“Bài Học 170—Tìm Kiếm Những Lẽ Thật Phúc Âm trong Thánh Thư: Học Cách Nhận Ra Giáo Lý và Các Nguyên Tắc”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý (năm 2025)
“Tìm Kiếm Những Lẽ Thật Phúc Âm trong Thánh Thư”, Hướng Dẫn Dạy Giáo Lý và Giao Ước dành cho Giảng Viên Lớp Giáo Lý
Trong thánh thư, Chúa đã gìn giữ các lẽ thật phúc âm—giáo lý và các nguyên tắc vĩnh cửu của phúc âm của Ngài—mà đưa chúng ta đến gần Ngài hơn và rất cần thiết cho sự tiến triển và sự cứu rỗi của chúng ta. Bài học này có thể giúp gia tăng khả năng của các em để tìm thấy các lẽ thật phúc âm trong thánh thư và đến gần Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi hơn.
Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Chuyện ngụ ngôn về những viên ngọc
Nếu video sau đây không có sẵn, hãy cân nhắc bắt đầu bài học bằng cách trưng ra các hình ảnh ở trên và yêu cầu học viên tưởng tượng có người nào đó đang tìm kiếm và tìm thấy những viên ngọc trong cát trên bãi biển. Hãy hỏi: “Việc tìm kiếm thánh thư có thể giống với việc tìm kiếm những viên ngọc trong cát như thế nào?”
Xem video “The Parable of the Gems ” (6:47; xem từ phút 2:13 đến 4:20) và suy ngẫm xem câu chuyện này có thể giống như việc nghiên cứu thánh thư của chúng ta như thế nào.
19:24
Anh Cả Holland khuyến khích các tín hữu Giáo Hội làm hết sức mình để có thể sống theo phúc âm và làm chứng rằng tình yêu thương và sự giúp đỡ của Thượng Đế sẽ ở với họ.
Nếu anh chị em không thể cho học viên xem video, hãy bỏ qua câu hỏi đầu tiên trong số các câu hỏi sau đây. Anh chị em cũng có thể thay đổi câu hỏi cuối cùng thành “Một người có thể làm gì để kiểm tra và đánh giá những viên ngọc này?”
Các em thấy điều gì nổi bật trong video này?
Cát tượng trưng cho điều gì? Những viên ngọc tượng trưng cho điều gì?
Cô gái đã làm gì để tìm hiểu hoặc trân quý những viên ngọc mà cô ấy đã tìm thấy?
Cân nhắc giải thích những điều sau đây bằng lời của riêng anh chị em:
Giáo lý và các nguyên tắc phúc âm có thể giống như những viên ngọc trong phép liên tưởng này. Một trong các mục đích chính yếu của thánh thư là giảng dạy các giáo lý và các nguyên tắc của phúc âm. Giáo lý là các lẽ thật cơ bản, bất biến trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nguyên tắc phúc âm là một hướng dẫn dựa trên giáo lý mà các cá nhân có thể áp dụng để giúp họ đưa ra quyết định. Giáo lý và các nguyên tắc quan trọng nhất mà chúng ta học được từ thánh thư giúp chúng ta biết Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và biết cách để quay trở lại nơi hiện diện của hai Ngài.
Trong sách hướng dẫn này, đôi khi anh chị em sẽ thấy lời mời học viên xác định “lẽ thật”. Đây là một cách đơn giản hơn để nói về các nguyên tắc hoặc các lời phát biểu về giáo lý. Mời học viên đánh giá mức độ dễ dàng mà các em có thể nhận ra các lẽ thật (các nguyên tắc hoặc lời phát biểu về giáo lý) từ thánh thư.
Hãy lắng nghe kỹ những câu trả lời của học viên. Cân nhắc hỏi lý do tại sao các em cảm thấy như vậy. Trong suốt bài học, hãy tìm kiếm các cách để giúp các em cảm thấy tự tin hơn khi các em cố gắng tìm kiếm các lẽ thật phúc âm.
Đưa cho học viên tài liệu phát tay đi kèm. Cả lớp hãy cùng nhau đọc tài liệu này. Hãy đưa ra thêm bất kỳ lời giải thích nào mà anh chị em nghĩ có thể cần thiết để định nghĩa kỹ năng này.
Một số giáo lý và các nguyên tắc phúc âm được nêu rõ ràng trong thánh thư. Giáo lý và các nguyên tắc khác có thể được ngụ ý trong câu chuyện và chỉ được tìm thấy bằng cách nghiên cứu toàn bộ sách thánh thư, một chương, hoặc một câu duy nhất. Các em có thể thực hành các bước quan trọng sau đây bất cứ khi nào học thánh thư để giúp các em nhận ra các lẽ thật phúc âm:
Hãy đọc chậm rãi và đọc kỹ.
