Giăng 2
Chúa Giê Su Biến Nước thành Rượu
Chúa Giê Su đã biến nước thành rượu tại một bữa tiệc cưới với phép lạ đầu tiên được ghi chép lại mà Ngài thực hiện trong sứ vụ trên thế gian của Ngài. Bài học này nhằm giúp em gia tăng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi em nghiên cứu phép lạ này và nhận ra những lẽ thật về quyền năng và thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Em tin cậy những người nào?
-
Liệu có khả thi để tin tưởng người nào đó đủ để cam kết làm bất cứ điều gì họ có thể yêu cầu em làm không?
-
Em sẽ phải biết gì về người đó để sẵn sàng cam kết như vậy?
Hãy suy ngẫm trong giây lát nếu em cảm thấy mình biết đủ rõ về Đấng Cứu Rỗi để tin cậy Ngài trong bất cứ điều gì Ngài yêu cầu ở em. Khi em học Giăng 2 , hãy tìm kiếm bằng chứng về quyền năng và thuộc tính của Ngài mà có thể làm gia tăng sự tin cậy của em nơi Ngài và sự sẵn lòng của em để tuân theo bất cứ điều gì Ngài yêu cầu ở em.
Phép lạ đầu tiên được ghi lại trong giáo vụ của Chúa Giê Su
Phép lạ đầu tiên được ghi lại trong giáo vụ trần thế của Chúa Giê Su có trong Giăng 2 . Trước khi em nghiên cứu câu chuyện này, có thể là hữu ích khi biết rằng rượu vang thường có chất lượng cao hơn khi nó được ủ lâu hơn và việc hết rượu sẽ khiến những người tổ chức bữa tiệc cưới lúng túng.
 
Đọc chậm và kỹ Giăng 2:1–11 , cân nhắc đánh dấu bất kỳ điều gì nổi bật đối với em. Khi học, em có thể suy ngẫm về câu trả lời cho những câu hỏi như sau: Em nghĩ Ma Ri biết gì về Con Trai của mình? Em nghĩ các tôi tớ đã biết được gì về Chúa Giê Su?
-
Em đã học được những lẽ thật nào về quyền năng của Đấng Cứu Rỗi và về thuộc tính của Ngài?
-
Em có thể nghĩ về những trường hợp mà việc biết những lẽ thật này có thể giúp ích cho người nào đó ngày nay không?
-
Việc biết những lẽ thật này về Chúa Giê Su Ky Tô đã ban phước cho cuộc sống của em như thế nào?
“Người biểu chi, hãy vâng theo cả”
Như trong nhiều trường hợp trong Kinh Tân Ước, Bản Dịch Joseph Smith về Giăng 2:4 giúp chúng ta có thêm sự hiểu biết sâu sắc về Đấng Cứu Rỗi. Bản dịch ghi rằng: Có đoạn Chúa Giê Su Ky Tô hỏi Ma Ri rằng việc gì Ma Ri muốn Ngài làm cho bà thì Ngài sẽ làm việc ấy; vì giờ của Ngài chưa đến.
-
Điều này dạy cho em điều gì về mối quan hệ của Đấng Cứu Rỗi với mẹ của Ngài?
Hãy cân nhắc đánh dấu những điều Ma Ri đã nói với các tôi tớ, như được ghi chép trong câu 5 .
-
Những lời chỉ dẫn của Ma Ri dành cho các tôi tớ dạy cho em điều gì về đức tin của bà nơi Chúa Giê Su?
Anh Cả L. Whitney Clayton thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã giải thích một số điều mà Ma Ri biết về Chúa Giê Su để củng cố đức tin của bà nơi Ngài. 
[Ma Ri] biết nhiều về [Chúa Giê Su Ky Tô] hơn bất cứ ai khác trên thế gian. Bà biết sự thật về sự giáng sinh kỳ diệu của Ngài. Bà biết rằng Ngài không có tội lỗi và Ngài “không nói chuyện như những người khác, cũng như Ngài không thể được giảng dạy; vì Ngài không cần bất cứ một người nào giảng dạy Ngài” [ Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 3:25 (trong Phụ Lục Bản Dịch Joseph Smith]. Ma Ri biết về khả năng phi thường của Ngài để giải quyết các vấn đề, kể cả một vấn đề cá nhân như cung cấp rượu cho một bữa tiệc cưới. Bà có sự tin tưởng vững chắc nơi Ngài và nơi quyền năng thiêng liêng của Ngài. Lời chỉ dẫn đơn giản, dễ hiểu của bà cho các tôi tớ không hề có sự quy định, không có điều kiện, không có giới hạn nào: “Người biểu chi, hãy vâng theo cả”.
(L. Whitney Clayton, “Người Biểu Chi, Hãy Vâng Theo Cả,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 97)
-
Ma Ri đã biết điều gì về Chúa Giê Su mà quan trọng cho chúng ta để biết về Ngài?
Hãy tưởng tượng rằng em là một trong những người tôi tớ đã nghe lời chỉ dẫn của Ma Ri. Đọc lại Giăng 2:6–8 , tìm kiếm những gì Chúa Giê Su yêu cầu các tôi tớ làm. Trước khi đọc, có thể hữu ích khi biết rằng “mấy cái ché này không được dùng để chứa nước uống mà được dùng để làm nghi thức rửa sạch” (L. Whitney Clayton, “Người Biểu Chi, Hãy Vâng Theo Cả,” trang 97).
