Ma Thi Ơ 25:1–13
Chuyện Ngụ Ngôn về Mười Người Nữ Đồng Trinh
Gần cuối giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy các môn đồ của Ngài về tầm quan trọng của việc sẵn sàng cho Ngày Tái Lâm bằng cách kể chuyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh. Bài học này có thể giúp em hiểu và cảm thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị bản thân để gặp Chúa khi Ngài tái lâm.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Sẵn sàng hay chưa sẵn sàng?
Hãy nghĩ về lúc mà em không chuẩn bị cho một việc gì đó mà đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị.
-
Em đã cảm thấy như thế nào?
-
Có một số lý do nào khiến chúng ta chểnh mảng việc chuẩn bị cho những thứ nhất định?
Em hãy tự đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 10 (1 có nghĩa là không đồng ý; 10 có nghĩa là đồng ý) cho lời phát biểu sau đây:
Tôi cảm thấy đã chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Ma Thi Ơ 25:1–13 gồm có câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê Su Ky Tô về mười người nữ đồng trinh mà Ngài đã dạy để giúp những tín đồ của Ngài chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài. Khi em học, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để giúp em biết cách chuẩn bị và những cách có thể cải thiện. Hãy suy ngẫm những câu hỏi như “Tôi là ai trong câu chuyện ngụ ngôn này?”
Trước khi nghiên cứu câu chuyện ngụ ngôn, điều quan trọng là phải hiểu phong tục đám cưới của người Do Thái trong thời kỳ của Đấng Cứu Rỗi. Chàng rể cùng với những người bạn thân của mình sẽ đến nhà cô dâu vào ban đêm để làm lễ cưới. Sau nghi lễ, những người tham dự lễ cưới sẽ đi đến nhà trai để ăn tiệc. Khách dự đám cưới tham gia đám rước, bao gồm cả những người nữ đồng trinh hoặc phù dâu, phải mang theo đèn hoặc đuốc của riêng họ để cho biết họ là một phần của tiệc cưới và để tăng thêm ánh sáng và vẻ đẹp cho sự kiện này.
Hãy đọc Ma Thi Ơ 25:1–4 và lập bản liệt kê các yếu tố quan trọng trong câu chuyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi, chẳng hạn như người hoặc đồ vật. Bên cạnh mỗi yếu tố, hãy viết ra người nào hoặc điều gì mà yếu tố đó tượng trưng.
Sự mặc khải ở thời hiện đại và những lời giảng dạy của vị tiên tri có thể giúp em hiểu những ý nghĩa tượng trưng trong câu chuyện ngụ ngôn.
-
Chàng rể tượng trưng cho Đấng Cứu Rỗi và sự xuất hiện của chàng rể tượng trưng cho Ngày Tái Lâm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 33:17 ; 88:92 ; 133:10).
-
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy: “Hiển nhiên, mười người nữ đồng trinh này tượng trưng cho các tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô, vì tất cả đều được mời đến dự tiệc cưới và tất cả đều biết những điều kiện để được cho vào khi chú rể đến” (Dallin H. Oaks, “Preparation for the Second Coming”, Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 8).
-
Những cây đèn có thể tượng trưng cho chứng ngôn của chúng ta (xin xem David A. Bednar, “Được Cải Đạo theo Chúa”, Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 109). Hãy lưu ý rằng cả mười người nữ đồng trinh đều có đèn.
-
Dầu có thể tượng trưng cho sự cải đạo của chúng ta theo Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem David A. Bednar, “Được Cải Đạo theo Chúa”, Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 109). Điều này có thể bao gồm những nỗ lực của chúng ta để tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và sống vâng lời theo Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 45:56–58).  
-
Ý nghĩa biểu tượng nào trong số những ý nghĩa này là quan trọng nhất đối với em và tại sao?
-
Em sẽ giải thích bằng lời của mình như thế nào về sự khác biệt giữa những người nữ đồng trinh dại và những người nữ đồng trinh khôn?
-
Một số ví dụ về những việc chúng ta có thể làm để đổ dầu mang tính tượng trưng vào đèn của chúng ta là gì?
Hãy đọc phần còn lại của câu chuyện ngụ ngôn trong Ma Thi Ơ 25:5–13 . Khi em đọc, hãy tưởng tượng rằng mình là một trong những người nữ đồng trinh. Em có thể nghe những lời kể thánh thư trên trang ChurchofJesusChrist.org hoặc ứng dụng Thư Viện Phúc Âm.
Trong Ma Thi Ơ 25:12 , hãy để ý phản ứng của chàng rể đối với những người nữ đồng trinh dại cố gắng vào tiệc cưới dù muộn và không mang theo số dầu cần có. Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 25:11 làm sáng tỏ rằng chàng rể đã nói: “Ta không biết các ngươi đâu”.
-
Hãy nhớ dầu tượng trưng cho điều gì, tại sao dầu lại là yếu tố cần thiết để thực sự biết Đấng Cứu Rỗi và sẵn sàng gặp Ngài?
-
Tại sao các nữ đồng trinh khôn không chỉ đơn thuần đưa dầu cho các nữ đồng trinh dại?
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Một mục tiêu quan trọng của cuộc sống trần thế không phải chỉ là học hỏi về Con Trai Độc Sinh của Đức Chúa Cha mà còn cố gắng để biết Ngài nữa. … Chúng ta tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta cố gắng hết sức mình để đi nơi Ngài muốn chúng ta đi, khi chúng ta cố gắng nói điều Ngài muốn chúng ta nói, và khi chúng ta trở thành con người mà Ngài muốn chúng ta trở thành.
