Lớp Giáo Lý
Ma Thi Ơ 6:1–18


Ma Thi Ơ 6:1–18

Đấng Cứu Rỗi Dạy Các Môn Đồ của Ngài Làm Những Việc Ngay Chính

Chúa Giê Su Ky Tô đang thuyết giảng cho một đám đông. Đấng Ky Tô ngồi trên sườn đồi đầy đá. Ngài mặc áo choàng đỏ và xanh. Ngài đưa một tay lên. Một vài người chắp tay thành kính.

Chúa Giê Su tiếp tục Bài Giảng trên Núi của Ngài, dạy rằng chúng ta nên làm những việc thiện để làm hài lòng Cha Thiên Thượng mà không phải để thu hút sự chú ý của những người khác. Trong bài học này, em sẽ có cơ hội đánh giá các động cơ làm việc thiện của mình và quyết định cách em muốn cải thiện.

Biết và hiểu giáo lý của Đấng Ky Tô. Hãy giúp học viên “biết và hiểu” giáo lý của Đấng Ky Tô. Việc biết và hiểu “là sự hiểu biết về tâm trí và tấm lòng.” Khi Thánh Linh làm chứng về lẽ trung thực của một nguyên tắc phúc âm, học viên sẽ có nhiều khả năng “cảm nhận được lẽ thật của nguyên tắc này và bắt đầu nhìn thấy rõ ràng hơn, khao khát mãnh liệt hơn, và vì thế hiểu được trong tim trọn vẹn hơn những tác động của nguyên tắc này trong cuộc sống của các em.” (Kim B. Clark, “Sự Học Hỏi Kỹ Càng và Niềm Vui nơi Chúa” [bài nói chuyện trong buổi phát sóng chương trình huấn luyện thường niên của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo, ngày 13 tháng Sáu, năm 2017])

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về động cơ cho những hành động của các em trong 24 giờ trước khi đến lớp.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Lưu ý: Lời Cầu Nguyện của Chúa và các đoạn liên quan ( Ma Thi Ơ 6:9–15) sẽ được dạy sau này trong một bài học chú trọng vào Lu Ca 11.

Động cơ của chúng ta

Hãy suy ngẫm về câu sau đây: Gustavo đã sửa hàng rào của hàng xóm.

Cân nhắc vẽ lên trên bảng một hình người que đang cầm một cái búa. Viết câu đó lên trên bảng gần hình người que.

Hình người que đang cầm một cái búa
  • Em nghĩ gì về Gustavo?

Xóa dấu chấm ở cuối câu “Gustavo đã sửa hàng rào của hàng xóm” và viết vì … ở cuối câu. Yêu cầu học viên hoàn thành câu này với nhiều lý do khác nhau tại sao Gustavo đã sửa hàng rào. Câu trả lời có thể bao gồm các cụm từ như “bạn ấy tốt bụng”, “bạn ấy đang tham gia vào một dự án phục vụ mà mẹ bạn ấy đã bắt bạn ấy tham gia”, “bạn ấy muốn gây ấn tượng với cô con gái của người hàng xóm”, “bạn ấy không muốn con chó của hàng xóm đi vào sân nhà mình” và “bạn ấy đã phá hỏng hàng rào trong cơn tức giận và bố đã bắt bạn ấy sửa hàng rào.”

  • Tại sao các động cơ của chúng ta là quan trọng?

Chúng ta đọc trong Ma Thi Ơ 6 rằng Đấng Cứu Rỗi tiếp tục Bài Giảng trên Núi của Ngài và dạy về các động cơ để làm việc thiện. Để giúp em suy ngẫm về những lý do em làm việc thiện như phục sự, phục vụ những người khác, cầu nguyện và tham dự lớp giáo lý, hãy thực hiện sinh hoạt sau đây.

Tạo một biểu đồ có ba cột trong nhật ký ghi chép việc học tập của em. Điền vào phần đầu biểu đồ như sau:

Hãy trưng biểu đồ sau đây lên trên bảng. Mời học viên viết vào biểu đồ câu trả lời của các em cho các câu hỏi ở đầu các cột.

Ba việc thiện mà em đã làm trong tuần qua là gì? (Liệt kê mỗi hàng một việc thiện.)

Lý do của em khi làm những việc thiện này là gì?

Em cảm thấy như thế nào sau khi làm những việc thiện này?

