Lớp Giáo Lý
Ma Thi Ơ 6:19–34


Ma Thi Ơ 6:19–34

“Trước Hết, Hãy Tìm Kiếm Nước Đức Chúa Trời”

Đấng Ky Tô dạy rằng mọi điều sẽ được ban thêm cho những người tìm kiếm vương quốc của Ngài.

Là một phần của Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy các môn đồ của Ngài “trước hết, hãy tìm kiếm [để xây đắp] nước Đức Chúa Trời” (Ma Thi Ơ 6:33). Trong bài học này, em sẽ có cơ hội suy ngẫm và chia sẻ tầm quan trọng của việc đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của mình.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về cách các em có thể chia sẻ với những người khác về tầm quan trọng và các phước lành của việc đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của mình.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Đấng Cứu Rỗi dạy các môn đồ của Ngài “Trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời″

Hãy đọc các tình huống thực tế sau đây:

  • Một thiếu niên ở California, Hoa Kỳ, là một vận động viên lướt sóng tài năng, nhưng lớp giáo lý được lên lịch cùng thời gian với việc luyện tập cho đội lướt sóng ở trường trung học của bạn ấy.

  • Một thiếu nữ ở Brazil được mời ngồi ở vị trí danh dự trong buổi tiệc sinh nhật lần thứ 15 của bạn mình, nhưng cô ấy được yêu cầu mặc trang phục không phù hợp với tiêu chuẩn của cô ấy.

  • Một thiếu niên ở New Zealand là một cầu thủ bóng bầu dục tài năng được dự đoán là sẽ nhận được lời đề nghị thi đấu chuyên nghiệp, nhưng anh ấy đã đủ tuổi để phục vụ truyền giáo toàn thời gian.

Đây là ví dụ về những tình huống mà giới trẻ có thể chọn đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của các em, mặc dù điều đó không hề dễ dàng.

  • Giới trẻ trong những tình huống này có thể có những thắc mắc hoặc mối bận tâm nào về việc đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của các em?

  • Em và bạn bè của em có thể có những thắc mắc hoặc mối bận tâm nào về việc đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của mình?

Khi học bài học này, hãy cầu xin Chúa giúp em giải quyết mối bận tâm của mình và cảm thấy tầm quan trọng của việc đặt Ngài lên trước nhất. Hãy học tập một trong những nhóm câu sau đây. Tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để giúp em tìm và hiểu rõ những lẽ thật mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy mà có thể giúp em đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của mình.

Học viên có thể chọn nhóm câu mà các em muốn học, hoặc giảng viên có thể chỉ định cho các em Lựa Chọn A hoặc Lựa Chọn B. Có thể hữu ích khi giảng viên trưng ra các lựa chọn sau đây lên trên bảng.

Lựa Chọn A: Ma Thi Ơ 6:19–24. Trong những câu này, Đấng Cứu Rỗi đã sử dụng từ của cải để chỉ những điều chúng ta coi trọng và mắt để tượng trưng cho tầm nhìn hoặc sự tập trung của chúng ta trong cuộc sống. Bản Dịch Joseph Smith làm sáng tỏ những điều Chúa đã dạy trong câu 22, “Vậy nên nếu mắt ngươi chỉ biết hướng về vinh quang của Thượng Đế, thì cả thân thể ngươi sẽ tràn đầy sự sáng” (Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 6:22 [trong Bản Dịch Joseph Smith Phụ Lục]; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 88:67). Có thể là điều hữu ích để lưu ý rằng từ Ma Môn nói đến vật chất thế gian hoặc sự giàu có.

Lựa Chọn B: Ma Thi Ơ 6:25–34. Bản Dịch Joseph Smith của những câu này làm sáng tỏ rằng Chúa đang nói với các Vị Sứ Đồ của Ngài về trách nhiệm của họ là “đi … vào thế gian … giảng dạy dân chúng” (Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 6:25–26 [trong Bản Dịch Joseph Smith Phụ Lục]). Lời chỉ dẫn của Chúa là dành riêng cho Mười Hai Vị Sứ Đồ vào thời điểm này, nhưng nguyên tắc Ngài đã dạy cũng áp dụng cho chúng ta. Hãy lưu ý những ví dụ về cách Thượng Đế chăm sóc cho những sự sáng tạo của Ngài, bao gồm cả chúng ta. Khi em học, hãy đặc biệt chú ý đến câu 33: Bản Dịch Joseph Smith của câu này bắt đầu bằng: “Vậy nên, chớ có tìm kiếm những điều của thế gian mà trước hết hãy tìm kiếm để xây đắp vương quốc của Thượng Đế” (Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 6:38 [trong Bản Dịch Joseph Smith Phụ Lục]).

