Trận Chiến Tiếp Diễn
Cuộc chiến đã bắt đầu trên thiên thượng vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Quả thật, cuộc chiến trở nên khốc liệt khi Các Thánh Hữu chuẩn bị cho ngày trở lại của Đấng Cứu Rỗi.
Bất cứ người nào theo dõi tin tức quốc tế cũng sẽ đồng ý rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ “chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh” (GLGƯ 45:26). May thay, tất cả mọi người trên thế gian đều là cựu chiến binh cả. Chúng ta đã chiến đấu chống lại các đạo quân tà ác trong một cuộc chiến tranh đang tiếp diễn mà bắt đầu từ trên tiền dương thế trước khi chúng ta sinh ra.
Vì chưa nhận được thể xác hữu diệt nên chúng ta đã đánh Trận Chiến trên Thiên Thượng mà không có gươm đao, súng ống, hoặc bom đạn. Nhưng cuộc chiến cũng trở nên khốc liệt như bất cứ cuộc chiến hiện đại nào, và có hàng tỷ người thương vong.
Cuộc chiến trên tiền dương thế được đánh bằng lời nói, ý nghĩ, cuộc tranh luận, và sự thuyết phục (xin xem Khải Huyền 12:7–9, 11). Chiến lược của Sa Tan là để làm cho dân chúng sợ. Nó biết rằng nỗi sợ hãi là cách tốt nhất để hủy diệt đức tin. Nó có thể đã sử dụng những lập luận như thế này: “Cuộc sống đạo đức thật là quá khó để sống theo.” “Không thể nào trở lại trong sạch được đâu.” “Có quá nhiều rủi ro.” “Làm thế nào mình biết mình có thể tin cậy Chúa Giê Su Ky Tô?” Nó rất ganh tị với Đấng Cứu Rỗi.
May thay, kế hoạch của Thượng Đế đã chiến thắng những lời dối trá của Sa Tan. Kế hoạch của Thượng Đế gồm có quyền tự quyết về mặt đạo đức dành cho nhân loại và một sự hy sinh vĩ đại. Đức Giê Hô Va, mà chúng ta biết chính là Chúa Giê Su Ky Tô, đã tình nguyện làm sự hy sinh đó—để gánh chịu đau khổ cho tất cả tội lỗi của chúng ta. Ngài đã sẵn sàng hy sinh mạng sống của Ngài cho anh chị em của Ngài để những người nào hối cải đều cũng có thể trở lại trong sạch và cuối cùng trở nên giống như Cha Thiên Thượng của họ. (Xin xem Môi Se 4:1–4; Áp Ra Ham 3:27.)
Một lợi thế khác mà giúp cho Đức Giê Hô Va giành được lòng chung thủy của con cái của Thượng Đế là chứng ngôn vững mạnh do những người ủng hộ Ngài chia sẻ, được lãnh đạo bởi Mi Chen, vị thiên sứ trưởng (xin xem Khải Huyền 12:7, 11; GLGƯ 107:54). Trong tiền dương thế, A Đam được gọi là Mi Chen, và Sa Tan được gọi là Lu Xi Phe, có nghĩa là “kẻ mang ánh sáng.”1 Điều đó dường như là một cái tên lạ đối với hoàng tử của bóng tối (xin xem Môi Se 7:26), nhưng thánh thư dạy rằng Sa Tan là “một thiên sứ của Thượng Đế từng có thẩm quyền trong chốn hiện diện của Thượng Đế,” trước khi nó ngã xuống (xin xem GLGƯ 76:25–28).
Làm thế nào một linh hồn có nhiều sự hiểu biết và kinh nghiệm như vậy lại có thể ngã xuống cho đến nay? Đó chính là vì tính kiêu ngạo của nó. Lu Xi Phe phản nghịch chống lại Cha Thiên Thượng vì nó muốn vương quốc của Thượng Đế cho chính nó.
