Liahona
Anh Cả Patrick Kearon: Được Chúa Chuẩn Bị và Kêu Gọi
Tháng Năm năm 2024


“Anh Cả Patrick Kearon: Được Chúa Chuẩn Bị và Kêu Gọi,” Liahona, tháng Năm năm 2024.

Những Sự Kêu Gọi Mới

Anh Cả Patrick Kearon: Được Chúa Chuẩn Bị và Kêu Gọi

Chúa đã chuẩn bị Anh Cả Kearon trong những cách thức độc đáo và ban cho ông một loạt các ân tứ thuộc linh mà sẽ cho phép ông ban phước cho những người khác trong sự kêu gọi thiêng liêng của mình với tư cách là một nhân chứng đặc biệt “về danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế gian.”

Hình Ảnh
Anh Cả Patrick Kearon

Vào một ngày thứ Bảy, vài năm sau khi được kêu gọi với tư cách là Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương, Anh Cả Patrick Kearon cùng vợ mình là Jennifer bước vào siêu thị đúng lúc Anh Cả W. Rolfe Kerr và vợ của ông là Janeil, vừa đi ra. Họ thăm hỏi nhau một vài phút, rồi vợ chồng Anh Cả Kerr đi về hướng xe của họ.

Hầu như ngay lập tức, một người đàn ông lại gần Anh Cả Kearon và hào hứng hỏi ông: “Người mà ông vừa nói chuyện xong có phải là một vị Thẩm Quyền Trung Ương không?” Anh Cả Kearon đáp: “Đúng rồi. Đó là Anh Cả W. Rolfe Kerr thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi.” Người đàn ông đó gật đầu, nhìn thẳng vào Anh Cả Kearon mà không hề nhận ra ông, và nói: “Đúng là một người luôn luôn có thể nhận ra ai là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương nhỉ.” Rồi người đàn ông đó vội vã rời đi.

Anh Cả Kearon mỉm cười nói: “Tôi thích câu chuyện này vì nó lột tả được cảm nghĩ của tôi. Tôi có thể có kinh nghiệm tương tự như vậy ngày hôm nay, và có lẽ người đàn ông đó sẽ vẫn không nhận ra tôi là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương giữa đám đông.”

Tính hài hước và lòng khiêm nhường của Anh Cả Kearon khiến cho những người biết ông hoặc đã có đặc ân phục vụ cùng ông quý mến ông. Được kêu gọi, và sắc phong làm thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ vào ngày 7 tháng Mười Hai năm 2023, Anh Cả Kearon biết rằng chức vụ kêu gọi mới của ông không liên quan nhiều đến bản thân ông mà là về công việc đang diễn ra của Chúa.

Ông nói: “Chúng ta đều góp phần trong công việc của Ngài, cố gắng giúp mọi người cảm nhận được ánh sáng, tình yêu thương và sự quan tâm của Ngài. Điều Ngài muốn chúng ta làm với tư cách là tín hữu trong Giáo Hội của Ngài là ban phước cho cuộc sống của những người khác.”

Chúa đã chuẩn bị cho Anh Cả Kearon theo những cách thức độc đáo và ban cho ông một loạt các ân tứ thuộc linh mà sẽ cho phép ông ban phước cho những người khác trong sự kêu gọi thiêng liêng của mình với tư cách là một nhân chứng đặc biệt “về danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế gian” (Giáo Lý và Giao Ước 107:23). Là một người cải đạo vào Giáo Hội vào lúc 26 tuổi và là tín hữu duy nhất của Giáo Hội trong số các anh chị em của mình, Anh Cả Kearon là một người có sự cảm thông sâu sắc và biết cách lắng nghe, kết nối, cũng như an ủi con cái của Thượng Đế. Ông là người có lòng bác ái bẩm sinh và tìm thấy niềm vui trong sự phục vụ. Chịu ảnh hưởng bởi những trải nghiệm đau buồn và từ sự mất mát người thân yêu, ông làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô, qua Sự Chuộc Tội của Ngài, ban cho nhũ hương chữa lành và một ngày nào đó sẽ làm cho mọi điều được trọn vẹn.

Anh Cả Kearon là một môn đồ đích thực của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông là người tin cậy nơi Chúa. Ông là một người lãnh đạo dễ để noi gương vì ông tận tụy trong việc noi theo Đấng Cứu Rỗi và trong việc dẫn dắt mọi người đến với Ngài.

