Lu Ca 17:11–19
“Đức Tin Ngươi Đã Cứu Ngươi”
Khi đi từ Ga Li Lê đến Giê Ru Sa Lem, Chúa Giê Su đã chữa lành mười người bị bệnh phong. Chỉ có một người trong số những người được chữa lành đã trở lại để cảm ơn Chúa Giê Su. Bài học này có thể giúp em cảm nhận và bày tỏ lòng biết ơn đối với Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và những người khác.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Cảm nghĩ hiện tại của em về lòng biết ơn
Sử dụng các từ “thường”, “đôi khi” hoặc “không bao giờ”, hãy đánh giá bản thân em trong những lời phát biểu sau:
-
Tôi cảm thấy biết ơn Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô và những người khác.
-
Tôi bày tỏ cảm nghĩ biết ơn của tôi.
-
Việc bày tỏ lòng biết ơn có tác động tích cực trong cuộc sống của tôi.
Khi em tiếp tục việc học tập của mình, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để giúp em biết việc bày tỏ lòng biết ơn có thể ban phước cho cuộc sống của mình như thế nào.
Bệnh phong
-
Em biết gì về căn bệnh phong?
Bệnh phong, ngày xưa phổ biến hơn ngày nay, là một bệnh ngoài da có thể dẫn đến biến dạng cơ thể và tử vong. Vào thời Kinh Thánh, những người mắc bệnh phong bị tách biệt khỏi phần còn lại của xã hội và được yêu cầu phải kêu “Ô uế!” để cảnh báo bất kỳ ai đến gần họ (xem Bible Dictionary, “ Leper ,” “ Leprosy ”).
-
Những cảm nghĩ và kinh nghiệm hàng ngày của một người bị bệnh phong vào thời Kinh Thánh có thể là gì?
-
Một số lý do tại sao giới trẻ có thể trải qua những cảm giác tương tự trong thời của chúng ta là gì?
Hãy đọc Lu Ca 17:11–14 , hình dung kỹ những điều em đã đọc. Việc đọc kỹ, chú ý đến các chi tiết và hình dung những điều em đã đọc có thể dẫn đến những kinh nghiệm có ý nghĩa hơn khi học thánh thư.Sau khi đọc những câu này, hãy cố gắng trả lời càng nhiều trong số năm câu hỏi tiếp theo về các chi tiết trong Lu Ca 17:11–14 càng tốt mà không cần tham khảo thánh thư.
Hãy đọc kỹ, chú ý đến chi tiết
-
Những người bị bệnh phong lại gần Đấng Cứu Rỗi đến mức nào?
-
Những người bị bệnh phong đã hỏi xin Đấng Cứu Rỗi điều gì?
-
Đấng Cứu Rỗi đã nói gì với họ?
-
Có bao nhiêu người trong số những người bị bệnh phong có đức tin để làm điều mà Đấng Cứu Rỗi đã yêu cầu?
-
Những người bị bệnh phong đã làm gì khi họ được chữa lành?
Hãy hình dung những điều em đọc
Hãy tưởng tượng em là một trong những người bị bệnh phong đã được tẩy sạch.
-
Việc được chữa lành khỏi bệnh phong có thể sẽ như thế nào? Em sẽ cảm thấy ra sao?
-
Em nghĩ tại sao sự chữa lành trong câu chuyện này đã xảy ra “trong khi họ đi”? ( câu 14).
-
Em nghĩ mình sẽ làm gì khi nhận ra rằng Đấng Cứu Rỗi đã chữa lành cho mình?
Hãy đọc kỹ Lu Ca 17:15–19 , tiếp tục tập hình dung những điều em đã đọc và tìm kiếm các chi tiết quan trọng.
-
Chi tiết nào trong những câu này có vẻ quan trọng nhất đối với em?
-
Em đã học được gì về việc bày tỏ lòng biết ơn và những phước lành mà điều đó có thể mang lại?
-
Chúng ta học được gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ phản ứng của Ngài với người trở lại?
Cha Thiên Thượng yêu thương ban phước cho chúng ta và làm như vậy theo nhiều cách. Ngài cũng đã phái Đấng Cứu Rỗi là Chúa Giê Su Ky Tô và ban phước cho con cái Ngài qua Đấng Cứu Rỗi. Một lẽ thật mà chúng ta học được từ câu chuyện này là khi bày tỏ lòng biết ơn đối với những phước lành mà chúng ta tiếp nhận từ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được trọn lành.
Có thể là hữu ích khi biết rằng nếu những người bị bệnh phong đã từng được chữa khỏi bệnh phong thì theo luật pháp Môi Se, họ phải trình diện với thầy tư tế để được tuyên bố là thanh sạch và trở về với gia đình và bạn bè của họ (xin xem Lê Vi Ký 14). Chúng ta không biết lý do tại sao mỗi người trong số chín người đàn ông còn lại không quay lại để tạ ơn. Họ bày tỏ đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, vâng lời và được chữa lành, nhưng Đấng Cứu Rỗi nói với người trở lại và tạ ơn, là một người Sa Ma Ri, rằng đức tin của anh ta đã “cứu [làm cho trọn vẹn]” anh ta ( Lu Ca 17:19).