Trong bài nói chuyện xuất sắc “Hãy Coi Chừng Tính Kiêu Ngạo” của Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994), ông đã dạy rằng Lu Xi Phe “muốn được vinh danh trên tất cả mọi người khác” và “ước muốn kiêu ngạo của nó là truất ngôi của Thượng Đế.”2 Anh chị em cũng đã nghe nói rằng Sa Tan muốn hủy diệt quyền tự quyết của loài người, nhưng đó không phải là lý do duy nhất mà nó đã không được Thượng Đế chấp nhận. Nó bị đuổi ra khỏi thiên thượng vì phản nghịch chống lại Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử (xin xem GLGƯ 76:25; Môi Se 4:3).
Tại sao anh chị em và tôi đánh chống lại quỷ dữ? Chúng ta đánh chống lại vì lòng trung thành. Chúng ta yêu mến và ủng hộ Cha Thiên Thượng. Chúng ta muốn được trở thành giống như Ngài. Lu Xi Phe đã có một kế hoạch khác. Nó muốn thay thế Đức Chúa Cha (xin xem Ê Sai 14:12–14; 2 Nê Phi 24:12–14). Hãy tưởng tượng sự phản bội của Sa Tan đã làm tổn thương Cha Mẹ Thiên Thượng biết bao. Chúng ta đọc trong thánh thư rằng “các tầng trời đã khóc cho nó” (GLGƯ 76:26).
Sau một trận chiến dữ dội, Mi Chen và quân đội của ông đã chiến thắng. Hai phần ba thiên binh đã chọn đi theo Đức Chúa Cha (xin xem GLGƯ 29:36). Sa Tan và những người theo nó đã bị đuổi ra khỏi thiên thượng, nhưng họ không bị gửi ngay đến bóng tối tăm bên ngoài. Trước hết, họ được gửi đến thế gian này (xin xem Khải Huyền 12:7–9), nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã sinh ra và nơi mà sự hy sinh chuộc tội của Ngài sẽ được thực hiện.
Tại sao đạo quân của Sa Tan được phép đến thế gian? Họ đến để mang theo sự tương phản cho những người đang được thử thách ở đây (xin xem 2 Nê Phi 2:11). Cuối cùng họ có bị ném vào bóng tối tăm bên ngoài không? Có chứ. Sau Thời Kỳ Ngàn Năm, Sa Tan và đạo quân của nó sẽ bị ném vĩnh viễn vào bóng tối tăm.
Sa Tan biết rằng ngày tàn của nó đã gần kề. Khi Chúa Giê Su tái lâm, Sa Tan và các quỷ sứ của nó sẽ bị trói giữ trong 1.000 năm (xin xem Khải Huyền 20:1–3; 1 Nê Phi 22:26; GLGƯ 101:28). Khi thời hạn đã cận kề thì các lực lượng tà ác chiến đấu một cách tuyệt vọng để bắt giữ càng nhiều người càng tốt.
Giăng Đấng Mặc Khải đã được cho thấy Chiến Tranh trên Thiên Thượng là một phần của một đại khải tượng. Ông được cho thấy Sa Tan đã bị đuổi xuống thế gian để cám dỗ loài người như thế nào. Đây là phản ứng của Giăng: “Khốn thay cho những dân cư trên đất, phải, và những kẻ cư ngụ trên các hải đảo! vì quỷ dữ giận hoảng mà xuống cùng các ngươi, bởi nó biết nó chẳng còn có thì giờ bao nhiêu” (Khải Huyền 12:12).
Vậy thì Sa Tan dành ra những ngày còn lại của nó như thế nào vì biết rằng nó không được hoang phí thời gian? Sứ Đồ Phi E Rơ đã viết rằng “ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (1 Phi E Rơ 5:8).
Điều gì thúc đẩy Sa Tan? Nó sẽ không bao giờ có một thể xác, nó sẽ không bao giờ có vợ hay có gia đình, và nó sẽ không bao giờ có được niềm vui trọn vẹn, nên nó muốn làm cho tất cả những người nam và người nữ “phải đau khổ như nó vậy” (2 Nê Phi 2:27).
Quỷ dữ nhắm vào tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là những người có tiềm năng nhất để có được hạnh phúc vĩnh cửu. Rõ ràng là nó ganh tị với bất cứ người nào trên con đường đi đến sự tôn cao. Thánh thư dạy rằng Sa Tan “đã gây chiến với các thánh hữu của Thượng Đế, và bao vây họ” (GLGƯ 76:29).