-
Em có thể đã nghĩ hoặc cảm thấy gì khi đem ly rượu đến cho người tổ chức bữa tiệc?
-
Hôm nay Chúa Giê Su Ky Tô đã đưa ra một số hướng dẫn nào yêu cầu em phải tin cậy Ngài để tuân theo?
Trong Bản Dịch Joseph Smith về Giăng 2:11, chúng ta không chỉ biết rằng phép lạ này tiết lộ sự vinh quang của Đấng Cứu Rỗi mà còn là đức tin của các môn đồ của Ngài đã được củng cố nơi Ngài. Phép lạ không cải đạo con người, nhưng những người có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô được củng cố đức tin bởi những phép lạ đó.
Hãy dành vài phút để tìm kiếm và học hỏi từ những người khác trong thánh thư, những người, giống như Ma Ri, có đức tin lớn lao nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm lý do mà mỗi người trong số họ chọn tin tưởng và tuân theo bất cứ điều gì Chúa Giê Su nói. Ví dụ bao gồm Nê Phi ( 2 Nê Phi 4:34–35), Gia Cốp ( Gia Cốp 4:10) và anh của Gia Rết ( Ê The 3:9–12).
-
Em biết điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô mà soi dẫn em tuân theo để “người biểu chi, hãy vâng theo cả”? ( Giăng 2:5).
-
Tại sao một người nào đó có thể tin cậy Chúa Giê Su Ky Tô ngay cả khi những điều Ngài nói không hoàn toàn hợp lý đối với họ?
-
Em có thể làm gì để hiểu rõ hơn về Chúa Giê Su Ky Tô để đức tin của em nơi Ngài được gia tăng?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Uống rượu có trái với các lệnh truyền trong thời của Kinh Thánh không?
Trong Kinh Thánh có nhiều câu nói đến tệ nạn say rượu và uống rượu mạnh (ví dụ, xin xem Châm Ngôn 23:20–21 ; Ê Sai 5:11–12 ; Ê Phê Sô 5:18). Những câu này không đặc biệt cấm dùng rượu, nhưng lên án thói ăn chơi quá độ và say xỉn. Trong thời kỳ của chúng ta, Chúa đã mặc khải Lời Thông Sáng cấmdùng đồ uống có cồn [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 89:4–7 ]. Chúng ta nên tránh phán xét những người trong các gian kỳ trước theo các lệnh truyền mà Chúa đã ban cho chúng ta trong thời kỳ của chúng ta.
(Sách Học Kinh Tân Ước dành cho Học Viên [năm 2018], ChurchofJesusChrist.org)
Tại sao Chúa Giê Su gọi mẹ Ngài là “Đàn Bà”?
Anh Cả James E. Talmage (1862–1933) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích:
Danh từ xưng hô, “Đàn Bà”, mà một người con trai nói với mẹ của mình có thể nghe hơi chói tai, nếu không muốn nói là thiếu tôn trọng; nhưng việc sử dụng cách xưng hô này thực sự là một biểu hiện của ý nghĩa ngược lại. … Trong những cảnh kinh hoàng cuối cùng của kinh nghiệm trần thế của Ngài, khi Chúa Giê Su Ky Tô đau đớn hấp hối trên thập tự giá, Ngài nhìn xuống Ma Ri, mẹ Ngài, đang khóc, và giao phó bà cho Sứ Đồ Giăng yêu dấu chăm sóc, với những lời: “Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi!” [ Giăng 19:26 ]. Có thể nào nghĩ rằng trong thời khắc cuối cùng này, sự quan tâm của Chúa chúng ta dành cho người mẹ Ngài sắp phải chia lìa bởi cái chết có liên quan đến bất kỳ cảm xúc nào khác ngoài sự tôn kính, sự dịu dàng và tình yêu thương không?
(James E. Talmage, Jesus the Christ[năm 1916], trang 144–145).
Giăng 2:6.
Một lường là gì?
Một lường tầm khoảng chín gallon Mỹ (34 lít), vì vậy sáu cái ché có thể chứa khoảng 100 đến 160 gallon (khoảng 380 và 600 lít).
Giăng 2:5.
Tại sao điều quan trọng là làm “[Thượng Đế] biểu chi, hãy vâng theo cả”?
Anh Cả L. Whitney Clayton thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi dạy:
Khi chọn làm “theo mọi lời [Thượng Đế] đã phán dạy”, thì chúng ta nghiêm túc cam kết chỉnh đốn hành vi hằng ngày của mình theo ý muốn của Thượng Đế. Những hành động đơn giản như vậy trong đức tin như nghiên cứu thánh thư hằng ngày, nhịn ăn thường xuyên, và cầu nguyện với chủ ý thực sự làm gia tăng năng lực thuộc linh của chúng ta để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống trần thế. Qua thời gian, những thói quen đơn giản về niềm tin dẫn đến những kết quả kỳ diệu. Chúng biến đổi đức tin của chúng ta từ một điều nhỏ bé thành một điều đầy quyền năng tốt lành trong cuộc sống của chúng ta. …
… Khi chúng ta tin cậy và tuân theo Ngài, thì cuộc sống của chúng ta được biến đổi như nước biến thành rượu. Chúng ta có thể trở thành một con người tốt hơn và có giá trị hơn bao giờ hết. Hãy tin cậy nơi Chúa, và “Ngài biểu chi hãy vâng theo cả”.
(L. Whitney Clayton, “Người Biểu Chi, Hãy Vâng Theo Cả,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 97–99)