2018
Chúng Ta Hãy Chia Sẻ Sự Hiểu Biết của Mình về Đấng Cứu Rỗi
April 2018


Chúng Ta Hãy Chia Sẻ Sự Hiểu Biết của Mình về Đấng Cứu Rỗi

Từ một bài nói chuyện tại Đại Hội Phụ Nữ tại trường Brigham Young University, “Sự Hiểu Biết về Đấng Cứu Rỗi,” đưa ra vào ngày 5 tháng Năm năm 2017.

Sứ điệp của chúng ta là về sự bình an, và anh chị em là các sứ giả thuyết giảng sứ điệp đó. Anh chị em có thể làm được điều này qua những kênh công nghệ mới đầy thú vị.

tablet with christs image

Ảnh của Getty Images; Christ’s Image, do Heinrich Hofmann chụp

Chúng ta là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, được thiết lập trong những ngày sau. Trong cùng một cách thức mà Chúa đã chỉ dẫn các môn đồ thời xưa của Ngài, chúng ta đã được giao cho trách nhiệm trong những ngày sau để “đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15).

Tiên Tri Nê Phi thời xưa đã vắn tắt tóm lược sứ mệnh và sứ điệp này cùng mục đích đằng sau nó: “Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng” (2 Nê Phi 25:26).

Trong sách Mô Si A, chúng ta đọc về cách vị tiên tri thời xưa trong Sách Mặc Môn là Vua Bên Gia Min đã quy tụ dân ông lại từ khắp nơi trong xứ tại khu vực của đền thờ, cho dựng lên một cái tháp, và giảng dạy họ. Khi ông giảng dạy họ, ông cũng tiên tri cho họ biết về thời kỳ của chúng ta: “Và ngoài ra, ta nói cho ngươi hay rằng, sẽ đến lúc sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi sẽ lan tràn đến mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc” (Mô Si A 3:20).

“Sự Hiểu Biết về Đấng Cứu Rỗi”

Một trong các ân tứ quý báu nhất để trân quý trong gia đình của chúng ta và để ban cho người khác là “sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi,” hay là về Chúa Giê Su Ky Tô.

Cùng với sự mở đầu gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn là một sự khai sáng cho tất cả nhân loại và vô vàn các tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ. Nó mang theo thời đại công nghiệp và các công cụ truyền thông, cho phép lời tiên tri của Vua Bên Gia Min được ứng nghiệm.

Với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, được kêu gọi làm nhân chứng đặc biệt “cho tôn danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế giới” (GLGƯ 107:23) với những chỉ định cụ thể trong cả Ủy Ban Công Vụ và Dịch Vụ Truyền Thông, tôi có thể tập trung vào sự ứng nghiệm của lời tiên tri này—rằng “sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi” đang lan tràn khắp thế giới—nhờ vào việc sử dụng những công nghệ tân tiến nhất có sẵn cho chúng ta.

“Đến Mọi Quốc Gia, Sắc Tộc, Sắc Ngữ, và Dân Tộc”

Về phương diện lịch sử, những tiến bộ trong lĩnh vực in ấn và sự phát minh ra đài phát thanh và vô tuyến truyền hình đã cho phép sứ điệp của Sự Phục Hồi lan tràn khắp thế giới. Chúng ta thấy nhiều ví dụ về việc này, một số ví dụ vẫn còn trong ký ức chúng ta.

Trong vòng 10 năm kể từ Khải Tượng Thứ Nhất, và vào cái tháng trước khi Giáo Hội được tổ chức, 5000 quyển Sách Mặc Môn đã được xuất bản. Kể từ lúc đó, có hơn 175 triệu quyển đã được in ra.

Bất cứ sáng Chủ Nhật nào, anh chị em có thể lắng nghe hoặc xem chương trình phát sóng Âm Nhạc và Ngôn Từ, giờ đang gần tới lần phát sóng thứ 5000. Buổi phát sóng đầu tiên diễn ra trực tiếp trên đài phát thanh vào năm 1929. Buổi phát sóng đầu tiên của đại hội trung ương trên truyền hình diễn ra vào năm 1949.

