Lớp Giáo Lý
Ma Thi Ơ 8:23–27; Mác 4:35–41


Ma Thi Ơ 8:23–27; Mác 4:35–41

Chúa Giê Su Làm Lặng Cơn Bão

Jesus Christ on a ship with some of His Apostles. Christ has His arms extended as He calms a storm at sea. The Apostles are looking at Christ as He performs the miracle. (Matthew 8:23-27 Mark 4:35-41 Luke 8:22-25.)

“Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?” các môn đồ kêu cầu lên Đấng Cứu Rỗi khi sóng và gió đánh nát con thuyền nhỏ của họ (xin xem Mác 4:37–38). Trong những lúc tuyệt vọng, chúng ta có thể thấy mình khẩn thiết cần được giúp đỡ và thắc mắc về sự chăm sóc của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta. Dù hoàn cảnh của chúng ta có vẻ khẩn thiết nhưng Chúa Giê Su Ky Tô có khả năng và quyền năng để giảm bớt gánh nặng cho chúng ta, xua tan những khó khăn của chúng ta và phán với chúng ta: “Hãy êm đi, lặng đi” (Mác 4:39). Bài học này nhằm giúp em nhận được sự bình an và bình tĩnh của Chúa trong những khó khăn, vất vả mà em gặp phải.

Khuyến khích học viên hình dung các sự kiện từ thánh thư. Sự hình dung diễn ra khi học viên tưởng tượng ra trong tâm trí mình những sự kiện được ghi chép trong thánh thư. Việc tưởng tượng những sự kiện này có thể giúp làm cho những câu chuyện trong thánh thư trở nên sống động và thật hơn đối với họ.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên hoàn thành sinh hoạt từ đại cương ngày 27 tháng Hai–ngày 5 tháng Ba của Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 cho “Ma Thi Ơ 8:23–27; Mác 4:35–41: Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để mang lại sự bình an giữa bão tố của cuộc đời” và chuẩn bị sẵn sàng để chia sẻ những sự hiểu biết sâu sắc. Học viên có thể yêu cầu những người trong gia đình hoặc bạn bè cùng tham gia sinh hoạt này.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Các em có những nỗi sợ hãi nào?

Trưng ra lời phát biểu và những câu hỏi sau đây cho học viên xem khi họ đến lớp.

Có những lúc trong cuộc đời, chúng ta có thể cảm thấy như mình đang ở giữa một cơn bão cuồng nộ. Đôi khi những giông tố cuộc đời này có thể khiến chúng ta sợ hãi.

Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ những ví dụ về nỗi sợ hãi mà đôi khi chúng ta gặp phải. Hãy suy ngẫm về những nỗi sợ hãi tương tự mà các em có thể gặp phải.

Official Portrait (as of June 2016) of Elder Ronald A. Rasband of the Quorum of the Twelve Apostles.

Những người thành niên độc thân của chúng ta sợ lập cam kết chẳng hạn như kết hôn. Các cặp vợ chồng trẻ … có thể sợ mang con cái vào một thế giới càng ngày càng xấu xa. Những người truyền giáo sợ nhiều điều, nhất là tiếp cận với người lạ. Các góa phụ sợ sống một mình. Các thanh thiếu niên sợ không được chấp nhận; học sinh tiểu học sợ ngày đầu tiên đi học; sinh viên đại học sợ nhận được kết quả của một bài kiểm tra. Chúng ta sợ thất bại, bị từ chối, thất vọng và điều mình không biết. Chúng ta sợ những cơn bão, động đất và hỏa hoạn tàn phá đất đai và cuộc sống của mình. Chúng ta sợ không được chọn, và đồng thời, cũng sợ được chọn. Chúng ta sợ không đủ tốt; chúng ta sợ rằng Chúa không ban phước lành cho chúng ta. Chúng ta sợ thay đổi, và những nỗi sợ hãi của chúng ta có thể gia tăng thành nỗi kinh hoàng.

(Ronald A. Rasband, “Chớ Bối Rối,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 18)

Hãy trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em.

Học viên có thể trả lời các câu hỏi sau đây trong một cuộc thăm dò ẩn danh. Cân nhắc sử dụng câu trả lời của các em để biết cách hướng dẫn kinh nghiệm học tập.

  • Các em có những nỗi sợ nào tương tự như những nỗi sợ hãi mà Anh Cả Rasband đã đề cập?

  • Những nỗi sợ hãi này có thể ảnh hưởng như thế nào đến đức tin của các em? Tại sao?

  • Các em có thể làm gì để tiếp nhận sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi để vượt qua những nỗi sợ hãi này?

Trong khi học hôm nay, hãy tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp các em tiếp nhận sự bình an của Chúa để giúp xoa dịu nỗi sợ hãi của mình.

