Lu Ca 2:1–39; Ma Thi Ơ 2:1–12
Nhân Chứng cho Đấng Cứu Rỗi
Những người chăn chiên, Các Thầy Thông Thái, Si Mê Ôn và An Nê là những nhân chứng ban đầu cho Đấng Cứu Rỗi. Khi các em học hỏi về kinh nghiệm của họ, các em có thể phát triển mong muốn tìm kiếm và phát triển và hân hoan trong chứng ngôn của riêng mình về Chúa Giê Su Ky Tô.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Đức Thánh Linh làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô
Hãy suy nghĩ về những câu hỏi sau đây:
-
Chứng ngôn là gì?
-
Các em có thể làm gì để đạt được và củng cố chứng ngôn?
-
Khi nhận ra rằng đôi khi những người khác có thể giúp các em phát triển một chứng ngôn, vậy tại sao cha mẹ, anh chị em mình hoặc bạn bè không thể cho các em một chứng ngôn?
Một chứng ngôn đến khi Đức Thánh Linh xác nhận lẽ thật cho một người thiết tha tìm kiếm. Đừng nản lòng nếu việc đạt được chứng ngôn của riêng các em cần nhiều thời gian. Khi các em tiếp tục chân thành tìm kiếm một chứng ngôn, Chúa sẽ đáp ứng các em vào kỳ định và cách riêng của Ngài.
Đọc Giăng 15:26 và lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson, cùng tìm kiếm những điều họ dạy về chứng ngôn của Chúa Giê Su Ky Tô.
Lẽ thật quan trọng nhất mà Đức Thánh Linh sẽ làm chứng cho các em là Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống.
(Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96)
Hãy suy ngẫm những câu hỏi sau đây và cân nhắc việc viết những suy nghĩ của các em vào nhật ký ghi chép việc học tập:
-
Các em nghĩ tại sao đây là lẽ thật quan trọng nhất mà Thánh Linh sẽ làm chứng cho các em?
-
Làm thế nào các em có thể củng cố chứng ngôn của mình về Đấng Cứu Rỗi?
Trong bài học này, các em sẽ học về những nhân chứng cho sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi. Khi nghiên cứu lời tường thuật của họ, hãy tìm xem làm thế nào những nhân chứng này biết về Đấng Cứu Rỗi và họ đã làm gì với những chứng ngôn mà họ nhận được. Hãy ghi nhớ lẽ thật này khi các em học: Chứng ngôn của riêng tôi về Chúa Giê Su Ky Tô đến qua sự làm chứng của Đức Thánh Linh.
Si Mê Ôn và An Nê
Tám ngày sau sự giáng sinh của Chúa Giê Su, Ma Ri và Giô Sép đã mang hài đồng Giê Su đến đền thờ theo luật pháp của người Do Thái (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 13:2). Si Mê Ôn và An Nê, những người đang ở trong đền thờ, đã nhận ra hài nhi Giê Su là Đấng Cứu Rỗi của họ.
Hãy đọc Lu Ca 2:25–33, 36–38 , và tìm kiếm bằng chứng về việc Đức Thánh Linh đã giúp Si Mê Ôn và An Nê nhận được sự làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Cụm từ “trông đợi sự yên ủi dân Y Sơ Ra Ên” ở câu 25 muốn nói đến sự chờ đợi Đấng Mê Si đến.
-
Đức Thánh Linh đã giúp Si Mê Ôn nhận được chứng ngôn về Đấng Ky Tô như thế nào?
-
An Nê đã làm gì để giúp bà tiếp nhận lời làm chứng về Chúa?
-
Các em có thể học được gì từ Si Mê Ôn và An Nê mà có thể giúp các em tìm kiếm, phát triển và hân hoan trong lời làm chứng của riêng mình về Chúa Giê Su Ky Tô?
Ngoài Si Mê Ôn và An Nê, có vẻ như những người chăn chiên và Các Thầy Thông Thái cũng đã nhận được chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có thể học hỏi từ các tấm gương của họ về việc tiếp nhận chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi có thể ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta. Nếu các em muốn học hỏi thêm về cách chia sẻ chứng ngôn của mình thì hãy nghiên cứu về những người chăn chiên trong Sinh Hoạt A. Nếu các em muốn cải thiện sự thờ phượng của mình và cân nhắc những món quà các em có thể dâng lên Chúa thì hãy nghiên cứu về Các Thầy Thông Thái trong Sinh Hoạt B.
