Lớp Giáo Lý
Khải Huyền 5


Khải Huyền 5

“Xứng Đáng Thay Chiên Con”

Hình Ảnh
Painting of Jesus Christ in America, greeting Nephites.

Em nghĩ việc thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì? Em nghĩ tại sao chúng ta thờ phượng Hai Ngài? Giăng đã nhìn thấy ngai của Thượng Đế và nhiều nhân vật vinh quang đang ca tụng và thờ phượng Ngài. Bài học này có thể giúp em gia tăng mong muốn thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô với nhiều tình yêu thương và lòng chân thành hơn.

Củng cố mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Những học viên yêu mến Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và biết về tình yêu thương của Hai Ngài dành cho mình cảm thấy một ước muốn thực sự để được gần gũi với Hai Ngài. Hãy nhắc nhở học viên rằng lớp giáo lý có thể giúp các em cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế dành cho mình.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên nói chuyện với một người trong gia đình hoặc vị lãnh đạo Giáo Hội về ý nghĩa của việc thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Ngai của Thượng Đế

Cân nhắc bắt đầu buổi học bằng cách hát một bài thánh ca ngợi khen Thượng Đế. Mời học viên chú ý thái độ thờ phượng trong bài thánh ca.

Một cách khác là cho học viên suy ngẫm về người các em yêu thương và cách các em cho người đó thấy rằng các em yêu thương họ. Mời học viên suy ngẫm cách các em thể hiện tình yêu thương với Thượng Đế.

Mời học viên liệt kê lên trên bảng câu trả lời của các em cho câu hỏi sau.

  • Em biết gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà làm cho tấm lòng em có mong muốn thực sự để thờ phượng Hai Ngài?

Khi chúng ta thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta dành cho Hai Ngài tình yêu thương, sự tôn kính và sự phục vụ của mình (xin xem Gospel Topics, “Worship,” topics.ChurchofJesusChrist.org). Việc thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô có thể có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của chúng ta và giúp chúng ta cảm thấy gần gũi với Hai Ngài.

  • Em có một số cơ hội nào để thờ phượng Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử?

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm xem em chân thành thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô thường xuyên như thế nào. Suy ngẫm xem cuộc sống của em sẽ thay đổi như thế nào nếu em thờ phượng Hai Ngài một cách thường xuyên và có ý nghĩa hơn. Tìm kiếm ảnh hưởng của Đức Thánh Linh khi em nghiên cứu Khải Huyền 5 để biết cách em có thể chân thành thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Xứng Đáng Thay Chiên Con

Hình Ảnh
A modern replica of an ancient papyrus scroll, folded and sealed with multiple clay seals. Sealing an ancient document in this way identified its owner and his authority, made the document legally binding, and protected it from unauthorized disclosure. Jesus Christ’s role as the only person worthy to open and read the sealed book in Revelation 5 highlights His authority as the executor of God’s plan of salvation.

Trong khải tượng của mình, Giăng đã nhìn thấy ngai của Thượng Đế trong vương quốc thượng thiên. Xung quanh ngai là nhiều nhân vật vinh quang và các con thú đang ngợi khen và thờ phượng Thượng Đế (xin xem Khải Huyền 4:1–11). Ông nhìn thấy Cha Thiên Thượng ngồi trên ngai của Ngài, tay cầm một cuốn sách được đóng ấn bằng bảy cái ấn (xin xem Khải Huyền 5:1). Cuốn sách chứa đựng ý muốn, những điều kín nhiệm và công việc của Thượng Đế trong suốt 7.000 năm tồn tại thế tục của trái đất (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 77:6–7).

Hãy đọc Khải Huyền 5:2–4 , tìm kiếm phản ứng của Giăng.

  • Em đã nhận thấy điều gì?