Giấy phát tay Động Cơ Cá Nhân

Hãy đọc Ma Thi Ơ 6:1–6, 16–18, và tìm kiếm những điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy về động cơ thực hiện các hành vi ngay chính của chúng ta. Từ người bố thí nói đến “những hành vi sùng kính tôn giáo” ( câu 1), chẳng hạn như đem cho người nghèo. Từ bọn giả hình nói đến những người “giả vờ, làm bộ” ( câu 2).

  • Em sẽ tóm tắt những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy như thế nào?

Mời học viên tóm tắt những điều các em đã đọc và đặt ra bất kỳ câu hỏi nào các em có thể có. Khi học viên tóm tắt, các em có thể nêu những nguyên tắc tương tự như sau: Nếu chúng ta thực hiện những hành động ngay chính để làm hài lòng Cha Thiên Thượng, thì Ngài sẽ thưởng cho chúng ta một cách công khai. Nếu chúng ta thực hiện những hành động ngay chính cốt để được người khác nhìn thấy, thì chúng ta sẽ không nhận được những phước lành thiên thượng cho những nỗ lực của mình. Hãy mời các học viên sẵn lòng để viết lên bảng các nguyên tắc các em đã nhận ra.

Điều quan trọng là phải hiểu rằng việc cầu nguyện công khai thì không sai chỉ vì nó không được thực hiện “ở nơi kín nhiệm” (Ma Thi Ơ 6:6). Chúng ta có thể cầu nguyện và thực hiện các lễ nghi tôn giáo khác một cách công khai nếu chúng ta thực hiện với lòng chân thành, tận tâm và mong muốn tôn vinh Thượng Đế. Điều này cũng đúng đối với việc nhịn ăn. Các cụm từ “chớ làm bộ buồn rầu” và “họ nhăn mặt” trong Ma Thi Ơ 6:16 đề cập đến những cá nhân vào thời kỳ của Chúa Giê Su, là những người đã thể hiện ra bên ngoài việc nhịn ăn của họ để thu hút sự chú ý vào bản thân họ.

  • Em nghĩ tại sao Chúa lại quan tâm nhiều đến động cơ của chúng ta, ngay cả khi chúng ta đang thực hiện những hành động ngay chính?

Hãy nhìn lại biểu đồ của em và so sánh lý do của những việc thiện em đã làm với những điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy như được chép trong Ma Thi Ơ 6.

  • Em nghĩ tại sao em nên “cố gắng phục vụ vì những lý do cao cả nhất và tốt nhất”? (Dallin H. Oaks, “Why Do We Serve?Ensign, tháng Mười Một năm 1984, trang 13).

  • Nếu người nào đó đang gặp khó khăn để hành động vì những lý do ngay chính, thì em sẽ khuyên họ làm gì?

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, lúc đó thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy về những động cơ của Đấng Cứu Rỗi khi thực hiện các công việc của Ngài. Hãy xem video “Có Lòng Chân Thật” từ mã thời gian 15:34 đến 16:29 hoặc đọc văn bản sau đây.

17:51
Ảnh chân dung chính thức của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, năm 2006. Được kêu gọi làm Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 3 tháng Hai năm 2008. Ảnh chân dung chính thức được chụp vào năm 2008 thay thế ảnh chân dung được chụp vào năm 2004.

Người vĩ đại nhất, có khả năng nhất, xuất sắc nhất đã từng sống trên thế gian này cũng là người khiêm nhường nhất. Ngài đã thực hiện một số công việc phục vụ gây ấn tượng nhất trong những giây phút riêng, chỉ có một vài người quan sát, là những người mà Ngài “cấm nói lại với ai” điều Ngài đã làm [xin xem Lu Ca 8:56]. Khi một người nào đó gọi Ngài là “nhân lành,” thì Ngài nhanh chóng đổi hướng lời khen, khẳng định rằng chỉ Thượng Đế mới thật sự là nhân lành [xin xem Mác 10:17–18]. Rõ ràng lời khen ngợi của thế gian không có ý nghĩa gì đối với Ngài; mục đích duy nhất của Ngài là để phục vụ Cha Ngài và “hằng làm sự đẹp lòng Ngài” [Giăng 8:29]. Thật là tốt để chúng ta noi gương theo Đức Thầy của mình.

(Dieter F. Uchtdorf, “Có Lòng Chân Thật”, Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 83)

Hãy suy ngẫm về những ví dụ minh họa động cơ của Đấng Cứu Rỗi để thực hiện công việc của Ngài.

  • Điều gì gây ấn tượng cho em về những ví dụ này?

  • Làm thế nào những ví dụ này giúp em gia tăng hiểu biết của mình về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi và lý do tại sao Ngài đã chuộc tội cho chúng ta?

