Lu Ca 23:33–46; Giăng 19:26–30
Lòng Trắc Ẩn của Đấng Cứu Rỗi trên Thập Tự Giá
Những điều mà Chúa Giê Su đã phán khi Ngài ở trên thập tự giá cho thấy đặc tính và các thuộc tính thiêng liêng của Ngài. Khi em học, hãy tìm cách gia tăng mong muốn trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn trong khi học hỏi từ tấm gương của Ngài khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Để ý đến những người khác
Suy ngẫm về những câu hỏi sau đây:Em có thường thể hiện lòng trắc ẩn với những người khác không? Tại sao có hoặc tại sao không?
Trong nhật ký ghi chép việc học tập, hãy liệt kê những tình huống mà khó cho em để quan tâm đến những nỗi lo và sự an lạc của người khác. Giải thích tại sao những tình huống đó lại gây khó khăn cho em.
Hãy cân nhắc trả lời gợi ý sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:
-
Cuộc sống của em có thể tốt hơn như thế nào nếu em thể hiện lòng trắc ẩn với những người khác ngay cả khi em đang ở trong hoàn cảnh khó khăn?
Trong bài học này, em sẽ có cơ hội học tập tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về việc tìm đến những người khác ngay cả khi đang ở trong kinh nghiệm đau đớn của Ngài trên thập tự giá. Khi học theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để giúp em mong muốn trở nên giống như Ngài hơn.
Những kinh nghiệm trước và trong Sự Đóng Đinh Trên Thập Tự Giá
Nhớ lại những kinh nghiệm của Đấng Cứu Rỗi trước và trong Sự Đóng Đinh Trên Thập Tự Giá:
-
Ngài đã phải chịu đau khổ vì những tội lỗi của thế gian ở vườn Ghết Sê Ma Nê (xin xem Lu Ca 22:39–44).
-
Ngài đã bị Giu Đa phản bội và bị các Sứ Đồ của Ngài lìa bỏ (xin xem Mác 14:43–50).
-
Ngài đã bị các lãnh đạo người Do Thái xét xử, đánh đập và khạc nhổ (xin xem Ma Thi Ơ 26:57–68).
-
Ngài bị cả Phi Lát và Hê Rốt chất vấn và bị Hê Rốt và đám quân lính của hắn nhạo báng ( Lu Ca 23:1–24).
-
Ngài đã bị đòn và bị khổ hình tàn bạo bởi đám quân lính La Mã (xin xem Ma Thi Ơ 27:26–31).
-
Ngài đã mang thập tự giá của Ngài ít nhất một đoạn trên con đường đến Gô Gô Tha (xin xem Giăng 19:16–17).
-
Ngài bị đóng đinh xuyên qua bàn tay và bàn chân của Ngài vào thập tự giá giữa hai tên trộm (xin xem Lu Ca 23:33 ; xin xem thêm Giăng 20:25).
-
Ngài bị treo trên cây thập tự giá (xin xem Ma Thi Ơ 27:45–50 ; Mác 15:25).
Hãy suy ngẫm xem những sự kiện này ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của em dành cho Đấng Cứu Rỗi và những điều Ngài đã chịu đựng vì em.Hãy đọc những đoạn sau đây, trong đó có những lời nói mà Đấng Cứu Rỗi đã phán khi Ngài ở trên thập tự giá. Nhận ra những lẽ thật về Chúa Giê Su Ky Tô từ những lời nói của Ngài và liệt kê những lẽ thật đó trong nhật ký ghi chép việc học tập của em.
Lu Ca 23:33–34 . Đấng Cứu Rỗi đã nói những lời này về đám quân lính đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá (xin xem Bản Dịch Joseph Smith về câu này trong Lu Ca 23:34 , phụ Lục Bản Dịch Joseph Smith).
Lu Ca 23:39–43 . Những câu này ghi lại những điều mà hai tên trộm bị đóng đinh trên thập tự giá cùng với Đấng Cứu Rỗi đã nói và cách Đấng Cứu Rỗi phản ứng. (Hãy lưu ý rằng Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng khi Đấng Cứu Rỗi nói đến việc tên trộm này sẽ ở với Ngài trong thiên đàng thì Ngài đang dạy hắn ta rằng “Ta sẽ ở cùng ngươi trong thế giới linh hồn và sẽ dạy ngươi hoặc trả lời các cầu vấn của ngươi” [“Discourse, ngày 11 tháng Sáu năm 1843–A, theo ghi nhận của Wilford Woodruff,” trang 44, josephsmithpapers.org]).
Giăng 19:26–27 . Những câu này ghi lại những điều Đấng Cứu Rỗi đã nói với mẹ của Ngài, Ma Ri và với Sứ Đồ Giăng.
-
Em đã học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô mà có ý nghĩa nhất đối với mình? Tại sao?
-
Em muốn giống như Đấng Cứu Rỗi về những phương diện nào? Tại sao?
Đấng Cứu Rỗi không chỉ nghĩ về đám quân lính người La Mã, những tên trộm và mẹ của Ngài khi ở trên thập tự giá. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy thêm một cách mà Đấng Cứu Rỗi tập trung vào những người khác trong khi Ngài đang chịu thống khổ.
Cũng giống như trong tất cả mọi điều, Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương tột bậc của chúng ta, ‘là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá’ [ Hê Bơ Rơ 12:2 ]. Hãy suy nghĩ về điều đó! Để chịu đựng được kinh nghiệm cay nghiệt nhất mà chưa người nào trên thế gian từng phải chịu đựng như vậy, Đấng Cứu Rỗi đã tập trung vào niềm vui!
