Mác 2:1–12
Chúa Giê Su Chữa Lành Người Bị Bại Liệt
Chúa Giê Su đã cho thấy khả năng của Ngài để chữa lành con người về mặt thể chất lẫn thuộc linh qua việc chữa lành một người bại (bại liệt) và tha thứ tội lỗi cho người đó. Bài học này có thể giúp em gia tăng sự hiểu biết của mình rằng Đấng Cứu Rỗi có thể chữa lành mọi yếu đuối.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Em sẵn lòng để làm điều gì?
Hãy tưởng tượng rằng người mà em yêu thương đang mắc một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng cần được điều trị chuyên khoa và chỉ có duy nhất một bác sĩ có thể cứu được cô ấy. Em sẽ sẵn sàng làm gì để nhận được giúp đỡ? Em sẽ làm gì nếu bác sĩ đó đã kín lịch hoặc nếu bác sĩ đó sống ở một quốc gia khác?
Mọi người có lẽ sẽ sẵn sàng tìm đủ mọi cách để có được sự chữa trị cho bản thân hoặc người thân của họ. Mặc dù những căn bệnh về thể chất thường có thể được chữa trị bởi những người có chuyên môn cao, nhưng có những sự yếu đuối thuộc linh chỉ có thể được chữa lành trọn vẹn bởi Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học tập một số sự yếu đuối thuộc linh đó.
Khi học bài học này, hãy suy ngẫm xem em có thể làm gì để giúp những người thân yêu và bản thân mình đến cùng Đấng Ky Tô để nhận được sự giúp đỡ mà chỉ có Ngài mới có thể ban cho.
“Một người đau bại”
Một kỹ năng có thể giúp em học được nhiều hơn trong khi học các câu chuyện trong thánh thư là đọc từ quan điểm của các nhân vật khác nhau trong câu chuyện đó. Khi em làm vậy, hãy thường xuyên dừng lại để cố gắng tưởng tượng điều mà người đó có thể đang cảm thấy hoặc suy ngẫm ở những thời điểm khác nhau trong câu chuyện.
Để luyện tập kỹ năng học tập này, hãy chọn để tập trung vào một trong những nhân vật sau đây khi em học câu chuyện về việc Chúa Giê Su giảng dạy ở Ca Bê Na Um:
-
Người đàn ông bại liệt (“người đau bại” như được sử dụng trong câu chuyện này có nghĩa là anh ta bị liệt)
-
Một trong bốn người khiêng người bại liệt
-
Một trong số những người trong nhà đang lắng nghe Chúa Giê Su
Hãy đọc Mác 2:1–3 và tưởng tượng em là người mà em đã chọn để tập trung vào.
-
Em nghĩ người này có thể đã gặp những thử thách nào, nếu có?
-
Em tưởng tượng xem người này đang nhìn, nghe, nghĩ và cảm thấy gì?
-
Người này có thể hy vọng nhận được gì từ thời gian của họ với Chúa Giê Su Ky Tô?
Hãy đọc Mác 2:4 và tìm kiếm xem những người khiêng người đàn ông này đã làm gì để đưa anh ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Em tưởng tượng nhân vật mà em đã chọn đang suy nghĩ và cảm thấy gì vào thời điểm này trong câu chuyện? Tại sao?
-
Em nghĩ họ đang mong đợi Chúa Giê Su làm hoặc nói gì?
Hãy đọc Mác 2:5 để tìm hiểu những điều Chúa Giê Su đã nói với người đàn ông.
-
Tại sao những lời của Đấng Cứu Rỗi trong câu 5 có thể làm cho nhân vật mà em đang tập trung vào phải ngạc nhiên?
Một số người có mặt tại sự kiện này đã đặt câu hỏi về thẩm quyền để tha thứ tội lỗi của Đấng Cứu Rỗi. Hãy đọc Mác 2:6–12 và tìm kiếm những điều Đấng Cứu Rỗi đã làm để cho thấy thẩm quyền tha thứ của Ngài. Cụm từ “Con người” trong câu 10 nói đến Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của “Đấng Thánh Thiện”, là Thượng Đế Đức Chúa Cha (xin xem Môi Se 6:57).
-
Hãy nghĩ tới nhân vật mà em đang tập trung vào trong câu chuyện. Em hình dung người này phản ứng như thế nào với những điều Đấng Cứu Rỗi đã nói và làm?
-
Em đã học được gì về Đấng Cứu Rỗi khi tập trung vào một nhân vật cụ thể trong câu chuyện?
Quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô
Một lẽ thật mà em có thể đã nhận ra khi học câu chuyện này là Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng chữa lành cho chúng ta về mặt thể chất lẫn thuộc linh.
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi còn thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã làm chứng về quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để chữa lành các căn bệnh thuộc linh.
Đôi khi căn bệnh thuộc linh đến bởi vì tội lỗi hoặc những vết thương về mặt cảm xúc. …
Thậm chí những vết thương thuộc linh sâu nhất—vâng, thậm chí những vết thương mà có thể dường như không thể điều trị được—có thể được chữa lành.
