Các Câu Trả Lời từ Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội
Làm Thế Nào để Tìm Ra Sự Bình An Đích Thực
Trích từ một bài nói chuyện tại đại hội trung ương vào tháng Tư năm 2013.
Ước muốn ngay chính của những người tốt ở khắp mọi nơi đã và sẽ luôn luôn là có được hòa bình trên thế giới. Chúng ta đừng bao giờ từ bỏ việc đạt được mục tiêu này. Nhưng, Chủ Tịch Joseph F. Smith (1838–1918) đã dạy: “Thế giới sẽ không bao giờ có thể có hòa bình và tình yêu thương … cho đến khi nhân loại nhận được lẽ thật và sứ điệp của Thượng Đế … , và thừa nhận quyền năng và thẩm quyền của Ngài là thiêng liêng.”
Chúng tôi thiết tha hy vọng và cầu nguyện để có được sự bình an chung cho tất cả, nhưng chính là với tư cách là cá nhân và gia đình mà chúng ta mới được bình an như thế, tức là phần thưởng đã được hứa về sự ngay chính. Sự bình an này là một ân tứ đã được hứa của sứ mệnh và sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi.
Sự bình an không phải chỉ là sự an toàn hoặc không có chiến tranh, bạo động, xung đột và tranh chấp. Sự bình an đến từ việc biết rằng Đấng Cứu Rỗi biết chúng ta là ai và biết rằng chúng ta có đức tin nơi Ngài, yêu mến Ngài, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, thậm chí và đặc biệt ở giữa những thử thách và thảm cảnh đầy sức tàn phá của cuộc sống (xin xem GLGƯ 121:7–8).
“Tôi có thể tìm đến đâu để có bình an? Nguồn an ủi của tôi ở đâu khi các nguồn khác ngừng làm cho tôi cảm thấy được chữa lành?” (“Where Can I Turn for Peace?” Hymns, số 129). Câu trả lời là Đấng Cứu Rỗi, là nguồn gốc của sự bình an. Ngài là “Hoàng Tử Bình An.” (Ê Sai 9:6).
Việc hạ mình trước mặt Thượng Đế, cầu nguyện luôn luôn, hối cải các tội lỗi, chịu phép báp têm với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, cũng như trở thành môn đồ chân thật của Chúa Giê Su Ky Tô là những tấm gương sáng về sự ngay chính, là điều được tưởng thưởng bằng cảm giác bình an lâu dài.
Giáo Hội là một nơi dung thân để các tín đồ của Đấng Ky Tô được bình an. Một số người trẻ tuổi trên thế giới nói rằng họ có Thánh Linh, nhưng họ không ngoạn đạo. Việc cảm thấy có Thánh Linh là một bước rất tốt đầu tiên. Tuy nhiên, chính là trong Giáo Hội mà chúng ta được kết tình thân hữu, giảng dạy, và được nuôi dưỡng bởi những lời tốt lành của Thượng Đế. Quan trọng hơn nữa, chính là thẩm quyền chức tư tế trong Giáo Hội mà cung cấp các giáo lễ thiêng liêng và các giao ước mà ràng buộc gia đình với nhau và hội đủ điều kiện cho mỗi người chúng ta trở về với Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô trong thượng thiên giới. Các giáo lễ này mang đến sự bình an vì đó là các giao ước với Chúa.
Đền thờ là nơi có nhiều giáo lễ thiêng liêng này xảy ra và cũng là nơi chứa đựng một nguồn ẩn náu bình an khỏi thế gian. Những người tham quan khu đất đền thờ hoặc tham gia vào lễ khánh thành đền thờ cũng đều cảm thấy sự bình an này.
Đấng Cứu Rỗi là nguồn bình an đích thực. Cho dù với những thử thách của cuộc sống, nhưng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và ân điển của Ngài, nên việc sống ngay chính sẽ được tưởng thưởng với sự bình an của cá nhân (xin xem Giăng 14:26–27; 16:33).