  • Vì cuốn sách có những cái ấn tượng trưng cho lịch sử thế tục của thế gian nên Giăng có thể đã lo lắng rằng nếu không có người nào xứng đáng để mở nó ra, thì mục đích của Thượng Đế khi tạo ra thế gian sẽ không thành hiện thực. Điều gì sẽ xảy ra cho con cái của Cha Thiên Thượng nếu kế hoạch của Ngài cho sự cứu rỗi không thể thực hiện được?

Hãy đọc Khải Huyền 5:5–7 , tìm kiếm lý do tại sao Giăng không cần phải khóc. Lưu ý rằng trong Bản Dịch Joseph Smith cho câu 6 , số bảy đã được đổi thành số mười hai (trong Phụ Lục Bản Dịch Joseph Smith).

Có thể mời học viên chia sẻ cảm nghĩ của các em dành cho Đấng Cứu Rỗi và lý do tại sao các em biết ơn Ngài. Trong khi học viên nghiên cứu, hãy cho các em cơ hội chia sẻ những điều các em đã khám phá và nêu ra những thắc mắc. Giúp các em tìm câu trả lời trong thánh thư. Cân nhắc thảo luận những điều các em học được về Đấng Cứu Rỗi từ các danh xưng của Ngài và các cách thức mô tả Ngài.

Những hiểu biết sâu sắc bổ sung cho Khải Huyền 5:5–6 trong phần “Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình.”

Đọc Khải Huyền 5:8–14 , tìm kiếm xem những nhân vật vinh quang phản ứng như thế nào khi Chúa Giê Su Ky Tô có thể lấy cuốn sách từ tay của Cha Thiên Thượng. Em cũng có thể đọc cách Joseph Smith mô tả những nhân vật xung quanh ngai của Thượng Đế trong Giáo Lý và Giao Ước 76:20–21 .

  • Em nghĩ tại sao những nhân vật vinh quang phản ứng theo cách này?

  • Hãy tưởng tượng rằng em đã ở đó. Em nghĩ em sẽ cảm thấy như thế nào? Em sẽ làm gì?

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ cách các nhân vật vinh quang thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Một lẽ thật chúng ta biết được là khi chúng ta nhận ra và cảm thấy biết ơn Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta mong muốn tôn thờ và ngợi khen Hai Ngài.

Thờ phượng

Cân nhắc trưng ra lời phát biểu sau đây.

Giám Trợ Dean M. Davies (1951–2021) thuộc Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa đã dạy về sự thờ phượng. Em có thể đọc lời phát biểu dưới đây hoặc xem “Các Phước Lành của Sự Thờ Phượng” (từ phút 3:34 đến 4:45 và 8:54 đến 11:14), trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Hình Ảnh
Official Portrait of Bishop Dean M. Davies. Photographed in March 2017.

Khi thờ phượng Thượng Đế, chúng ta tiếp cận Ngài bằng tình yêu thương tôn kính, lòng khiêm nhường, và sự kính mến. Chúng ta thừa nhận và chấp nhận Ngài là vị vua tối cao, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Đức Chúa Cha yêu quý và vô cùng nhân từ của chúng ta.

Chúng ta kính trọng và tôn kính Ngài.

Chúng ta tuân phục Ngài.

Chúng ta nâng cao tâm hồn của mình trong lời cầu nguyện mãnh liệt, trân quý lời Ngài, vui mừng trong ân điển của Ngài, và cam kết noi theo Ngài với lòng trung thành tận tụy. …

Khi chúng ta thờ phượng, tâm hồn của chúng ta được tràn đầy lời ngợi khen Thượng Đế đầy ơn phước của chúng ta cả ngày lẫn đêm.

Chúng ta liên tục thánh hóa và tôn vinh Ngài—trong các nhà hội, nhà cửa, đền thờ, và tất cả các công việc của mình.

Khi thờ phượng, chúng ta mở rộng tấm lòng của mình cho quyền năng chữa lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cuộc sống của chúng ta trở thành dấu hiệu và biểu hiện về sự thờ phượng của chúng ta.