Chủ Tịch Jeffrey R. Holland, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, nói rằng: “Chúa đã dẫn dắt Patrick đến vị trí mà ông hiện đang nắm giữ.”

Cha Mẹ Yêu Thương, Tận Tụy

Patrick Kearon sinh ở Carlisle, Cumbria, ở miền bắc nước Anh vào ngày 18 tháng Bảy năm 1961, con của Ông Paddy và Bà Patricia Kearon. Khi cha mẹ của ông gặp nhau, họ đang phục vụ trong quân đội Anh trong Thế Chiến Thứ Hai—mẹ của ông là một y tá quân y ở Ấn Độ và Miến Điện và cha của ông thuộc Không Quân Hoàng Gia (RAF), từng đóng quân ở Pháp, Bắc Phi, Sicily, và Ý.

Hình Ảnh
cha mẹ của Anh Cả Patrick Kearon

Anh Cả Kearon nhớ đến cha mẹ của ông, Paddy và Patricia, về tấm gương của một cuộc đời tận tụy, phục vụ và hy sinh của họ.

Mặc dù không phải là người sùng đạo, nhưng họ đã sống một cuộc sống tận tụy, phục vụ và hy sinh cho gia đình đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với Patrick, người con út trong số năm người con của cặp vợ chồng này. Ông nhớ mẹ mình, Pat, là một “người mẹ phi thường,” đầy yêu thương, dịu dàng dẫn dắt, chủ yếu là nêu gương, và không bao giờ chỉ trích bất cứ ai. Bà rất hào phóng, kiên định, và có khả năng cân bằng đáng khâm phục. Và điều ông nhớ đến cha mình, Paddy, là về “nghị lực, sự tử tế, và ấm áp luôn loan tỏa; tình yêu của ông đối với … sa mạc khô cằn ở Ả Rập [và] những ngọn đồi thoai thoải xanh ngắt ở nước Anh và Ireland; cũng như niềm đam mê dành cho mây trời, nắng vàng, và biển cả. Tôi có thể nhận ra rõ ảnh hưởng của ông trong khát khao của chính tôi là để được ở giữa thiên nhiên, dưới bầu trời, với gió với nắng.”

Sau khi phục vụ trong Không Quân Hoàng Gia, cha của Anh Cả Kearon đã làm việc với tư cách là một nhà thầu quốc phòng ở Ả Rập Xê Út. Khi còn là một cậu bé bảy tuổi, Patrick đã học được một bài học quan trọng ở đó về sự vâng lời, được kể lại một cách đáng nhớ trong bài nói chuyện đầu tiên của ông tại đại hội trung ương với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Phớt lờ những chỉ dẫn của cha mẹ mình là phải mang giày khi đi cắm trại ở sa mạc, ông đã đi khám phá bằng “dép xỏ ngón” và bị một con bò cạp chích vào lòng bàn chân.

Hình Ảnh
Patrick Kearon khi còn bé

Patrick Kearon khi còn bé ở Ả Rập Xê Út.

Ba năm sau, được đi học ở một trường nội trú ở quê hương Anh Quốc, thiếu niên Patrick cảm thấy vô cùng cô đơn vì xa cha mẹ, nỗi cô đơn chỉ được xoa dịu nhờ những bức thư đầy khích lệ của cha mẹ ông.

“Nếu so sánh thì chắc hẳn mọi thứ khá dễ dàng với Harry Potter khi ở trường nội trú Hogwarts. Thật là khó,” ông nói về trường nội trú của mình. “Tôi chỉ được về nhà vào dịp Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, và mùa hè. Tôi làm những tờ lịch nhỏ trên giấy, kẻ một hàng dọc xuống mỗi ngày, đếm từng ngày cho đến khi tôi có thể được về nhà với gia đình.”

Một vài năm sau, trong khi Patrick đang theo học trường nội trú thứ hai ở nước Anh, thì một cơn bão lớn ập đến từ Biển Ireland. Kết quả là cơn bão đã làm ngập 5.000 ngôi nhà ở khu vực xung quanh. Patrick và các bạn cùng lớp được kêu gọi để giúp dọn dẹp một khu vực rộng lớn.

Ông nói: “Tôi vẫn còn nhớ sức nặng của tấm thảm ướt sũng và cái mùi hôi thối của nó. Nhưng tôi nhớ đã dốc sức vào hoàn thành công việc này với những người bạn cùng trường. Và tôi nhớ đến những người dân và lòng biết ơn của họ.”

