2018
Cuộc Hành Trình Cuối Cùng đầy Cô Đơn của Đấng Cứu Rỗi
April 2018


Cuộc Hành Trình Cuối Cùng đầy Cô Đơn của Đấng Cứu Rỗi

the saviors final lonely journey PDF 1
the saviors final lonely journey PDF 2
the saviors final lonely journey PDF 3

Trong suốt cuộc sống trần thế của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã trải qua nhiều cuộc hành trình—cuộc hành trình của Ngài ra khỏi Bết Lê Hem và tới Ai Cập khi là một hài nhi, cuộc hành trình 40 ngày của Ngài trong vùng hoang dã, nhiều cuộc hành trình của Ngài vào các thành phố, làng mạc, và nhà để giảng dạy, chữa lành, và ban phước trong thời gian giáo vụ của Ngài, và nhiều nữa. Nhưng có một cuộc hành trình mà Đấng Cứu Rỗi đã phải một mình đối phó, và đó là cuộc hành trình mà chỉ có Ngài mới có thể kiên trì chịu đựng được.

“Vào ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh, chúng ta kỷ niệm sự kiện vinh quang mà người ta đã chờ đợi lâu nhất trong lịch sử thế giới.

“Đó là ngày đã thay đổi mọi thứ.

“Vào ngày đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi.

“Cuộc sống của các anh chị em đã thay đổi.

“Số mệnh của con cái của Thượng Đế đã thay đổi.”

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, “Ân Tứ về Ân Điển,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 107.

Sự Đau Khổ không thể nào So Sánh Được

Jesus in Gethsemane

O My Father (Ôi Đức Chúa Cha), tranh của Simon Dewey

“Không có một người trần thế nào có thể thấu hiểu trọn vẹn tầm quan trọng của những điều Đấng Ky Tô đã làm cho chúng ta trong Vườn Ghết Sê Ma Nê.

“Chúng ta biết Ngài đã rướm những giọt máu lớn từ mỗi lỗ chân lông khi Ngài uống cạn cặn bã của chén đắng mà Cha Ngài đã ban cho Ngài.

“Chúng ta biết Ngài chịu đau khổ, cả thể xác lẫn tinh thần, hơn cả điều mà con người có thể chịu đựng nổi, ngoại trừ cái chết.

“Chúng ta biết rằng trong một cách nào đó mà chúng ta không thể hiểu được, nỗi đau khổ của Ngài đã thỏa mãn đòi hỏi của công lý, cứu chuộc những linh hồn biết ăn năn khỏi những nỗi đau đớn và hình phạt của tội lỗi và dành sẵn lòng thương xót cho những người tin nơi thánh danh của Ngài.

“Chúng ta biết rằng Ngài nằm phủ phục trên mặt đất khi nỗi đau đớn và thống khổ của một gánh nặng vô tận làm cho Ngài phải run sợ và mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy.”

Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–85) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “The Purifying Power of Gethsemane,” Ensign, May 1985, 9.

Áp Dụng cho Cá Nhân: Mặc dù chúng ta có thể không luôn luôn nhận ra điều đó, nhưng Đấng Cứu Rỗi đã chịu đựng tất cả mọi hình thức đau đớn trong suốt Sự Chuộc Tội. Ngài thấu hiểu mọi nỗi đau đớn về thể chất, từ cái xương bị gãy cho đến căn bệnh mãn tính trầm trọng nhất. Ngài cảm thấy tình trạng tăm tối và tuyệt vọng của những căn bệnh về tâm thần như trầm cảm, lo âu, nghiện ngập, cô đơn, và phiền muộn. Và Ngài cảm nhận được mọi vết thương thuộc linh bởi vì Ngài đã tự mình gánh chịu tất cả mọi tội lỗi của nhân loại.

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dạy rằng: “Trong một giây phút yếu đuối, chúng ta có thể kêu lên: ‘Không một ai hiểu nỗi niềm này cả. Không một ai biết cả.’ Nhưng Vị Nam Tử của Thượng Đế hoàn toàn hiểu, vì Ngài đã cảm nhận và mang lấy gánh nặng của riêng chúng ta” (“Mang Những Gánh Nặng của Họ Một Cách Dễ Dàng,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 90).