  • Khi em đọc những lời của Đấng Cứu Rỗi và mời sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, em thấy điều gì có ý nghĩa đối với mình? Tại sao điều đó lại có ý nghĩa?

Mời vài học viên chia sẻ điều các em đã tìm được. Cân nhắc viết lên trên bảng bất kỳ nguyên tắc nào mà các em đề cập. Nếu học viên không chia sẻ các nguyên tắc một cách tự nhiên, hãy cân nhắc hỏi, “Các em sẽ tóm tắt một trong những lẽ thật mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy như thế nào?”

Đấng Cứu Rỗi đã dạy những nguyên tắc chân chính trong những câu này, bao gồm cả việc chúng ta không thể phục vụ cả Thượng Đế lẫn Ma Môn (hay vật chất thế gian) và rằng nếu trước tiên chúng ta tìm cách xây đắp vương quốc của Thượng Đế thì Ngài sẽ ban phước cho chúng ta với những điều Ngài biết chúng ta cần.

  • Em biết gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà sẽ thúc đẩy em đặt Hai Ngài lên trước nhất trong cuộc sống của mình?

Những người trẻ tuổi đặt Thượng Đế lên trước nhất

5:38

3:50

3:31
  • Có khi nào em đã đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của mình?

  • Em đã thấy những phước lành nào là kết quả đến từ quyết định của mình?

Khuyến khích những người khác đặt Thượng Đế lên trước nhất

Hãy dành ra ít phút để suy ngẫm xem những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi về việc đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của em áp dụng như thế nào cho em. Tiếp tục tìm kiếm sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh khi em hoàn thành bài học này.

Hãy tưởng tượng rằng chủ tịch đoàn giáo khu hoặc giáo hạt của em đã mời nhóm túc số hoặc lớp học của em làm một video để giúp giới trẻ trong giáo vùng cảm thấy có động lực để đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của họ. Chủ tịch đoàn dự định chiếu video này tại một sự kiện dành cho giới trẻ.

Học viên có thể lập kế hoạch làm video riêng cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ. Nếu việc lập kế hoạch làm video không phù hợp với học viên của anh chị em, thì anh chị em có thể lên kế hoạch cho một bài nói chuyện hoặc bài học về việc đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của các em.

Tạo dàn ý chi tiết cho video của em. (Em không cần quay video; em chỉ cần lập kế hoạch.) Hãy bao gồm những điều sau đây trong dàn ý của em:

  • Ít nhất một lẽ thật mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy trong Ma Thi Ơ 6 và giải thích về cách mà lẽ thật này có thể giúp giới trẻ đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của họ.

  • Một ví dụ ở thời hiện đại về một người đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của họ. Ví dụ này có thể là kinh nghiệm của cá nhân em hoặc của người mà em biết. Viết một bản tóm tắt đơn giản về ví dụ này.

Cũng bao gồm một hoặc nhiều điều sau đây trong bản tóm tắt của em:

  • Một lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội

  • Hình ảnh hoặc dụng cụ trực quan mà em có thể đưa vào và thời điểm em sẽ đưa vào

  • Chứng ngôn của cá nhân em

Sau khi đã thấy có đủ thời gian, hãy mời học viên chia sẻ với cả lớp những gì họ sẽ đưa vào video của mình. Khi các em chia sẻ, hãy cân nhắc đặt ra những câu hỏi như sau: “Tại sao các em quyết định chú trọng vào cụm từ hoặc lẽ thật đó?” “Tại sao các em quyết định sử dụng câu chuyện hoặc kinh nghiệm đó?” “Các em nghĩ tại sao điều đó có thể giúp ích cho giới trẻ ngày nay?”

Cân nhắc đề cập lại các mối bận tâm hoặc thắc mắc mà học viên đã bày tỏ ở đầu bài học. Hỏi học viên: “Những điều các em đã học có thể giúp giải quyết những mối bận tâm này như thế nào?”

Em có thể muốn chia sẻ kế hoạch làm video của mình với gia đình và bạn bè. Thời điểm tốt để làm điều này có thể là khi thảo luận về đề tài này với gia đình của em trong khi học Hãy Đến Mà Theo Ta.

Nếu em có khả năng, thì hãy cân nhắc làm video và chia sẻ video đó với những người khác.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Các phước lành nào mà chúng ta nhận được khi chúng ta đặt Thượng Đế lên trước nhất trong cuộc sống của mình?

Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994) đã dạy:

Ảnh của Chủ Tịch Ezra Taft Benson. Ông đang ngồi trên một chiếc ghế da phía trước một lò sưởi. Tay của ông đang đan vào nhau phía trước mình và ông đang đeo một chiếc nhẫn ngọc lam lớn trên ngón tay. Ảnh chân dung chính thức. năm 1986

Chúng ta phải đặt Thượng Đế lên trên mọi việc khác trong cuộc sống của chúng ta. …

Khi chúng ta đặt Thượng Đế lên trên hết, thì tất cả những việc khác đều được suôn sẻ hoặc là được loại bỏ ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Tình yêu mến của chúng ta đối với Chúa sẽ chi phối những điều chúng ta ưa thích, những điều chúng ta dành thời giờ, những điều chúng ta theo đuổi, và thứ tự ưu tiên của chúng ta.

(Ezra Taft Benson, “The Great Commandment—Love the Lord”, Ensign, tháng Năm năm 1988, trang 4)

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

Ảnh chân dung chính thức của Chủ Tịch Russell M. Nelson được chụp vào tháng Giêng năm 2018

Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế là ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình không? …

Hãy xem xét sự sẵn lòng đó có thể ban phước cho anh chị em như thế nào. …

Nếu có những câu hỏi chân thành về phúc âm hoặc về Giáo Hội, trong khi chọn để Thượng Đế ngự trị thì anh chị em sẽ được dẫn dắt để tìm kiếm và thông hiểu những lẽ thật tuyệt đối, vĩnh cửu mà sẽ hướng dẫn cuộc sống của anh chị em và giúp anh chị em kiên định ở trên con đường giao ước.

Khi anh chị em đối phó với sự cám dỗ—cho dù sự cám dỗ đến khi anh chị em cảm thấy kiệt sức hoặc cô đơn hay bị hiểu lầm—hãy tưởng tượng anh chị em có thể thu hết can đảm khi chọn để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình và khi anh chị em cầu xin Ngài thêm sức cho anh chị em. …

… Khi chọn để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình thì anh chị em sẽ tự mình cảm nhận rằng Thượng Đế của chúng ta là “một Thượng Đế có nhiều phép lạ” [Mặc Môn 9:11].

(Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 94, 95)

Đấng Cứu Rỗi đã có ý nói gì khi Ngài phán rằng: “Đừng vì mạng sống mình mà lo” và “Vậy các ngươi đừng quá lo lắng về ngày mai”?

Đấng Cứu Rỗi có ý gì khi Ngài nói: “Ngày nào có khó nhọc đủ cho ngày ấy”? (Ma Thi Ơ 6:34)

Cụm từ này có nghĩa là “Chớ lo lắng chi về ngày mai—ta đã có đủ việc để giải quyết trong hôm nay rồi” (Sách Học Kinh Tân Ước dành cho Học Viên, trang 29).

Một cu bít là gì? (Ma Thi Ơ 6:27)

Một cu bít là “đơn vị chiều dài thông thường của dân Hê Bơ Rơ—nguyên thủy là khoảng cách từ cùi chỏ đến đầu ngón tay” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cu Bít”).

Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Hãy coi chừng các tiên tri giả

Hãy cân nhắc yêu cầu học viên chia sẻ ví dụ về những ý kiến thường được thế gian chấp nhận nhưng trái với kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Giải thích rằng các tiên tri giả là những cá nhân hoặc nhóm cổ vũ những ý kiến trái với kế hoạch của Cha Thiên Thượng và cố gắng hủy diệt đức tin và chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy đọc Ma Thi Ơ 7:15–20 và thảo luận những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi về cách phân biệt các tiên tri giả và lý do tại sao những lời giảng dạy này lại quan trọng trong thời kỳ của chúng ta.Lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn có thể hữu ích:

Ảnh chân dung chính thức của Chủ Tịch Dallin H. Oaks được chụp vào tháng Ba năm 2018.

“Sa Tan nóng lòng muốn làm chúng ta hoang mang hoặc dẫn dắt chúng ta đi lạc lối trong những việc quan trọng. … Đấng Cứu Rỗi … đã ban cho chúng ta phép thử này để giúp chúng ta chọn ra lẽ thật từ những lời giảng dạy khác nhau mà có thể làm chúng ta hoang mang: “Các ngươi nhờ những trái của chúng mà nhận biết được chúng,” (3 Nê Phi 14:16). … Do đó, chúng ta nên nhìn vào kết quả—hoặc “thành quả”—của những nguyên tắc được giảng dạy và những người giảng dạy chúng. Đó là câu trả lời tốt nhất cho nhiều sự phản đối chống lại Giáo Hội và những giáo lý, chính sách, và người lãnh đạo Giáo Hội mà chúng ta nghe được. Hãy làm theo phép thử mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy. Hãy nhìn vào thành quả—hoặc kết quả.

(Dallin H. Oaks, “Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Các Chìa Khóa”, Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 71).