Hãy tìm kiếm những lẽ thật được nêu rõ ràng. Những điều này đôi khi được chỉ ra khi tác giả sử dụng các từ như “do đó chúng ta thấy”, “do đó”, “vì thế”, “vậy nên” hoặc “này”.
Hãy tìm kiếm những lẽ thật được ngụ ý. Các em có thể tìm thấy những lẽ thật này bằng cách tự đặt ra những câu hỏi như sau:
Có bất kỳ ý nào, từ hoặc cụm từ quan trọng nào—đặc biệt là bất kỳ điều gì giúp các em biết rõ hơn về Cha Thiên Thượng và kế hoạch của Ngài hay Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài hay không?
Các mối quan hệ nhân quả trong câu chuyện này là gì?
Bài học hay cốt lõi của câu chuyện này là gì?
Các em nghĩ tại sao tác giả bao gồm những sự kiện hay những đoạn này?
Hãy viết bằng lời riêng của mình về những điều các em đã tìm thấy và đánh dấu những từ trong thánh thư dạy về điều đó.
Hãy suy nghĩ tại sao lẽ thật đó lại quan trọng đối với các em. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Hãy suy ngẫm [và] xem xét mỗi từ, mỗi viên ngọc trong thánh thư. … Hãy nghiền ngẫm, xem xét, nghiên cứu kỹ mỗi viên ngọc thánh thư để tìm xem điều gì được phản ảnh trong đó. … Việc xem xét như vậy có thể tìm ra một kho tàng được giấu kín trong cánh đồng: một viên trân châu đắt giá; một viên trân châu vô giá. (“Students Need Teachers to Guide Them” [bài nói chuyện dành cho các nhà giáo dục tôn giáo của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 20 tháng Sáu năm 1992], trang 4)
Hãy cân nhắc làm mẫu cách thực hiện điều này cùng với cả lớp bằng cách làm theo các bước trong tài liệu phát tay. Hãy cho học viên biết rằng các em sẽ có một cơ hội tự mình làm thử sau này. Cân nhắc vẽ một viên ngọc lên trên bảng. Bên cạnh đó, hãy viết ra những lẽ thật mà học viên nhận ra. Việc sử dụng lời riêng của học viên là một cách tuyệt vời để xây đắp sự tự tin của các em khi tham gia trong lớp học.
Hãy đọc chậm và kỹ Giáo Lý và Giao Ước 18:10–11 .
Hãy tìm kiếm những lẽ thật được nêu rõ ràng.
Học viên có thể tìm thấy một giáo lý như dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao .
Hãy tìm kiếm những lẽ thật được ngụ ý bằng cách đặt ra một số câu hỏi được liệt kê trong tài liệu phát tay.
Để trả lời cho câu hỏi đầu tiên, học viên có thể tìm thấy lẽ thật này: Chúng ta có thể hối cải và đến cùng Đấng Ky Tô bởi vì Ngài đã chịu khổ cho những tội lỗi và nỗi đau của chúng ta và cuối cùng chịu chết vì chúng ta.
Nếu học viên nhận thấy nguyên nhân và kết quả trong các câu 10 và 11 , các em có thể nhìn thấy lẽ thật này: Bởi vì dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao, Chúa Giê Su Ky Tô sẵn lòng chịu khổ để chúng ta có thể hối cải và đến cùng Ngài .
Nếu học viên suy ngẫm câu hỏi cuối cùng, các em có thể thấy được lẽ thật này: Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, muốn chúng ta biết chúng ta quan trọng như thế nào đối với Ngài.
Hãy viết lẽ thật mà các em đã tìm thấy trên một tờ giấy, bên lề thánh thư của các em, hoặc như một ghi chú trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Các em cũng có thể muốn đánh dấu những từ dạy về lẽ thật đó trong thánh thư.
Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về lý do tại sao lẽ thật mà các em đã tìm thấy có thể quan trọng hoặc có ý nghĩa đối với các em. Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về lẽ thật mà các em đã xác định. Các câu hỏi sau đây có thể giúp ích:
Tại sao lẽ thật này có thể được coi là một viên ngọc?
Lẽ thật này dạy cho các em điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
Hôm nay lẽ thật này có thể giúp ích cho các em như thế nào?
Hãy mời một vài học viên chia sẻ những suy nghĩ của các em. Khi các em nghe những điều các bạn cùng lớp của mình nghĩ và suy ngẫm, điều đó có thể khuyến khích các em suy nghĩ kỹ hơn về những lẽ thật trong thánh thư.
