Lớp Giáo Lý
Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1; Ma Thi Ơ 25; Mác 12–13; Lu Ca 21


Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1; Ma Thi Ơ 25; Mác 12–13; Lu Ca 21

Khái Quát

Trong một cuộc trò chuyện riêng trên Núi Ô Li Ve, Chúa Giê Su Ky Tô đã trả lời câu hỏi của các môn đồ về Ngày Tái Lâm của Ngài. Ngài truyền lệnh cho họ “đừng bối rối” (Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:23). Ngài cũng dạy cách chuẩn bị cho sự tái lâm của Ngài, chia sẻ các câu chuyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh, các ta lâng, chiên và dê. Tuần này có phần ôn lại các đoạn thông thạo giáo lý để giúp em hiểu và giải thích những lẽ thật có trong các đoạn thông thạo giáo lý đó.

Chuẩn Bị Giảng Dạy

Thông tin sau đây cung cấp cho giảng viên ý tưởng về những điều có thể cần được chuẩn bị trước cho mỗi bài học.

Joseph Smith—Ma Thi Ơ

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên hiểu những điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy về các điềm triệu của sự giáng lâm của Ngài và mong chờ ngày Ngài trở lại thế gian.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên đọc Joseph SmithMa Thi Ơ 1:22–55 và suy ngẫm về những suy nghĩ và cảm nghĩ của họ về Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

  • Những tài liệu: Một bức tranh nhỏ về Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô để tặng cho mỗi học viên, nếu có thể

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Cân nhắc cho học viên một phút để viết trên một tờ giấy càng nhiều từ hoặc cụm từ mà các em có thể nghĩ ra để trả lời hai câu hỏi đầu tiên của bài học. Mời một vài trong số các học viên chia sẻ một trong những từ hoặc cụm từ của các em và giải thích lý do tại sao các em viết những từ hoặc cụm từ đó.

Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:21–37; Lu Ca 21:25–36

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên tránh bị lừa gạt và vượt qua nỗi sợ hãi liên quan đến các sự kiện của những ngày sau cùng.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên đánh giá xem các mục tiêu học thánh thư đã giúp các em như thế nào. Học viên cũng có thể đánh giá xem các em có gặp khó khăn gì để tuân giữ mục tiêu của mình và cách các em muốn cải thiện.

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Cân nhắc trưng ra các phần tham khảo thánh thư từ Lu Ca 21 và những lời phát biểu tương ứng trên một slide. Đọc to một phần tham khảo, hỏi lời phát biểu nào tóm tắt câu đó hay nhất và mời học viên trả lời trong tính năng trò chuyện với a, b, hoặc c.

Ma Thi Ơ 25:1–13

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên hiểu và cảm thấy tầm quan trọng của việc tự chuẩn bị để gặp Chúa khi Ngài tái lâm.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên tự đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 10 (1 có nghĩa là không đồng ý; 10 có nghĩa là đồng ý) cho lời phát biểu sau đây: “Tôi cảm thấy đã chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.” Mời học viên suy ngẫm tại sao các em lại đánh giá bản thân như vậy.

  • Giấy phát tay: Giấy phát tay có hình các cây đèn

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Sau khi học viên đã viết phiên bản thời hiện đại của câu chuyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh, hãy cân nhắc yêu cầu một học viên chọn câu chuyện ngụ ngôn nào mà các em muốn lắng nghe. Hoặc, nếu muốn, các em có thể chỉ cần dùng con trỏ chỉ lên, chỉ xuống, sang trái hoặc sang phải và người hiển thị ở vị trí đó trên máy tính của giảng viên sẽ được yêu cầu chia sẻ. (Lưu ý: các học viên không nhất thiết phải hiển thị theo cùng một thứ tự trên tất cả các máy tính.) Nếu muốn, sinh hoạt này có thể được lặp lại.

Ma Thi Ơ 25:14–46

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên nhận ra các lẽ thật trong câu chuyện ngụ ngôn về các ta lâng và câu chuyện ngụ ngôn về chiên và dê. Điều này cũng có thể giúp học viên chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên đọc câu chuyện ngụ ngôn về các ta lâng (xin xem Ma Thi Ơ 25:14–30) hoặc câu chuyện ngụ ngôn về chiên và dê (xin xem Ma Thi Ơ 25:31–46) và chuẩn bị chia sẻ những bài học mà các em đã học được từ việc nghiên cứu của mình.

  • Giấy phát tay: Giấy phát tay về câu chuyện ngụ ngôn về các ta lâng và câu chuyện ngụ ngôn về chiên và dê

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Cân nhắc chia học viên thành các nhóm bằng cách sử dụng các phòng họp nhỏ để nghiên cứu hai câu chuyện ngụ ngôn. Sau đó, cả lớp cùng trở lại để thảo luận về hai câu chuyện ngụ ngôn này. Nếu công nghệ cho phép, hãy cố gắng vào các nhóm khác nhau để khuyến khích và hướng dẫn các em.

Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý 9

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên hiểu rõ hơn về những lẽ thật có trong các đoạn thông thạo giáo lý. Việc này cũng có thể giúp học viên luyện tập giải thích những lẽ thật này cho người khác.

Xin lưu ý: Có thể cần dạy bài học về đoạn thông thạo giáo lý thay cho bài học ôn tập này. Hãy tham khảo thời khóa biểu do giám đốc hoặc điều phối viên giáo vùng hay khu vực cung cấp để đảm bảo rằng mỗi bài học về đoạn thông thạo giáo lý sẽ được giảng dạy trong khi tổ chức lớp giáo lý.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên chọn một đoạn thông thạo giáo lý mà các em đã học gần đây và giải thích đoạn này cho người nào đó.

  • Tài liệu: Sinh hoạt ghép nối thông thạo giáo lý để trưng ra trên bảng

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Trước khi đến lớp, hãy cân nhắc mời bốn học viên đóng diễn những người bạn trong sinh hoạt giải thích. Yêu cầu các em thay phiên nhau hỏi ý nghĩa của các đoạn thông thạo giáo lý và để cho các học viên trong lớp trả lời.

In