Lu Ca 7:36–50
“Vì Người Đã Yêu Mến Nhiều”
Chúa Giê Su dùng bữa tối tại nhà của một người Pha Ri Si tên là Si Môn. Một người phụ nữ mà Si Môn cho là “người tội lỗi” bước vào và “khóc, sa nước mắt trên chân [Đấng Cứu Rỗi]”, rồi lấy tóc mình mà chùi, “lại hôn chân Ngài, và … xức dầu thơm cho” (Lu Ca 7:37–39). Đáp lại suy nghĩ của Si Môn, Đấng Cứu Rỗi đã chia sẻ một câu chuyện ngụ ngôn về sự tha thứ và tình yêu thương. Bài học này nhằm giúp em thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải tội lỗi của mình.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Hướng đi mà chúng ta đang đi
-
Em nhận thấy gì về những người trong sơ đồ này?
-
Khoảng cách của họ với Đấng Cứu Rỗi và hướng đi của họ có thể gợi ý gì về mối quan hệ của họ với Ngài?
Hãy suy nghĩ một chút xem em sẽ đặt mình vào đâu trên sơ đồ này và sẽ chọn hướng đi nào.Anh Cả Larry R. Lawrence, khi còn là thành viên trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, đã giải thích:
Cha Thiên Thượng biết tiềm năng thiêng liêng của chúng ta. Ngài vui mừng mỗi khi chúng ta tiến triển. Đối với Ngài, hướng đi của chúng ta là quan trọng nhiều hơn tốc độ.
( Larry R. Lawrence, “Còn Thiếu Chi cho Tôi Nữa?”, Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 35)
-
Em nghĩ tại sao hướng đi thuộc linh của chúng ta quan trọng hơn tốc độ của chúng ta?
Chúa cảm thấy vui mừng lớn lao khi chúng ta nỗ lực hối cải (xin xem Lu Ca 15:7 ; Giáo Lý và Giao Ước 18:13). Một cách để mô tả sự hối cải là từ bỏ tội lỗi và hướng tới Thượng Đế (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “ Hối Cải,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Khi em học, hãy chú ý đến những sự thúc giục của Thánh Linh mà có thể giúp em từ bỏ tội lỗi và hướng tới Đấng Cứu Rỗi.
Chúa Giê Su dùng bữa tại nhà của Si Môn người Pha Ri Si
Lu Ca 7 kể về Chúa Giê Su dùng bữa tối tại nhà của một người Pha Ri Si tên là Si Môn. Trong khi Chúa Giê Su đang ngồi với Si Môn, một người phụ nữ có tiếng là tội lỗi đến gần Ngài (xin xem Lu Ca 7:37, 39).
Hãy đọc Lu Ca 7:36–39 và tìm kiếm xem điều gì đã xảy ra khi người đàn bà đến gần Chúa Giê Su trong bữa tiệc này.
-
Em nhận thấy gì về Si Môn? về người phụ nữ?
Chúa Giê Su đã biết được suy nghĩ của Si Môn và chia sẻ một câu chuyện ngụ ngôn. Hãy đọc Lu Ca 7:40–43 và tìm kiếm những điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy Si Môn qua câu chuyện ngụ ngôn này. Có thể hữu ích khi biết rằng một đơ ni ê là số tiền mà một người lao động thường kiếm được trong một ngày.
-
Truyện ngụ ngôn này có thể giúp Si Môn hiểu điều gì về nhu cầu được tha thứ của chính ông?
Trong thời kỳ của Đấng Cứu Rỗi, theo thông lệ, người chủ nhà phải tôn trọng những vị khách quý của mình bằng cách thực hiện những hành động tử tế như hôn họ để chào hỏi, đưa họ nước để rửa chân và xức dầu thơm lên đầu họ (xin xem James E. Talmage, Jesus the Christ[năm 1916], trang 261). Như được ghi lại trong Lu Ca 7:44–46, Đấng Cứu Rỗi đã chỉ ra rằng Si Môn đã không thực hiện những phép lịch sự này cho Chúa Giê Su, trong khi người đàn bà đã cố gắng hết sức để bày tỏ tình yêu mến và lòng biết ơn đối với Ngài.
-
Em nghĩ người phụ nữ này hiểu gì về Chúa Giê Su mà Si Môn có thể đã không hiểu?
-
Em thấy bằng chứng nào cho thấy người phụ nữ đã hối cải, hoặc từ bỏ tội lỗi của mình và hướng tới Đấng Cứu Rỗi?
Hãy đọc Lu Ca 7:47–50 và tìm kiếm lý do tại sao Chúa tha thứ tội lỗi cho người đàn bà này.
-
Em có suy nghĩ hoặc cảm nhận gì về Đấng Cứu Rỗi khi học câu chuyện này?
-
Em đã học được lẽ thật nào từ câu chuyện này?
Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ những lời giảng dạy liên quan đến câu chuyện được ghi lại trong Lu Ca 7. Xem video “Để Ta Có Thể Thu Hút Tất Cả Mọi Người Đến cùng Ta” (13:39) từ mã thời gian 4:22 đến 5:03 hoặc đọc văn bản sau đây.