Kinh nghiệm đó có lẽ là cái nhìn đầu tiên của Patrick về các phước lành tương hỗ của việc phục vụ và được phục vụ. Về sau, ông nhận ra rằng những cảm giác bất an ở tuổi niên thiếu của mình đã không còn nữa “trong khi tôi tham gia vào nỗ lực lớn lao này để phụ giúp những người lân cận của chúng tôi.”

Sau khi tốt nghiệp trung học, Patrick trở lại Ả Rập Xê Út, nơi đó ông bắt đầu được huấn luyện trong lĩnh vực quản lý với một tập đoàn thực phẩm và thức uống đa quốc gia. Kinh nghiệm đó là khởi đầu cho công việc của ông trong một số ngành công nghiệp, cuối cùng kết thúc ở công ty tư vấn truyền thông ở Anh cùng với Chị Kearon.

“Thế Giới của Tôi Đã Bị Đảo Lộn”

Khi Patrick được 19 tuổi, ông mất cha và anh rể trong một tai nạn xe hơi bi thảm ở Ả Rập Xê Út. Ông nói: “Thế giới của tôi đã bị đảo lộn với sự ra đi của họ.” Bàn tay hướng dẫn của cha ông, lời khích lệ đầy yêu thương, và cái nhìn lạc quan về thế gian này đã không còn nữa. Đầy tuyệt vọng trong sự đau buồn và trống vắng qua một thời gian, Patrick trở về quê hương nước Anh với mẹ của mình nhưng cuối cùng trở lại làm việc ở Ả Rập Xê Út.

Ông nói: “Tôi đã có đủ loại cơ hội quý báu để học hỏi và phát triển cùng thấy cách hoạt động của các doanh nghiệp.” Ông đặc biệt biết ơn “một người chủ tuyệt vời đã huấn luyện cùng hướng dẫn tôi và trở thành một người bạn thân. Ông ấy giống như một người cha đối với tôi kể từ khi cha tôi qua đời. Thật là một phước lành khi được quen biết ông ấy.”

Về sau, trong thời gian quay trở lại London, Patrick gặp một số tín hữu của Giáo Hội.

Ông hồi tưởng: “Họ là những tấm gương sáng về đức tin của chúng ta. Một người trong số họ đến từ California, và tôi đã đến sống cùng với gia đình này trong thời gian tôi làm việc ở đó.”

Kinh nghiệm đó đã mang đến cho Patrick một nền tảng tuyệt vời trong sự hiểu biết về Giáo Hội. Ông cảm động trước niềm vui mà gia đình đó tìm thấy trong sự phục vụ, nhưng ông có nhiều thắc mắc về giáo lý và niềm tin của Giáo Hội. Tuy nhiên, khi trở lại nước Anh hai năm sau đó, ông đã gặp một số “người truyền giáo khá ấn tượng” trên đường phố London. Sau khi thảo luận phúc âm với họ trong vài tháng và được cho biết là ông không tiến triển đến phép báp têm, họ hỏi ông có muốn một phước lành không.

“Tôi đã đồng ý nhận một phước lành từ một người truyền giáo cao niên mà tôi biết,” ông nhớ lại. “Cảm nhận của tôi trong phước lành đó chính là khoảnh khắc thiết yếu trong sự cải đạo của tôi. Đó là một cảm giác hoàn toàn không thể phủ nhận được về ánh sáng, niềm vui và sự bình an mà không có lời nào có thể tả xiết. Những câu từ của phước lành đã được chứng tỏ là đầy soi dẫn và chắc chắn là rất sâu sắc.”

Kinh nghiệm đó, cùng với “một số điều khác trong quá trình tôi tiến tới phép báp têm,” đã dẫn Patrick đến một chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội phục hồi của Ngài. Vài tháng sau, vào Đêm Trước Lễ Giáng Sinh năm 1987, ông chịu phép báp têm làm tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đối với những người đang tìm kiếm một chứng ngôn, Anh Cả Kearon nói: “Hãy chọn đức tin, và đáp ứng lời mời trong An Ma 32. Hãy tuân theo những cảm nghĩ thuộc linh của mình. Những cảm giác đó sẽ hướng dẫn anh chị em, và anh chị em sẽ biết được.”

