính La Mã đã nhạo báng Đấng Cứu Rỗi.
-
Ma Thi Ơ 27:35–44. Đấng Cứu Rỗi đã bị nhạo báng trên thập tự giá.
-
Ma Thi Ơ 27:45–46, 50. Đấng Cứu Rỗi chịu đau đớn và chết trên thập tự giá. Lưu ý: Chúa Giê Su bị đóng đinh vào “giờ thứ ba” (9 giờ sáng; xin xem Mác 15:25). “Giờ thứ sáu” là 12 giờ trưa; “giờ thứ chín” là 3 giờ chiều.
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích tại sao Đấng Cứu Rỗi hỏi: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma Thi Ơ 27:46).
Xem video “None Were with Him” (Không Ai ở cùng Ngài), trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 09:00 đến 12:46 hoặc đọc lời phát biểu dưới đây.
Với hết tất cả niềm tin trong lòng mình, tôi làm chứng … rằng Đức Chúa Cha hoàn hảo đã không từ bỏ Vị Nam Tử của Ngài trong lúc đó. Quả thật, tôi tin rằng trong suốt giáo vụ trần thế của Đấng Ky Tô, Đức Chúa Cha chưa bao giờ gần gũi Vị Nam Tử của Ngài hơn trong những giây phút đau khổ cuối cùng này. Tuy nhiên, … Đức Chúa Cha nhanh chóng rút khỏi Đấng Ky Tô sự an ủi cho linh hồn Ngài cùng sự hỗ trợ bằng sự hiện diện của Đức Chúa Cha. Thật là điều thiết yếu đối với quyền năng Chuộc Tội, rằng Vị Nam Tử hoàn hảo này, là người chưa bao giờ nói điều gì xấu, hoặc làm điều gì sai hay chạm đến đồ ô uế, Ngài cần phải biết nhân loại sẽ cảm thấy như thế nào, đó là chúng ta, tất cả chúng ta, khi chúng ta phạm vào một tội như vậy. Vì Sự Chuộc Tội của Ngài cần phải vô hạn và vĩnh cửu, nên Ngài cần phải cảm thấy cái chết không những về phần thể xác mà còn về phần thuộc linh nữa, để cảm thấy việc Thánh Linh của Thượng Đế rút lui, để cho một người phải cảm thấy hoàn toàn cô đơn một cách khốn khổ và tuyệt vọng.
(Jeffrey R. Holland, “None Were With Him”, Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 87–88)
-
Anh Cả Holland đã giúp em hiểu được điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Điều gì khiến em ấn tượng nhất về Chúa Giê Su Ky Tô từ những sự kiện này? Tại sao?
Các câu tham khảo chéo
Đấng Cứu Rỗi có quyền năng giải cứu chính Ngài khỏi kinh nghiệm nhục nhã và đau đớn dã man trên thập tự giá (xin xem Ma Thi Ơ 26:52–54), nhưng Ngài đã không làm thế.
Hãy đọc ít nhất ba câu thánh thư sau đây để khám phá lý do tại sao. Cân nhắc tạo một biểu đồ như sau để sắp xếp suy nghĩ và cảm xúc của em. Em cũng có thể liên kết hoặc tham khảo chéo những đoạn này với Ma Thi Ơ 27:26 hoặc tạo một thẻ có các phần tham khảo này với tiêu đề do em chọn.
Tại sao Đấng Cứu Rỗi phải chịu bị đóng đinh trên thập tự giá |
Các phước lành có sẵn cho chúng ta vì Ngài đã thực hiện điều đó |
-
Đoạn nào có ý nghĩa nhất đối với em? Tại sao?
-
Em đã học được điều gì về lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi sẵn lòng bị đóng đinh trên thập tự giá vì chúng ta?
-
Em biết ơn nhất những phước lành nào được liệt kê trong những câu thánh thư này? Tại sao?
Điều quan trọng cần phải hiểu rằng là một phần của Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi của thế gian. Nỗi thống khổ mà Đấng Cứu Rỗi bắt đầu chịu trong vườn Ghết Sê Ma Nê đã được hoàn tất trên thập tự giá tại Gô Gô Tha. Nếu Đấng Cứu Rỗi không chết vì những tội lỗi của chúng ta thì chúng ta sẽ không thể quay trở về với Cha Thiên Thượng.
-
Em sẽ giải thích như thế nào cho người nào đó hiểu làm thế nào Sự Đóng Đinh Đấng Cứu Rỗi Trên Thập Tự Giá là một phần của Sự Chuộc Tội của Ngài? Em sẽ giải thích như thế nào về lý do tại sao điều đó có ý nghĩa đối với mình?
Giám Trợ Gérald Caussé đã giải thích làm thế nào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi lại mang tính cá nhân đối với mỗi người chúng ta.
Mặc dù [Sự Chuộc Tội của Chúa] là vô hạn và phổ quát, [nhưng Sự Chuộc Tội cũng] là một ân tứ hết sức riêng tư và cá nhân, phù hợp với [mỗi người] chúng ta. Cũng giống như Chúa Giê Su đã mời từng môn đồ người Nê Phi rờ vào các vết thương của Ngài, Ngài đã hy sinh vì mỗi [người] chúng ta, [cho cá nhân chúng ta], như thể anh chị em hoặc tôi là người duy nhất trên thế gian. Ngài đưa ra lời mời cho riêng mỗi người chúng ta hãy đến cùng Ngài và trông cậy vào các phước lành tuyệt diệu của Sự Chuộc Tội của Ngài.