Chúng ta càng gần Chúa Giê Su Ky Tô trong mọi ý nghĩ và ý định trong lòng thì chúng ta càng biết ơn nỗi đau khổ vô tội của Ngài, càng biết ơn nhiều hơn về ân điển và sự tha thứ, và càng muốn hối cải và trở nên giống như Ngài. Khoảng cách tuyệt đối của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là quan trọng, nhưng hướng chúng ta đang đi lại còn quan trọng hơn nữa. Thượng Đế hài lòng hơn với người phạm tội biết hối cải, đang cố gắng đến gần Ngài hơn là những người tự cho là ngay chính, bắt bẻ người khác, giống như những người Pha Ri Si và những thầy thông giáo thời xưa, đã không nhận ra là họ cần phải hối cải biết bao.
(Dale G. Renlund, “Để Ta Có Thể Thu Hút Tất Cả Mọi Người Đến cùng Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 40)
-
Những từ hoặc cụm từ nào trong lời phát biểu này nâng cao sự hiểu biết của em về những điều em vừa học trong Lu Ca 7?
-
Những kinh nghiệm nào đã giúp em cảm thấy có tình yêu mến và lòng biết ơn nhiều hơn đối với Đấng Cứu Rỗi và lòng thương xót mà Ngài ban cho?
Lập ra một kế hoạch
Hãy nhớ rằng sự hối cải không phải là một sự kiện hay chỉ dành cho những tội lỗi nghiêm trọng. Hối cải là một quá trình, và chúng ta hối cải bất cứ lúc nào chúng ta nỗ lực để đến gần Chúa hơn và từ bỏ điều tà ác.
Hãy nhìn lại hình ảnh của Đấng Cứu Rỗi và sơ đồ có hình người que, và suy ngẫm về mối quan hệ của em với Chúa Giê Su Ky Tô và hướng đi của mình. Lập một kế hoạch để làm gia tăng tình yêu mến của em đối với Đấng Cứu Rỗi bằng cách hối cải hàng ngày. Hoàn thành bài tập sau đây trên một tờ giấy rời để em có thể cất riêng cho mình. Em có thể có cơ hội theo dõi kinh nghiệm này trong một bài học sắp tới.
-
Một điều em cần ngừng làm để đến gần hơn với Đấng Cứu Rỗi là gì? Em sẽ ngừng lại như thế nào?
-
Một điều em cần bắt đầu làm để đến gần hơn với Đấng Cứu Rỗi là gì? Em sẽ bắt đầu như thế nào?
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Ai là người giống tôi nhất trong câu chuyện này: Si Môn hay người đàn bà?
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi ấy thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói:
Chúng ta giống người nào nhất trong số hai người này?
Có phải chúng ta giống Si Môn không? Có phải chúng ta tự tin và thoải mái trong những việc làm tốt, tin cậy vào sự ngay chính của chúng ta không? Có lẽ chúng ta có hơi thiếu kiên nhẫn một chút với những người không sống theo các tiêu chuẩn của mình chăng? Có phải hành động của chúng ta đều theo thói quen, làm việc gì cũng không suy nghĩ về việc đó, tham dự các buổi họp, tham dự lớp Giáo Lý Phúc Âm một cách nhàm chán, và có lẽ xem điện thoại di động trong lễ Tiệc Thánh không?
Hoặc là chúng ta giống người phụ nữ này, là người đã nghĩ rằng mình đã hoàn toàn tuyệt vọng và bị thất lạc vì tội lỗi không?
Chúng ta có yêu mến nhiều không?
Chúng ta có hiểu về sự mắc nợ của mình với Cha Thiên Thượng và hết lòng khẩn cầu để có được ân điển của Thượng Đế không?
Khi chúng ta quỳ xuống cầu nguyện, thì đó là để ghi nhớ những điều tốt lành nhất mà chúng ta đã làm với sự ngay chính của mình, hoặc là để thú nhận lỗi lầm của mình, khẩn cầu để có được lòng thương xót của Thượng Đế, và rơi nước mắt với lòng biết ơn đối với kế hoạch chuộc tội kỳ diệu không?
Sự cứu rỗi không có thể đạt được bằng sự vâng lời; mà đạt được bằng máu của Vị Nam Tử của Thượng Đế [xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28 ].
(Dieter F. Uchtdorf, “Ân Tứ về Ân Điển”, Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 109)
Tại sao việc hối cải hằng ngày là quan trọng?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích:
Không có gì là tự do, cao quý, hoặc quan trọng đối với sự tiến bộ của cá nhân chúng ta [cho bằng] một sự tập trung thường xuyên, hằng ngày vào sự hối cải. Sự hối cải không phải là một sự kiện mà là một tiến trình. Đó là bí quyết để có được hạnh phúc và sự an tâm. Khi được kết hợp với đức tin, sự hối cải cho chúng ta khả năng tiếp cận với quyền năng Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
(Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Thành Người Tốt Hơn” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67).