Cuộc chiến đã bắt đầu trên thiên thượng vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Quả thật, cuộc chiến trở nên khốc liệt khi Các Thánh Hữu chuẩn bị cho ngày trở lại của Đấng Cứu Rỗi.
Chủ Tịch Brigham Young (1801–77) đã tiên tri “rằng Giáo Hội sẽ lan tràn, phát triển, tăng trưởng và bành trướng, và rằng Phúc Âm sẽ được rao giảng ở giữa các dân tộc trên thế gian, và quyền năng của Sa Tan cũng sẽ gia tăng cùng một mức độ như vậy.”3
Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng lời tiên tri này đang được ứng nghiệm trong khi chúng ta nhìn xem sự tà ác đang xâm nhập vào các xã hội trên thế giới. Chủ Tịch Young dạy rằng chúng ta cần phải nghiên cứu các chiến thuật của kẻ thù để đánh bại nó. Tôi chia sẻ bốn chiến lược của Sa Tan đã được cho thấy và một số ý kiến về cách chống lại các chiến lược này.
Các Chiến Lược của Sa Tan
1. Sự Cám Dỗ. Quỷ dữ rất táo bạo khi đặt những ý nghĩ tà ác vào tâm trí chúng ta. Sách Mặc Môn dạy rằng Sa Tan nỉ non những ý nghĩ không trong sạch và xấu xa cùng gieo rắc những ý nghĩ nghi ngờ. Nó lải nhải với chúng ta để hành động theo những thôi thúc gây nghiện và khuyến khích lòng ích kỷ và tham lam. Nó không muốn chúng ta nhận ra những ý nghĩ này bắt nguồn từ đâu, vì vậy nó nỉ non: “Tôi không phải là quỷ dữ, vì làm gì có quỷ” (2 Nê Phi 28:22).
Làm thế nào chúng ta có thể chống lại cách cám dỗ trực tiếp này? Một trong những công cụ hiệu quả nhất là chỉ cần đuổi Sa Tan đi. Đó là điều mà Chúa Giê Su thường làm.
Câu chuyện trong Kinh Tân Ước về Đấng Cứu Rỗi trên núi nói về sự cám dỗ là để làm bài học. Sau mỗi cám dỗ mà quỷ dữ đưa ra cho Ngài, thì Chúa Giê Su đã dùng một kỹ thuật phòng thủ gồm có hai bước: trước hết, Ngài ra lệnh cho Sa Tan phải rời đi; sau đó Ngài trích dẫn thánh thư.
Tôi xin được đưa ra cho anh chị em một ví dụ: Chúa Giê Su truyền lệnh: “Hỡi quỉ Sa Tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma Thi Ơ 4:10). Câu kế tiếp ghi rằng: “Ma quỉ bèn bỏ đi; liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài” (Ma Thi Ơ 4:11). Cách phòng thủ của Đấng Cứu Rỗi thật là hữu hiệu!
Tiểu sử của Chủ Tịch Heber J. Grant (1856–1945) mang đến sự hiểu biết sâu sắc về cách mà Chủ Tịch Grant, khi còn là một thanh niên, đã chống lại quỷ dữ. Khi Chủ Tịch Grant nhận ra rằng Sa Tan đang nỉ non với ông, cùng cố gắng gieo nỗi nghi ngờ vào lòng ông, thì ông chỉ nói lớn: “Này, Quỷ Dữ hãy câm mồm lại.”4
Anh chị em có quyền bảo Sa Tan phải rời đi khi anh chị em đang đối phó với cám dỗ. Thánh thư dạy rằng: “Hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em” (Gia Cơ 4:7).
Phần kia của cách phòng thủ của Đấng Cứu Rỗi là trích dẫn thánh thư. Có một quyền năng lớn lao trong việc thuộc lòng thánh thư, như Chúa Giê Su đã làm. Các câu thánh thư có thể trở thành một kho vũ khí thuộc linh.