“Một Nguồn Sức Mạnh”

Hai năm sau khi chịu phép báp têm, khi Patrick đang tham dự một tiểu giáo khu dành cho người thành niên trẻ tuổi độc thân ở London thì ông gặp Jennifer Hulme, một sinh viên trường Brigham Young University đến từ Saratoga, California. Jennifer đã đến London trong sáu tháng để học môn lịch sử nghệ thuật và văn học Anh. Là con út trong số tám người con, cô lớn lên trong Giáo Hội.

Gần như ngay lập tức, Patrick lọt vào mắt cô ấy.

Jennifer nói về Patrick: “Khi tôi quan sát anh ấy tương tác với mọi người trong tiểu giáo khu, tôi đã thấy cách anh ấy đối xử với họ. Cho dù đó là một tín hữu mới, một tín hữu kém tích cực mới quay trở lại, một người đang gặp khó khăn, hay đó là một người bạn thân, thì anh ấy cũng đều đối xử với mọi người bằng tình yêu thương và sự quan tâm chân thành như nhau. Đức tính đó đã khiến tôi bị thu hút bởi anh ấy ngay từ đầu. Đó là một đức tính mà tôi đã thấy anh ấy phát triển, mà đã được Thượng Đế trọng dụng trong hơn 33 năm chúng tôi kết hôn.”

Hình Ảnh
Anh Cả và Chị Kearon

Tình yêu thương và sự tôn trọng của Anh Cả và Chị Kearon dành cho nhau cho phép họ cùng đoàn kết lao nhọc trong đức tin.

Sau khi tìm hiểu nhau, họ đã kết hôn trong Đền Thờ Oakland California vào tháng Một năm 1991. Sau đó họ đã nuôi nấng gia đình của họ ở Anh trong 19 năm cho đến năm 2010 khi Anh Cả Kearon được kêu gọi với tư cách là Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương sau khi phục vụ trong một vài chức vụ kêu gọi để lãnh đạo, bao gồm chức vụ chủ tịch giáo khu và Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng. Trong khi ông đang phục vụ với tư cách là Chủ Tịch Thâm Niên của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi thì ông được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Anh Cả Kearon nói rằng vợ ông là một môn đồ trung tín, là người biết rõ nguồn gốc thật sự của mình. “Cô ấy sống một cuộc sống hạnh phúc, lạc quan, tích cực, hữu ích, vui vẻ, với Đấng Cứu Rỗi là trọng tâm của tất cả mọi điều. Cô ấy là một nguồn sức mạnh và một phước lành to lớn đối với tôi kể từ lúc chúng tôi gặp nhau.”

Susannah, người con gái thứ hai trong số ba người con gái của họ, nói rằng mẹ của cô rất thích hy sinh bản thân: “Mẹ tôi tràn đầy sức sống và ánh sáng và có một niềm đam mê đối với phúc âm.” Và giống như cha, mẹ của cô là một “người biết lắng nghe.”

Susannah và các chị em của cô nói rằng tình yêu thương và sự tôn trọng của cha mẹ họ dành cho nhau cho phép họ đoàn kết lao nhọc trong đức tin hướng tới các mục tiêu chung. Họ lắng nghe lẫn nhau, tôn trọng và biết ơn những suy nghĩ và ý kiến của nhau.

Emma, con gái út của họ, nói rằng mối quan hệ hòa hợp của cha mẹ bà và tình yêu thương bao la dành cho con cái của họ “đã tạo ra một bầu không khí gia đình vô cùng hạnh phúc và an toàn.”

Lizzie Kearon Staheli, con gái lớn nhất, nói về cha mình: “Cha tôi nhìn nhận mọi người với đôi mắt giống như Đấng Ky Tô. Ông luôn luôn quan tâm đến việc muốn khuyến khích và giúp cho mọi người có khả năng. Ông nhận thấy tiềm năng ở mọi người, bất kể hoàn cảnh của họ ra sao đi nữa.”

Emma nói thêm: “Ông tràn đầy đức tin và yêu thích niềm vui mà phúc âm mang lại cho ông. Vì tìm thấy phúc âm phục hồi khi đã trưởng thành, ông biết ơn sự khác biệt mà phúc âm tạo ra trong cuộc sống của một người như là một nguồn ánh sáng và niềm vui.”

Hình Ảnh
gia đình của Anh Cả và Chị Kearon

Anh Cả Kearon gọi các con gái của mình—Lizzie (ảnh chụp cùng với chồng là Jonathan), Susannah, và Emma—“ánh sáng đẹp nhất trong cuộc đời chúng tôi, là kho báu lớn nhất của chúng tôi.”

