“Ba Bài Học từ Thời Niên Thiếu của Joseph Smith,” Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, tháng Chín năm 2023.
Ba Bài Học từ Thời Niên Thiếu của Joseph Smith
Hãy xem các em có thể học được điều gì từ kinh nghiệm của Vị Tiên Tri 200 năm trước.
Các em có bao giờ cảm thấy khó để liên hệ với những người trong quá khứ chưa? Họ đã sống cách đây rất lâu—họ có thể thực sự giảng dạy cho các em bất cứ điều gì về cuộc sống của mình không? Có đấy! Joseph Smith là một tấm gương tuyệt vời. Đến năm 18 tuổi, ông đã học được một vài điều về việc nhận được sự đáp ứng cho lời cầu nguyện và mối quan hệ của ông với Cha Thiên Thượng. Những bài học đó có thể giúp các em ngày nay.
Bài Học #1: Đôi khi cần thời gian để có được câu trả lời.
Những sự đáp ứng cho lời cầu nguyện không phải lúc nào cũng đến nhanh chóng. Việc chờ đợi không hề dễ dàng—đặc biệt là khi có sẵn các câu trả lời nhanh chóng trên mạng internet cho hầu hết mọi thắc mắc.
Nếu các em cảm thấy cần phải mất nhiều thời gian để Thượng Đế đáp ứng cho mình, thì các em không đơn độc một mình đâu. Năm 12 tuổi, Joseph Smith bắt đầu nghĩ về “những mối quan tâm quan trọng vô cùng đối với sự an lạc của tâm hồn bất diệt [của ông].”1 Ông vật lộn với những thắc mắc về sự xứng đáng của bản thân và sự tà ác của thế gian trong hai năm kế tiếp. Phải mất hai năm để suy ngẫm, nghiên cứu thánh thư, và giải quyết những thắc mắc đó trước khi Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng ông trong Khu Rừng Thiêng Liêng.
Điều đó cũng giống như vậy đối với chúng ta. Khi chúng ta có một thắc mắc, có thể mất nhiều ngày, nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm trước khi nhận được câu trả lời. Nhưng điều đó là bình thường. Những nỗ lực của chúng ta trong khi chờ đợi là thiết yếu. Hãy nhớ điều Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Hạt giống cần phải được nuôi dưỡng và chúng ta cần phải đợi cho nó lớn.”2
Bài Học #2: Thượng Đế biết rõ tên của chúng ta.
Trước khi tròn 18 tuổi, Joseph đã được Thượng Đế Đức Chúa Cha, Chúa Giê Su Ky Tô, và thiên sứ Mô Rô Ni hiện đến cùng ông. Điều đó khá ấn tượng! Và những Đấng thiêng liêng này đều biết rõ tên của Joseph. Họ biết rõ ông!
Thượng Đế cũng biết rõ từng cá nhân các em. Các em là con cái của Ngài và Ngài biết tên của các em. Thượng Đế đã dạy lẽ thật này về những tạo vật của Ngài: “Đối với ta mọi vật đều đếm được, vì chúng là của ta và ta biết chúng” (Môi Se 1:35).
Một phần lý do Joseph tự tin làm điều ông được yêu cầu là vì ông hiểu rằng mình là con của Thượng Đế, là Đấng biết rõ ông.
Bài Học #3: Khi hối cải, chúng ta mở lòng với những kinh nghiệm thuộc linh.
Một trong những động lực chính của Joseph để đi đến Khu Rừng Thiêng Liêng là hối cải tội lỗi của mình. Đó cũng là lý do mà ông đã cầu nguyện vào đêm thiên sứ Mô Rô Ni hiện đến cùng ông: “[cho sự] tha thứ cho [ông] tất cả những tội lỗi và những điều khờ dại của [ông]” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:29). Điều này dạy chúng ta hai điều:
Thứ nhất, nếu chúng ta phạm sai lầm, chúng ta không nên nghĩ rằng mình không xứng đáng để cầu nguyện. Joseph đã phạm phải “những tội lỗi và những điều khờ dại,” nhưng ông biết rằng mình có thể cầu nguyện và nhận được sự tha thứ.
Thứ hai, khi hối cải, chúng ta có thể cảm nhận được Thánh Linh mạnh mẽ hơn. Như Anh Cả Jörg Klebingat thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã giải thích: “[Các em] sẽ tự tin hơn về phần thuộc linh khi tự nguyện và vui vẻ hối cải tội lỗi.”3
Chủ tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng sự hối cải giúp chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn. Khi hối cải, chúng ta mở ra cánh cửa thiên thượng. “Chúng ta chọn tăng trưởng phần thuộc linh và tiếp nhận niềm vui—niềm vui cứu chuộc nơi Ngài”.4
Vì vậy, nếu các em cần phải hối cải một điều gì đó, thì hãy làm đi! Điều đó không những sẽ mang đến sự bình an cho các em và giúp các em trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, mà còn sẽ giúp các em cảm nhận được Thánh Linh mạnh mẽ hơn và nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện.
Joseph Smith có thể đã sống cách đây rất lâu, nhưng các bài học ông đã học được khi còn là một thiếu niên vẫn có thể giúp đỡ các em ngày nay. Đó là một lý do khác để biết ơn Tiên Tri Joseph Smith.