(David A. Bednar, “Ví Bằng Các Ngươi Biết Ta”, Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 103, 104)
Cân nhắc ghi lại lẽ thật sau đây: Tôi có thể biết về Đấng Cứu Rỗi và chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài bằng cách nỗ lực noi theo tấm gương của Ngài về lối sống ngay chính.Hãy dành ra một vài phút để viết một phiên bản thời hiện đại của câu chuyện ngụ ngôn này. Những người nữ đồng trinh khôn sẽ sống như thế nào ngày nay? Làm thế nào em có thể nói rằng họ biết Chúa và được cải đạo theo Ngài? Những người nữ đồng trinh dại sẽ sống như thế nào? Vì một số lý do nào mà họ chần chừ để biết về Chúa?
-
Theo em, tại sao việc biết về Đấng Cứu Rỗi và sẵn sàng gặp Ngài khi Ngài tái lâm là điều đáng để nỗ lực?
-
Làm thế nào mà việc cố gắng sống giống như Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta hiểu rõ về Ngài hơn?
-
Những kinh nghiệm và hành động ngay chính nào đã giúp em nhiều nhất để biết về Chúa Giê Su Ky Tô?
Vẽ một chiếc đèn đơn giản trong nhật ký ghi chép việc học tập. Tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh để biết ví dụ về những điều em đã làm để biết về Đấng Cứu Rỗi và những cách em có thể chuẩn bị cho sự tái lâm của Ngài. Cân nhắc viết những điều này bên trong cây đèn để tượng trưng cho dầu của em. Ngoài ra, hãy tìm kiếm sự soi dẫn để biết những điều Chúa có thể phán em làm bây giờ để biết về Ngài rõ hơn và chuẩn bị nhiều hơn cho sự tái lâm của Ngài. Viết một hoặc hai điều trong số những điều này bên ngoài đèn, tượng trưng cho dầu mà các em vẫn cần có được.
Tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa khi em cố gắng biết rõ về Ngài nhiều hơn và chuẩn bị để gặp Ngài.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Ma Thi Ơ 25:6 . Chàng rể đến vào lúc nửa đêm có ý nghĩa gì?
Hầu hết các lễ cưới của người Do Thái diễn ra vào buổi tối. Một số đoạn thánh thư đề cập đến việc Đấng Cứu Rỗi tái lâm như kẻ trộm trong đêm (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Lu Ca 12:44 [trong phụ lục Sách Hướng Dẫn Thánh Thư]; 1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:2 ; 2 Phi E Rơ 3:10 ; Giáo Lý và Giao Ước 45:19 ; 106:4). Việc chàng rể đến vào lúc nửa đêm có thể gợi ý giờ tái lâm bất ngờ của Đấng Cứu Rỗi. Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) đã giải thích:
Những người nữ đồng trinh dại không chống đối việc mua dầu. Họ biết họ nên có dầu. Họ chỉ đơn thuần là trì hoãn, không biết khi nào chàng rể mới đến. … Nửa đêm là quá muộn cho những ai đã trì hoãn.
(Spencer W. Kimball, Faith Precedes the Miracle [năm 1972], trang 256)
Nếu ngày giáng lâm của Ngài là vào ngày mai thì sao?
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy như sau:
Nếu chúng ta biết rằng mình sẽ gặp Chúa ngày mai—qua việc chúng ta chết sớm hoặc qua việc Ngài đến bất ngờ—thì chúng ta sẽ làm gì hôm nay? Chúng ta sẽ đưa ra những lời thú tội nào? Chúng ta sẽ ngừng làm những điều gì? Chúng ta sẽ giải quyết các mối bất đồng hoặc các vấn đề nào trong các quan hệ của mình? Chúng ta sẽ có sự tha thứ nào? Chúng ta sẽ chia sẻ chứng ngôn nào?
Nếu chúng ta sẽ làm những việc đó vào lúc ấy, thì tại sao không làm bây giờ? Tại sao không tìm kiếm sự bình an trong khi còn có thể có được bình an? Nếu chưa chuẩn bị, thì chúng ta hãy bắt đầu ngay lập tức để chuẩn bị một cách thích hợp.
(Dallin H. Oaks, “Preparation for the Second Coming”, Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 9)
Tại sao những người nữ đồng trinh khôn không sẵn lòng chia sẻ dầu của họ?
Nói về những người nữ đồng trinh khôn không chia sẻ dầu của họ với những người nữ đồng trinh dại, Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) đã dạy:
Đây không phải là sự ích kỷ hay không tử tế. Loại dầu cần để soi đường và chiếu sáng trong bóng tối thì không thể dùng chung được. Làm thế nào một người có thể chia sẻ sự vâng lời theo nguyên tắc của luật thập phân … ? … Làm thế nào một người có thể chia sẻ thái độ hoặc sự trinh khiết, hoặc kinh nghiệm của một công việc truyền giáo? Làm thế nào một người có thể chia sẻ các đặc ân của đền thờ? Mỗi người phải có được loại dầu đó cho chính mình. …
Trong cuộc sống của chúng ta, dầu của sự chuẩn bị được tích lũy từng giọt một từ việc sống ngay chính. … Mỗi hành động cho thấy sự cống hiến và sự vâng lời là một giọt thêm vào bình của chúng ta.
(Spencer W. Kimball, Faith Precedes the Miracle [năm 1972], trang 255–256)