Thật thú vị, vào năm 1966, Chủ Tịch David O. McKay (1873–1970) bắt đầu nói về những sự việc sẽ xảy ra: “Những khám phá với quyền năng mạnh mẽ như vậy, đem đến phước lành hay là sự hủy diệt nhân loại, mà có thể làm cho trách nhiệm của con người trong việc điều khiển chúng thành trách nhiệm lớn lao nhất đã từng được đặt vào bàn tay nhân loại. … Thời đại này đầy dẫy những mối hiểm nguy vô hạn, cũng như những khả năng khó tưởng tượng được.”1

Vào năm 1974, Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) mô tả tầm nhìn của ông về một ngày sắp tới: “Chúa đã ban phước cho thế gian nhiều … hệ thống vệ tinh. Chúng nằm ở cao trên bầu trời, truyền đi những tín hiệu phát sóng tới hầu hết mọi nơi trên trái đất. … Chắc chắn là các hệ thống vệ tinh này chỉ là khởi đầu của những sự việc sẽ xảy ra với tương lai của việc phát sóng toàn cầu. … Tôi tin rằng Chúa mong muốn đặt vào tay chúng ta những phát minh mà chúng ta, những người bình thường, khó có thể tưởng tượng được.”2

Với những tiến bộ của công nghệ trong lĩnh vực truyền đạt và phương tiện truyền thông đại chúng, giờ đây sau sự phát triển nhanh chóng của Internet, dường như chúng ta đã chứng kiến trong cuộc đời của mình sự ứng nghiệm của những lời tiên tri của Vua Bên Gia Min, Chủ Tịch McKay, và Chủ Tịch Kimball.

Cũng có một khuôn mẫu rõ ràng của việc áp dụng những công nghệ này để xây đắp vương quốc của Chúa trên thế gian. Tôi muốn chia sẻ các ví dụ về việc này với anh chị em.

LDS.org và Mormon.org

Vào năm 1996, Giáo Hội chính thức bắt đầu sử dụng trang web làm một cách thức truyền thông liên lạc. Kể từ khi đó, có khoảng 260 trang mạng do Giáo Hội bảo trợ đã được giới thiệu, gồm có các trang mạng có sẵn ở hầu như mọi quốc gia nơi có các tín hữu Giáo Hội sinh sống, bằng ngôn ngữ bản xứ của quốc gia đó.

Tôi xin chia sẻ hai ví dụ quen thuộc về các trang mạng này. Thứ nhất là LDS.org, được thiết lập vào năm 1996, mà ngày nay nhận được 24 triệu người mới vào xem mỗi năm và trung bình hơn 1 triệu người vào xem mỗi tuần. Nhiều tín hữu tìm thấy trong trang này chương trình giảng dạy và các bài nói chuyện tại đại hội trung ương. Thứ hai là Mormon.org, một trang mạng được thiết kế nhằm giới thiệu phúc âm với bạn bè và hàng xóm của chúng ta không phải là tín hữu của Giáo Hội. Trang mạng này nhận được hơn 16 triệu người khác nhau vào xem mỗi năm.

Các Ứng Dụng Di Động

phone with mobile apps

Hình ảnh của Getty Images

Dĩ nhiên, công nghệ bùng phát với một tốc độ vô cùng nhanh chóng, đòi hỏi nỗ lực và các nguồn lực đáng kể để bắt kịp. Sự phát minh ra điện thoại thông minh đã mang đến khả năng để khai thác và tiếp cận với số lượng dữ liệu khổng lồ trong một thiết bị cầm tay. Hầu hết các dữ liệu này được sắp xếp dưới dạng các ứng dụng di động, hoặc “apps.” Ứng dụng đầu tiên do Giáo Họi bảo trợ được phát hành vào năm 2007.

Có rất nhiều ví dụ về việc sử dụng có lợi các ứng dụng di động để rao truyền “sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi” của chúng ta. Tôi sẽ không mô tả nội dung của nhiều ứng dụng có sẵn nơi đầu ngón tay của anh chị em, nhưng đây là một số ví dụ về các ứng dụng mà có phần nào quen thuộc với anh chị em:

  • Thư Viện Phúc Âm

  • Mormon Channel

  • Công Cụ THNS

  • LDS Music

  • Family Tree

Các ứng dụng này đang được hàng triệu người sử dụng hàng triệu lần một tuần.

Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội

Theo định nghĩa, truyền thông xã hội là công nghệ được điều khiển bởi máy vi tính mà cho phép các cá nhân và các tổ chức xem, tạo, và chia sẻ thông tin, ý kiến, và các hình thức diễn đạt khác thông qua các cộng đồng và mạng lưới ảo.