(Dean M. Davies, “Các Phước Lành của Sự Thờ Phượng”, Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 94–95)

  • Em đã học hỏi được điều gì về sự thờ phượng từ lời phát biểu này?

Để đánh giá sự hiểu biết của học viên về thờ phượng, hãy mời các em giải thích khái niệm thờ phượng Thượng Đế cho một người bạn cùng lớp. Lắng nghe kỹ câu trả lời của các em và cung cấp thêm sự hiểu biết nếu cần.

  • Em nghĩ việc chân thành thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ ban phước như thế nào cho cuộc sống của mình?

  • Khi nào em cảm thấy gần gũi với Cha Thiên Thượng hoặc Chúa Giê Su Ky Tô qua sự thờ phượng chân thành?

  • Làm thế nào mà sự thờ phượng của em có thể phản ánh tốt hơn những cảm nghĩ của mình dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Hãy chọn một hoặc nhiều hành động sau đây và suy ngẫm xem làm thế nào mà việc thờ phượng chân thành có thể giúp những hành động đó có ý nghĩa hơn: cầu nguyện, học thánh thư, tham dự buổi lễ Tiệc Thánh, tôn trọng ngày Sa Bát, nhịn ăn, tham dự đền thờ.

  • Em cảm thấy được thúc giục phải làm gì để cải thiện hoặc thay đổi cách mình thờ phượng?

Có thể là thích hợp để chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân về việc thờ phượng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

“Sư tử của chi phái Giu Đa” và “Chồi của vua Đa Vít” là ai?

Cả hai cụm từ này đều là tước vị của Chúa Giê Su Ky Tô. “Sư tử của chi phái Giu Đa” là một tước vị phù hợp vì sư tử là loài uy nghi và mạnh mẽ và vì Đấng Cứu Rỗi đã được sinh ra qua dòng dõi của Giu Đa (xin xem Sáng Thế Ký 49:8–10 ; Ma Thi Ơ 1:3 ; Hê Bơ Rơ 7:14). Tước vị “Sư tử của chi phái Giu Đa” hoàn toàn trái ngược với Chiên Con nhu mì và hiến tế được đề cập đến trong Khải Huyền 5:6 . Hai hình ảnh này nói lên rằng Đấng Ky Tô sở hữu cả sự uy nghiêm và nhu mì.

Chúa Giê Su còn được gọi là “Chồi của vua Đa Vít.” Chồi cung cấp nước cứu sinh và nuôi dưỡng cây cối—đó là giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô đối với tất cả những người chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của họ (xin xem Giăng 15:1–8 ; xin xem thêm Ê Sai 11:1 ; 53:2). Sau này trong sự mặc khải của Giăng, chính Chúa Giê Su Ky Tô đã phán: “Ta là chồi và hậu tự của Đa Vít” ( Khải Huyền 22:16). Các tác giả viết các sách Phúc Âm thường xuyên nhấn mạnh rằng Chúa Giê Su là hậu duệ của Vua Đa Vít (xin xem Ma Thi Ơ 1:1 ; Mác 10:47 ; Lu Ca 1:32 ; Giăng 7:42).

Mắt và sừng trong Khải Huyền 5:6 tượng trưng cho điều gì?

Trong thánh thư, sừng thường là biểu tượng của quyền lực hoặc quyền uy, và mắt có thể tượng trưng cho ánh sáng và sự hiểu biết. Trong Bản Dịch Joseph Smith, số bảy đã được đổi thành số mười hai (trong Phụ Lục Bản Dịch Joseph Smith, Khải Huyền 5:6). Số mười hai có thể tượng trưng cho quyền cai trị thiêng liêng và tổ chức, hoặc chức tư tế. Bản Dịch Joseph Smith cũng nói rằng mười hai sừng và mắt là “mười hai người tôi tớ của Thượng Đế,” có thể tượng trưng cho Mười Hai Vị Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúng ta thờ phượng ai?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã làm chứng:

Hình Ảnh
Official portrait of President Russell M. Nelson taken January 2018

Sự hy sinh chuộc tội và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô đã thay đổi vĩnh viễn cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta yêu mến Ngài và biết ơn cùng thờ phượng Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta.

