Lớp Giáo Lý
Bài Học 169—Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô trong Thánh Thư: Nghiên Cứu về Những Danh Xưng, Danh Hiệu và Thuộc Tính của Đấng Cứu Rỗi


“Bài Học 169—Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô trong Thánh Thư: Nghiên Cứu Những Danh Xưng, Danh Hiệu và Thuộc Tính của Đấng Cứu Rỗi,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)

“Tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô trong Thánh Thư,” Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý

Bài Học 169: Các Kỹ Năng Học Tập Thánh Thư

Tập Trung vào Chúa Giê Su Ky Tô trong Thánh Thư

Nghiên Cứu về Những Danh Xưng, Danh Hiệu và Thuộc Tính của Đấng Cứu Rỗi

Đấng Cứu Rỗi trong thánh thư

Một trong những mục đích chính của thánh thư là giúp chúng ta tìm hiểu về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta càng tìm hiểu nhiều về hai Ngài thì đức tin của chúng ta nơi hai Ngài càng phát triển. Bài học này nhằm giúp các em tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong khi nghiên cứu thánh thư, đặc biệt là Giáo Lý và Giao Ước.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Các em nhìn thấy điều gì?

Cân nhắc thực hiện sinh hoạt sau đây hoặc một sinh hoạt của riêng anh chị em để giới thiệu kỹ năng học tập thánh thư là tập trung vào Đấng Cứu Rỗi. Để thúc đẩy sự sẵn sàng của học viên, anh chị em có thể trưng ra phiên bản che mờ của hình ảnh để học viên nhìn thấy khi các em đến.

Hãy nhìn vào hình ảnh mờ sau đây và cố gắng mô tả những điều các em nghĩ là đang xảy ra.

giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi bị che mờ

Tiếp theo, hãy nhìn vào cùng hình ảnh đó được lấy rõ nét.

giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi

Khi học viên xem hình ảnh của Đấng Cứu Rỗi đang phục sự cho người dân Châu Mỹ thời xưa, hãy cân nhắc đặt ra những câu hỏi như sau. Khi học viên trả lời các câu hỏi của anh chị em, hãy cho các em biết anh chị em coi trọng những hiểu biết sâu sắc và sự tham gia của các em.

  • Các em hiện đang lưu ý đến những chi tiết nào khi hình ảnh trở nên rõ nét?

  • Khi nhìn vào hình ảnh này, các em có suy nghĩ hoặc cảm nhận gì về Đấng Cứu Rỗi?

Hãy cân nhắc chia sẻ những thông tin như sau đây để giúp học viên hiểu rõ hơn về mục tiêu cho ngày hôm nay.

Từ tập trung có thể có nghĩa là làm cho điều gì đó rõ ràng hơn, làm cho nó trở thành trung tâm của sự chú ý, hoặc đặc biệt chú ý đến nó.

  • Chúng ta có thể cố gắng tập trung vào Đấng Cứu Rỗi theo một số cách nào khi chúng ta nghiên cứu thánh thư?

  • Tại sao chúng ta có thể muốn tập trung vào Ngài?

Khi các em học bài học này, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh và tìm kiếm lý do có thể là một phước lành để các em tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong việc học tập thánh thư. Hãy suy ngẫm về những cách các em có thể đặt Ngài làm trọng tâm của việc học tập của mình.

Định nghĩa: Xác định những danh xưng và danh hiệu của Chúa Giê Su Ky Tô

Một kỹ năng có thể giúp các em tập trung vào Đấng Cứu Rỗi là tìm kiếm nhiều danh xưng và danh hiệu của Ngài trong khi nghiên cứu thánh thư. Những danh xưng và danh hiệu này cho thấy các vai trò mà Cha Thiên Thượng đã ban cho Ngài.

Làm mẫu

Hãy cân nhắc làm mẫu kỹ năng này cho học viên bằng cách sử dụng đoạn thánh thư sau đây hoặc một đoạn thánh thư khác mà anh chị em chọn. Anh chị em cũng có thể trưng ra hình ảnh từ đầu bài học hoặc hình ảnh khác về Đấng Cứu Rỗi trên bảng. Khi các danh xưng và danh hiệu khác nhau được xác định trong suốt bài học, có thể mời học viên viết lên trên bảng những điều này xung quanh hình ảnh về Đấng Cứu Rỗi và giải thích lý do tại sao danh xưng hoặc danh hiệu đó có ý nghĩa đối với các em.

Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 6:21 và tìm kiếm một hoặc nhiều danh xưng hoặc danh hiệu mà Chúa Giê Su đã sử dụng để mô tả chính Ngài.

  • Các em đã khám phá ra điều gì?

    Những câu trả lời có thể cho câu hỏi này có thể bao gồm “Chúa Giê Su Ky Tô”, “Vị Nam Tử của Thượng Đế” hoặc “Ta là sự sáng”. Học viên có thể thích thú để biết rằng các danh hiệu bằng tiếng Anh “Đấng Ky Tô” và “Đấng Mê Si” đến từ bản dịch tiếng Hy Lạp và tiếng Hê Bơ Rơ của từ “Đấng chịu xức dầu”. Vào thời xưa, các vị vua và thầy tư tế mà phải thực hiện nhiệm vụ đặc biệt sẽ được xức dầu (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Xức Dầu,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Vì vậy, Đấng Cứu Rỗi, Đấng đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng hơn hết thảy, là “Đấng Tiên Tri, Thầy Tư Tế, Vua và Đấng Giải Cứu chịu xức dầu” cho tất cả con cái của Thượng Đế (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đấng Mê Si,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

  • Chúng ta có thể học được điều gì về Chúa Giê Su từ những danh xưng hoặc danh hiệu khác nhau này?