Ngài Là Đấng Duy Nhất Có Khả Năng Thực Hiện Được Điều Đó

carrying the cross

Procession to Calvary (Đường lên Đồi Sọ), tranh của Bernardo Cavallino, Chrysler Museum of Art

“Điều mà Ngài đã làm chỉ có Thượng Đế mới làm được. Là Con Trai Độc Sinh của Đức Chúa Cha trong xác thịt, Chúa Giê Su đã thừa hưởng các thuộc tính thiêng liêng. Ngài là đấng duy nhất sinh ra trên thế gian mà có thể thực hiện hành động quan trọng và thiêng liêng nhất này. Là Người duy nhất không tội lỗi mà đã từng sống trên thế gian này, Ngài không phải trải qua cái chết thuộc linh. Nhờ vào sự thánh thiện của Ngài, Ngài cũng có được quyền năng để chiến thắng cái chết thể xác. Như vậy, Ngài đã làm cho chúng ta điều mà chúng ta không thể tự mình làm được. Ngài đã chiến thắng cái chết thể xác. Ngài cũng đã làm cho chúng ta có thể có được sự an ủi lớn nhất và dịu dàng của ân tứ Đức Thánh Linh.”

Chủ Tịch James E. Faust (1920–2007), Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, “The Atonement: Our Greatest Hope,” Liahona, Jan. 2002, 20.

Áp Dụng cho Cá Nhân: Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã mở những dây chói buộc của sự chết và cứu rỗi tất cả chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta để cho mọi người đều có thể có được cuộc sống vĩnh cửu. Ngài là đấng duy nhất có khả năng hoàn thành nhiệm vụ đáng sợ và không thể thực hiện được. Khi chúng ta đối phó với những thử thách nghiêm trọng, chúng ta có thể được an ủi vì biết rằng Đấng Cứu Rỗi có thể thực sự làm được những điều dường như không thể thực hiện được.

Ngài Đã Không Trở Lui

the burial

The Burial (Sự Chôn Cất), tranh của Carl Heinrich Bloch

“Cuối cùng, trên ngọn đồi gọi là Đồi Sọ, trong khi các tín đồ nhìn thân thể đầy thương tích của Ngài bị đóng đinh lên cây thập tự một cách vô vọng. Ngài đã bị chế nhạo, chửi rủa và nhạo báng một cách nhẫn tâm. …

“Những giờ phút đau đớn trôi qua khi Ngài gần kề cái chết. Từ đôi môi khô nẻ của Ngài thốt ra những lời: ‘Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha. Ngài vừa nói xong thì tắt hơi.’ …

“Vào giây phút cuối cùng, Đấng Chủ Tể đã có thể trở lui. Nhưng Ngài đã không làm thế. Ngài đã đi xuống bên dưới vạn vật để Ngài có thể cứu rỗi vạn vật. Thi hài của Ngài được vội vã nhưng nhẹ nhàng đặt vào một ngôi mộ mượn.”

Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018), “Ngài Đã Sống Lại!” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 89.

Áp Dụng cho Cá Nhân: Ngài chịu đựng nỗi đau đớn khổ sở, cô đơn và tuyệt vọng, nhưng Đấng Cứu Rỗi vẫn kiên trì và hoàn tất cuộc hành trình trần thế của Ngài một cách khoan dung—thậm chí Ngài đã cầu xin Cha Ngài tha thứ cho những người đã đóng đinh Ngài. Bởi vì tấm gương hoàn hảo của Ngài, nên chúng ta có thể đối phó với những thử thách và khó khăn của mình một cách khoan dung, và với sự giúp đỡ của Ngài chúng ta cũng có thể kiên trì đến cùng.

Nhiều Người Làm Chứng về Sự Phục Sinh của Ngài

Mary at the tomb

Woman, Why Weepest Thou? (Hỡi Đàn Bà Kia, Sao Ngươi Khóc?), tranh của Mark R. Pugh

“Tôi tin vào nhiều nhân chứng về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi là những người mà kinh nghiệm và chứng ngôn của họ được tìm thấy trong Kinh Tân Ước như là Phi E Rơ và các bạn đồng hành trong Nhóm Túc Số Mười Hai của ông cùng Ma Ri đáng mến, thanh khiết ở Ma Ga Đan, cùng nhiều người khác. Tôi tin vào các chứng ngôn được tìm thấy trong Sách Mặc Môn—của Sứ Đồ Nê Phi với đám đông dân chúng vô danh ở xứ Phong Phú, và nhiều người khác. Và tôi tin vào chứng ngôn của Joseph Smith và Sidney Rigdon, là những người mà sau nhiều chứng ngôn khác đã tuyên bố lời chứng tuyệt vời của gian kỳ sau cùng này ‘rằng Ngài hằng sống! Vì chúng tôi đã trông thấy Ngài.’ Dưới mắt nhìn thấu suốt của Ngài, tôi tự mình làm chứng rằng Chúa Giê Su ở Na Xa Rét là Đấng Cứu Chuộc phục sinh, và tôi làm chứng về mọi điều khác đều là kết quả của sự kiện về Sự Phục Sinh của Ngài. Cầu xin cho các anh chị em có thể nhận được lòng tin chắc và sư an ủi về cùng một lời chứng đó.”

