Lớp Giáo Lý
Ma Thi Ơ 7:1–5


Ma Thi Ơ 7:1–5

Đấng Cứu Rỗi Dạy Các Môn Đồ của Ngài Xét Đoán Một Cách Ngay Chính

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô đang ngồi trên một tảng đá trên bờ biển Ga Li Lê. Một đám đông đang vây quanh Ngài. Đám đông đang lắng nghe lời thuyết giảng của Đấng Ky Tô. (Mác 4:1) (Lu Ca 5:1)

Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy các môn đồ của Ngài phải xét đoán một cách ngay chính. Trong bài học này, em sẽ có cơ hội tìm hiểu về việc đưa ra những xét đoán ngay chính.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về những điều các em biết về những xét đoán mà mình nên đưa ra và những xét đoán mà các em nên cẩn thận để không đưa ra. Khuyến khích học viên nghĩ về những thắc mắc của các em về việc xét đoán.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Chúng ta cần xét đoán một cách ngay chính

Cho cả lớp đọc các tình huống sau đây và mời học viên suy nghĩ về loại xét đoán mà một người nào đó có thể đưa ra trong mỗi tình huống. Cân nhắc thay đổi các tình huống để gần gũi hơn với học viên.

  • Người nào đó mời em đến một bữa tiệc mà nhiều thanh thiếu niên sẽ sử dụng các chất trái ngược với Lời Thông Sáng.

  • Một người sống theo những tiêu chuẩn khác với những tiêu chuẩn của em nhưng muốn trở thành bạn thân của em.

  • Một tín hữu trong tiểu giáo khu của em thực hiện các sinh hoạt khác với gia đình của em vào ngày Sa Bát.

  • Em phát hiện ra rằng một người bạn có thói quen xem hình ảnh sách báo khiêu dâm.

Trong bài học này, em sẽ học về việc xét đoán một cách ngay chính. Em sẽ có cơ hội để xem xét lại suy nghĩ của mình về những tình huống này và áp dụng những điều em học được.

  • Em có thắc mắc gì về việc xét đoán?

Khi học bài học hôm nay, hãy suy ngẫm xem em cảm thấy như thế nào về việc xét đoán và lắng nghe những sự thúc giục của Đức Thánh Linh. Hãy ghi lại những ấn tượng giúp em gia tăng sự hiểu biết của mình về những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi về sự xét đoán. Đọc Ma Thi Ơ 7:1 . Câu này thường bị hiểu nhầm thành Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng chúng ta đừng bao giờ nên xét đoán. Bây giờ, hãy đọc Bản Dịch Joseph Smith về câu này (trong Bản Dịch Joseph Smith Phụ Lục).

  • Bản Dịch Joseph Smith làm gia tăng sự hiểu biết của em như thế nào về những điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy về cách xét đoán?

  • Em nghĩ xét đoán một cách ngay chính có nghĩa là gì?

Hãy đọc lời phát biểu sau đây:

Cân nhắc trưng ra lời phát biểu sau đây để học viên có thể dò theo khi có người nào đó đọc to lời đó.

Xét đoán là một cách sử dụng quan trọng quyền tự quyết của chúng ta và cần phải hết sức cẩn thận, đặc biệt là khi chúng ta xét đoán những người khác. Mọi sự xét đoán của chúng ta phải được hướng dẫn bởi các tiêu chuẩn ngay chính. Chỉ có Thượng Đế, Đấng biết rõ tấm lòng của mỗi cá nhân, mới có thể đưa ra sự phán xét cuối cùng về mỗi người.

Đôi khi, người ta cảm thấy rằng việc xét đoán những người khác trong bất cứ phương diện nào cũng là sai trái. Mặc dù sự thật là chúng ta không nên lên án những người khác hoặc xét đoán họ một cách bất công, nhưng chúng ta sẽ cần phải biết xét đoán những ý nghĩ, hoàn cảnh, và con người trong suốt cuộc đời của chúng ta. …

… Chúng ta nên cố gắng hết sức để chỉ xét đoán hoàn cảnh của người ta thay vì xét đoán chính con người họ. Bất cứ khi nào có thể, chúng ta không nên đưa ra những xét đoán cho đến khi chúng ta có sự hiểu biết đầy đủ về các sự kiện. Và chúng ta phải luôn bén nhạy với Đức Thánh Linh, là Đấng có thể hướng dẫn các quyết định của chúng ta.