Bắt đầu vào khoảng năm 2010, Giáo Hội bắt đầu nghiêm túc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhằm đạt được mục đích truyền bá “sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi.” Đây là một hình thức truyền đạt bằng kỹ thuật số rất nhanh chóng và năng động. Gần như nó ở tốc độ thay đổi không thể sánh nổi.

Một đặc điểm dễ nhận thấy của phương tiện truyền thông xã hội là ngay khi một người cảm thấy quen thuộc hoặc thoải mái với một diễn đàn, thì một diễn đàn khác mới hơn, lớn hơn, hoặc được cho là thú vị hơn hoặc tốt hơn xuất hiện.

Tôi sẽ mô tả vắn tắt năm diễn đàn của phương tiện truyền thông xã hội mà Giáo Hội đang sử dụng để làm các kênh truyền thông:

1. Facebook có hơn 2 tỉ người sử dụng trên toàn cầu. Ở đây, người sử dụng tạo cho riêng mình một mạng xã hội gồm có các bạn bè trực tuyến.

2. Instagram là một trang mạng xã hội tập trung vào hình ảnh và video.

3. Pinterest giống như một tấm bảng thông báo ảo. Ở đây, những hình ảnh trực quan gọi là “ghim” được đính vào trên bảng. Chúng có thể là những câu nói đầy soi dẫn hoặc tấm ảnh đầy khát vọng.

4. Twitter là một trang mạng xã hội cho phép người sử dụng gửi và đọc những mẩu tin ngắn được gọi là “tweets” dài 280 ký tự.

5. Snapchat làm nổi bật các hình ảnh và video ngắn mà biến mất ngay lập tức hay trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Một cách thường xuyên, chúng ta đang sử dụng các trang mạng truyền thông xã hội này trong một cách thức mạnh mẽ.

Facebook

Anh chị em có thể nhớ đến sứ điệp đầy nhạy cảm tại đại hội nói về bệnh trầm cảm mà Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đưa ra cách đây vài năm.3 Từ bài nói chuyện này, một đoạn video đã được phát hành mà có tới hai triệu lượt xem trên Facebook với hàng ngàn lượt thích, chia sẻ, và những lời bình luận tích cực.4

Instagram

grandson in the cockpit

Vào tháng Tám năm 2016, Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đăng một video lên Instagram, giảng dạy các nguyên tắc phúc âm cho cháu trai của ông là Erik ở trong—anh chị em đoán thử xem—buồng lái của máy bay!5 Bài đăng trên Instagram của Chủ Tịch Uchtdorf đã được hàng ngàn người thích xem, và kèm theo rất nhiều lời bình luận tích cực.

Giáo Hội cũng đã đăng trên tài khoản Instagram của Giáo Hội vào tháng Mười Một năm 2017 một video về Anh Cả Dallin H. Oaks và Anh Cả M. Russell Ballard trả lời câu hỏi của một thiếu nữ tuổi thành niên về việc phục vụ truyền giáo của các chị phụ nữ. Bài đăng này đã có hơn 112.000 lượt xem.

Pinterest

Trên Pinterest, một người có thể tìm thấy hàng trăm cái ghim từ LDS.org và thậm chí nhiều hơn nữa từ các tín hữu, giúp soi dẫn những người khác.

Ví dụ, nhiều người chia sẻ lời của các vị tiên tri—trước đây và hiện nay. Một bài ghim về một trong những lời giảng dạy của Chủ Tịch Thomas S. Monson có ghi: “Có rất nhiều điều trong cuộc đời tùy thuộc vào thái độ của chúng ta.”6

Twitter

Một mẩu tweet mà Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ vào buổi sáng Lễ Phục Sinh năm ngoái đã có 210,000 lượt xem. Anh Cả Bednar cho thấy rằng sứ điệp ngắn mà đơn giản đó, “Ngài không ở đây đâu, Ngài sống lại rồi” (Ma Thi Ơ 28:6), có thể có tác động sâu sắc và lâu dài.

Snapchat

Cuối cùng, mới gần đây, các hình ảnh và lời nói chia sẻ một trong Các Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Chủ Tịch Monson đã xuất hiện trên Snapchat.

Những Rủi Ro Liên Quan

Giờ đây, sau khi đã thấy được tất cả những ưu điểm của công nghệ mới và cho thấy sự sử dụng hợp lý của các công nghệ này, tôi nghĩ cũng là điều hữu ích để thảo luận một số rủi ro liên quan đến chúng.