Khi bị cám dỗ, anh chị em có thể đọc thuộc lòng các điều giáo lệnh như là “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh,” “Hãy yêu kẻ thù mình,” hoặc “Hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:8; Lu Ca 6:27; GLGƯ 121:45). Quyền năng của thánh thư không những làm cho Sa Tan sợ hãi, mà còn mang Thánh Linh vào lòng của anh chị em, trấn an anh chị em, và củng cố anh chị em chống lại sự cám dỗ.
2. Những lời dối trá và lừa gạt. Thánh thư tiết lộ rằng Sa Tan chính là “cha đẻ của mọi sự dối trá” (2 Nê Phi 9:9). Đừng tin nó khi nó nỉ non các thông điệp như là “Ngươi không bao giờ làm điều gì đúng cả,” “Ngươi có quá nhiều tội lỗi để được tha thứ,” “Ngươi sẽ không bao giờ thay đổi,” “Không một ai quan tâm đến ngươi cả,” và “Ngươi không có tài cán gì cả.”
Một trong những lời dối trá thường được nó sử dụng là như sau: “Ngươi cần phải thử tất cả mọi thứ ít nhất một lần—để có được kinh nghiệm. Một lần sẽ không hại ngươi đâu.” Bí mật đê tiện mà nó không muốn anh chị em biết là tội lỗi làm cho người ta nghiện.
Một lời nói dối khác có hiệu quả mà Sa Tan sẽ cố gắng đưa ra với anh chị em là: “Mọi người khác đều làm vậy. Không sao cả.” Không được! Vì vậy, hãy bảo quỷ dữ rằng anh chị em không muốn đi đến hạ thiên giới—cho dù mọi người khác đang đi đến đó.
Mặc dù Sa Tan sẽ nói dối anh chị em, nhưng anh chị em cũng có thể trông cậy vào Thánh Linh để cho anh chị em biết được sự thật. Đó là lý do tại sao ân tứ Đức Thánh Linh lại rất thiết yếu như vậy.
Quỷ dữ đã được gọi là “kẻ lừa gạt quỷ quyệt.”5 Nó cố gắng bắt chước mỗi nguyên tắc chân chính do Chúa trình bày.
Hãy nhớ rằng, đồ giả thì không giống với đồ trái ngược. Trái ngược với màu trắng là màu đen, nhưng một màu giả cho màu trắng có thể là màu trắng nhạt hoặc màu xám. Đồ giả rất giống với đồ thật để nhằm lừa gạt những người nhẹ dạ. Đồ giả là đồ sao lại của một cái gì đó tốt, và cũng giống như tiền giả, đồ giả là vô giá trị. Tôi xin đưa ra một vài ví dụ về điều này.
Một trong những sự giả mạo của Sa Tan về đức tin là mê tín dị đoan. Sự giả mạo của nó về tình yêu thương là lòng thèm khát. Nó giả mạo chức tư tế bằng cách giới thiệu mưu chước tăng tế, và nó bắt chước phép lạ của Thượng Đế bằng phép phù thủy.
Hôn nhân giữa một người nam và người nữ là do Thượng Đế quy định, nhưng hôn nhân đồng tính chỉ là một điều giả mạo. Nó không mang đến con cháu dòng dõi cũng như sự tôn cao. Mặc dù những sự bắt chước của nó lừa gạt nhiều người, nhưng những điều đó không phải là thật. Chúng không thể mang đến hạnh phúc lâu dài.
Chúa đã cảnh báo chúng ta về những sự giả mạo trong Giáo Lý và Giao Ước. Ngài phán: “Những gì không gây dựng đều không phải của Thượng Đế mà là bóng tối” (GLGƯ 50:23).
3. Sự Tranh Chấp. Sa Tan là cha đẻ của sự tranh chấp. Đấng Cứu Rỗi dạy: “Nó khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau” (3 Nê Phi 11:29).
Quỷ dữ đã học được từ nhiều thế kỷ kinh nghiệm rằng nơi nào có tranh chấp, thì Thánh Linh của Chúa sẽ bỏ đi. Kể từ khi nó thuyết phục Ca In giết chết A Bên, thì Sa Tan đã khiến cho anh chị em ruột cãi vã kình chống nhau. Nó cũng khích động các vấn đề trong hôn nhân, ở giữa các tín hữu của tiểu giáo khu, và giữa những người đồng hành truyền giáo nữa. Nó thích thú nhìn những người tốt tranh cãi. Nó cố gắng bắt đầu những cuộc tranh luận trong gia đình ngay trước khi đi nhà thờ vào ngày Chủ Nhật, ngay trước khi buổi họp tối gia đình vào tối thứ Hai, và bất cứ khi nào một cặp vợ chồng dự định tham dự một phiên lễ đền thờ. Thời điểm của nó có thể đoán trước được.