(Gospel Topics, “Judging Others,” topics.ChurchofJesusChrist.org)

  • Các từ hoặc cụm từ nào trong lời phát biểu này giúp em hiểu về sự xét đoán ngay chính?

Chúng ta không nên tập trung vào những lỗi lầm của những người khác

Hình Ảnh
Bàn tay đang giữ hạt cải.
Hình Ảnh
Khúc gỗ sồi cũ được chụp trên nền trắng. (từ trên xuống)

Hãy đọc Ma Thi Ơ 7:2–5 và tìm kiếm những lời giảng dạy khác về cách xét đoán. Trong câu 3, Đấng Cứu Rỗi gọi một mảnh gỗ dăm là cái rác và một miếng gỗ lớn là cây đà.

Cân nhắc cho học viên xem các bức tranh có sẵn về cái rác và cây đà.

Ngoài ra, hãy mang theo một mảnh gỗ dăm (hoặc một vật nhỏ khác) và một miếng gỗ lớn (hoặc một vật lớn khác). Mời hai học viên minh họa ẩn dụ này bằng cách mời mỗi người cẩn thận cầm một trong những đồ vật này trước mắt họ.

  • Tại sao một người có cây đà trong mắt lại khó loại bỏ cái rác khỏi mắt người khác?

  • Em nghĩ Đấng Cứu Rỗi đang dạy điều gì qua phép loại suy về cây đà và cái rác?

Học viên có thể nhận ra một số nguyên tắc sau đây:

Cách chúng ta xét đoán những người khác ảnh hưởng đến cách chúng ta sẽ được Đấng Cứu Rỗi phán xét.

Nếu chúng ta chú trọng vào việc nhìn nhận và hối cải những tội lỗi và yếu kém của chính mình thì chúng ta sẽ bớt xét đoán người khác một cách bất công.

Sau khi hối cải tội lỗi của mình, chúng ta có thể giúp đỡ người khác một cách tốt hơn.

Khi học viên đề cập đến những nguyên tắc này hoặc các nguyên tắc khác, hãy viết những nguyên tắc đó lên trên bảng bằng lời của học viên.

  • Tại sao những lời giảng dạy này lại quan trọng cho chúng ta ghi nhớ?

  • Em có thể học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô từ những lời giảng dạy này?

  • Tại sao đôi khi khó sống theo những lời giảng dạy của Đấng Ky Tô về việc xét đoán?

  • Làm thế nào em có thể mời sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng, qua Chúa Giê Su Ky Tô, để giúp em áp dụng những nguyên tắc này vào cuộc sống của mình?

Luyện tập áp dụng các nguyên tắc phán xét công bình

Hãy chọn một trong các tình huống từ đầu bài học, hoặc nghĩ về một tình huống tương tự.

Hãy cân nhắc chia học viên thành từng cặp hoặc các nhóm nhỏ cho sinh hoạt này. Đến nhanh với mỗi nhóm, tham gia vào các cuộc thảo luận của các em nếu thích hợp.

  • Em đã chọn tình huống nào?

  • Em nên đưa ra những xét đoán ngay chính nào về tình huống này?

  • Em nên cẩn thận để không đưa ra những xét đoán nào?

  • Khi noi theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi, làm thế nào em có thể ngay chính và có lòng thương xót trong những xét đoán của mình?

  • Việc ghi nhớ những tội lỗi và yếu kém của riêng em có thể giúp ích như thế nào trong tình huống này?

Hãy mời các học viên tình nguyện chia sẻ nhận xét của các em. Lắng nghe kỹ câu trả lời của học viên để đánh giá các em đã học tốt như thế nào.

Đôi khi, mọi người cho rằng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong Ma Thi Ơ 7:1–5 có nghĩa là chúng ta đừng bao giờ xét đoán. Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã làm sáng tỏ rằng có một số loại xét đoán mà chúng ta được khuyến khích đưa ra:

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính thức của Chủ Tịch Dallin H. Oaks được chụp vào tháng Ba năm 2018.

Có hai kiểu xét đoán: những sự xét đoán ám chỉ đến sự phán xét cuối cùng, là việc chúng ta bị cấm không được làm, và những sự xét đoán ở mức độ trung gian, là điều chúng ta được chỉ thị để làm, nhưng dựa trên các nguyên tắc ngay chính. …

… Chúng ta hãy suy ngẫm một số nguyên tắc hoặc khía cạnh dẫn đến “một sự xét đoán ngay chính.”

