Lớp Giáo Lý
Đánh Giá Việc Học Tập của Em 2


Đánh Giá Việc Học Tập của Em 2

Ma Thi Ơ 3–7; Lu Ca 3–6; Mác 1; Giăng 2–4

Chúa Giê Su ở hậu cảnh với một nhóm người đang ngồi ở tiền cảnh.

Bài học này nhằm giúp em đánh giá những mục tiêu đã đặt ra, những điều đang học và sự phát triển cá nhân mà em đã trải qua trong quá trình học Kinh Tân Ước năm nay.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về những nỗ lực của các em để chống lại và chiến thắng cám dỗ nhờ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Noi Theo Chúa Giê Su Ky Tô

Những điều em đang học từ Kinh Tân Ước trong lớp giáo lý là nhằm giúp em đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô một cách trọn vẹn hơn và trở thành môn đồ của Ngài, hoặc tín đồ của Ngài. Hãy thực hiện một trong ba sinh hoạt sau đây, tìm kiếm các phước lành sẽ đến khi chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách hành động theo những lời giảng dạy của Ngài. Rồi trả lời hai câu hỏi sau đó.

Hãy quyết định xem sinh hoạt nào sau đây có thể có hiệu quả nhất cho lớp học và mời học viên thực hiện sinh hoạt đó. Hãy chắc chắn dành ra đủ thời giờ cho phần còn lại của bài học.

  1. Trên một tờ giấy hoặc trong nhật ký ghi chép việc học tập của mình, hãy vẽ một hình đơn giản tượng trưng cho những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong Ma Thi Ơ 7:24–27.

  2. Sử dụng các khối hình hoặc cốc để xây một ngôi nhà hoặc cấu trúc đơn giản trên một nền vững chắc, như sàn nhà hoặc mặt bàn. Sau đó, xây dựng một cấu trúc đơn giản khác trên một nền kém vững chắc hơn, chẳng hạn như giường, chăn đã gấp lại, hoặc gối. Dùng tay ấn xuống bề mặt bên cạnh từng cấu trúc và quan sát hiện tượng xảy ra. Hãy đọc Ma Thi Ơ 7:24–27 và tìm kiếm những điểm tương đồng giữa sinh hoạt này và truyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi.

  • Em đã học được điều gì từ sinh hoạt này?

  • Chúng ta nhận được những phước lành nào nếu chúng ta hành động theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi?

Hãy nghĩ về sự phát triển mà em đã trải qua khi học và cố gắng áp dụng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi từ Kinh Tân Ước trong năm nay. Trả lời một hoặc nhiều câu hỏi sau đây:

  • Em đã học được một số lời giảng dạy nào của Chúa Giê Su Ky Tô mà có ý nghĩa đặc biệt với em?

  • Trong những phương diện nào em đã đến gần với Đấng Cứu Rỗi hơn khi học những lời của Ngài?

  • Một số lời giảng dạy em đã học trong năm nay mà em có thể áp dụng trong cuộc sống của mình là gì? Kết quả là em đã có được những phước lành nào?

Bài học này sẽ giúp em đánh giá một số cách em đang xây dựng cuộc sống của mình trên đá của Chúa Giê Su Ky Tô để em có thể chống lại những thử thách có thể xảy đến.

Phần còn lại của bài học này dựa trên những bài học sau đây:

  • Ma Thi Ơ 3:1–12; Mác 1:1–8

  • Lu Ca 3:7–14

  • Ma Thi Ơ 4:1–11, Phần 1

  • Ma Thi Ơ 4:1–11, Phần 2

  • Giăng 3:1–8

  • Ma Thi Ơ 6:1–18

Nếu các bài học này đã được điều chỉnh hoặc nếu các bài học này không được dạy, thì có thể cần phải điều chỉnh các sinh hoạt sau đây.

Giải thích ý nghĩa của sự hối cải, phép báp têm, và lễ xác nhận

Cân nhắc việc mời học viên thực hiện sinh hoạt sau đây bằng cách đóng diễn theo cặp hoặc nhóm nhỏ.

Sinh hoạt sau đây có thể giúp các em đánh giá mức độ hiểu biết của mình và có thể giải thích giáo lý của Đấng Cứu Rỗi về sự hối cải, phép báp têm và lễ xác nhận. Suy ngẫm về hai lời phát biểu sau đây và viết câu trả lời cho mỗi lời phát biểu để giúp giải quyết mối bận tâm được nêu ra. Sử dụng ít nhất một câu thánh thư từ việc học gần đây của các em. Các câu thánh thư tham khảo trong ngoặc đơn có thể hữu ích. Đừng ngại đưa vào bất kỳ kinh nghiệm hoặc chứng ngôn cá nhân nào.

  1. Tôi là một người khá tốt. Tại sao tôi nên lo lắng về việc hối cải nếu tôi không phạm những tội lỗi nghiêm trọng? (Xin xem Ma Thi Ơ 3:1–8; Lu Ca 3:7–14.)

  2. Tôi tin vào Chúa Giê Su Ky Tô nhưng tôi không nghĩ là mình cần phải chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận để trở về sống với Thượng Đế. (Xin xem Mác 1:1–9; Giăng 3:5; 2 Nê Phi 31:5–12, 17–18.)

Khi học viên chia sẻ câu trả lời, hãy đánh giá xem họ hiểu giáo lý về sự hối cải, phép báp têm và lễ xác nhận đến mức nào. Nếu cần, hãy yêu cầu một vài học viên có vẻ hiểu rõ giáo lý chia sẻ những lời giải thích của các em và những câu thánh thư tham khảo mà các em đã sử dụng, với cả lớp.