Khi có tranh chấp trong nhà hoặc nơi làm việc của anh chị em, thì hãy ngừng ngay lập tức bất cứ điều gì anh chị em đang làm và tìm cách giải hòa. Việc người nào bắt đầu tranh chấp thì không thành vấn đề.
Cuộc tranh chấp thường bắt đầu bằng lời nói bắt bẻ, chê trách. Joseph Smith đã dạy rằng “quỷ dữ tâng bốc chúng ta là người rất ngay chính khi chúng ta chú trọng vào những lỗi lầm của người khác.”6 Khi anh chị em nghĩ về điều đó, thì tính tự mãn chính là giả mạo cho sự ngay chính thực sự.
Sa Tan rất thích phổ biến sự tranh chấp trong Giáo Hội. Nó chuyên môn chỉ ra những lỗi lầm của các vị lãnh đạo Giáo Hội. Joseph Smith cảnh báo Các Thánh Hữu rằng bước đầu của sự bội giáo là để mất lòng tin nơi các vị lãnh đạo của Giáo Hội.7
Hầu như tất cả các tài liệu chống Đạo Mặc Môn đều dựa trên những lời dối trá về cá tính của Joseph Smith. Kẻ nghịch thù cố gắng làm mất uy tín của Joseph vì sứ điệp về Sự Phục Hồi dựa vào lời tường thuật của Vị Tiên Tri về điều đã xảy ra trong Khu Rừng Thiêng Liêng. Ngày nay, quỷ dữ đang cố gắng nhiều hơn bao giờ hết để làm cho các tín hữu nghi ngờ chứng ngôn của mình về Sự Phục Hồi.
Trong những ngày đầu của gian kỳ chúng ta, đáng tiếc thay, nhiều anh em chức tư tế đã không trung thành với Vị Tiên Tri. Một trong số đó là Lyman E. Johnson, người đã bị khai trừ vì có hành vi bất chính. Về sau, ông ta than thở vì đã rời bỏ Giáo Hội: “Tôi thà chịu để cho bàn tay phải bị chặt đứt nếu tôi có thể tin tưởng vào Giáo Hội một lần nữa. Lúc đó, lòng tôi tràn đầy niềm vui và hân hoan. Những ước mơ của tôi thật là thú vị. Khi tôi thức dậy vào buổi sáng, tinh thần của tôi thật phấn chấn. Tôi được vui vẻ ban ngày và ban đêm, lòng đầy bình an, niềm vui và sự tạ ơn. Còn bây giờ đó là bóng tối, nỗi đau đớn, buồn phiền, đau khổ vô cùng. Kể từ lúc đó, tôi chưa bao giờ có được một giây phút hạnh phúc.”8
Hãy nghĩ về những lời đó. Những lời đó phải là một lời cảnh báo cho tất cả các tín hữu Giáo Hội.
Tôi là người cải đạo theo Giáo Hội. Tôi đã chịu phép báp têm khi còn là một người thành niên trẻ độc thân 23 tuổi đang theo học trường y ở Arizona, Hoa Kỳ. Tôi tận mắt thấy được cách Sa Tan tập trung vào những người tầm đạo để làm cho họ hoang mang và nản lòng khi đang tìm kiếm lẽ thật.
Trong suốt thời niên thiếu của tôi, tôi đã nhìn thấy các tấm gương của những người bạn Thánh Hữu Ngày Sau. Tôi đã có ấn tượng với cách họ sống cuộc sống của họ. Tôi đã quyết định tìm hiểu thêm về Giáo Hội, nhưng tôi không muốn nói cho ai biết tôi đang nghiên cứu Đạo Mặc Môn. Để tránh áp lực từ bạn bè của mình, tôi quyết định làm cho cuộc tìm kiếm của tôi thành một cuộc tìm hiểu riêng.