Chúng ta đều cần nhận biết về thời gian có thể bị lãng phí trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc khi sử dụng các ứng dụng di động. Việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cũng kéo theo một rủi ro là làm giảm sự tương tác trực tiếp, mà có thể kiềm chế sự phát triển những kỹ năng xã hội của nhiều người trẻ tuổi của chúng ta.

Chúng ta cần nhấn mạnh đến những mối nguy hiểm không thể bị xem thường liên quan đến nội dung không thích đáng. Tình trạng đam mê hình ảnh sách báo khiêu dâm đang càng ngày càng gia tăng trong xã hội, mà đang có ảnh hưởng tiêu cực và nạn nhân thậm chí là các tín hữu Giáo Hội và gia đình.

Cuối cùng, tôi đưa ra thêm hai điều rủi ro kết hợp nữa, mà ảnh hưởng đến hầu như tất cả mọi người, kể cả các thiếu nữ và những người mẹ và vợ thuộc thế hệ Millennial (thế hệ công nghệ thông tin). Tôi gọi hai rủi ro này là “thực tế bị lý tưởng hóa” và “những so sánh tai hại.” Tôi nghĩ cách tốt nhất để mô tả hai rủi ro này là đưa ra một số ví dụ.

Nói chung, những hình ảnh được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội có xu hướng mô tả cuộc sống theo cách thức tốt nhất và thậm chí không thực tế. Chúng thường đầy ắp những hình ảnh xinh đẹp chụp đồ trang trí nhà cửa, những nơi nghỉ mát tuyệt vời, và sự chuẩn bị thức ăn kỹ lưỡng. Mối nguy hiểm, dĩ nhiên là nhiều người trở nên chán nản rằng họ dường như không sánh bằng điều thực tế ảo bị lý tưởng hóa này.

Lấy cảm hứng từ một bài ghim trên Pinterest về cái bánh sinh nhật làm bằng “bánh kếp”, mới đây cháu gái tôi đã đăng rằng nó đã thử làm cái bánh ấy. Thay vì cho phép điều này tạo ra áp lực quá mức, cháu tôi quyết định làm người khác có được cảm hứng bằng cách đăng “thất bại Pinterest” (xin xem ảnh cái bánh kếp) của nó.

pancake fail

Hy vọng rằng chúng ta có thể học biết cách trở nên hài hước hơn và ít chán nản hơn khi đối đầu với những hình ảnh mà có thể miêu tả thực tế bị lý tưởng hóa và quá thường xuyên điều đó có thể dẫn tới những so sánh tai hại.

Điều này dường như không chỉ là dấu hiệu của thời chúng ta mà còn, mượn lời của Phao Lô, vào thời kỳ trong quá khứ nữa: “Nhưng lấy mình đo mình, lấy mình so sánh với mình, thì họ tỏ ra ít trí khôn” (2 Cô Rinh Tô 10:12).

Mới đây, Anh Cả J. Devn Cornish thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi cũng đã đưa ra lời khuyên bảo đúng lúc: “Chúng ta tự hành hạ mình một cách vô ích qua việc ganh đua và so sánh. Chúng ta xét đoán sai giá trị của bản thân mình qua những điều chúng ta làm hoặc không có và bởi ý kiến của người khác. Nếu phải so sánh, thì chúng ta hãy so sánh mình như thế nào trong quá khứ với con người chúng ta ngày hôm nay—và còn cả con người chúng ta muốn trong tương lai.”7

Tôi xin chia sẻ một trong những bí quyết của gia đình chúng tôi, được tìm thấy trong tấm ảnh gia đình này (xin xem trang kế tiếp) chụp cách đây nhiều năm, trước khi có phương tiện truyền thông xã hội. Nếu tấm ảnh này được chụp ngày hôm nay, thì nhiều khả năng là nó sẽ được đăng lên, giới thiệu một gia đình có bốn đứa con trai dễ thương, ngoan ngoãn, mặc quần áo cùng tông màu, đang thích chụp hình cùng gia đình trông thật hòa thuận. Anh chị em có muốn biết câu chuyện thật không?

Stevenson family photo

Tôi vẫn còn nhớ cú điện thoại vợ tôi gọi cho tôi. “Gary, anh ở đâu đấy? Em và các con đang ở tiệm chụp ảnh ngoài trời. Tất cả đều sẵn sàng chụp hình rồi. Thật không dễ dàng chút nào để lo cho mấy đứa con trai mặc đồ, nghe lời, và sẵn sàng. Anh sắp tới nơi chưa?”

