Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn
Người Công Bình Sẽ Cậy Đức Tin mà Sống
Vị Giáo Sĩ Do Thái và Người Làm Xà Phòng
Có một câu chuyện cổ tích Do Thái về một người làm xà phòng không tin vào Thượng Đế. Một ngày nọ trong khi ông đang đi dạo với một giáo sĩ Do Thái, ông nói: “Có một điều tôi không thể hiểu nổi. Chúng ta đã có tôn giáo trong hàng ngàn năm. Nhưng ở khắp mọi nơi ta nhìn đều là tà ác, thối nát, bất lương, bất công, đau khổ, đói kém, và bạo lực. Dường như tôn giáo đã không cải thiện thế giới một chút nào cả. Vậy thì tôi hỏi ông, tôn giáo tốt gì chứ?”
Vị giáo sĩ không trả lời trong một lát nhưng vẫn tiếp tục bước đi với người làm xà phòng. Cuối cùng họ đi đến gần một sân chơi nơi có các trẻ em người đầy bụi bặm đang chơi đất.
Vị giáo sĩ nói: “Có một điều gì đó mà tôi không hiểu.” “Hãy nhìn các em đó. Chúng ta đã có xà phòng trong hàng ngàn năm, vậy mà những đứa trẻ đó thật là dơ bẩn. Xà phòng thì tốt gì chứ?”
Người làm xà phòng đáp: “Nhưng thưa giáo sĩ, thật là không công bằng để đổ lỗi cho xà phòng vì các em này dơ bẩn. Xà phòng phải được sử dụng trước khi nó có thể hoàn thành mục đích của nó.”
Vị giáo sĩ mỉm cười và nói: “Đúng vậy.”
Chúng Ta Sẽ Sống Như Thế Nào?
Khi trích dẫn lời của một vị tiên tri thời Cựu Ước, Sứ Đồ Phao Lô tóm lược ý nghĩa của việc làm một người tin khi ông viết: “Người công bình sẽ cậy đức tin mà sống” (Rô Ma 1:17).
Có lẽ trong lời phát biểu đơn giản này, chúng ta hiểu sự khác biệt giữa một tôn giáo yếu đuối và bất lực với một tôn giáo có quyền năng để biến đổi cuộc sống.
Nhưng để hiểu ý nghĩa của việc sống bằng đức tin, chúng ta phải hiểu đức tin là gì.
Đức tin có ý nghĩa nhiều hơn là niềm tin. Đó là sự tin cậy hoàn toàn nơi Thượng Đế kèm theo hành động.
Đức tin có ý nghĩa nhiều hơn là ước muốn.
Đức tin có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ ngồi gật đầu và nói rằng chúng tôi đồng ý. Khi nói “người công bình sẽ cậy đức tin mà sống,” chúng ta có ý nói là mình được đức tin của chính mình chỉ dẫn và hướng dẫn. Chúng ta hành động theo một cách phù hợp với đức tin của mình—không phải chỉ vì sự vâng lời thiếu suy nghĩ mà vì tình yêu thương tin tưởng và chân thành đối với Thượng Đế và đối với sự thông sáng vô giá Ngài đã mặc khải cho con cái của Ngài.
Đức tin cần phải đi kèm với hành động; nếu không thì đó là đức tin chết (xin xem Gia Cơ 2:17). Đó không phải là đức tin chút nào cả. Đức tin đó không có quyền năng để thay đổi chỉ một cá nhân, huống chi thay đổi cả thế giới.
Những người nam và người nữ có đức tin sẽ tin cậy nơi Cha Thiên Thượng đầy lòng thương xót—ngay cả trong lúc bấp bênh, ngay cả trong lúc nghi ngờ và nghịch cảnh khi họ có thể không hoàn toàn nhìn thấy hoặc hiểu rõ.
Những người nam và người nữ có đức tin tha thiết đi theo con đường của người môn đồ và cố gắng noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của họ, Chúa Giê Su Ky Tô. Đức tin thúc đẩy và, quả thực, soi dẫn chúng ta để hướng lòng mình đến thiên thượng và tích cực tìm đến giúp đỡ, nâng đỡ và ban phước cho đồng bào của mình.
Tôn giáo mà không có hành động thì giống như xà phòng còn nằm trong hộp. Tôn giáo đó có thể có tiềm năng tuyệt vời, nhưng trong thực tế nó có rất ít quyền năng để tạo ra một sự khác biệt cho đến khi nó đáp ứng đúng mục đích. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là một phúc âm về hành động. Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô giảng dạy tôn giáo đích thực với tính cách là một sứ điệp về hy vọng, niềm tin, và lòng bác ái, kể cả việc giúp đỡ đồng bào của chúng ta trong những cách thuộc linh và thế tục.
Cách đây một vài tháng, vợ tôi, là Harriet, và tôi cùng đi chung gia đình một số con cái của chúng tôi trong khu vực Địa Trung Hải. Chúng tôi đã ghé thăm một số trại tị nạn và gặp gỡ các gia đình từ các nước bị chiến tranh tàn phá. Những người này không thuộc vào tín ngưỡng của chúng ta, nhưng họ là những người anh chị em của chúng ta và họ rất cần được giúp đỡ. Lòng chúng tôi vô cùng cảm động khi trực tiếp trải nghiệm cách mà đức tin tích cực của các tín hữu Giáo Hội mang đến sự giúp đỡ, cứu trợ, và hy vọng cho đồng bào của chúng ta đang hoạn nạn, bất kể tôn giáo, quốc tịch, hoặc học vấn của họ.
Đức tin kèm theo với hành động kiên định làm tràn ngập tấm lòng với sự nhân từ, tâm trí với sự khôn ngoan và sự hiểu biết, và tâm hồn với sự bình an và yêu thương.
Đức tin của chúng ta có thể ban phước và có ảnh hưởng ngay chính đến cả những người xung quanh chúng ta lẫn bản thân chúng ta.
Đức tin của chúng ta có thể làm cho thế giới tràn đầy điều tốt lành và bình an.
Đức tin của chúng có thể biến thù hận thành yêu thương và kẻ thù thành bè bạn.
Rồi thì người công bình cậy đức tin mà hành động; họ sống bằng cách tin cậy nơi Thượng Đế và bước đi trong đường lối Ngài.
Và đó là loại đức tin mà có thể biến đổi các cá nhân, gia đình, quốc gia và thế giới.