2017
Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô và Các Lẽ Thật về Thể Xác
April 2017


Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô và Các Lẽ Thật về Thể Xác

Qua Sự Phục Sinh của Ngài, Chúa Giê Su đã dạy cho chúng ta biết các lẽ thật quan trọng về thể xác.

Resurrected Christ with Thomas

Chi tiết từ Thô Ma Đầy Lòng Ngờ Vực, tranh do Carl Heinrich Bloch họa

Background © janniwet/iStock/Getty Images

“Ngài phán: Mọi việc đã được trọn; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn” (Giăng 19:30). Vào lúc đó, linh hồn của Chúa Giê Su Ky Tô lìa khỏi xác Ngài —một thể xác đã phải chịu đựng đau khổ để Ngài có thể chuộc những tội lỗi của tất cả mọi người và giúp đỡ họ trong những yếu kém của họ (xin xem An Ma 7:12–13). Thể xác đó giờ đây không có linh hồn được mang xuống khỏi cây thập tự, được bọc trong vải, và cuối cùng đặt vào trong một ngôi mộ. Vào ngày thứ ba, những người đàn bà đến gần ngôi mộ để hoàn tất việc chuẩn bị chôn cất thể xác đó.

Nhưng xác Chúa không còn đó nữa.

Việc phát hiện ra ngôi mộ trống mới chỉ là khởi đầu. Ma Ri Ma Đơ Len, Các Sứ Đồ, và nhiều người khác nữa về sau chứng kiến một điều kỳ diệu: Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục sinh, hoàn hảo ở trong dạng hữu hình và hình dáng con người.

Đấng Cứu Rỗi đã chắc chắn rằng những người nhìn thấy Ngài sau khi Ngài phục sinh đã hoàn toàn hiểu được Ngài đã có loại thể xác nào. Ví dụ, Ngài mời Các Sứ Đồ rờ thân thể Ngài để họ có thể tự mình chắc chắn rằng Ngài có thể xác chứ không phải là thần linh (xin xem Lu Ca 24:36–40).1 Thậm chí, Ngài còn ăn với họ nữa (xin xem Lu Ca 24:42–43).

Sau đó, Các Sứ Đồ làm tròn bổn phận của họ để thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, họ gặp phải sự chống đối và ngược đãi, một số điều đó xảy ra là vì họ giảng dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục sinh và do đó tất cả nhân loại cũng sẽ được phục sinh (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 4:1–3).

Ngày nay, Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô cũng chính yếu như sứ điệp được Giáo Hội của Ngài rao giảng cho thế gian thời xưa. Như Tiên Tri Joseph Smith dạy: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Sứ Đồ và Các Vị Tiên Tri về Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là phần phụ vào chứng ngôn đó mà thôi.”2

Sự Phục Sinh giúp trả lời các câu hỏi cơ bản về thiên tính của Thượng Đế, bản chất của chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế, mục đích của cuộc sống này, và hy vọng chúng ta có nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đây là một vài lẽ thật được nhấn mạnh bởi Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cha Thiên Thượng Có một Thể Xác Vinh Quang

First Vision

Khải Tượng Thứ Nhất,tranh do Gary L. Kapp họa

Ý nghĩ rằng Thượng Đế có một hình dạng con người thì chắc chắn bắt nguồn từ trong Kinh Thánh,3 cũng như trong trí tưởng tượng của hầu hết mọi người, nhưng nhiều truyền thống thần học, và tôn giáo đã bác bỏ ý nghĩ đó để thay thế với ý nghĩ về một Thượng Đế “không có thể xác, các bộ phận, hay niềm đam mê,”4 vì theo quan điểm này, thể xác (và vấn đề nói chung) là ác hay không có thật, trong khi tinh thần, tâm trí, hay ý nghĩ là bản chất tột bậc của con người hay thực tế.

Rồi sự mặc khải về thiên tính của Thượng Đế qua Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô thật là đơn giản và mang tính chất cách mạng biết bao.