Một kinh nghiệm đáng sợ

Hình dung các sự kiện trong thánh thư là một kỹ năng học tập có thể làm gia tăng đáng kể khả năng và tính hiệu quả của việc học tập của các em. Học Mác 4:35–38 và cố gắng hình dung kinh nghiệm của các môn đồ được ghi lại trong những câu này.

Vẽ một bức tranh đơn giản mô tả khung cảnh trong Mác 4:35–38 vào nhật ký ghi chép việc học tập của em. Gồm vào bất kỳ chi tiết nào mà em cảm thấy sẽ hữu ích. Em sẽ sử dụng tấm hình này trong suốt bài học để liên hệ câu chuyện này với cuộc sống của chính mình. Hãy cân nhắc tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây khi em vẽ:

Cân nhắc áp dụng mẹo của giảng viên cho bài học này bằng cách đặt những câu hỏi sau đây. Những điều này sẽ giúp học viên hình dung câu chuyện trong Mác 4:35–38 .

  • Các em tưởng tượng con thuyền trông như thế nào?

  • Các môn đồ có thể đã làm gì khi sóng đánh vào thuyền?

  • Các em nghĩ cơn bão trông như thế nào và mang lại cảm giác gì?

Suy ngẫm xem cách mà các sự kiện được mô tả trong câu chuyện này tượng trưng cho các sự kiện đã xảy ra, đang xảy ra hoặc có thể xảy ra trong cuộc sống của các em.Ở cạnh các phần khác trong bức vẽ của các em, hãy viết ra các khía cạnh trong cuộc sống của các em mà có thể được thể hiện bằng các yếu tố trong câu chuyện thánh thư này. Ví dụ, chiếc thuyền có thể tượng trưng cho những điều mà giữ Đấng Cứu Rỗi ở bên các em. Những con sóng hoặc cơn bão có thể tượng trưng cho những cám dỗ hoặc thử thách đến và đe dọa nhấn chìm các em.

  • Các em có thể hiểu được những cảm xúc nào mà các môn đồ đã cảm nhận?

  • Có khi nào một người nào đó có lẽ đã cảm thấy Đấng Cứu Rỗi đang ngủ trong cơn bão của cuộc đời họ? Tại sao?

Khi học viên hoàn thành bức vẽ của mình, hãy mời họ chia sẻ những gì đã vẽ với một người bạn cùng nhóm hoặc với cả lớp.

Mời học viên nhớ lại các câu hỏi đã học trong Hãy Đến Mà Theo Ta để chuẩn bị cho bài học này.

Đọc lại Mác 4:38 và xác định câu hỏi mà các môn đồ đã hỏi.

  • Có những lẽ thật nào về Đấng Cứu Rỗi mà có thể họ đã quên trong cơn bão?

Đọc Mác 4:39–41 và tìm kiếm những điều các em học được về thiên tính và đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô.

Lắng nghe kỹ câu trả lời của học viên đối với các câu hỏi sau đây và viết câu trả lời lên trên bảng. Cân nhắc đặt ra các câu hỏi để theo dõi như: “Tại sao việc hiểu được điều đó lại quan trọng?”

  • Các em đã học được điều gì về thiên tính và đặc tính của Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Chúng ta có thể học được những lẽ thật nào từ câu chuyện này về khả năng của Đấng Cứu Rỗi để làm lặng cơn bão của cuộc đời chúng ta?

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng khi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi trong những cơn bão tố của cuộc đời, Ngài có thể mang lại cho chúng ta sự bình an và bình tĩnh.Cân nhắc viết vào thánh thư và trên bức vẽ của em lẽ thật này và bất kỳ những lẽ thật nào khác mà em đã thấy.

4:9

Hãy nhìn bức vẽ của em và các ghi chú trên đó. Sau đó, hãy vẽ thêm bản thân em vào bức tranh đó để minh họa cách em đang đương đầu với những cơn bão của cuộc đời mình. Ví dụ, em có đang sợ hãi bám vào mạn thuyền không? Hay em đang đứng gần Đấng Cứu Rỗi, tràn đầy sự bình an?

Dưới hình minh họa bản thân mình, hãy ghi lại lý do tại sao em đã tự vẽ mình như vậy. Sau đó, hãy suy ngẫm về những hành động cụ thể mà em cảm thấy Chúa muốn em thực hiện để tiếp nhận hoặc tiếp tục tiếp nhận sự giúp đỡ của Ngài. Trong một bài học tương lai, em có thể có cơ hội xem lại hình minh họa của mình và suy ngẫm xem liệu em có tìm thấy sự bình an lớn lao hơn nơi Đấng Cứu Rỗi hay không.

Có thể hữu ích để mời học viên giữ lại bức vẽ của họ. Bài học “Đánh Giá Việc Học Tập Của Các Em 3” sẽ còn liên quan đến sinh hoạt này nữa.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Làm thế nào một cơn bão khủng khiếp như vậy lại có thể xảy ra trên một vùng nước nhỏ như vậy?