Các bạn thân mến của tôi, quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô không bị mất đi trong thời đại của chúng ta.
Bàn tay chữa lành của Đấng Cứu Rỗi có thể chuyển hóa cuộc sống trong thời đại của chúng ta như nó đã làm trong thời đại của Ngài. Nếu chúng ta chỉ mới có đức tin, Ngài sẽ dắt tay chúng ta, làm tâm hồn chúng ta tràn đầy với ánh sáng thiên thượng và sự chữa lành, và nói với chúng ta những lời đầy phước lành: “Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi” [ Giăng 5:8 ].
(Dieter F. Uchtdorf, “Những Người Mang Ánh Sáng Thiên Thượng”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 78)
-
Một số ví dụ về các vết thương thuộc linh mà Đấng Cứu Rỗi có thể chữa lành là gì?
-
Việc biết rằng Ngài có thể chữa lành những vết thương thuộc linh có thể ban phước như thế nào cho cuộc sống của em?
Hãy suy ngẫm những câu hỏi sau đây liên quan đến lẽ thật này. Cân nhắc ghi lại suy nghĩ của em vào nhật ký ghi chép việc học tập.
-
Có vết thương thuộc linh nào trong cuộc sống của em cần được chữa lành không?
-
Làm thế nào em có thể tìm kiếm quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Em có biết người nào khác cần quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô không? Em có thể làm gì để giúp họ tiếp cận được quyền năng đó?
Chia sẻ những điều các em đã học
Khi em học các câu chuyện khác trong thánh thư năm nay, hãy cân nhắc sử dụng kỹ năng tập trung vào các nhân vật cụ thể. Có thể là hữu ích nếu đọc một đoạn nhiều lần, mỗi lần suy ngẫm xem những nhân vật khác nhau trong câu chuyện có thể đã học được điều gì.
Hãy tưởng tượng rằng nhân vật mà em chú trọng vào khi học câu chuyện này muốn mô tả cho một người bạn về những gì họ đã chứng kiến và cảm nhận vào ngày hôm đó. Hãy dành một ít thời gian để viết vào nhật ký ghi chép việc học tập cách em hình dung họ mô tả chi tiết kinh nghiệm đó. Hãy gồm vào những điều em nghĩ rằng họ đã học được và cảm nhận về Chúa Giê Su Ky Tô.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Đức tin của tôi có thể ảnh hưởng đến những người tôi yêu thương không?
Anh Cả Chi Hong (Sam) Wong thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy:
Tôi xin chia sẻ với các anh chị em thêm một kho báu được ẩn giấu trong câu chuyện của thánh thư này. Đó là trong câu 5: “Đức Chúa Giê Su thấy đức tin họ” (sự nhấn mạnh được thêm vào). Trước đây tôi đã không nhận thấy điều này—đức tin của họ. Đức tin phối hợp của chúng ta cũng sẽ ảnh hưởng đến sự an lạc của người khác.
Những người mà Chúa Giê Su đã đề cập đến là ai? Họ cũng thực sự có thể bao gồm bốn người đã khiêng người đàn ông bị bại liệt, người đàn ông này, những người đã cầu nguyện cho ông ta, và tất cả những người ở đó đang lắng nghe lời thuyết giảng của Chúa Giê Su và thấy vui thầm trong lòng rằng phép lạ sắp xảy ra. Họ cũng có thể gồm có người phối ngẫu, cha, mẹ, đứa con trai hay con gái, một người truyền giáo, một chủ tịch nhóm túc số, một chủ tịch Hội Phụ Nữ, một vị giám trợ, và một người bạn ở xa. Chúng ta đều có thể giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta phải luôn luôn biết thiết tha nhiệt thành trong việc tìm cách giải cứu những người hoạn nạn.
(Chi Hong [Sam] Wong, “Giải Cứu trong Tình Đoàn Kết”, Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 16)
Chúa Giê Su đã chứng minh điều gì cho các thầy thông giáo qua việc chữa lành cơ thể của người đàn ông?
Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–1985) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:
Cả Chúa Giê Su và các “thầy dạy luật” có mặt lúc đó đều biết rằng không ai ngoài Thượng Đế có thể tha thứ tội lỗi. Do đó, với tư cách là một nhân chứng sắc sảo và mạnh mẽ vớiquyền năng của Thượng Đế trong Ngài, … Chúa Giê Su đã làm điều mà không kẻ mạo danh nào có thể làm được—Ngài đã chứng tỏ quyền năng thiêng liêng của Ngài bằng cách chữa lành cho người được tha thứ. Trước câu hỏi của Ngài rằng liệu có cần nhiều quyền năng hơn để tha thứ tội lỗi so với việc khiến người bệnh đứng dậy mà đi không, thì chỉ có duy nhất một câu trả lời! Hai việc đó đều cần một quyền năng như nhau; người nào có thể làm điều này thì cũng có thể làm điều kia.
(Bruce R. McConkie, Doctrinal New Testament Commentary [năm 1973], 1:177–178)