Trong giáo vụ của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Điều này thậm chí còn đúng hơn nữa sau khi Sự Phục Sinh của Ngài với một thể xác bất diệt, hoàn hảo mà cho thấy rằng “Đức Chúa Cha có một thể xác bằng xương và thịt hữu hình như loài người; và luôn cả Đức Chúa Con cũng vậy” (GLGƯ 130:22).

Do đó thể chất của Cha Thiên Thượng đã được mặc khải. Về sau, như Joseph Smith đã giải thích: “Nếu Thượng Đế không có thể xác hoặc các bộ phận cơ thể thì Ngài không hiện hữu. Không có một Thượng Đế nào khác trên trời ngoài Thượng Đế bằng xương bằng thịt đó.”5

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói như sau: “Nếu việc có một thể xác là điều mà Thượng Đế không cần và không muốn, thì tại sao Đấng Cứu Chuộc của nhân loại đã cứu chuộc thể xác của Ngài, khỏi quyền năng của cái chết và mộ phần, và như thế bảo đảm là thể xác của Ngài sẽ không bao giờ bị tách rời khỏi linh hồn Ngài cho thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu? Những người nào chối bỏ quan niệm về một Thượng Đế có thể xác thì đã chối bỏ Đấng Ky Tô hữu diệt và phục sinh.6

Cha Thiên Thượng là Đấng Toàn Năng, Toàn Tri, và Đầy Lòng Nhân Từ

Các thuộc tính tột bậc của cá tính của Cha Thiên Thượng cũng được tiết lộ chính trong sự thật về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Như Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Vì Sự Phục Sinh thật sự của Đấng Ky Tô, nên những mối nghi ngờ về sự toàn năng, toàn tri, và lòng nhân từ của Thượng Đế Đức Chúa Cha—Đấng đã ban Con Độc Sinh của Ngài để cứu chuộc thế gian—đều không có căn cứ.”7

Quyền năng, sự hiểu biết và lòng nhân từ của Thượng Đế được Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô chứng minh là bằng chứng về sự thông sáng và tình yêu thương trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng và khả năng của Ngài (và khả năng của Con Ngài) để thực hiện kế hoạch đó.

Chúng Ta Là Con Cái của Thượng Đế

Như Kinh Thánh đã dạy chúng ta, chúng ta được dựng lên “giống như hình Đức Chúa Trời … người nam cùng người nữ” (Sáng Thế Ký 1:27). Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô được lẽ thật này củng cố. Thực ra, chính ngay vào lúc Ngài phục sinh, Chúa Giê Su Ky Tô đã nhấn mạnh đến mối quan hệ của chúng ta với Cha ThiênThượng, khi phán rằng “Ta lên cùng Cha ta, và Cha các ngươi; Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi” (Giăng 20:17; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Đấng Cứu Rỗi đã mặc khải rằng Thượng Đế và nhân loại không phải là hoàn toàn không giống nhau trong tbản chất con người của họ. Hình thể cơ bản của thân thể chúng ta cũng tương tự như hình thể của linh hồn chúng ta,8 và linh hồn của chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế, vì đó là bản chất của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Một Thể Xác là một Sự Ban Cho Đầy Khả Năng và Cao Quý

sleeping infant

Ảnh do David Stoker chụp

Qua Sự Phục Sinh của Ngài, Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta thấy rằng sự tồn tại của thể xác gồm có một phần không thể thiếu của tính chất vĩnh cửu của Thượng Đế và con cái của Ngài. Như Chúa đã mặc khải cho Joseph Smith: “Các nguyên tố thì vĩnh cửu, và linh hồn cùng nguyên tố, đã kết hợp nhau một cách không thể tách rời được, nhận được niềm vui trọn vẹn” (GLGƯ 93:33). Sự kết hợp một cách không thể tách rời kết nối vấn đề thuộc linh và thể chất chung với nhau để thành một thể xác bất diệt, không thối rữa, vinh quang, và hoàn hảo—loại thể xác duy nhất mà có khả năng nhận được niềm vui trọn vẹn mà Thượng Đế có.