Vâng, tôi đã quên và còn chưa rời văn phòng nữa! Tôi đến nơi muộn nửa tiếng, và mọi việc đã không diễn ra suôn sẻ khi thiếu tôi, gần như là hỗn loạn.

Điều gì đã xảy ra vậy? Vâng, đứa con trai cả của chúng tôi, đã chạy khắp khu vườn và thấy một cây táo, nó nhặt mấy quả táo lên và bắt đầu ném vào mấy đứa em khác. Nó ném quả táo vào lưng đứa con trai thứ ba của chúng tôi và làm cho em nó ngã xuống, và bắt đầu khóc.

Trong lúc đó, thì đứa con trai thứ hai ngồi xuống và quần của nó bị kéo lên một chút. Mấy đứa khác thấy rằng nó đang mang đôi vớ (bít tất) thể thao màu trắng, không phải là loại vớ đi nhà thờ mà mẹ nó đã để sẵn cho nó để mang. Vợ tôi hỏi nó: “Sao con không mang loại vớ đi nhà thờ?”

Nó đáp: “Dạ vì con không thích ạ. Vớ đó làm con ngứa lắm.”

Và trong khi vợ tôi đang nói chuyện với nó, thì đứa con trai hai tuổi của chúng tôi chạy khắp trong vườn, vấp phải một vật gì đó, ngã xuống, và chảy máu mũi. Bây giờ thì máu mũi của nó đang chảy xuống cái áo cổ lọ màu trắng, và cái áo bị vấy máu. Đây là lúc tôi xuất hiện. Cách duy nhất để vẫn tiếp tục chụp được tấm ảnh khấm khá là lộn lại cái áo cổ lọ và mặc ngược lại, che chỗ áo bị vấy máu khỏi máy ảnh.

Hóa ra là trong khi con trai cả của chúng tôi đang chạy khắp nơi và ném táo, thì nó đã ngã xuống và bị một vết cỏ to vấy trên đầu gối. Vì thế, trong tấm ảnh, tay nó được đặt một cách cố ý để che chỗ vết cỏ bẩn.

Còn về đứa con trai thứ ba của chúng tôi, chúng tôi đã phải chờ 20 phút để mắt nó hết đỏ vì khóc.

Và dĩ nhiên là vết máu trên áo của đứa con út của chúng tôi bây giờ nằm ở sau lưng.

Bây giờ thì, đứa con trai thứ hai của chúng tôi đã cố ý đặt tay của nó lên trên đôi vớ thể thao màu trắng để mọi thứ đều cùng tông màu với nhau.

Còn về phần tôi, tôi đang “gặp rắc rối” bởi vì nguyên nhân là tôi đã đến muộn nên tất cả những vấn đề này mới xảy ra.

Vì thế, khi anh chị em trông thấy tấm ảnh xinh đẹp của gia đình chúng tôi và thốt lên: “Tại sao chúng ta không lên kế hoạch và chụp một kiểu ảnh gia đình lý tưởng như gia đình này nhỉ?”, thì giờ anh chị em đã biết rõ hơn rồi đó!

Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội và Công Việc Truyền Giáo

pointing at tablet

Hình ảnh của Getty Images

Như anh chị em thấy, chúng ta cần phải lưu tâm đến những mối nguy hiểm và rủi ro, kể cả thực tế bị lý tưởng hóa và những so sánh tai hại. Thế gian thường không tốt đẹp như nó hiện ra trên phương tiện truyền thông xã hội. Tuy thế, có nhiều điều tốt lành mà đã đến và sẽ đến qua những phương tiện truyền thông này.

Vào năm 2017, Sở Truyền Giáo đã đưa ra một số chỉ dẫn mới về những cách thức thiết thực mà phương tiện truyền thông xã hội có thể được sử dụng trong công việc truyền giáo. Nhiều nguồn tài liệu kỹ thuật số có sẵn cho chúng ta có thể được sử dụng trong những cách thức mạnh mẽ, dễ dàng, đơn giản, và vô cùng hữu hiệu.

Có rất nhiều ứng dụng được dành cho việc sử dụng công nghệ trong những cách thức thích hợp và đầy soi dẫn. Chúng ta cần làm hết sức có thể để giảng dạy cách thức đúng đắn để sử dụng công nghệ cho thế hệ đang vươn lên và cũng cần cảnh báo và ngăn cản việc sử dụng không đúng đắn và những mối nguy hiểm liên quan. Cách này sẽ giúp bảo đảm cho chúng ta rằng lợi ích của công nghệ sẽ vượt trội những mối nguy hiểm liên quan.