(Gérald Caussé, “Một Nhân Chứng Sống về Đấng Ky Tô Hằng Sống,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 40)
-
Tại sao em cảm thấy điều quan trọng là phải nhận ra tính cá nhân của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi?
Để giúp em cảm nhận và ghi nhớ tính cá nhân của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi dành cho mình, hãy viết một mục nhật ký. Căn nhắc bao gồm điều sau đây:
-
Các phước lành em có thể tiếp nhận vì nỗi thống khổ và cái chết của Đấng Cứu Rỗi trên thập tự giá vì em
-
Việc Ngài chết cho cá nhân em có ý nghĩa gì đối với em
-
Những suy ngẫm và ấn tượng em tiếp nhận từ Đức Thánh Linh
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Điều gì quan trọng về địa điểm và thời gian của Sự Đóng Đinh Đấng Cứu Rỗi Trên Thập Tự Giá?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích:
Giai đoạn thứ hai của sự chuộc tội của Ngài được thực hiện trên thập tự giá. …
Phi Lát giao Chiên Con của Đức Chúa Trời để bị đóng đinh trên thập tự giá vào cùng thời gian mà những chiên con của Lễ Vượt Qua sắp đến đang được chuẩn bị làm của lễ hy sinh. (Xin xem Giăng 19:13–14 .)
Sự Đóng Đinh Trên Thập Tự Giá diễn ra tại một đồi có tên là Gô Gô Tha (tiếng Hy Lạp) hay Đồi Sọ (tiếng La Tinh). Hộp sọ tượng trưng cho cái chết. Tại một nơi như thế này, sự hy sinh chuộc tội đã hoàn thành. Trên thập tự giá, Đấng Cứu Rỗi của thế gian đã được nâng lên trên cái chết với ý nghĩa quan trọng bậc nhất—đó là sự nhìn nhận và hiện thực về quyền năng của Chúa thắng cái chết.
(Russell M. Nelson, “Why This Holy Land?”, Ensign,tháng Mười Hai năm 1989, trang 18–19)
Tại sao Chúa Giê Su Ky Tô không giải cứu chính Ngài?
Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:
Đám đông không tin đã chế nhạo Ngài trên đồi Sọ: “Hãy xuống khỏi cây thập tự” [Ma Thi Ơ 27:40]. Đáng lẽ Ngài đã có thể thực hiện một phép lạ như vậy. Nhưng Ngài đã biết sự cuối cùng từ lúc ban đầu, và Ngài có ý định sẽ trung thành với kế hoạch của Cha Ngài. Chúng ta nên luôn nhớ tấm gương đó.
(Ronald A. Rasband, “Này! Ta là Thượng Đế Có Nhiều Phép Lạ,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 111)
Có bao nhiêu người được ảnh hưởng nhờ nỗi thống khổ và Sự Đóng Đinh Đấng Cứu Rỗi Trên Thập Tự Giá?
Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:
Đấng Cứu Rỗi … [đã] cùng chịu đựng sự đau đớn tột bậc không tả xiết trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá để làm toàn vẹn Sự Chuộc Tội của Ngài. … Ngài làm điều này cho mỗi người nam và người nữ mà Thượng Đế đã hoặc sẽ tạo sinh.
(Quentin L. Cook, “Những Việc Thường Ngày Mang Tính Vĩnh Cửu”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 52)
Đấng Cứu Rỗi có thể đã trải qua điều gì trên thập tự giá?
Anh Cả James E. Talmage (1862–1933) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích:
Có vẻ như, ngoài nỗi đau đớn đáng sợ khi bị đóng đinh trên thập tự giá, nỗi thống khổ trong vườn Ghết Sê Ma Nê lại còn tái diễn, ngày càng dữ dội vượt quá sức chịu đựng của con người. Trong giờ phút khắc nghiệt nhất đó, Đấng Ky Tô một mình hấp hối, một mình trong thực tại khủng khiếp nhất. Để sự hy sinh cao cả của Vị Nam Tử có thể được hoàn thành trọn vẹn, thì Đức Chúa Cha dường như đã rút lại sự hỗ trợ của Sự Hiện Diện tức thời của Ngài, để cho Đấng Cứu Rỗi của loài người có được chiến thắng trọn vẹn đầy vinh quang trước sức mạnh của tội lỗi và cái chết.
(Jesus the Christ [năm 1916], trang 661)
Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–1985) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy điều tương tự:
Rồi các tầng trời trở nên tối sầm. Bóng tối bao phủ mặt đất trong ba giờ đồng hồ, như đã xảy ra cho dân Nê Phi. Có một trận bão dữ dội thổi đến, thể như chính Thượng Đế của vạn vật đang chịu thống khổ.
Và quả thật Ngài đã chịu thống khổ như vậy, vì trong khi Ngài bị treo lên trên thập tự giá trong ba giờ đồng hồ nữa, từ 12 giờ trưa cho đến 3 giờchiều, thì tất cả những nỗi thống khổ vô tận và nỗi đau đớn cùng cực trong vườn Ghết Sê Ma Nê tái diễn.
(Bruce R. McConkie, “The Purifying Power of Gethsemane”, Ensign, tháng Năm năm 1985, trang 10)