Sinh Hoạt A: Những Người Chăn Chiên (Lu Ca 2:15–20)—Chia sẻ chứng ngôn của các em
Vào đêm Đấng Cứu Rỗi giáng sinh ở Bết Lê Hem, những người chăn chiên đang trông chừng đàn gia súc của họ trên cánh đồng quanh thị trấn. Một thiên sứ hiện đến cùng họ và loan báo về sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, mang lại “một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn” cho “muôn dân” ( Lu Ca 2:10).
Hãy đọc Lu Ca 2:15–20 , và tìm kiếm xem những người chăn chiên đáp ứng như thế nào trước sứ điệp của vị thiên sứ. Các em có thể muốn xem video “Những Người Chăn Chiên Được Cho Biết Về Sự Giáng Sinh Của Đấng Ky Tô” (2:50), có trên trang ChurchofJesusChrist.org.
-
Các em nghĩ tại sao những người chăn chiên đã chia sẻ chứng ngôn của họ về Chúa với những người khác?
-
Các em có thể học được gì từ câu chuyện này về điều gì sẽ xảy ra khi các em tiếp nhận chứng ngôn của riêng mình về Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Có khi nào các em muốn chia sẻ chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài với người khác? Chia sẻ một kinh nghiệm của các em khi chia sẻ chứng ngôn của mình.
Sinh Hoạt B: Các Thầy Thông Thái (Ma Thi Ơ 2:1-12)—Cải thiện sự thờ phượng của các em
Các Thầy Thông Thái đã tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi từ khi Ngài giáng sinh cho đến khi Ngài còn là trẻ nhỏ (xin xem Ma Thi Ơ 2:1–2).
Hãy đọc Ma Thi Ơ 2:9–11 , và tìm kiếm những điều Các Thầy Thông Thái đã làm khi họ tìm thấy Đấng Cứu Rỗi.    
-
Các em có thể học hỏi được gì từ tấm gương của Các Thầy Thông Thái?
-
Chứng ngôn của các em về Chúa Giê Su Ky Tô ảnh hưởng như thế nào đến mong muốn thờ phượng Ngài?
-
Các Thầy Thông Thái đã dâng những món quà nào để thờ phượng con trẻ Giê Su. Một số cách nào các em có thể thờ phượng Đấng Cứu Rỗi?
Chứng ngôn của riêng các em
Suy ngẫm về những ấn tượng và cảm nghĩ mà các em đã tiếp nhận từ Đức Thánh Linh trong bài học này. Khi các em tiếp tục nghiên cứu cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi như được ghi lại trong Kinh Tân Ước, hãy chú ý đến cách Đức Thánh Linh làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô cho các em.
Hãy chia sẻ lời làm chứng của các em về Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô hoặc những điều các em biết về Ngài. Các em có thể chia sẻ chứng ngôn của mình về Chúa theo nhiều cách. Ví dụ, các em có thể đăng chứng ngôn của mình và một bức tranh của Đấng Cứu Rỗi trên phương tiện truyền thông xã hội, chia sẻ chứng ngôn của các em trong một buổi họp làm chứng hoặc viết chứng ngôn của các em trong một quyển Sách Mặc Môn và tặng sách đó cho bạn bè hoặc người trong gia đình.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Chứng ngôn là gì?
Chứng ngôn là một sự làm chứng thuộc linh được Đức Thánh Linh ban cho. Nền tảng của chứng ngôn là sự hiểu biết rằng Cha Thiên Thượng hằng sống và yêu thương con cái của Ngài; rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống, rằng Ngài là Vị Tiên Tri của Thượng Đế, và Ngài đã thực hiện Sự Chuộc Tội vô hạn; rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế, người đã được kêu gọi để phục hồi phúc âm; rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội chân chính của Đấng Cứu Rỗi trên thế gian; và rằng Giáo Hội được dẫn dắt bởi một vị tiên tri tại thế thời nay. Với nền tảng này, chứng ngôn phát triển để bao gồm tất cả các nguyên tắc của phúc âm.