Ngược lại, sau khi có được một thể xác và sau đó bị tách lìa khỏi thể xác đó để bước vào thế giới linh hổn, thì “người chết đã coi việc tách rời lâu dài linh hồn khỏi thể xác của mình là một hình thức nô lệ” (GLGƯ 138:50; xin xem thêm GLGƯ 45:17).

Ngay cả thể xác hữu diệt của chúng ta cũng là một phần thiết yếu của kế hoạch của Cha Thiên Thượng và là một ân tứ thiêng liêng. Khi linh hồn từ tiền dương thế của chúng ta đến thế gian này, thì chúng được “ban thêm” (Áp Ra Ham 3:26) với một thể xác. Như Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Chúng ta đến thế gian này để có thể có được một thể xác và dâng thể xác thanh khiết đó lên Thượng Đế trong thượng thiên giới. Nguyên tắc quan trọng của hạnh phúc gồm có việc có được một thể xác. Quỷ dữ không có thể xác, và điều này là hình phạt của nó.”9

Như Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Thể xác của chúng ta làm cho chúng ta có thể có được một loạt những kinh nghiệm sâu rộng và mãnh liệt mà hoàn toàn không thể nào đạt được trong cuộc sống tiền dương thế. Như vậy, mối quan hệ của chúng ta với những người khác, khả năng của chúng ta để nhận biết và hành động phù hợp với lẽ thật, và khả năng của chúng ta để tuân theo các nguyên tắc và giáo lễ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô được gia tăng qua thể xác. Trên trần thế, chúng ta có được kinh nghiệm về sự dịu dàng, tình yêu thương, lòng nhân từ, hạnh phúc, đau khổ, thất vọng, đau đớn, và thậm chí cả những thử thách về các giới hạn thể chất nhằm chuẩn bị chúng ta cho thời vĩnh cửu. Nói một cách giản dị, có những bài học chúng ta cần phải học và những kinh nghiệm cần phải có, như thánh thư mô tả: ‘theo tính cách xác thịt’ (1 Nê Phi 19:6; An Ma 7:12–13).”10

Ngoài ra, Tiên Tri Joseph Smith cũng dạy: “Tất cả những người có thể xác đều có quyền năng đối với những người không có thể xác.”11 Sa Tan có thể cám dỗ chứ không thể bắt buộc chúng ta. “Quỷ dữ không có quyền năng đối với chúng ta chỉ khi nào chúng ta cho phép nó.”12

Cuối cùng, ân tứ về một thể xác được hoàn hảo, được phục sinh giúp đặt chúng ta lên vượt quá quyền năng của Sa Tan vĩnh viễn. Nếu không có Sự Phục Sinh, thì “linh hồn của chúng ta ắt phải lệ thuộc vào … quỷ dữ để không bao giờ còn trỗi dậy được nữa. Và linh hồn của chúng ta ắt đã trở thành giống như nó, và chúng ta đã trở thành quỷ dữ và quỷ sứ, bị loại ra khỏi sự hiện diện của Thượng Đế của chúng ta, và ở lại với cha đẻ của mọi sự dối trá, sống trong sự khốn cùng, chẳng khác chi chính nó vậy” (2 Nê Phi 9:8–9).

Linh Hồn và Thể Xác Không Phải Là Kẻ Thù của Nhau

Mặc dù khác nhau nhưng linh hồn và thể xác không thuộc về hai sự vật có thực khác nhau và không thể hòa hợp được về cơ bản. Như Joseph Smith đã dạy: “Không có một vật gì như là thể chất vô hình. Mọi linh hồn đều là thể chất, nhưng nó tinh lọc hay tinh khiết hơn, và chỉ có thể được trông thấy bằng những con mắt thanh khiết mà thôi; nhưng khi thể xác chúng ta được thanh tẩy thì chúng ta sẽ thấy được nó hoàn toàn là thực thể” (GLGƯ 131:7–8).