Điều này xảy ra nhiều năm trước khi có Internet, vì vậy tôi đã đi đến thư viện công cộng. Tôi bắt gặp một quyển Sách Mặc Môn và một cuốn sách tên là A Marvelous Work and a Wonder (Một Công Việc Lạ Lùng và một Điều Kỳ Diệu), của Anh Cả LeGrand Richards (1886–1983) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Tôi bắt đầu đọc những cuốn sách này với ước muốn mãnh liệt, và tôi thấy là những cuốn sách này đầy soi dẫn.
Trong khi tinh thần của tôi đang khao khát để tìm hiểu thêm, thì Sa Tan bắt đầu thì thầm vào tai tôi. Nó nói với tôi rằng để được hoàn toàn khách quan, tôi cần phải đọc những điều đã được những người chỉ trích Giáo Hội viết. Tôi quay trở lại thư viện công cộng và bắt đầu tìm kiếm xung quanh. Chắc chắn, tôi tìm thấy một cuốn sách mà đã làm mất uy tín của Tiên Tri Joseph.
Việc đọc cuốn sách chống Đạo Mặc Môn này làm tôi hoang mang. Tôi đã đánh mất tinh thần tuyệt diệu đó và ảnh hưởng mà đã hướng dẫn công cuộc tìm hiểu của tôi. Tôi đã trở nên bực bội và sắp từ bỏ công cuộc tìm kiếm lẽ thật. Tôi cầu nguyện để được đáp ứng trong khi đọc tài liệu chống Đạo Mặc Môn!
Tôi ngạc nhiên khi nhận được một cú điện thoại từ một người bạn thời trung học đang theo học trường Brigham Young University. Bạn ấy mời tôi đến thăm ở Utah, và hứa rằng tôi sẽ thích chuyến đi tham quan thắng cảnh đó. Bạn ấy không biết rằng tôi đã bí mật nghiên cứu về Giáo Hội của bạn ấy.
Tôi chấp nhận lời mời của bạn ấy. Bạn tôi đề nghị rằng chúng tôi nên đi đến Salt Lake City để tham quan Khuôn Viên Đền Thờ. Bạn ấy ngạc nhiên trước sự đáp ứng nhiệt tình của tôi. Bạn ấy đâu có biết rằng tôi đã thích thú biết bao để tìm hiểu sự thật về Joseph Smith và Sự Phục Hồi.
Các chị truyền giáo ở Temple Square đã giúp ích rất nhiều. Vì không biết điều đó nên họ đã trả lời rất nhiều câu hỏi của tôi. Chứng ngôn của họ đã ảnh hưởng đến tôi để “nghi ngờ những điều [tôi] ngờ vực,”9 và đức tin của tôi bắt đầu phát triển. Quyền năng của một chứng ngôn chân thành không được đánh giá đúng mức.
Bạn tôi cũng chia sẻ chứng ngôn của bạn ấy với tôi và mời tôi cầu nguyện và cầu vấn Thượng Đế xem Giáo Hội này có chân chính không. Trên con đường dài trở lại Arizona, tôi bắt đầu cầu nguyện với đức tin—lần đầu tiên “với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự” (Mô Rô Ni 10:4). Vào một thời điểm nào đó trong chuyến đi đó, dường như cả chiếc xe của tôi đều rực sáng. Tôi tự mình biết được rằng ánh sáng có thể xua tan bóng tối.
Sau khi tôi đã quyết định sẽ chịu phép báp têm, thì quỷ dữ đưa ra một điều khó khăn cuối cùng. Nó đã tác động đến gia đình tôi. Họ cố gắng mọi cách trong khả năng của họ để ngăn cản tôi, và họ từ chối tham dự lễ báp têm của tôi.
Dù sao chăng nữa tôi cũng đã chịu phép báp têm, và dần dần họ cũng đã mềm lòng. Họ bắt đầu giúp tôi sưu tầm lịch sử gia đình của tôi. Một vài năm sau, tôi đã làm phép báp têm cho em trai tôi. Người bạn đã mời tôi đến thăm bạn ấy ở Utah giờ đây là vợ tôi.