Trước hết, một sự xét đoán ngay chính, theo định nghĩa, phải là ở mức độ trung gian. Sự xét đoán đó sẽ không tuyên bố rằng một người đã được đảm bảo về sự tôn cao hoặc cho rằng một người chắc chắn sẽ đi xuống lửa địa ngục. …

Thứ hai, một sự xét đoán ngay chính sẽ được Thánh Linh của Chúa hướng dẫn, chứ không phải bởi cơn tức giận, trả thù, ganh ghét, hay tư lợi. …

Thứ ba, để được ngay chính, một sự xét đoán ở mức độ trung gian phải nằm trong phạm vi quản lý của chúng ta. Chúng ta không nên phỏng đoán để đưa ra và hành động theo những xét đoán nằm ngoài trách nhiệm cá nhân của chúng ta. …

Thứ tư, nếu có thể, chúng ta không nên xét đoán cho đến khi chúng ta có đủ sự hiểu biết về các sự kiện. …

Nguyên tắc thứ năm của một sự xét đoán ngay chính ở mức độ trung gian là bất cứ khi nào có thể, chúng ta sẽ không xét đoán con người mà chỉ xét đoán tình hình.

(Dallin H. Oaks, “‘Judge Not’ and Judging”, Ensign, tháng Tám năm 1999, trang 7, 9–11)

Mời học viên suy ngẫm về câu trả lời của các em cho câu hỏi đầu tiên. Các câu hỏi khác tiếp theo có thể được thảo luận với cả lớp hoặc học viên có thể trả lời những câu hỏi này trong nhật ký ghi chép việc học tập.

  • Tôi nên đưa ra những xét đoán nào, và tôi nên cẩn thận để không đưa ra những xét đoán nào?

  • Em học được gì trong bài học này về cách xét đoán ngay chính? Những điều em đã học được có thể giúp ích như thế nào cho em trong việc nhìn nhận những người khác và bản thân giống như Đấng Cứu Rỗi nhìn nhận hơn?

  • Những thắc mắc của em về việc đoán xét được trả lời như thế nào? Nếu em có những câu hỏi chưa được giải đáp, thì hãy cam kết tiếp tục học và tìm kiếm câu trả lời từ Đức Thánh Linh.

  • Điều gì có thể giúp em bớt xét đoán người khác hơn trong cuộc sống của mình?

Hãy cân nhắc làm chứng về việc xét đoán một cách ngay chính.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Thượng Đế nhìn nhận như thế nào về con cái của Ngài?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng trong mắt của Cha Thiên Thượng:

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính thức của Chủ Tịch Russell M. Nelson được chụp vào tháng Giêng năm 2018

Mỗi người chúng ta đều có một tiềm năng thiêng liêng vì mỗi người là con của Thượng Đế. Mỗi người đều bình đẳng trong mắt Ngài. Ý nghĩa của lẽ thật này rất là sâu sắc. Thưa anh chị em, xin hãy lắng nghe kỹ những điều tôi sắp nói. Thượng Đế không yêu chủng tộc này hơn chủng tộc khác. Giáo lý của Ngài về vấn đề này rất rõ ràng. Ngài mời tất cả mọi người đến cùng Ngài, “dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ” [2 Nê Phi 26:33].

(Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 94)

Làm thế nào việc phát triển những đặc tính giống như Đấng Ky Tô ảnh hưởng đến cách các anh chị em phán xét?

Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về việc trở nên giống như Đấng Ky Tô, là điều mà có thể giúp chúng ta xét đoán một cách ngay chính.

Hình Ảnh
Ảnh chân dung chính thức của Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, tháng Giêng năm 2016.

Để trở nên giống như Đấng Ky Tô, một người phải yêu chuộng sự nhân từ. Những người yêu chuộng sự nhân từ sẽ không xét đoán; họ biểu lộ lòng trắc ẩn với người khác, đặc biệt là với những người kém may mắn; họ ân cần, tử tế, và đáng kính trọng. Những người này sẽ đối xử với người khác với lòng thương yêu và sự hiểu biết, bất kể những đặc điểm như chủng tộc, giới tính, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, tình trạng kinh tế xã hội, và những khác biệt về bộ tộc, gia tộc, hoặc quốc gia. Tất cả những điều này được thay thế bởi tình thương yêu giống như Đấng Ky Tô.

(Dale G. Renlund, “Làm Sự Công Bình, Ưa Sự Nhân Từ, và Bước Đi Một Cách Khiêm Nhường với Thượng Đế”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 111)

Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

In