Trưng ra các câu hỏi sau đây và mời học viên trả lời những câu hỏi đó trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em.

  • Em cảm thấy như thế nào về động cơ làm việc thiện của mình?

  • Trong những phương diện nào những động cơ làm việc thiện của em có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của em với Cha Thiên Thượng?

  • Em có thể làm một điều gì để noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi khi làm việc thiện?

Mời một vài học viên sẵn lòng chia sẻ điều gì đó mà các em đã viết ra hoặc cảm thấy. Nói cho học viên biết rằng trong bài học sắp tới, các em sẽ có cơ hội đánh giá xem động cơ làm việc thiện của mình đã thay đổi như thế nào kể từ khi học bài này. Cân nhắc làm chứng về các nguyên tắc được giảng dạy trong bài học này.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Đâu là những lý do đúng đắn cho chúng ta phục vụ?

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy về những lý do đúng đắn để phục vụ:

Ảnh chân dung chính thức của Chủ Tịch Dallin H. Oaks được chụp vào tháng Ba năm 2018.

Tiên tri Mô Rô Ni đã dạy rằng nếu công việc của chúng ta được công nhận là tốt thì phải được thực hiện vì những lý do chính đáng. Vì dù kẻ đó “có hiến dâng một món quà hay cầu nguyện lên Thượng Đế, mà lại không làm với một ý định chân thật, thì hành động đó cũng không đem lại lợi ích gì cho kẻ đó.

“Vì này, hành động đó không được xem như một điều ngay chính cho kẻ đó.” ( Mô Rô Ni 7:6–7 .) …

… Sự phục vụ của chúng ta phải là vì tình yêu thương của Thượng Đế và tình yêu thương của đồng loại hơn là vì lợi ích cá nhân hoặc bất kỳ động cơ thấp kém nào khác.

(Dallin H. Oaks, “Why Do We Serve?Ensign, tháng Mười Một năm 1984, trang 12, 14)

Làm sao một chứng ngôn của anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài có thể thúc đẩy chúng ta làm những điều tốt?

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về “sức thúc đẩy mãnh liệt trong cuộc sống của chúng ta”:

Ảnh chân dung chính thức của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, năm 2006. Được kêu gọi làm Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 3 tháng Hai năm 2008. Ảnh chân dung chính thức được chụp vào năm 2008 thay thế ảnh chân dung được chụp vào năm 2004.

Các động cơ và ý nghĩ của chúng ta cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các hành động của chúng ta. Chứng ngôn về lẽ trung thực của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là sức thúc đẩy mãnh liệt trong cuộc sống của chúng ta. Chúa Giê Su đã nhiều lần nhấn mạnh đến quyền năng của các ý nghĩ tốt và những động cơ thích đáng: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi” (Giáo Lý và Giao Ước 6:36).

… Chứng ngôn của chúng ta thúc đẩy chúng ta sống ngay chính, và lối sống ngay chính sẽ khiến cho chứng ngôn của chúng ta trở nên vững mạnh hơn. …

… Một chứng ngôn thúc đẩy chúng ta luôn luôn chọn điều đúng trong mọi hoàn cảnh. Nó thúc đẩy chúng ta đến gần Thượng Đế hơn, và để cho Ngài đến gần chúng ta hơn (xin xem Gia Cơ 4:8).

(Dieter F. Uchtdorf, “Quyền Năng của Chứng Ngôn Cá Nhân”, Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 37, 39)

Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Một cách khác để bắt đầu bài học

Trước khi học viên bước vào lớp học, hãy cân nhắc viết lên trên bảng câu hỏi này: “Vì một số lý do nào mà mọi người phục vụ người khác?” Mời học viên viết câu trả lời của các em lên trên bảng. Sau đó, yêu cầu học viên xếp hạng lý do của các em để phục vụ những người khác từ hay nhất đến dở nhất. Cân nhắc hỏi các em những câu hỏi sau đây: “Điều gì các em làm gần đây là việc thiện? Động cơ của các em khi làm như vậy là gì?”

Thêm vào danh sách các đặc tính thiêng liêng

Trong bài học trước, học viên có thể đã bắt đầu một đề mục nhật ký bắt đầu bằng “Ma Thi Ơ 5–7: Tôi có thể trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn bằng cách …” Hãy cân nhắc mời học viên thêm vào đề mục nhật ký này bất kỳ những hiểu biết sâu sắc nào mà các em có được từ bài học hôm nay.