“Thật Tuyệt Đẹp Thay Các Sứ Giả”

Trong thời gian suy ngẫm và cầu nguyện khẩn thiết về sứ điệp này, tôi thức dậy vào một buổi sáng với một bài hát và những lời ca giản dị trong tâm trí: “Thật tuyệt đẹp thay các sứ giả đã thuyết giảng phúc âm về sự bình an cho chúng ta.”8

Sứ điệp của chúng ta là về sự bình an, và anh chị em là các sứ giả tuyệt đẹp thuyết giảng sứ điệp đó. Anh chị em có thể làm được điều này qua các phương tiện mới và đầy thú vị của công nghệ. Chúng ta sống trong một thế giới độc nhất vô nhị trong thời kỳ trọn vẹn với khả năng để thuyết giảng phúc âm về sự bình an đúng là ở ngay đầu ngón tay của mình.

Chúng ta có những lời của các vị tiên tri thời xưa, mà mô tả rõ thời kỳ của chúng ta và chỉ hướng cho thời kỳ của chúng ta: “Và ngoài ra, ta nói cho ngươi hay rằng, sẽ đến lúc sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi sẽ lan tràn đến mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc.” (Mô Si A 3:20).

Chúng ta cũng có những lời được ban cho chúng ta qua điều mặc khải thời hiện đại, nói về và đưa ra những chỉ dẫn cho thời kỳ và hoàn cảnh của chúng ta. Tôi trích dẫn lời của Anh Cả Bednar: “Tôi tin rằng đã đến lúc để chúng ta, với tư cách là môn đồ của Đấng Ky Tô, để sử dụng những công cụ được soi dẫn này một cách thích hợp và hữu hiệu hơn để làm chứng về Thượng Đế Đức Chúa Cha, kế hoạch hạnh phúc của Ngài dành cho con cái Ngài, và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi của thế gian; để rao truyền thực tế về Sự Phục Hồi của phúc âm trong những ngày sau; và để hoàn thành công việc của Chúa.”9

Tôi mời mỗi anh chị em hãy hoàn toàn cân nhắc vai trò của mình để thuyết giảng phúc âm về sự bình an với tư cách là các sứ giả tuyệt đẹp. Mỗi người chúng ta hãy làm phần vụ của mình để chia sẻ “sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi” của chúng ta với mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc. Cách tốt nhất để làm việc này là làm từng bước một và trong một cách thức độc đáo phù hợp với anh chị em và gia đình mình. Cầu xin mỗi anh chị em đều có can đảm để viết blog, ghim, thích, chia sẻ, đăng lên, làm bạn, đăng mẩu tin tweet, chụp snap, và swipe up (vuốt màn hình điện thoại) mà sẽ làm vinh hiển, vinh dự, và tôn trọng ý muốn của Cha Thiên Thượng của chúng ta và mang sự hiểu biết về Đấng Ky Tô đến với gia đình, người thân, và bạn bè của chúng ta—kể cả bạn bè trên phương tiện truyền thông xã hội.

Ghi Chú

  1. David O. McKay, trong Conference Report, Oct. 1966, 4.

  2. Spencer W. Kimball, “When the World Will Be Converted,” Ensign, Oct. 1974, 11, 10.

  3. Xin xem Jeffrey R. Holland, “Giống Như Một Cái Bình Bể Nát,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 40–42.

  4. Xin xem Jeffrey R. Holland, “Mormon Message: Like a Broken Vessel,” June 20, 2016, mormonnewsroom.org.

  5. Xin xem “President Uchtdorf Relates Flying to Gospel in Post and Video with Grandson,” Sept. 30, 2016, LDS.org.

  6. Thomas S. Monson, “Sống Một Cuộc Sống Dư Dật,” Liahona, tháng Giêng năm 2012, 4.

  7. J. Devn Cornish, “Tôi Có Là Người Đủ Tốt Để Vào Được Thượng Thiên Giới Không?” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 33.

  8. “How Lovely Are the Messengers,” hymnary.org.

  9. David A. Bednar, “Flood the Earth through Social Media,” Liahona, Aug. 2015, 50; xin xem thêm David A. Bednar, “Sweep the Earth as with a Flood” (video), LDS.org.