(Russell M. Nelson, “Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi”, Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 101)

Anh Cả Gerrit W. Gong thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Official Portrait of Gerrit W. Gong. Photographed in 2018.

Chúng ta thờ phượng Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, chứ không phải là Tiên Tri Joseph hoặc bất kỳ con người trần tục nào.

(Gerrit W. Gong, “Tất Cả Các Quốc Gia, Sắc Tộc, và Sắc Ngữ”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 39)

Làm thế nào sự thờ phượng có thể giúp tôi trở nên giống như Thượng Đế?

Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–1985) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Hình Ảnh
Head and shoulders portrait of Elder Bruce R. McConkie.

Chúng ta hãy thờ phượng Chúa! Việc này được thực hiện như thế nào? Sự thờ phượng hoàn hảo chính là bắt chước. Chúng ta tôn vinh những người mà chúng ta bắt chước. Cách thờ phượng hoàn hảo nhất là trở nên thánh như Đức Giê Hô Va là thánh. Đó là phải thanh khiết như Đấng Ky Tô thanh khiết. Đó là làm những điều làm cho chúng ta có khả năng trở nên giống như Đức Chúa Cha. …

Chúng ta thờ phượng Chúa bằng cách nào? Chúng ta làm điều đó bằng cách đi từ ân điển này sang ân điển khác, cho đến khi chúng ta nhận được sự trọn vẹn của Đức Chúa Cha và được tôn vinh trong ánh sáng và lẽ thật như trường hợp của chúng ta với Đấng Khuôn Mẫu và Nguyên Mẫu của chúng ta, Đấng Mê Si Đã Được Hứa.

(Bruce R. McConkie, The Promised Messiah: The First Coming of Christ [năm 1978], trang 568–569)

Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Cách thờ phượng hàng ngày

Để giúp học viên thấy được các ví dụ về cách thờ phượng trong cuộc sống hằng ngày, cân nhắc xem video “This Is Church” (Đây Là Giáo Hội) (1:10), trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Các ví dụ về cách thờ phượng trong Sách Mặc Môn

Học viên có thể nghiên cứu các ví dụ sau đây từ Sách Mặc Môn cùng với cả lớp hoặc trong các nhóm nhỏ và báo cáo những điều các em đã học hỏi được về cách thờ phượng Thượng Đế.

1 Nê Phi 1:5–8

Gia Cốp 4:4–6

Mô Si A 18:17–30

An Ma 45:1

3 Nê Phi 11:10–19

Tưởng tượng được ở nơi hiện diện của Thượng Đế

Để giúp học viên tưởng tượng mình đang ở nơi hiện diện của Thượng Đế, các em có thể nghiên cứu An Ma 36:22 để xem An Ma cảm thấy như thế nào khi hình dung về Thượng Đế. Học viên có thể suy ngẫm về việc các em có thể cảm thấy như thế nào khi ở nơi hiện diện của Chúa và so sánh những cảm nghĩ của chính các em với cảm nghĩ của An Ma. Học viên cũng có thể nghiên cứu kinh nghiệm của An Ma trong các câu 17–21 . An Ma đã khám phá ra điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô? Khám phá của ông giống với những điều Giăng đã học về Chúa Giê Su Ky Tô trong Khải Huyền 5:2–9 như thế nào?

Sự sáng tạo của học viên

Ca hát là một hình thức thờ phượng (xin xem Khải Huyền 5:9). Một số học viên có thể thích viết một bài thánh ca ngợi khen và thờ phượng Chúa. Một lựa chọn khác là mời học viên viết một bài thơ hoặc vẽ một bức tranh.

In