Christ appears to the Nephites

Chi tiết từ Đấng Ky Tô Hiện Đến ở Tây Bán Cầu, tranh do Arnold Friberg họa

Trong trạng thái vinh hiển, phục sinh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô tiêu biểu cho sự kết hợp trọn vẹn của linh hồn và thể xác, cho chúng ta thấy rằng “linh hồn cùng thể xác tạo thành bản thể con người” (GLGƯ 88:15). Trong cuộc sống này, chúng ta cố gắng “có tinh thần hướng về tâm linh” thay vì “có tinh thần hướng về xác thịt” (2 Nê Phi 9:39), để “[cởi bỏ] con người thiên nhiên” (Mô Si A 3:19), và “kềm chế mọi dục vọng của mình” (An Ma 38:12). Nhưng điều đó không có nghĩa là linh hồn và thể xác là kẻ thù của nhau. Như Chúa Giê Su Ky Tô đã cho chúng ta thấy, thể xác không nên để được xem thường và hạ thấp mà phải được làm chủ và biến đổi.

Sự Sống trong một Thể Xác Hữu Diệt Có một Mục Đích Quan Trọng

Quan điểm cho rằng cuộc sống này là một thử thách thì có ý nghĩa nhiều hơn khi chúng ta xem xét điều chúng ta biết về cuộc sống của mình trước và sau thử thách. Chúng ta sống với tư cách là linh hồn trước khi đến thế gian, và Cha Thiên Thượng có ý định cho chúng ta trở nên giống như Ngài và sống vĩnh viễn với thể xác bất diệt. Các lẽ thật này có nghĩa rằng thời gian thử thách của chúng ta trong các thể xác hữu diệt này không phải là tùy ý, mà là có ý nghĩa thực sự và có mục đích.

Như Anh Cả Christofferson đã giải thích: “Qua sự lựa chọn của mình, chúng ta sẽ chứng tỏ cho Thượng Đế (và bản thân mình) thấy sự cam kết và khả năng của chúng ta để sống theo luật thượng thiên của Ngài trong khi ở bên ngoài sự hiện diện của Ngài và trong một thể xác với tất cả các khả năng, lòng ham muốn, và đam mê. Chúng ta có thể kiềm chế thể xác để nó trở thành công cụ thay vì là chủ của linh hồn không? Chúng ta có thể được tin cậy cả trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu với các quyền năng của Thượng Đế, kể cả quyền năng sáng tạo sự sống không? Mỗi người chúng ta sẽ khắc phục điều ác được không? Những người làm được điều đó sẽ ‘được nhận thêm nhiều vinh quang lên đầu họ mãi mãi và đời đời [Áp Ra Ham 3:26]—một khía cạnh rất quan trọng về vinh quang đó là một thể xác phục sinh, bất diệt và vinh quang.”13

Kinh nghiệm của chúng ta trong thể xác hiện tại của mình, kể cả các mối quan hệ của chúng ta với nhau, đều có ý nghĩa vì những điều này giống như điều sẽ đến. Như Joseph Smith đã học được: “Cùng cái xã hội tính mà tồn tại ở giữa chúng ta ở đây sẽ tồn tại ở giữa chúng ta ở trên đó, nhưng nó sẽ đi kèm với vinh quang vĩnh cửu, là vinh quang mà chúng ta hiện tại không thụ hưởng” (GLGƯ 130:2).

Chúng Ta Có Hy Vọng nơi Chúa Giê Su Ky Tô

women at the tomb

Ba Người Đàn Bà Tên Ma Ri tại Ngôi Mộ, tranh do William-Adolphe Bouguereau, Superstock.com họa

Kể từ khi có người nhìn thấy ngôi mộ trống, Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô đã mang lại niềm hy vọng vì chúng ta nhận ra nơi Sự Phục Sinh của Ngài triển vọng của mình, mà trong đó “tất cả những mất mát [của chúng ta] sẽ được bù đắp cho [chúng ta] … , miễn là [chúng ta] tiếp tục trung tín.”14

