Joseph Smith—Ma Thi Ơ
Trông Chờ Ngày Chúa Giáng Lâm
Trong một cuộc trò chuyện riêng trên Núi Ô Li Ve, Chúa Giê Su Ky Tô đã trả lời câu hỏi của các môn đồ của Ngài về Ngày Tái Lâm của Ngài. Bài học này có thể giúp em hiểu những điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy về các điềm triệu về ngày Ngài đến và mong chờ ngày Ngài trở lại thế gian.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Hình Dung về ngày Chúa Giê Su Ky Tô giáng lâm
Hãy suy ngẫm về những điều em biết về Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô và những điềm triệu sẽ đến trước sự kiện đó. Hãy tưởng tượng ngày đó sẽ ra sao.
-
Em hình dung thấy điều gì khi nghĩ về Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Em có những cảm nghĩ nào khi nghĩ về ngày Đấng Cứu Rỗi hiện đến?
Khi em học hôm nay, hãy lắng nghe những thúc giục từ Đức Thánh Linh để giúp em biết mình có thể làm gì để mong chờ ngày Chúa Giê Su Ky Tô tái lâm.
Các điềm triệu trước Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô
Khi các môn đồ hỏi Đấng Cứu Rỗi: “Có điềm gì chỉ về sự hiện đến của Ngài?” ( Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:4), Ngài dạy cho họ về những sự kiện dẫn đến Ngày Tái Lâm của Ngài. Mặc dù không ai ngoại trừ Cha Thiên Thượng biết chính xác ngày hoặc giờ điều này sẽ xảy ra nhưng Chúa Giê Su đã giải thích tầm quan trọng của việc trông chờ các điềm triệu khác nhau mà Ngài đã ban cho (xin xem Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:40, 46).
Một chỗ trong thánh thư có nêu ra các điềm triệu về ngày Chúa hiện đến là trong Joseph Smith—Ma Thi Ơ . Đây là bản dịch của Joseph Smith, tức là bản hiệu đính, về Ma Thi Ơ 24 , có trong Trân Châu Vô Giá.
-
Một số điềm triệu em biết sẽ báo trước Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô là gì?
Để tìm một số điềm triệu mà Chúa đã mặc khải và một lý do Ngài mặc khải những điềm triệu này, hãy đọc Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:22–23, 28–36, 48 . Em cũng có thể xem “ Điềm Triệu về Những Thời Kỳ ” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, trên trang scriptures.ChurchofJesusChrist.org.
-
Điều gì nổi bật với em về các điềm triệu mà Đấng Cứu Rỗi đã ban cho về Ngày Tái Lâm của Ngài?
-
Chúng ta có thể học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô khi biết rằng Ngài đã mặc khải những điềm triệu này từ rất lâu trước Ngày Tái Lâm của Ngài?
-
Em cảm thấy như thế nào khi hình dung phúc âm được “rao giảng ra khắp thế gian ( Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:31) và Đấng Cứu Rỗi “ngự trên mây trời mà xuống, với đại quyền và đại vinh”? ( Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:36). Tại sao?
Chọn ít nhất một trong những cụm từ sau đây và cân nhắc đánh dấu cụm từ đó trong thánh thư. Khi em đánh dấu các từ, hãy suy ngẫm về sứ điệp của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm những điều mà những lời của Đấng Cứu Rỗi có thể dạy cho em về Ngài và mong muốn của Ngài đối với em.“Các ngươi hãy chú tâm, đừng bối rối” ( Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:23).“Người nào không bị chế ngự sẽ được cứu” ( Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:30).“Lời nói của ta chẳng bao giờ qua đi, mà trái lại tất cả đều sẽ được ứng nghiệm” ( Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:35).“Các ngươi cũng hãy sẵn sàng” ( Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:48).
-
Em nghĩ Đấng Cứu Rỗi muốn em có thái độ nào về sự hiện đến của Ngài?
-
Những lời nào của Chúa Giê Su Ky Tô giúp em yêu thương và tin cậy Ngài?
Trong suốt tuần này, em sẽ nghiên cứu thêm về Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô và cách em có thể sẵn sàng cho ngày đó.
Trông đợi sự trở lại của Chúa
Khi anh chị em đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, hãy hình dung những điều ông nói và nghĩ về thái độ của bản thân em về Ngày Tái Lâm.
Ý nghĩ về sự giáng lâm của Ngài làm cho lòng tôi phấn khởi. Điều đó sẽ thật là tuyệt vời! Phạm vi và vẻ hùng vĩ, sự bao la và lộng lẫy, sẽ vượt quá mọi ánh mắt của người trần thế từng nhìn thấy hay trải nghiệm.