  • Tại sao danh hiệu đó có ý nghĩa đối với em? Sự hiểu biết này về Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp các em về những phương diện nào ngay bây giờ trong cuộc sống của mình?

Ví dụ, khi chúng ta cảm thấy mình cần nhiều ánh sáng hơn trong cuộc sống, thì chúng ta có thể nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi là ánh sáng đó. Ngài có thể hướng dẫn chúng ta trên con đường trở về với Cha Thiên Thượng của chúng ta.

Để giúp các em suy ngẫm về tầm quan trọng của các danh xưng và danh hiệu, xin xem video“‘Nombre’—What Should We Name Him?” (1:47) trên trang ChurchofJesusChrist.org.

1:47

Luyện tập

Hãy suy ngẫm nhu cầu của học viên khi anh chị em quyết định các em nên thực hiện sinh hoạt sau đây một mình hay theo nhóm nhỏ. Ngoài ra, học viên có thể chia sẻ những danh hiệu mà có ý nghĩa đối với các em, được tìm thấy trong việc học tập cá nhân của mình.

Tiếp tục tập xác định các danh xưng và danh hiệu khác nhau của Chúa Giê Su trong Giáo Lý và Giao Ước. Một số đoạn các em học có thể có nhiều danh xưng hoặc danh hiệu. Nếu các em cần trợ giúp để hiểu ý nghĩa của một danh xưng hoặc danh hiệu, hãy cân nhắc các nguồn tài liệu như Sách Hướng Dẫn Thánh Thư có trên trang scriptures.ChurchofJesusChrist.org.

Đọc một số hoặc tất cả các đoạn thánh thư sau đây và ghi lại bất kỳ danh xưng hoặc danh hiệu nào các em phát hiện ra trong nhật ký học tập. Hãy suy ngẫm xem các em có thể học được gì về Chúa Giê Su từ danh xưng hoặc danh hiệu đó và Ngài có thể giúp các em như thế nào trong cuộc sống.

  1. Giáo Lý và Giao Ước 10:70

  2. Giáo Lý và Giao Ước 19:1

  3. Giáo Lý và Giao Ước 38:22

  4. Giáo Lý và Giao Ước 45:3

  5. Giáo Lý và Giao Ước 50:44

Sau khi cho học viên thời gian học tập và suy ngẫm, hãy mời các em chia sẻ những điều đã học và cảm nhận được từ sinh hoạt đó. Hãy tìm những cách để nhấn mạnh rằng các danh xưng của Đấng Cứu Rỗi phù hợp với những nỗ lực của Ngài để giúp đỡ chúng ta.

Định nghĩa: Tìm kiếm các thuộc tính thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi

Sau đây là một cách khác để tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong khi nghiên cứu thánh thư. Nếu anh chị em có đủ thời gian trong bài học, thì anh chị em cũng có thể làm mẫu và mời học viên luyện tập kỹ năng này.

Một cách khác để tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong khi nghiên cứu thánh thư là tìm kiếm các thuộc tính thiêng liêng của Ngài. Thuộc tính là một phẩm chất hoặc đặc điểm mà một người có sẵn hoặc đã phát triển, như sự trung thực hoặc lòng tốt.

Làm mẫu

Nếu cần, hãy cân nhắc làm mẫu cho học viên về cách xác định một thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi bằng cách sử dụng một trong các đoạn trong tiết tiếp theo hoặc một đoạn mà anh chị em chọn. Một cách để tiếp cận sinh hoạt sau đây là viết các đoạn từ Giáo Lý và Giao Ước lên các mảnh giấy riêng biệt và đặt chúng ở các vị trí khác nhau quanh phòng. Học viên có thể làm việc theo nhóm nhỏ để đi đến từng mảnh giấy và tìm kiếm một thuộc tính thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi trong đoạn đó.

Luyện tập

Hãy đọc một số hoặc tất cả các đoạn sau đây và tìm kiếm các thuộc tính thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi. Hãy chọn một thuộc tính có ý nghĩa đối với các em và giải thích ngắn gọn làm thế nào mà việc nhận ra thuộc tính đó trong Đấng Cứu Rỗi có thể giúp các em yêu thương và tin cậy Ngài nhiều hơn.

  1. Giáo Lý và Giao Ước 19:24

  2. Giáo Lý và Giao Ước 61:2

  3. Giáo Lý và Giao Ước 62:6

  4. Giáo Lý và Giao Ước 101:9

  5. Giáo Lý và Giao Ước 133:52

Ví dụ, học viên có thể xác định sự sẵn lòng của Đấng Ky Tô để làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng trong tiết 19. Nếu học viên viết danh xưng và danh hiệu xung quanh hình ảnh về Đấng Cứu Rỗi trên bảng, thì hãy khuyến khích các em cũng viết ra các thuộc tính mà các em đã khám phá. Hãy tìm cách để cảm ơn học viên vì sự tham gia của các em và nhấn mạnh lý do tại sao chúng ta nên yêu thương và tin cậy Đấng Cứu Rỗi.

Tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong mọi tiết

  • Dựa trên những điều các em đã học và thực hành ngày hôm nay, việc tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô có thể tạo sự khác biệt ra sao trong việc học thánh thư của em?

Hãy cân nhắc chia sẻ chứng ngôn của chính anh chị em liên quan đến tầm quan trọng của việc tập trung vào Đấng Cứu Rỗi khi nghiên cứu thánh thư. Mời học viên tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong mọi tiết của Giáo Lý và Giao Ước.

Trong bài học kế tiếp, hãy cân nhắc mời học viên chia sẻ những điều các em tìm thấy trong việc học tập cá nhân hoặc cùng với gia đình về Đấng Cứu Rỗi. Hãy tìm kiếm các cơ hội trong các bài học trong tương lai để khuyến khích học viên thực hành kỹ năng này trong lớp học.