Mời học viên thực hiện các sinh hoạt sau đây theo cá nhân. Học viên có thể hoàn thành sinh hoạt này trong nhật ký học tập của mình hoặc, nếu anh chị em muốn các em chia sẻ những điều các em tìm thấy với các học viên khác trong sinh hoạt dưới đây, thì hãy làm trên các mảnh giấy riêng biệt. Các em có thể sử dụng tài liệu phát tay được cung cấp để hỗ trợ mình.
Để thực hành, hãy thực hiện sinh hoạt sau đây:
Vẽ một bức tranh có hai viên ngọc.
Khi các em nghiên cứu ít nhất hai trong số các đoạn sau đây, hoặc các đoạn khác mà các em chọn, hãy liệt kê một “viên ngọc” lẽ thật mà các em tìm thấy cho mỗi đoạn: Giáo Lý và Giao Ước 1:30 ; 8:2–3 ; 18:15–16 ; 19:16–19 ; 21:4–6 ; 49:15–17 ; 58:42–43 ; 76:22–24 ; 131:1–4 ; 135:3 .
Hãy viết về lý do mà mỗi lẽ thật là một viên ngọc thuộc linh đối với các em. Bao gồm những điều mà lẽ thật này dạy cho các em về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và cách lẽ thật đó có thể giúp đỡ các em hôm nay.
Nếu học viên hoàn thành sinh hoạt này trên các mảnh giấy riêng biệt, các em có thể trao đổi mảnh giấy của mình với các học viên khác và chia sẻ những điều các em đã học được từ nhau. Học viên cũng có thể đề cử những viên ngọc thánh thư mà các em cảm thấy đặc biệt có ý nghĩa đối với giới trẻ ngày nay và lập một bản liệt kê những viên ngọc quý này lên trên bảng.
Dựa trên kinh nghiệm của em ngày hôm nay, tại sao các em có thể muốn tìm và suy ngẫm về các lẽ thật khi các em nghiên cứu?
Hãy viết vào nhật ký học tập cách các em muốn tìm lẽ thật khi học phúc âm. Một cách các em có thể làm điều này là xác định và suy ngẫm ít nhất một lẽ thật mỗi ngày từ việc học tập thánh thư cá nhân của mình. Các em có thể cân nhắc viết những lẽ thật mà mình khám phá vào thánh thư hoặc vào nhật ký học tập thánh thư.
Hãy cân nhắc mời một học viên mỗi ngày trong vài bài học tiếp theo để chia sẻ một viên ngọc thánh thư mà các em đã tìm thấy trong quá trình học tập của mình. Học viên có thể làm điều này bằng cách chia sẻ về thánh thư trong thời gian chia sẻ ý kiến thuộc linh. Hãy tìm kiếm các cơ hội khác trong các bài học trong tương lai để học viên tiếp tục luyện tập kỹ năng quan trọng này.
Anh Cả Richard G. Scott (1928–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Khi các anh chị em tìm kiếm sự hiểu biết thuộc linh thì hãy tìm kiếm các nguyên tắc. Hãy cẩn thận tách rời các nguyên tắc này ra khỏi chi tiết được dùng để giải thích các nguyên tắc đó. Các nguyên tắc là lẽ thật cô đọng, được gộp lại để áp dụng cho rất nhiều loại hoàn cảnh khác nhau. Một nguyên tắc chân chính làm cho các quyết định được rõ ràng ngay cả trong những trường hợp hoang mang và nằm ngoài tầm kiểm soát nhất. Thật đáng bỏ ra nhiều nỗ lực để sắp xếp lẽ thật mà chúng ta thu thập thành những nguyên tắc ngắn gọn. (Richard G. Scott, “Acquiring Spiritual Knowledge ”, Ensign , tháng Mười Một năm 1993, trang 86)
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã làm chứng điều sau đây:
Việc học hỏi, thấu hiểu, và sống theo các nguyên tắc phúc âm củng cố đức tin của chúng ta nơi Đấng Cứu Rỗi, gia tăng sự tận tâm của chúng ta với Ngài, và mời gọi nhiều phước lành và ân tứ thuộc linh vào cuộc sống chúng ta. …
Các nguyên tắc đúng cho phép chúng ta tìm kiếm con đường của mình và vững vàng, kiên định, và không lay chuyển để chúng ta không bị mất thăng bằng và rơi vào những cơn bão ngày sau đầy bóng tối và hoang mang. (David A. Bednar, “Các Nguyên Tắc Phúc Âm của Ta ”, Liahona , tháng Năm năm 2021, trang 123, 126)
Chủ Tịch Marion G. Romney đã giải thích:
Một người không thể thật sự nghiên cứu thánh thư mà không học các nguyên tắc phúc âm vì thánh thư đã được viết ra để bảo tồn các nguyên tắc vì lợi ích của chúng ta. (“The Message of the Old Testament ” [Hội nghị chuyên đề của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 17 tháng Tám năm 1979], trang 3)
Anh Cả B. H. Roberts đã dạy:
Để được mọi người biết, lẽ thật cần phải được phát biểu và lời phát biểu đó càng rõ ràng và trọn vẹn thì Đức Thánh Linh càng có cơ hội tốt hơn để làm chứng với tâm hồn con người rằng công việc này là chân chính [New Witnesses for God , 3 quyển (năm 1909), 2:vii]. (B. H. Roberts, trong James E. Faust, “What I Want My Son to Know before He Leaves on His Mission ”, Ensign , tháng Năm năm 1996, trang 41; Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn cho Sự Phục Vụ Truyền Giáo [năm 2004], trang 182)
Nếu học viên có được lợi ích từ việc nhìn thấy ví dụ về các lẽ thật sau các từ và cụm từ như “do đó chúng ta thấy”, “do đó”, “vì thế”, “vậy nên” hoặc “này”, anh chị em có thể yêu cầu các em xem các đoạn thánh thư sau và thử xác định nguyên tắc:
Hê La Man 3:27 : “Do đó chúng ta có thể thấy rằng Chúa thương xót tất cả những ai sẽ khẩn cầu đến thánh danh của Ngài với một tấm lòng chân thành ”.
An Ma 12:10 : “Vì thế, kẻ nào chai đá trong lòng chỉ nhận được một phần nhỏ lời của Thượng Đế , còn kẻ nào không chai đá trong lòng thì sẽ được ban cho phần lớn lời của Ngài ”.
Ê Phê Sô 6:13 : “Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại , và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng”.
An Ma 41:10 : “Này, cha nói cho con hay, sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu ”.
Khi học cách xác định các lẽ thật từ thánh thư, thật dễ dàng để xác định các lời phát biểu hoặc viết ra các nguyên tắc không chân chính và không phải là ý định của tác giả gốc. Có thể đáng để cung cấp cho học viên những câu hỏi được liệt kê dưới đây nhằm giúp các em đánh giá tính chính xác của các nguyên tắc mà các em tìm thấy. Sau khi anh chị em xác định một nguyên tắc với cả lớp, anh chị em có thể làm mẫu cách sử dụng những câu hỏi này trước khi để học viên tự làm.
Những điều em đã xác định có được xác nhận bởi các đoạn thánh thư khác và những lời dạy hiện tại của các vị lãnh đạo Giáo Hội không?
Em có cho rằng những điều em đã xác định có phù hợp với ý định được soi dẫn của tác giả gốc không? (Em có thể ôn lại các câu trước và sau lẽ thật mà em đã xác định và suy ngẫm xem nó có phù hợp với những điều em nghĩ là ý định của tác giả gốc không.)
Những điều em đã xác định có đúng ở mọi thời điểm, trong mọi hoàn cảnh và trong mọi nền văn hóa không?
Việc hiểu những điều em đã xác định có giúp em hoàn thành số mệnh vĩnh cửu của mình trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng không?
Em có cảm thấy Đức Thánh Linh xác nhận rằng những điều em đã xác định là chân chính không?
Cân nhắc xác định các công cụ bổ sung sau đây để giúp học viên xác định các nguyên tắc.
Thông tin cơ bản: Hầu hết những điều mặc khải trong Giáo Lý và Giao Ước đã được ban cho bởi vì người nào đó đặt ra một câu hỏi hoặc các Thánh Hữu phải đối mặt với một vấn đề hoặc khó khăn. Việc biết được thông tin này có thể giúp em hiểu tại sao Chúa mặc khải những điều Ngài đã làm. Ví dụ, mời học viên đọc phần tiêu đề tiết của một tiết trong Giáo Lý và Giao Ước và tìm câu trả lời cho những câu hỏi này:
Câu tóm tắt: Cũng có thể là hữu ích khi biết rằng bên dưới phần tiêu đề tiết cho mỗi tiết của sách Giáo Lý và Giao Ước, có một đoạn tóm tắt các nhóm câu. Phần này cũng có thể hữu ích khi cố gắng xác định các nguyên tắc. Ví dụ, hãy đọc đoạn bên dưới tiêu đề tiết của tiết mà các em đã chọn.
Khi biết được thông tin này, hãy đọc tiết hoặc một đoạn trong tiết mà các em đã chọn để tìm kiếm các lẽ thật phúc âm.