Các Sứ Đồ đầu tiên của Đấng Cứu Rỗi đã có thể chia sẻ một lời chứng bạo dạn về Sự Phục Sinh của Ngài, vì họ đã nhìn thấy và chạm tay vào thân thể của Ngài. Nhưng còn nhiều hơn thế nữa. Cũng như Chúa Giê Su Ky Tô đã chữa lành các cơ thể bệnh tật để cho thấy rằng Ngài có quyền năng để tha thứ tội lỗi (xin xem Lu Ca 5:23–25), Sự Phục Sinh của Ngài—bằng chứng hữu hình về quyền năng của Ngài để khắc phục cái chết thể xác—đã trở thành sự bảo đảm cho các tín đồ của Ngài về quyền năng của Ngài để khắc phục cái chết thuộc linh. Những lời hứa Ngài đã ban cho trong những lời dạy của Ngài—sự tha thứ tội lỗi, bình an trong cuộc sống này, cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc của Đức Chúa Cha—đã trở thành sự thật và đức tin của họ đã trở nên vững vàng.

“Nếu Đấng Ky Tô đã chẳng sống lại, thì đức tin [của chúng ta] cũng vô ích” (1 Cô Rinh Tô 15:17). Nhưng vì Ngài đã thực sự sống lại từ cõi chết, nên chúng ta có thể “qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô cùng quyền năng phục sinh của Ngài, sẽ có hy vọng được sống lại vĩnh cửu, và sở dĩ được vậy là nhờ [chúng ta] có đức tin nơi Ngài theo như lời hứa” (Mô Rô Ni 7:41).

Trong cuộc sống trần thế của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi mọi người đi theo Ngài. Sau khi Ngài chết và rồi phục sinh, đích tới càng trở nên rõ ràng hơn. Nếu qua việc tuân theo các luật pháp và giáo lễ của phúc âm, chúng ta trao dồi một “linh hồn thượng thiên” ở bên trong mình, thì chúng ta có thể “nhận được cùng một thể xác mà thể xác ấy là thể xác thiên nhiên” và “được làm sống lại bởi một phần của vinh quang thượng thiên [và] sẽ nhận được cùng vinh quang đó, ngay cả trọn vẹn” (GLGƯ 88:28–29). Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy con đường. Ngài là đường đi. Chính là qua quyền năng của Ngài—qua Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài—mà sự trọn vẹn thượng thiên này có thể đạt được, mà trong đó gồm có một niềm vui trọn vẹn trong một thể xác phục sinh.

Ghi Chú

  1. Khi Chúa Giê Su Ky Tô hiện ra cùng dân chúng ở Tân Thế Giới, Ngài phán bảo họ—hàng ngàn người—“từng người một” đến và sờ vào tay, chân và hông Ngài để họ có thể làm chứng rằng họ đã sờ vào lẫn nhìn thấy Chúa phục sinh (xin xem 3 Nê Phi 11:14–15; 18:25).

  2. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 49.

  3. Xin xem Sáng Thế Ký 1:27; Xuất Ê Díp Tô Ký 33:11; Công Vụ Các Sứ Đồ 7:56.

  4. Mặc dù những ý nghĩ tương tự được gồm vào trong các tín điều Ky Tô giáo ban đầu nhưng công thức đặc biệt này đến từ Thirty-Nine Articles of the Anglican Church (1563).

  5. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith, 42.

  6. JeffreyR. Holland, ″Đức Chúa Trời Có Một và Thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã Sai Đến,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 42.

  7. D. Todd Christofferson, “Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2014, 113.

  8. Mặc dù sự mặc khải về Chúa Giê Su lúc còn ở tiền dương thế là một chứng ngôn về sự kiện này, nhưng vì sự kiện này cho thấy rằng thể linh của Ngài là hình dạng con người (xin xem Ê The 3:16).

  9. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith, 211.

  10. David A. Bednar, “Chúng Tôi Tin ở Sự Trinh Khiết,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 41.

  11. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith, 211.

  12. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith, 214.

  13. D. Todd Christofferson, “Tại Sao Chúng Ta Phải Kết Hôn và Có Gia Đình,” Liahona, tháng Năm năm 2015, 51.

  14. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith, 51.