Jean B. Bingham, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ, mô tả Anh Cả Kearon là một người bình tĩnh trước áp lực. Chị nhớ lại một thời gian khi chị, Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, Anh Cả Kearon, và những người khác bị mắc kẹt ở nước ngoài trong một cuộc nổi dậy chính trị. Dưới sự hướng dẫn của Anh Cả Bednar, Anh Cả Kearon đã dành ra nhiều giờ trên điện thoại vệ tinh để làm việc với các viên chức địa phương và những người đại diện cho Giáo Hội nhằm tìm cách để họ được thoát ra.

Chị Bingham nói: “Bản chất điềm tĩnh, các nỗ lực tập trung, và những hiểu biết sâu sắc đầy soi dẫn đã tạo ra một giải pháp cho phép chúng tôi khởi hành an toàn.”

Vào tháng Mười Hai năm 2021, cả gia đình ông sửng sốt khi biết rằng Chị Kearon đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú.

Chị Kearon nói: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng căn bệnh ung thư sẽ tấn công tôi hay chúng tôi.” Bà gọi việc điều trị tiếp theo đó là vô cùng khó khăn, nhưng Đấng Cứu Rỗi là nguồn sức mạnh của bà qua tất cả mọi việc. “Tôi vẫn còn được hóa trị liệu bằng cách uống thuốc, nhưng tôi biết ơn để nói rằng tôi không mắc bệnh ung thư nữa, theo như bác sĩ có thể chuẩn đoán.”

Anh Cả Kearon nói: “Jen đã kiên định và trung tín một cách hoàn toàn qua tất cả những điều đó. Chúng tôi tạ ơn mỗi ngày về sức khỏe của cô ấy, và chúng tôi tạ ơn về sự chăm sóc tận tình mà cô ấy đã được ban cho.”

Giống như những thử thách khác mà vợ chồng chị đã đối phó, Chị Kearon nói: “Cuộc sống ban cho chúng ta những điều mà chúng ta hoàn toàn không muốn làm. Chúng ta không thích những điều đó. Chúng ta đã không cầu xin những điều đó. Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta cũng phải đối mặt với chúng. Cách tốt nhất để đối phó với những điều thực sự khó là tìm đến Chúa và cầu xin sức mạnh của Ngài, đặt đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi ân điển cũng như quyền năng của Ngài. Cách đây rất lâu, tôi đã học được rất nhiều về cách Đấng Cứu Rỗi giúp đỡ chúng ta vào những lúc khó khăn nhất, tối tăm nhất của chúng ta.”

Anh Cả và Chị Kearon đã đạt được sự hiểu biết thiêng liêng đó sau khi sinh đứa con đầu lòng của họ là Sean.

“Đá của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô”

Trong lần mang thai đầu tiên của Chị Kearon, họ đã biết được rất sớm từ kết quả chụp quang học rằng đứa con trai sơ sinh của họ đã “có một chứng bệnh bất thường về tim, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng,” Anh Cả Kearon nói. “Chúng tôi dành ra những tháng ngày mang thai còn lại để tìm kiếm các bác sĩ giỏi nhất, bác sĩ tim mạch và bác sĩ phẫu thuật tim tài giỏi nhất được trang bị để giải quyết vấn đề đặc biệt của con trai chúng tôi. Chúng tôi tìm thấy một đội ngũ bác sĩ có trình độ cấp thế giới ở London, và họ tin rằng họ có thể giải quyết được vấn đề.”

Các bác sĩ giải phẫu đang phẫu thuật cho Sean khi đứa bé được 19 ngày tuổi. Cuộc giải phẫu kéo dài rất lâu và rất công phu. Sau đó, Anh Cả Kearon nói: “Quả tim bé nhỏ của Sean không thể khởi động lại được. Vì thế chúng tôi đã mất đứa bé. Cái chết của nó thật là đau đớn vô cùng. Đây không phải là kết quả mà chúng tôi đã nhịn ăn, cầu nguyện và khẩn cầu, nhưng chúng tôi biết rằng có bàn tay của Chúa trong trải nghiệm đó.”