(Gospel Topics, “Testimony,” topics.ChurchofJesusChrist.org)
Một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta?
Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã giải thích cách Đức Thánh Linh làm chứng về Đấng Ky Tô:
Chính Đức Thánh Linh là Đấng làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Con Trai Yêu Dấu của Cha Thiên Thượng là Đấng yêu thương chúng ta và mong muốn chúng ta có được cuộc sống vĩnh cửu với Ngài trong các gia đình. Thậm chí khi chúng ta chỉ mới bắt đầu có được chứng ngôn đó, thì chúng ta cũng cảm thấy mong muốn được phục vụ Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Khi chúng ta kiên trì làm điều đó, thì chúng ta nhận được các ân tứ Đức Thánh Linh để ban cho chúng ta quyền năng trong sự phục vụ của mình. Chúng ta tiến đến việc thấy được bàn tay của Thượng Đế càng ngày càng rõ hơn, rõ đến mức mà cuối cùng chúng ta không những chỉ nhớ đến Ngài thôi, mà còn biết yêu thương Ngài và, qua quyền năng của Sự Chuộc Tội, trở nên giống như Ngài hơn.
(Henry B. Eyring, “Hãy Ghi Nhớ, Hãy Ghi Nhớ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 68–69)
Các em có thể dâng lên Chúa Giê Su Ky Tô những món quà nào?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:
Món quà lớn nhất mà anh chị em có thể dâng lên Chúa là giữ cho mình thanh sạch khỏi thế gian, và xứng đáng để tham dự trong ngôi nhà thánh của Ngài. Ân tứ Ngài ban cho anh chị em sẽ là sự bình an và sự bảo đảm khi biết rằng anh chị em xứng đáng để gặp Ngài, bất kể đó là lúc nào.
(Russell M. Nelson, “Tương Lai của Giáo Hội: Chuẩn Bị Thế Gian cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Tư năm 2020, trang 15)
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy:
Chúng ta, giống như Các Thầy Thông Thái ngày xưa, nên tìm kiếm Đấng Ky Tô và đặt trước mặt Ngài những món quà quý giá nhất: một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối. Chúng ta nên dâng cho Ngài tình yêu thương của chúng ta. Chúng ta nên dâng cho Ngài sự sẵn lòng mang danh Ngài và bước theo con đường làm môn đồ. Chúng ta nên hứa sẽ luôn nhớ đến Ngài, noi theo tấm gương của Ngài và tiếp tục làm điều tốt (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79 ; Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38).Chúng ta không thể dâng lên Ngài món quà là sự toàn hảo trong mọi sự vì đây là món quà vượt quá khả năng dâng tặng của chúng ta—ít nhất là vào lúc này. Nhưng Ngài đòi hỏi chúng ta phải mang theo những món quà là những nỗ lực hết mình để bước đi theo những cách mà Ngài đã chuẩn bị và giảng dạy.
(Dieter F. Uchtdorf, “True Gifts of Christmas,” New Era, tháng Mười Hai năm 2018, trang 3)
Tại sao Ma Ri lại dâng chim cu hoặc chim bồ câu ở đền thờ?
Luật pháp Môi Se tuyên bố người nữ phải làm nghi lễ thanh tẩy sau khi sinh con. Để trở nên thanh sạch, một người mới làm mẹ phải dâng một con chiên con ở đền thờ để làm của lễ thiêu, và một con chim bồ câu hoặc chim cu để làm của lễ chuộc tội (xin xem Lê Vi Ký 12:5–6). “Còn nếu người không thế lo cho có một chiên con, thì phải bắt hai chim cu, hoặc hai con bồ câu con” (Lê Vi Ký 12:8). Việc Ma Ri dâng các con chim cu hoặc chim bồ câu thay vì một con chiên con là bằng chứng cho thấy Chúa Giê Su Ky Tô được sinh ra bởi một người mẹ có điều kiện vật chất ít ỏi.