-
Sự khác biệt giữa việc được chữa lành bệnh phong và được trọn lành là gì?
-
Em học được gì từ câu chuyện này mà có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của em với Đấng Cứu Rỗi?
-
Việc đọc kỹ, chú ý đến các chi tiết và hình dung những câu này đã ảnh hưởng đến kinh nghiệm học tập của em như thế nào?
Hãy đọc những lời phát biểu sau đây của vị tiên tri, suy ngẫm xem những lời giảng dạy về lòng biết ơn này áp dụng như thế nào đối với một người bị bệnh phong và cuộc sống của riêng em.Chủ Tịch Thomas S. Monson dạy:
Việc chân thành tạ ơn không những giúp chúng ta nhìn nhận các phước lành của mình mà còn mở cánh cửa thiên thượng và giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế.
(Thomas S. Monson, “Ân Tứ Thiêng Liêng về Lòng Biết Ơn”, Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 87)
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhấn mạnh giá trị của việc cảm thấy biết ơn Chúa. Hãy đọc nội dung bên dưới.
Sau hơn chín thập kỷ rưỡi cuộc đời, tôi đã kết luận rằng việc đếm những phước lành của chúng ta thì tốt hơn nhiều so với việc kể lại những vấn đề của chúng ta. Bất kể hoàn cảnh của chúng ta là gì đi nữa, việc bày tỏ lòng biết ơn đối với những đặc ân của chúng ta là một liều thuốc thuộc linh có tác dụng nhanh chóng và lâu dài.
Lòng biết ơn có giải thoát chúng ta khỏi sầu muộn, buồn bã, ưu phiền và đau đớn không? Không, nhưng nó xoa dịu cảm xúc của chúng ta. Nó cung cấp cho chúng ta một quan điểm lớn lao hơn về mục đích và niềm vui của cuộc sống.
(“President Russell M. Nelson on the Healing Power of Gratitude”, ChurchofJesusChrist.org)
Để giúp nhận ra và cải thiện cách thể hiện lòng biết ơn của em đối với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, hãy chép biểu đồ sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập của em.
Những phước lành mà tôi đã nhận được từ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô: |
Các cách tôi có thể bày tỏ lòng biết ơn đối với những phước lành này: |
Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã ban phước cho em theo những cách riêng và có ý nghĩa. Hãy suy nghĩ kỹ về những phước lành này và viết các phước lành đó vào cột đầu tiên. Có thể là hữu ích để dâng lên một lời cầu nguyện thầm cầu xin Cha Thiên Thượng giúp em nhận ra nhiều cách mà Ngài đã ban phước cho em. Sau đó, trong cột thứ hai, hãy viết một vài cách mà em có thể bày tỏ lòng biết ơn đối với những phước lành này. Những câu sau đây có thể giúp em nảy sinh ý tưởng: Mô Si A 2:20–22 ; Ma Thi Ơ 25:40 ; Phi Líp 1:1–3 ; 1 Sử Ký 16:29 .
-
Việc dành thời gian suy ngẫm về những phước lành này đã ảnh hưởng như thế nào đến cá nhân em?
-
Khi xem xét bản liệt kê các cách bày tỏ lòng biết ơn, em muốn cải thiện hoặc bắt đầu thực hiện cụ thể là cách nào? Tại sao? Em có thể bắt đầu như thế nào?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Lu Ca 17:14. Việc người bị bệnh phong quay trở lại là người Sa Ma Ri có quan trọng không?
Người Sa Ma Ri là những người sống ở Sa Ma Ri có “tôn giáo là một sự hỗn hợp tín ngưỡng và thực hành của người Do Thái và người tà giáo” (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “ Sa Ma Ri, Người ”). Họ thường bị hầu hết người Do Thái khinh thường. Hãy suy ngẫm về lý do tại sao Lu Ca đề cập rằng người bị bệnh phong biết ơn là người Sa Ma Ri. Chi tiết này bổ sung gì cho sự hiểu biết của em về câu chuyện này? Điều này dạy cho em điều gì về Đấng Cứu Rỗi?
Lòng biết ơn khác với nói lời cảm ơn như thế nào?
Chủ Tịch David O. McKay đã dạy về lòng biết ơn và sự cám ơn:
Lòng biết ơn thì sâu sắc hơn lời cám ơn. Lời cám ơn là khởi đầu của lòng biết ơn. Lòng biết ơn là sự toàn vẹn của lời cảm ơn. Sự cám ơn có thể chỉ bao gồm từ ngữ. Lòng biết ơn được thể hiện bằng hành động.
(David O. McKay, “The Meaning of Thanksgiving,” Improvement Era, tháng Mười Một năm 1964, trang 914)
Lòng biết ơn có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của tôi?
Các video sau đây minh họa tác động của lòng biết ơn.