4. Sự Nản Lòng. Sa Tan sử dụng hiệu quả công cụ này cho Các Thánh Hữu trung thành nhất khi thất bại với mọi phương tiện khác. Đối với tôi, khi tôi bắt đầu cảm thấy nản lòng, thì điều đó giúp tôi nhận ra ai đang cố gắng để làm cho tôi nản lòng. Điều này làm cho tôi giận điên lên, đủ để vui lên—chỉ để chọc tức quỷ dữ.
Cách đây vài năm, Chủ Tịch Benson đưa ra một bài nói chuyện tên là “Chớ Tuyệt Vọng.” Trong bài nói chuyện sâu sắc đó, ông đã cảnh báo: “Sa Tan đang càng ngày càng cố gắng khuất phục Các Thánh Hữu bằng nỗi tuyệt vọng, chán nản, ngả lòng và phiền muộn.”10 Chủ Tịch Benson đã khuyến khích các tín hữu Giáo Hội phải cảnh giác, và ông đã đưa ra 12 đề nghị thực tế để chống lại nỗi chán nản.
Những đề nghị của ông gồm có việc phục vụ người khác; làm việc chăm chỉ và tránh biếng nhác; thực hành thói quen tốt về sức khỏe, mà gồm có việc tập thể dục và ăn thức ăn trong thể tự nhiên của chúng; tìm kiếm một phước lành của chức tư tế; nghe nhạc đầy soi dẫn; đếm các phước lành của mình; và đặt mục tiêu. Nhưng quan trọng hơn hết, như thánh thư dạy, chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện để có thể chiến thắng Sa Tan (xin xem GLGƯ 10:5).11
Sa Tan run sợ khi thấy
Người thánh hữu yếu nhất quỳ gối cầu nguyện.12
Điều quan trọng là biết rằng có những giới hạn đối với quyền năng của điều ác. Thiên Chủ Đoàn đặt ra những giới hạn đó, và Sa Tan không được phép vượt qua. Ví dụ, thánh thư bảo đảm với chúng ta rằng “quyền năng không được ban cho Sa Tan để cám dỗ trẻ thơ” (GLGƯ 29:47).
Một giới hạn đáng kể khác là Sa Tan không biết những ý nghĩ của chúng ta trừ khi chúng ta cho nó biết. Chúa giải thích: “Không một ai khác ngoài Thượng Đế biết được những tư tưởng của ngươi và những ý định trong lòng ngươi” (GLGƯ 6:16).
Có lẽ đây là lý do tại sao Chúa đã ban cho chúng ta những giáo lệnh như “Chớ nên oán trách” (GLGƯ 9:6) và “Các ngươi chớ nói xấu người lân cận của mình” (GLGƯ 42:27). Nếu có thể biết cách kiềm chế miệng lưỡi của mình (xin xem Gia Cơ 1:26), thì cuối cùng anh chị em sẽ không cho quỷ dữ biết quá nhiều thông tin. Nó sẽ để ý kỹ khi nghe thấy lời oán trách, phàn nàn và chỉ trích. Những lời nói tiêu cực của anh chị em cho kẻ thù thấy những yếu kém của anh chị em.
Tôi có tin vui cho anh chị em. Quân của Thượng Đế đông hơn quân của Lu Xi Phe. Anh chị em có thể nhìn xung quanh và tự nghĩ: “Thế gian đang càng ngày càng trở nên tà ác hơn. Chắc hẳn Sa Tan đang thắng trận.” Đừng để bị lừa. Sự thật là chúng ta đông hơn kẻ thù. Hãy nhớ rằng, hai phần ba con cái của Thượng Đế đã chọn kế hoạch của Đức Chúa Cha.
Thưa anh chị em, hãy chắc chắn là anh chị em đang chiến đấu ở bên phía Chúa. Hãy chắc chắn rằng anh chị em đang mang gươm của Thánh Linh.
Tôi cầu nguyện rằng vào cuối của cuộc đời của anh chị em, anh chị em có thể cùng nói với Sứ Đồ Phao Lô: “Tôi đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin” (2 Ti Mô Thê 4:7).