Biển Ga Li Lê … nằm trong Thung Lũng Rift Jordan ở độ cao gần 213 mét so với mực nước biển và được bao quanh bởi các dãy núi cao ở phía tây, bắc và đông. Những cơn gió có thể thổi xuống các sườn núi phía tây và tạo ra những cơn bão dữ dội, đột ngột với những đợt sóng ghê gớm trên vùng nước tương đối nhỏ này.

(Sách Học Kinh Tân Ước dành cho Học Viên [năm 2018], trang 108)

Tại sao Chúa Giê Su nhẹ nhàng quở mắng các môn đồ vì họ không có đức tin?

Chủ Tịch Howard W. Hunter (1907–95) đã chia sẻ:

Howard W. Hunter

Tất cả chúng ta đều đã từng chứng kiến một số cơn bão bất chợt đến trong đời. Một vài cơn bão đó, mặc dù chỉ tạm thời như những cơn bão trên Biển Ga Li Lê, có thể hung bạo và đáng sợ và có khả năng hủy diệt. Với tư cách cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, thậm chí là giáo hội, chúng ta đã có những cơn sóng gió bất ngờ nổi lên khiến chúng ta phải hỏi cách này hay cách khác: “Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?” Và bằng cách này hay cách khác, chúng ta luôn nghe thấy trong sự tĩnh lặng sau cơn bão: “Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?”

Không ai trong chúng ta muốn nghĩ rằng mình không có đức tin, nhưng tôi cho rằng lời quở trách nhẹ nhàng của Chúa ở đây phần lớn là thỏa đáng. Đức Giê Hô Va tối cao này, Đấng mà chúng ta nói rằng chúng ta tin cậy và là Đấng chúng ta mang danh Ngài, chính là Đấng đã phán: “Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước.” ( Sáng Thế Ký 1:6 .) Và Ngài cũng là Đấng đã phán: “Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra; thì có như vậy.” ( Sáng Thế Ký 1:9 .) Hơn nữa, chính Ngài đã rẽ Biển Đỏ, cho phép dân Y Sơ Ra Ên đi qua trên mặt đất khô ráo. (Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 14:21–22 .) Chắc chắn không có gì ngạc nhiên khi Ngài có thể ra lệnh cho một số hiện tượng khí tượng hoạt động khác đi trên Biển Ga Li Lê. Và đức tin của chúng ta nên nhắc nhở chúng ta rằng Ngài có thể xoa dịu những sóng gió trong cuộc sống của chúng ta.

(Howard W. Hunter, “Master, the Tempest Is Raging,” Ensign, tháng Mười Một năm 1984, trang 33)

Câu chuyện này có thể liên quan như thế nào đến tôi?

Chị Lisa L. Harkness, cựu Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi, đã chia sẻ:

Lisa Harkness, Primary General Presidency First Counselor. Photo taken in April 2018. Official Portrait.

Có một khuynh hướng trần thế, thậm chí là cám dỗ, khi chúng ta thấy mình ở giữa những thử thách, khó khăn, hay nỗi thống khổ, thường kêu lên: “Thầy ôi, thầy không lo con chết sao? Xin hãy cứu con.” …

Tôi có thể tưởng tượng rằng các môn đồ của Chúa Giê Su trên chiếc thuyền bị tròng trành vì sóng gió, bắt buộc phải bận rộn canh chừng sóng đánh vào con thuyền và tạt nước ra khỏi thuyền. Tôi có thể hình dung họ đang giương buồm và cố gắng duy trì một chút khả năng điều khiển con thuyền nhỏ của họ. Họ tập trung vào việc sống sót qua giây phút này, và lời nài xin giúp đỡ của họ là chân thành khẩn thiết.

Thời nay, nhiều người trong chúng ta cũng vậy. … Trong thời kỳ đầy hỗn loạn, chúng ta có thể cảm thấy như đức tin của mình đã đạt đến giới hạn chịu đựng và thấu hiểu. Những làn sóng sợ hãi có thể làm chúng ta xao lãng, khiến chúng ta quên đi lòng nhân từ của Thượng Đế, do đó khả năng nhận thức thực tế sẽ giới hạn và mơ hồ. Nhưng chính nhờ những khó khăn thử thách này trong cuộc sống mà đức tin của chúng ta không chỉ có thể được thử thách mà còn được vững mạnh nữa.

(Lisa L. Harkness, “Hãy Êm Đi, Lặng Đi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 81)

Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Sinh hoạt Sách Mặc Môn

Hãy cân nhắc mời học viên tìm kiếm câu chuyện kể về chuyến đi của dân Gia Rết trong Ê The 6:1–12 để tìm những điểm tương đồng giữa dân Gia Rết và các Sứ đồ trong cơn bão. Khuyến khích học viên tập trung vào tính biểu trưng trong mỗi câu chuyện. Học viên có thể xác định những lẽ thật về Đấng Cứu Rỗi và các nguyên tắc có thể giúp các em vượt qua những cuộc hành trình và bão tố của cuộc đời.