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 114.

Áp Dụng cho Cá Nhân: Mặc dù chúng ta không phải thuộc vào trong số những người đã thấy thể xác đã được phục sinh và hoàn hảo của Đấng Cứu Chuộc, nhưng chúng ta có thể vẫn đứng lên làm nhân chứng của Ngài ngày nay. Ngài có thể luôn luôn là trọng tâm của cuộc sống chúng ta, bất kể chúng ta đang thấy mình ở trong thời điểm hoặc địa điểm nào. Mỗi khi chúng ta dâng lên lòng mình và dang tay cứu giúp người khác; cho thấy lòng tử tế, nhân từ, và tôn trọng tất cả mọi người; bênh vực lẽ thật; và chia sẻ chứng ngôn của chúng ta về phúc âm, chúng ta đứng lên làm nhân chứng trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúng Ta Không Cần Phải Bước Đi Một Mình

Christ walking along the shores

Chi tiết từ Walk with Me (Hãy Bước cùng Ta), tranh của Greg Olsen, cấm sao chụp

“Một trong những điều an ủi lớn lao của mùa Phục Sinh này là nhờ vào Chúa Giê Su đã bước đi trên con đường dài và cô đơn chỉ có một mình Ngài nên chúng ta không phải làm điều đó. Cuộc hành trình cô đơn của Ngài mang đến sự đồng hành lớn lao cho con đường ít đau khổ hơn của chúng ta—sự chăm sóc đầy thương xót của Cha Thiên Thượng, sự đồng hành liên tục của Vị Nam Tử Yêu Dấu này, ân tứ tột bậc của Đức Thánh Linh, các thiên sứ trên trời, những người thân trong gia đình ở cả hai bên của bức màn che, các vị tiên tri và các sứ đồ, các giảng viên, các vị lãnh đạo và bạn bè. Tất cả những người này và nhiều người nữa đã được ban cho chúng ta với tư cách là những người bạn đồng hành cho cuộc hành trình trên trần thế của chúng ta nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Phục Hồi phúc âm của Ngài. Nhờ vào điều đã xảy ra trên đồi Sọ nên chúng ta biết được lẽ thật rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị bỏ mặc một mình hoặc không được giúp đỡ, ngay cả đôi khi chúng ta có thể cảm thấy như vậy. …

“… Cầu xin cho chúng ta đứng bên Chúa Giê Su Ky Tô ‘bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu [mà các anh chị em] hiện diện, cho đến khi chết,’ vì chắc chắn đó là cách mà Ngài đứng bên chúng ta khi Ngài thật sự chết cho chúng ta và khi Ngài phải hoàn toàn đứng chỉ một mình.”

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, “Chẳng Có Ai với Ngài,” Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 88.

Áp Dụng cho Cá Nhân: Lễ Phục Sinh này, hãy nhớ đến cuộc hành trình cuối cùng đầy cô đơn của Đấng Cứu Rỗi. Ngài hy sinh mọi thứ Ngài có để cho anh chị em và mỗi người trên thế gian có thể trở nên thanh sạch và có được cuộc sống vĩnh cửu. Học hỏi từ tấm gương hoàn hảo của Ngài. Để cho Ngài ở trong ý nghĩ và tấm lòng anh chị em. Và luôn luôn nhớ rằng anh chị em không bao giờ đơn độc. Bởi vì Ngài đã kiên trì chịu đựng cuộc hành trình cuối cùng của Ngài trong tinh thần trọn vẹn và dứt khoát, nên Ngài sẽ không bỏ rơi anh chị em. Tình yêu thương của Ngài dành cho anh chị em là vô biên và bất biến, và Ngài sẵn sàng mang đến cho anh chị em sự bình an, an ủi, và hy vọng khi anh chị em tiếp tục trong cuộc hành trình của riêng mình. Ân tứ của Ngài về Sự Chuộc Tội là vĩnh cửu, và nó đã được ban cho anh chị em.