Chị Kearon nói: “Thượng Đế đã dẫn dắt chúng tôi qua những tháng mang thai đó và qua cuộc sống ngắn ngủi, đẹp đẽ của con trai chúng tôi theo cách mà sau cùng thì chúng tôi biết là chúng tôi đã làm hết khả năng của mình cho nó. Đó là một sự an ủi lớn lao.”

Sự chữa lành đến từ một sự hiểu biết gia tăng về Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi mà Chị Kearon đã đạt được từ việc nghiên cứu kỹ sách 1 Nê Phi và 2 Nê Phi. Chị nói: “Trong nỗi đau buồn về sự mất mát của chúng tôi, tôi cảm thấy như mình đang bị quay cuồng trong một cái hố đen. Tuy nhiên, lần này đến lần khác, sự té ngã chơi vơi đó đã được đá của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô nắm giữ lại—vì điều đó là đúng thật. Ân điển của Ngài, sự hằng hữu thực tế của Ngài, làm cho ngay cả những mất mát đau đớn nhất cũng được nguôi ngoai và có hy vọng.”

Sự chữa lành đến từ sự ra đời của ba cô con gái của vợ chồng ông. Anh Cả Kearon nói: “Chúng đã mang đến sự chữa lành. Chúng là ánh sáng tuyệt vời nhất trong cuộc sống của chúng tôi, là kho báu lớn nhất của chúng tôi.”

Sự chữa lành đến từ những lời của các vị lãnh đạo Giáo Hội đầy soi dẫn, bao gồm một bài nói chuyện tại đại hội trung ương của Anh Cả Lance B. Wickman, mà trong bài nói chuyện đó Anh Cả Wickman đã chia sẻ nỗi đau đớn khi đi đi lại lại trên các hành lang bệnh viện vắng vẻ khi đứa con trai nhỏ của ông hấp hối vì một căn bệnh thời thơ ấu. “Anh Cả Wickman dạy rằng ‘tin rồi sẽ thấy’ và đức tin là sự tin cậy nơi Chúa,” Anh Cả Kearon nói. “Bài nói chuyện của ông vô cùng có giá trị đối với tôi vì ông ấy hiểu rõ về kinh nghiệm đó. Giá trị này đã được gia tăng gấp bội bởi số lần tôi đọc và lắng nghe bài nói chuyện đó.”

Và sự chữa lành đến từ việc phục sự những người khác trong sự mất mát của họ—có thể họ là những người tị nạn ở Châu Âu người bị lạm dụng hoặc bị áp bức, hoặc các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội giống như Anh Cả Paul V. Johnson thuộc Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, là người đã mất đi một người con gái vì bệnh ung thư hai tháng trước khi được kêu gọi cùng với Anh Cả Kearon vào Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Châu Âu vào năm 2015.

“Anh ấy và Chị Kearon rất tuyệt vời trong việc giúp đỡ chúng tôi trong thời gian đau buồn và chữa lành đó,” Anh Cả Johnson nói. “Họ rất nhạy cảm đối với hoàn cảnh của chúng tôi. Tôi luôn luôn yêu thương họ vì điều đó.”

Đó là cách thể hiện vai trò môn đồ. Chúng ta mang gánh nặng lẫn cho nhau. Chúng ta than khóc với những ai than khóc. Chúng ta an ủi những ai cần được an ủi. Và chúng ta là nhân chứng cho Thượng Đế—và cho lời hứa vĩnh cửu về những cuộc đoàn tụ đầy hân hoan mà sẽ được làm cho khả thi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. (Xin xem Mô Si A 18:8–9.)

Hình Ảnh
Anh Cả Kearon chào hỏi các tín hữu

Anh Cả Kearon chào hỏi các tín hữu ở Giáo Vùng Đông Âu.

Sau đó, khi thời gian thử thách đến với chúng ta, thì tình yêu thương chữa lành và nhũ hương phục sự được đáp lại. Là một Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, Anh Cả Kearon sẵn sàng chia sẻ với toàn thế gian sứ điệp phúc âm về niềm hy vọng, sự chữa lành, và sự bình an.

“Tại sao những thử thách khó khăn lại xảy đến với chúng ta?” Anh Cả Kearon hỏi. “Vì chúng ta đến thế gian để học hỏi, tăng trưởng, được thánh hóa, và yêu thương cùng tin cậy Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Hiện giờ, chúng ta không thể nhìn thấy hai Ngài, và hai Ngài không thể ôm lấy chúng ta. Nhưng các phước lành của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là vô hạn—bao la!”

In