Đánh giá khả năng của em để chống lại và chiến thắng điều ác qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Đấng Ky Tô đang đứng trên một mỏm đá khi Ngài khiển trách Sa Tan, kẻ xuất hiện bên dưới Ngài. Bức tranh mô tả sự kiện Sa Tan cố gắng cám dỗ Đấng Ky Tô sau bốn mươi ngày nhịn ăn của Ngài trong vùng hoang dã. Đấng Ky Tô đang ra lệnh cho Sa Tan rời khỏi sự hiện diện của Ngài.

Gần đây, em đã học về việc Đấng Cứu Rỗi chống lại những cám dỗ và có cơ hội lập một kế hoạch để noi theo tấm gương của Ngài và trông cậy nơi Ngài khi em đương đầu với những cám dỗ của riêng mình. (Có thể hữu ích khi ôn lại Ma Thi Ơ 4:1–11 và những gì em đã viết trong nhật ký ghi chép việc học tập cho bài học đó.)

Để giúp em đánh giá xem mình đã áp dụng những điều đã học như thế nào, hãy dành vài phút để suy ngẫm về những nỗ lực của em để noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và trông cậy nơi Ngài để chống lại cám dỗ. (Điều này có thể bao gồm những câu thánh thư mà em đã cố gắng ghi nhớ hoặc học thuộc lòng.) Hãy suy ngẫm về những điều em đã học được từ kinh nghiệm của mình khi suy xét tình huống sau đây:

Tưởng tượng rằng một người bạn nữ gặp khó khăn khi phải chống lại cám dỗ để không xem hình ảnh sách báo khiêu dâm. Bạn ấy đã cố gắng loại bỏ cám dỗ bằng cách không sử dụng Internet khi ở một mình và không để điện thoại trong phòng vào ban đêm. Bạn ấy đã làm rất tốt trong vài ngày nhưng sau đó đã đầu hàng trước cám dỗ. Bạn ấy rất khó chịu với bản thân nên đã cố gắng tránh xem hình ảnh sách báo khiêu dâm trong vài ngày trước khi nhượng bộ lần nữa. Bạn ấy cần thêm một số ý tưởng và sự trợ giúp để có thể tiếp cận trọn vẹn với quyền năng của Đấng Cứu Rỗi nhằm chống lại cám dỗ này.

Cân nhắc thực hiện sinh hoạt sau đây cùng cả lớp. Yêu cầu một học viên chia sẻ điều gì đó hữu ích mà em sẽ nói với người bạn này. Sau đó, mời học viên đó chọn một bạn khác trong lớp để chia sẻ một ý kiến mà có thể hữu ích. Học viên có thể tiếp tục mời nhau chia sẻ, hoặc các em có thể giơ tay phát biểu. Nếu cần, hãy chia sẻ với cả lớp những câu hồi đáp hoặc cảm nghĩ mà người bạn đó có thể có.

Hãy viết một bức thư ngắn cho bạn bè của mình mà không chia sẻ những cám dỗ cụ thể của riêng em. Gồm vào hai hoặc nhiều điều sau đây trong câu trả lời của em:

  • điều gì đó em đã làm để hướng về Chúa mà đã giúp em vượt qua cám dỗ

  • những điều em biết về Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể giúp bạn mình cảm thấy được yêu thương và có động lực để tiếp tục chống lại cám dỗ

  • điều em khuyên bạn mình nên làm để noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và trông cậy nơi Ngài để chống lại cám dỗ

  • những thành công và thử thách mà bạn của em có thể gặp phải khi tiến bước và lời khuyên về cách trông cậy nơi Chúa khi bạn ấy đối phó với những thử thách

Hãy suy xét xem sinh hoạt này có thể giúp ích cho cá nhân em như thế nào. Em muốn làm gì để tiếp tục chống lại và vượt qua cám dỗ bằng sức mạnh trong Chúa Giê Su Ky Tô? Nếu em cảm thấy nản lòng hoặc hoang mang, thì hãy cân nhắc việc cầu nguyện về những mối bận tâm và cảm nghĩ của mình. Cũng có thể là hữu ích để nói chuyện với cha mẹ hoặc giám trợ. Đừng mất hy vọng khi em cố gắng xây đắp cuộc sống của mình nơi Đấng Cứu Rỗi và những lời giảng dạy của Ngài.

Suy ngẫm về ước muốn chân thành của em để thờ phượng và vâng theo Thượng Đế

Một nguyên tắc cuối cùng cần suy ngẫm là mong muốn chân thành của em để thờ phượng Thượng Đế và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Trong bài học trước, em đã học được rằng nếu chúng ta thực hiện những hành động ngay chính để làm hài lòng Cha Thiên Thượng, thì Ngài sẽ thưởng cho chúng ta một cách công khai (xin xem Ma Thi Ơ 6:1–6; 16–18). Khi học lẽ thật này, em có thể đã điền vào một sơ đồ giống như sau:

Ba việc thiện mà em đã làm trong tuần qua là gì? (Liệt kê mỗi hàng một việc thiện.)

Lý do của em khi làm những việc thiện này là gì?

Em cảm thấy như thế nào sau khi làm “những việc thiện” này?

Cân nhắc thêm vào biểu đồ một hoặc hai việc thiện mà em đã làm kể từ bài học đó và trả lời các câu hỏi theo dõi trong sơ đồ. Hãy suy ngẫm xem liệu em đã có thể tập trung một cách chân thành hơn vào Thượng Đế hay chưa.

  • Nếu người nào đó cảm thấy họ đang gặp khó khăn khi làm việc thiện để làm hài lòng Thượng Đế, thì em sẽ đưa ra lời khuyên nào cho họ?

Hãy lắng nghe kỹ câu trả lời của học viên. Hãy tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để cho thêm lời khuyên, kinh nghiệm và chứng ngôn.