Lu Ca 1:39–79
Hân Hoan và Ngợi Khen Thượng Đế
Trong khi mang thai Chúa Giê Su, Ma Ri đến thăm chị họ là Ê Li Sa Bét và hân hoan với bà về lòng nhân từ của Thượng Đế. Bài học này sẽ cho các em cơ hội nhận ra lòng nhân từ của Thượng Đế và dâng lời ngợi khen của các em về điều đó.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
-
Các em nghĩ tại sao chúng ta hát những bài thánh ca về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong khi thờ phượng Hai Ngài?
-
Có bài thánh ca hoặc một dòng từ bài thánh ca nào nhấn mạnh lòng nhân từ của Hai Ngài không?
Hãy dành một phút để suy ngẫm về cảm nghĩ của các em về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Suy ngẫm về những lý do mà các em có để ngợi khen Hai Ngài và đã biết bao lần các em bày tỏ cảm nghĩ của mình về Hai Ngài theo một cách nào đó.
Trong bài học này, các em sẽ có cơ hội để suy ngẫm thêm về lý do tại sao và làm thế nào các em có thể ngợi khen Thượng Đế và hân hoan về cuộc sống và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô.
Ma Ri và Ê Li Sa Bét cùng nhau hân hoan vì lòng nhân từ của Thượng Đế
Trong khi Ma Ri mang thai Chúa Giê Su, bà đến thăm Ê Li Sa Bét, người chị họ lớn tuổi của bà là người mà việc mang thai cũng là một điều kỳ diệu. Khi Ma Ri đến thì em bé của Ê Li Sa Bét, người sẽ là Giăng Báp Tít “ở trong lòng [của Ê Li Sa Bét] liền nhảy mừng” ( Lu Ca 1:44). Việc này mở ra cuộc trò chuyện giữa Ma Ri và Ê Li Sa Bét, trong đó Ma Ri hân hoan và ngợi khen Thượng Đế.
Đọc Lu Ca 1:46–55 . Khi các em nghiên cứu những lời của Ma Ri, hãy tạm dừng và suy ngẫm về ý nghĩa của các từ hoặc cụm từ cụ thể. Việc dừng lại và suy ngẫm có thể mời sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh để giúp các em hiểu thánh thư sâu sắc hơn. Ví dụ, các em có thể dừng lại ở từ “hèn hạ” hoặc “tôi tớ” trong câu 48 . Những từ này có thể cung cấp hiểu biết sâu sắc về sự khiêm nhường và tôn kính của Ma Ri nơi Thượng Đế. Những từ trong câu này có thể giúp các em thấy rằng Thượng Đế biết và yêu thương con cái Ngài bất kể hoàn cảnh của họ. Nếu hữu ích, hãy cân nhắc tra nghĩa của những từ các em không hiểu bằng từ điển hoặc Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, có trên trang ChurchofJesusChrist.org.
-
Các em dừng lại để suy ngẫm về những từ nào? Các em đã học được điều gì?
-
Có từ hoặc cụm từ nào các em vẫn còn có câu hỏi?
-
Các em học được các lẽ thật nào về lời chứng của Ma Ri?
Chúng ta có thể hân hoan trước lòng nhân từ của Thượng Đế
Một lẽ thật mà chúng ta có thể học hỏi được từ kinh nghiệm của Ma Ri là khi suy ngẫm về ảnh hưởng của Thượng Đế trong cuộc sống của mình, chúng ta có thể hân hoan.
-
Các em nghĩ tại sao việc nhận ra các phước lành của Thượng Đế trong cuộc sống của mình có thể giúp các em cảm thấy vui mừng?
Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ việc ghi nhớ lòng nhân từ của Thượng Đế đã ban phước cho ông như thế nào.
Khi tôi suy ngẫm về những ân tứ từ Cha Thiên Thượng của chúng ta và từ Chúa Giê Su Ky Tô, tôi dần biết được tình yêu thương vô hạn của Hai Ngài và lòng trắc ẩn không thể hiểu thấu nổi của Hai Ngài dành cho tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng [xin xem 2 Nê Phi 26:33 ]. Sự hiểu biết này đã thay đổi tôi, và nó cũng sẽ thay đổi các em.
(Dale G. Renlund, “Suy Ngẫm về Lòng Nhân Từ và Sự Vĩ Đại của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 44)
Hoàn thành các bước sau đây để giúp các em nhận ra những phước lành của Cha Thiên Thượng và ngợi khen Ngài vì lòng nhân từ của Ngài.
Bước 1:
Hãy suy ngẫm về câu trả lời của các em cho các câu hỏi sau đây.
