Giăng 11:1–46, Phần 2
Chúa Giê Su Làm cho La Xa Rơ Sống Lại từ Cõi Chết
Trong bài học trước, em đã nhận ra các nguyên tắc từ câu chuyện về Đấng Cứu Rỗi làm cho La Xa Rơ sống lại từ cõi chết. Bài học này sẽ mang đến cho em cơ hội để dạy một nguyên tắc có thể giúp em và những người khác nhận được sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi trong những thử thách của cuộc sống.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Tác động của việc giảng dạy
Hãy suy ngẫm về lúc em được dạy điều gì đó về Chúa Giê Su Ky Tô hoặc phúc âm của Ngài mà đã có tác động sâu sắc đến em.
-
Điều đó đã được dạy cho em bằng cách nào?
-
Tại sao điều đó lại có tác động mạnh mẽ như vậy?
Chúa Giê Su Ky Tô là Đức Thầy Tinh Thông. Khi Ngài giảng dạy bằng quyền năng và Thánh Linh, những người lắng nghe với sự khiêm nhường sẽ cảm nhận sâu sắc tác động của những lời giảng dạy của Ngài (xin xem Giăng 3:2 ; Giăng 6:35, 68-69).
-
Một số ví dụ về những người chịu ảnh hưởng đáng kể bởi sự giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi là gì?
Hãy suy ngẫm về tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và những kinh nghiệm của riêng mình khi em chuẩn bị và dạy một bài học ngắn dựa trên câu chuyện về Đấng Cứu Rỗi làm cho La Xa Rơ sống lại từ cõi chết trong Giăng 11:1–46. Một yếu tố trong sự giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi là Ngài luôn dạy giáo lý và các nguyên tắc chân chính. Trong bài học này, em sẽ có cơ hội noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi khi dạy một nguyên tắc chân chính. Khi phát triển khả năng giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi, em có thể trở nên giống Ngài hơn.
La Xa Rơ
Hãy nhớ lại càng nhiều càng tốt câu chuyện về Đấng Cứu Rỗi làm cho La Xa Rơ sống lại từ cõi chết. Nếu cần, hãy đọc phần tóm tắt sau đây.
Ma Ri và Ma Thê nhắn với Chúa Giê Su rằng La Xa Rơ đang bị bệnh nặng. Chúa Giê Su cố ý trì hoãn hành trình của Ngài và đến sau khi La Xa Rơ chết bốn ngày. Với tình yêu thương và lòng trắc ẩn, Chúa Giê Su đã làm cho La Xa Rơ sống lại từ cõi chết. Việc cho thấy quyền năng thiêng liêng đầy ấn tượng này nhấn mạnh rằng Chúa Giê Su là Đấng Mê Si đã được chọn và có quyền năng thắng cái chết. Sau khi biết được phép lạ này, các thầy tế lễ cả và người Pha Ri Si đã mưu tính giết Chúa Giê Su và La Xa Rơ.
Bài học của em
Hãy chuẩn bị bài học bằng cách sử dụng một nguyên tắc mà chúng ta có thể học được từ Giăng 11. Chọn một nguyên tắc trong số các lựa chọn sau đây mà em thích nhất hoặc em cảm thấy phù hợp nhất với các thanh thiếu niên.
Lựa chọn bài học 1: Đấng Cứu Rỗi có thể thực hiện các phép lạ trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta hành động với đức tin nơi Ngài trong những thử thách của mình ( Giăng 11:20–27,38–45).
Lựa chọn bài học 2: Các phép lạ của Thượng Đế trong cuộc sống của chúng ta đến theo ý muốn và kỳ định của Ngài ( Giăng 11:1–7,11–17, 39–45).
Lựa chọn bài học 3: Chúng ta có thể noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách cho thấy lòng trắc ẩn với những người khác ( Giăng 11:32–36,43–44).
Lựa chọn bài học 4: Chúng ta có thể nhìn thấy tình yêu thương và quyền năng của Thượng Đế được biểu hiện khi Ngài củng cố và an ủi chúng ta trong những khó khăn của mình ( Giăng 11:1–7,11–15,38–46).
Lựa chọn bài học 5: Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng đối với sự sống và cái chết ( Giăng 11:20–27,39–46).