Trong ngày đó … Ngài sẽ xuất hiện “giữa đám mây trên trời, khoác quyền năng và vinh quang lớn lao; cùng với tất cả các thiên sứ thánh” [ Giáo Lý và Giao Ước 45:44 ]. … Mặt trời và mặt trăng sẽ được biến đổi, và “các ngôi sao [sẽ] phải sa khỏi chỗ của mình” [ Giáo Lý và Giao Ước 133:49 ]. …
… Chúng ta sẽ quỳ xuống trong sự tôn kính, “và Chúa sẽ cất tiếng nói của Ngài, và tất cả các nơi tận cùng của trái đất đều sẽ nghe tiếng nói đó” [ Giáo Lý và Giao Ước 45:49 ]. …
Vào ngày đó, những người hoài nghi sẽ im lặng, “vì mọi tai đều nghe … , mọi đầu gối đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi đều phải thú tội” [ Giáo Lý và Giao Ước 88:104 ] rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian.
…Cầu xin cho chúng ta có thể chuẩn bị cho ngày tái lâm của Ngài bằng cách nghiên cứu đi nghiên cứu lại các sự kiện vinh quang này trong tâm trí của chúng ta cùng với những người chúng ta yêu thương.
(Neil L. Andersen, “Nước Cha Được Đến”, hoặc Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 122)
-
Em có những suy nghĩ hay cảm nghĩ gì khi hình dung những điều Anh Cả Andersen đã mô tả?
-
Bài học này đã ảnh hưởng như thế nào đến những suy nghĩ hoặc cảm nghĩ mà em đã có vào đầu buổi học về Ngày Tái Lâm?
-
Điều gì có thể giúp em hình dung sự hiện đến của Chúa như một sự kiện vinh quang?
-
Ai là người mà em có thể nói chuyện về Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:36–37 . Ngày đó sẽ như thế nào khi Đấng Cứu Rỗi tái lâm?
Vào một dịp khác, Anh Cả Neil L. Andersen đã chia sẻ suy ngẫm của mình về lúc mà Chúa Giê Su Ky Tô sẽ trở lại thế gian trong vinh quang:
Không có điều gì củng cố ước muốn của tôi để nói về Đấng Ky Tô [bằng] việc tưởng tượng sự tái lâm của Ngài. Tuy chúng ta không biết khi nào Ngài sẽ tái lâm nhưng những sự kiện của việc Ngài tái lâm sẽ rất ngoạn mục! Ngài sẽ tái lâm trong các đám mây trên trời trong sự uy nghi và vinh quang cùng với tất cả các thiên sứ thánh của Ngài. Không phải chỉ một vài thiên sứ mà tất cả các thiên sứ thánh của Ngài. Đây không phải là các thần Chê Ru Bin má hồng do Raphael vẽ ra và được thấy trên các tấm thiệp lễ Tình Nhân của chúng ta. Đây là các thiên sứ của hàng thế kỷ, các thiên sứ được gửi đến bịt miệng sư tử [xin xem Đa Ni Ên 6:22 ], để mở cửa nhà tù [xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 5:19 ], để loan báo sự giáng sinh được mong đợi đã lâu của Ngài, [xin xem Lu Ca 2:2–14 ], để an ủi Ngài trong vườn Ghết Sê Ma Nê [xin xem Lu Ca 22:42–43 ], để trấn an các sứ đồ của Ngài lúc Ngài thăng lên trời [xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 1:9–11 ] và để mở ra Sự Phục Hồi vinh quang của phúc âm.
Anh chị em có thể tưởng tượng được cất lên để gặp Ngài, dù ở bên này hay ở bên kia bức màn che, không? [xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 4:16–17 ; Giáo Lý và Giao Ước 88:96–98 ]. Đó là lời hứa của Ngài dành cho những người ngay chính. Kinh nghiệm tuyệt vời này sẽ mãi mãi ảnh hưởng mạnh mẽ lên linh hồn chúng ta.
(Neil L. Andersen, “Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 91)
Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung
Những câu chuyện ngụ ngôn về Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô
Giúp học viên tìm hiểu về mong muốn của Chúa để chúng ta chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài bằng cách nghiên cứu những câu chuyện ngụ ngôn ngắn mà Ngài đã dạy trong Joseph Smith—Ma Thi Ơ . Các phần tham khảo sau đây được trưng ra để cả lớp lựa chọn hoặc được chia đều cho các học viên. Nếu chỉ định các phần tham khảo, hãy lưu ý về độ dài hoặc độ phức tạp của mỗi câu chuyện ngụ ngôn. Sau khi học viên đọc, có thể yêu cầu các em giải thích những câu chuyện ngụ ngôn của mình cho một người bạn cùng nhóm hoặc trong các nhóm nhỏ. Cân nhắc sử dụng phần tham khảo và giải thích đầu tiên như một cách để minh họa bài tập này cho cả lớp.
Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ không xảy ra một cách bí mật. Giống như ánh sáng của mặt trời bao phủ khắp trái đất, mọi người đều sẽ biết. | |
Sau khi học viên chia sẻ, có thể là hữu ích để học viên tóm tắt sứ điệp của Chúa trong những câu chuyện ngụ ngôn này bằng cách trả lời một câu hỏi như sau: Dựa trên những điều các em đã học được từ những câu chuyện ngụ ngôn này, các em cảm thấy sứ điệp của Chúa cho các em về Ngày Tái Lâm của Ngài là gì?