-
Một số phước lành từ Cha Thiên Thượng mà các em biết ơn nhất là gì?
-
Những phước lành này giúp các em hiểu gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Các em đã cảm thấy hân hoan vì nhận ra những phước lành của Thượng Đế dành cho các em hoặc một người nào đó mà các em biết là khi nào?
-
Câu chuyện hoặc câu thánh thư nào giúp các em muốn ngợi khen Thượng Đế?
Bước 2:Chọn cách các em sẽ ngợi khen Thượng Đế. Sau đây là một số ý tưởng các em có thể chọn:
-
Viết một bài thơ hoặc bài hát.
-
Vẽ tranh.
-
Dâng một lời cầu nguyện biết ơn.
-
Chia sẻ chứng ngôn với một người nào đó.
-
Viết vào nhật ký cá nhân.
-
Chia sẻ cảm nghĩ của các em về Thượng Đế trên phương tiện truyền thông xã hội.
Các em cũng có thể đưa ra ý tưởng của riêng mình. Sau khi các em đã lựa chọn, hãy bắt đầu hành động. Nếu không thể bắt đầu ngay bây giờ thì hãy viết ra một kế hoạch chi tiết về những điều các em sẽ làm. Ví dụ, nếu các em muốn dâng một lời cầu nguyện về lòng biết ơn, các em có thể viết ra thời gian và địa điểm các em sẽ cầu nguyện và những điều các em có thể bày tỏ lòng biết ơn. Các em có thể chia sẻ những ý tưởng của mình với cha mẹ hoặc vị lãnh đạo Giáo Hội là những người có thể nhắc các em thực hiện kế hoạch của mình.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Lu Ca 1:46–55 . Tại sao Ma Ri ngợi khen Chúa?
Các câu từ 46 đến 55 trong Lu Ca 1 theo truyền thống được gọi là Bài Hát của Ma Ri. Những lời ca ngợi này liên quan đến sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô với quá khứ thiêng liêng của dân Y Sơ Ra Ên. Những lời này ca ngợi lòng thương xót của Chúa khi một lần nữa tìm đến để ban phước và tôn vinh dân Ngài—đặc biệt là những người “khiêm nhường” ( Lu Ca 1:52).
Lu Ca 1:53 . Chúa làm cho “kẻ đói được đầy thức ngon” như thế nào?
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy về lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để đến cùng Ngài và được no đủ:
Sáng nay, tôi cầu nguyện cho tất cả những ai đang đói khát và đôi khi đi lang thang, sẽ nghe được lời mời gọi này từ Ngài, Đấng là Bánh Sự Sống, Suối Nước Hằng Sống, Đấng Chăn Hiền Lành của tất cả chúng ta, Vị Nam Tử của Thượng Đế: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ, … thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” [ Ma Thi Ơ 11:28–29 ]. Quả thật, Ngài làm cho “kẻ đói được đầy thức ngon”, như Ma Ri, mẹ của Ngài đã làm chứng [ Lu Ca 1:53 ]. Hãy đến, và dự tiệc tại bàn của Chúa trong giáo hội mà tôi làm chứng là Giáo Hội sinh động và chân chính của Ngài, được dẫn dắt bởi một vị tiên tri tại thế chân chính.
(Jeffrey R. Holland, “He Hath Filled the Hungry with Good Things”, Ensign, tháng Mười Một năm 1997, trang 66)
Điều gì có thể xảy ra khi chúng ta nhớ đến lòng nhân từ của Thượng Đế?
Anh Cả Dean M. Davies thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy những điều sau đây về những điều sẽ xảy ra khi chúng ta nhận ra cách Chúa đang ban phước cho chúng ta:
Mỗi ngày, nhưng đặc biệt là vào ngày Sa Bát, chúng ta có cơ hội phi thường để cảm nhận điều kỳ diệu và kính phục của thiên thượng và dâng những lời khen ngợi của chúng ta lên Thượng Đế vì lòng nhân từ đầy ơn phước và lòng thương xót tràn ngập của Ngài. …
Khi chúng ta thờ phượng, tâm hồn của chúng ta được tràn đầy lời ngợi khen Thượng Đế đầy ơn phước của chúng ta cả ngày lẫn đêm.
Chúng ta liên tục thánh hóa và tôn vinh Ngài—trong các nhà hội, nhà cửa, đền thờ, và tất cả các công việc của mình.
Khi thờ phượng, chúng ta mở rộng tấm lòng của mình cho quyền năng chữa lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Cuộc sống của chúng ta trở thành dấu hiệu và biểu hiện về sự thờ phượng của chúng ta.
(Dean M. Davies, “Các Phước Lành của Sự Thờ Phượng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 94–95)