Lựa chọn bài học 6: Chọn nguyên tắc của riêng em từ câu chuyện này ( Giăng 11:1–46).
Trả lời những gợi ý sau đây để giúp em lập đại cương cho bài học của mình. Cân nhắc dành 15 đến 20 phút để chuẩn bị bài học của em và 5 đến 10 phút để dạy bài này.
-
Làm cách nào em có thể giới thiệu nguyên tắc mình đã chọn theo cách giúp cho những người mà em dạy hiểu lý do tại sao điều đó quan trọng?
-
Em sẽ đọc những câu nào với những người mà em dạy để minh họa rõ nhất nguyên tắc này? (Nếu em biết về một câu chuyện thánh thư hay đoạn thánh thư khác hoặc lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội có thể giúp cho những người mà em dạy hiểu nguyên tắc đó, hãy cân nhắc viết nó ở đây.)
-
Nguyên tắc này dạy cho em biết gì về Đấng Cứu Rỗi? Cân nhắc yêu cầu những người mà em dạy chia sẻ những điều họ học được về Chúa Giê Su Ky Tô từ nguyên tắc này.
-
Em có thể chia sẻ điều gì về cách mà nguyên tắc này đã giúp ích cho em? Những phước lành nào đã đến từ việc sống theo nguyên tắc đó? Cũng hãy cân nhắc mời những người em dạy chia sẻ kinh nghiệm.
-
Viết ra những suy nghĩ của em về nguyên tắc mà em đang dạy và giải thích ngắn gọn cách mà nguyên tắc đó củng cố chứng ngôn của em về Chúa Giê Su Ky Tô. Chia sẻ chứng ngôn của em nếu em cảm thấy có ấn tượng để làm như vậy.
-
Em đã học được điều gì từ kinh nghiệm này?
-
Làm thế nào mà việc chuẩn bị bài học và giảng dạy cho những người khác có thể giúp em và những người khác đến gần và trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Các nguồn tài liệu bổ sung
Các video và bài nói chuyện sau đây có thể giúp em chuẩn bị và dạy bài học của mình. Em có thể sử dụng những nguồn tài liệu này theo một hoặc nhiều cách sau đây:
-
Để hiểu rõ hơn về nguyên tắc mà em đang dạy
-
Để nhận ra các lẽ thật, câu chuyện hoặc những hiểu biết sâu sắc mà em có thể chia sẻ bằng lời của mình trong khi dạy
-
Để tìm những lời phát biểu hoặc video clip mà em có thể trưng ra cho những người mà em đang dạy
Tất cả các video đã được liệt kê có trên trang ChurchofJesusChrist.org.
Lựa chọn bài học 1: Đấng Cứu Rỗi có thể thực hiện các phép lạ trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta hành động với đức tin nơi Ngài trong những thử thách của mình
Neil L. Andersen, “Đức Tin Không Đến Một Cách Tình Cờ mà là Do Chúng Ta Chọn” (đại hội trung ương, tháng Mười năm 2015) (xem từ mã thời gian 1:40 đến 4:32).
Lựa chọn bài học 2: Các phép lạ của Thượng Đế trong cuộc sống của chúng ta đến theo ý muốn và kỳ định của Ngài
Jeffrey R. Holland, “Trông Đợi Chúa”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 115–117.
Lựa chọn bài học 3: Chúng ta có thể noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách cho thấy lòng trắc ẩn với những người khác
Dieter F. Uchtdorf, “Các Ngươi Là Đôi Tay Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 68–75.
Lựa chọn bài học 4: Chúng ta có thể nhìn thấy tình yêu thương và quyền năng của Thượng Đế được biểu hiện
khi Ngài củng cố và an ủi chúng ta trong những khó khăn của mình
John C. Pingree Jr., “Ta Có một Công Việc cho Ngươi” (đại hội trung ương, tháng Mười năm 2017) (xem từ mã thời gian 5:49 đến 6:48).
Lựa chọn bài học 5: Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng đối với sự sống và cái chết
D. Todd Christofferson, “Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô”, Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 111–114.
Paul V. Johnson, “Và Sẽ Không Có Sự Chết Nữa” (đại hội trung ương, tháng Tư năm 2016) (xem từ mã thời gian 0:17 đến 4:56).