Và sự vui mừng đã đặt trước mặt Ngài là gì? Chắc chắn sự vui mừng đó gồm có niềm vui thanh tẩy, chữa lành, và củng cố chúng ta; niềm vui của việc chuộc trả tội lỗi của tất cả những người sẽ hối cải; niềm vui mà làm cho anh chị em và tôi có thể trở về nhà—trong sạch và xứng đáng—để sống với Cha Mẹ Thiên Thượng và gia đình của mình.
(Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 82–83).
-
Đấng Cứu Rỗi đã tập trung vào điều gì trong khi Ngài chịu đau khổ vì chúng ta?
-
Chủ Tịch Nelson đã dạy cho em điều gì về mong muốn của Đấng Cứu Rỗi đối với mình?
Hãy suy ngẫm trong giây lát về lẽ thật rằng trong khi Đấng Cứu Rỗi ở trên thập tự giá, Ngài đã tập trung vào em và niềm vui khi giúp em quay trở về với Cha Thiên Thượng.
-
Điều này có thể tạo ra khác biệt gì trong cuộc sống của em khi hiểu được lẽ thật này? Tại sao sự hiểu biết này lại tạo ra sự khác biệt như vậy cho em?
-
Có khi nào em giúp một người nào đó trong khi mình đang gặp khó khăn, hoặc có khi nào một người nào đó đã làm điều này cho em?
Nếu thấy một ví dụ sẽ hữu ích, hãy xem “Hãy Yêu Thương Nhau như Ngài Đã Yêu Thương Chúng Ta” trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 3:22 đến 7:54.Hãy Yêu Thương Nhau như Ngài Đã Yêu Thương Chúng Ta
Hãy tìm kiếm sự soi dẫn của Đức Thánh Linh bằng cách suy ngẫm về tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và những điều em cảm thấy hôm nay. Hãy nhận ra những cách em có thể trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn trong việc thể hiện tình yêu thương và lòng trắc ẩn với người khác ngay cả khi em đang gặp khó khăn của riêng mình. Sau đó, ghi lại những cách này vào nhật ký ghi chép việc học tập của em. Xem lại bản liệt kê em đã lập và thành tâm chọn một trong những cách em có thể trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Ghi nhận cách này trong mục nhật ký của em. Hãy cầu nguyện và tìm kiếm các cơ hội để hoàn thành hành động này.
“Mọi việc đã được trọn”
Sau khi chịu đau khổ vài giờ trên thập tự giá, Đấng Cứu Rỗi đã thốt ra những lời cuối cùng của Ngài.
Đọc Giăng 19:28–30 và Lu Ca 23:46 . Hãy đánh dấu những lời nói cuối cùng của Đấng Cứu Rỗi trên trần thế.
-
Những lời này có thể giúp chúng ta hiểu gì về Đấng Cứu Rỗi và sứ mệnh của Ngài?
Giống như Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể hoàn thành những điều Đức Chúa Cha muốn chúng ta làm trong cuộc sống của mình. Hãy nhớ điều này khi em tìm cách hoàn thành những điều em quyết định áp dụng ngày hôm nay.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Giăng 19:27 . Chúng ta có thể học được điều gì từ lời nói của Đấng Cứu Rỗi, “Đó là mẹ ngươi”?
Chúng ta có thể noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô khi cố gắng nhận ra, yêu thương và chăm sóc mẹ của mình. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã bày tỏ lòng tôn kính đối với những người mẹ ngay chính và so sánh tình yêu thương của họ với tình yêu của Đấng Cứu Rỗi.
Xem “Đó Là Mẹ Ngươi!,” trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 0:20 đến 2:53.
Làm thế nào mà việc giúp đỡ người khác khi chúng ta gặp khó khăn giúp định hình con người chúng ta đang trở thành?
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Đặc tính được bộc lộ … trong khả năng phân biệt nỗi đau khổ của người khác khi bản thân chúng ta cũng đang đau khổ; trong khả năng nhận biết sự đói khát của người khác khi chúng ta đói khát; và trong khả năng tiếp cận và mở rộng lòng trắc ẩn trước nỗi đau đớn về phần thuộc linh của người khác khi chúng ta đang ở giữa cơn đau đớn về phần thuộc linh của mình. Do đó, đặc tính được cho thấy bằng cách nhìn và hướng ra bên ngoài khi phản ứng tự nhiên và theo bản năng là chỉ nghĩ tới mình và hướng vào bên trong. Nếu khả năng đó thực sự là tiêu chuẩn tột bậc của đặc tính đạo đức, thì Đấng Cứu Rỗi của thế gian là tấm gương hoàn hảo về một đặc tính kiên định và bác ái như vậy.
(David A. Bednar, “The Character of Christ” [buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University–Idaho, ngày 25 tháng Một năm 2003], byui.edu)
Những phước lành nào có thể đến khi chúng ta phục vụ người khác khi mọi việc khó khăn đối với chúng ta?
Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn dạy:
Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải lưu ý đến sự hoạn nạn của người khác và cố gắng giúp đỡ. Điều đó sẽ đặc biệt khó khăn khi chúng ta đang bị thử thách nặng nề. Nhưng chúng ta sẽ nhận ra khi cất bỏ gánh nặng của người khác, dù chỉ một chút, là lưng của chúng ta được củng cố và chúng ta cảm nhận được ánh sáng trong bóng tối.
(Henry B. Eyring, “Được Thử Thách, Chứng Tỏ và Trui Rèn”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 98)