Thư Viện
Ân Tứ Đức Thánh Linh


“Ân Tứ Đức Thánh Linh,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua những đám mây

Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm

Ân Tứ Đức Thánh Linh

Có được một Đấng trong Thiên Chủ Đoàn là bạn đồng hành thường xuyên

Anh chị em có bao giờ xem xét tất cả những cách mà anh chị em đã được ban phước qua ân tứ Đức Thánh Linh không? Tất cả con cái của Thượng Đế có thể cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh đang hướng dẫn họ đến với Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Nhưng ân tứ Đức Thánh Linh được dành riêng cho những người nào, qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải, lập giao ước với Chúa Giê Su Ky Tô qua phép báp têm. Ân tứ này là lời hứa rằng anh chị em có thể vui hưởng sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh—một Đấng trong Thiên Chủ Đoàn. Đó không phải là một ân tứ bình thường—không thể thấy được—nhưng quyền năng của ân tứ đó là không thể phủ nhận được khi anh chị em chọn nhận được ân tứ đó qua việc sống ngay chính. Những người nhận được ân tứ Đức Thánh Linh đều được thanh tẩy khỏi tội lỗi, nhận được sự mặc khải cá nhân, và vui hưởng các phước lành được gọi là “các ân tứ của Thánh Linh.”

Ân Tứ Đức Thánh Linh Là Gì?

Giáo lễ xác nhận của chức tư tế được thực hiện sau khi một người đã chịu phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước. Giáo lễ này được thực hiện bằng phép đặt tay bởi một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chính là trong lúc thực hiện giáo lễ này mà ân tứ Đức Thánh Linh được ban cho. Đức Thánh Linh là một Đấng trong Thiên Chủ Đoàn và có thể liên tục đồng hành với những người cố gắng tuân giữ các giáo lệnh và mời Ngài vào cuộc sống của họ.

Khái quát về đề tài: Đức Thánh Linh

Các sách hướng dẫn học tập phúc âm có liên quan: Đức Thánh Linh, Các Giao Ước và Giáo Lễ, Sự Mặc Khải Cá Nhân, Các Ân Tứ của Thánh Linh

Phần 1

“Nhận Được Đức Thánh Linh”

Hình Ảnh
người phụ nữ đang nhận phước lành

Trong khi một người nào đó đang được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội, thì người ấy được bảo là hãy “tiếp nhận Đức Thánh Linh.” Ân tứ Đức Thánh Linh không ép buộc bất cứ ai phải nhận. Việc mời Đức Thánh Linh đến với họ trở thành trách nhiệm của các tín hữu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:33). Anh Cả David A. Bednar nói: “Khi chúng ta tiếp nhận giáo lễ này, mỗi người chúng ta chấp nhận một trách nhiệm thiêng liêng và liên tục để mong muốn, tìm kiếm và sống xứng đáng để chúng ta quả thật “nhận được Đức Thánh Linh” cùng các ân tứ thuộc linh đi kèm theo.”

Chúa Giê Su đã giải thích cho Ni Cô Đem—một người cai trị dân Do Thái—rằng “nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5). Vì vậy, ngoài việc chịu phép báp têm bằng nước, Chúa còn muốn anh chị em “được sanh bởi Thánh Linh” (câu 6). Điều này diễn ra khi anh chị em nhận được ân tứ Đức Thánh Linh và trải qua một “phép báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh” (xin xem 2 Nê Phi 31:13–14). Lửa tượng trưng cho sự thanh tẩy. Quyền năng thánh hóa này mang đến sự xá miễn các tội lỗi (xin xem 2 Nê Phi 31:17; 3 Nê Phi 12:1–2). Sau phép báp têm, các tín hữu Giáo Hội có thể cảm nhận được dần dần phép báp têm bằng lửa (xin xem 3 Nê Phi 9:20) hoặc nhanh hơn (xin xem Mô Si A 4:2–3).

Những điều để suy nghĩ

  • Khi Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh phục sự cho dân chúng ở Tây Bán Cầu, Ngài đã ban cho mười hai môn đồ quyền năng truyền giao Đức Thánh Linh (xin xem 3 Nê Phi 18:36–37). Dân chúng được giảng dạy về ân tứ này và “họ cầu xin điều mà họ mong muốn nhất; họ mong muốn được ban cho Đức Thánh Linh” (3 Nê Phi 19:9). Anh chị em sẽ mô tả những cảm nghĩ của mình như thế nào về ân tứ Đức Thánh Linh?

  • Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Phép báp têm bằng nước, nếu không có phép báp têm bằng lửa và Đức Thánh Linh cùng tham dự, thì vô ích; các giáo lễ này cần phải được kết hợp chặt chẽ.” Để giúp anh chị em hiểu rõ hơn ý nghĩa của “phép báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh,” hãy xem “The Baptism of Fire” (1:41). Dựa trên những lời nhận xét của Anh Cả David A. Bednar trong video, anh chị em sẽ giải thích ý nghĩa của “phép báp têm bằng lửa” như thế nào?

Tìm hiểu thêm

Phần 2

Đức Thánh Linh Có Thể Là Bạn Đồng Hành Liên Tục của Chúng Ta

Hình Ảnh
các thiếu niên đang cầm ván trượt

Chủ Tịch Henry B. Eyring nói: “Chúng ta cần sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh. Chúng ta mong muốn có được sự đồng hành này, nhưng qua kinh nghiệm, chúng ta biết rằng không phải dễ dàng để duy trì sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Trong cuộc sống hằng ngày của mình, mỗi người chúng ta suy nghĩ, nói, và làm những điều mà có thể xúc phạm đến Thánh Linh. Chúa đã dạy chúng ta rằng Đức Thánh Linh sẽ là bạn đồng hành liên tục của chúng ta khi lòng chúng ta tràn đầy sự bác ái và khi đức hạnh của chúng ta luôn luôn làm đẹp tư tưởng của chúng ta (xin xem GLGƯ& 121:45).” Khi tìm cách nuôi dưỡng sự đồng hành với Đức Thánh Linh, anh chị em sẽ cảm nhận được những điều cần phải thay đổi trong cuộc sống của mình.

Những điều để suy nghĩ

  • Những lời cầu nguyện Tiệc Thánh là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Đức Thánh Linh có thể luôn luôn ở cùng chúng ta (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79). Khi chuẩn bị và dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, anh chị em mời gọi sự đồng hành của Thánh Linh. Cuộc sống của anh chị em đã được ban phước như thế nào nhờ vào sự cố gắng được xứng đáng với sự hiện diện liên tục của Ngài?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Hãy cân nhắc việc đọc và nói về lời phát biểu này của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley: “Tôi nghĩ rằng Mặc Môn đã biết rất rõ từ kinh nghiệm riêng của ông về lẽ thật của những lời của ông rằng ‘Đấng An Ủi đem lại niềm hy vọng và tình yêu thương trọn vẹn tràn đầy, và nhờ sự chuyên tâm cầu nguyện mà tình thương yêu này sẽ bền chặt cho tới khi sự cuối cùng xảy đến, là lúc mà tất cả các thánh hữu sẽ được sống chung với Thượng Đế’ (Mô Rô Ni 8:26). Mặc dù đôi khi chúng ta có thể có một mình trong khi ở giữa những người trên thế gian, nhưng chúng ta không cần phải cảm thấy cô đơn, vì Chúa đã ban cho chúng ta Đức Thánh Linh để làm bạn đồng hành đặng cùng bước đi với chúng ta.” Anh chị em có thể thảo luận tại sao tiên tri Mặc Môn cần các phước lành mà ông mô tả. Đã có khi nào Đức Thánh Linh ban sự bình an và giúp đỡ cho anh chị em không?

Tìm hiểu thêm

  • 3 Nê Phi 27:20; Giáo Lý và Giao Ước 14:8; 20:77, 79; 121:45–46

  • David A. Bednar, “Để Chúng Ta Luôn Có Thánh Linh của Ngài Ở cùng Chúng Ta,” Liahona, tháng Tư năm 2006, trang 28–31

  • Dallin H. Oaks, “Always Have His Spirit,” Ensign, tháng Mười năm 1996, trang 59–61

  • Gordon B. Hinckley, “The Gift of the Holy Ghost,” Liahona, tháng Một năm 2005, trang 5–7

Phần 3

Làm Thế Nào Tôi Biết Được Là Mình Đang Cảm Nhận được Đức Thánh Linh?

Hình Ảnh
người đàn ông mỉm cười

Anh chị em có bao giờ cố gắng giao tiếp với một người nào đó nói một ngôn ngữ mà anh chị em không hiểu không? Việc đó cũng có thể giống như anh chị em bực bội khi ai đó nói rằng họ đang cảm nhận được Thánh Linh nhưng tự anh chị em lại không biết cảm giác đó là như thế nào. Tuy nhiên, không có gì phải hổ thẹn khi tất cả chúng ta đều cảm nhận được Thánh Linh theo những cách khác nhau. Việc học cách nhận ra và hiểu Đức Thánh Linh giao tiếp với anh chị em như thế nào có thể cần thời gian và nỗ lực. Tiên tri Ê Li đã học được rằng Thánh Linh có thể được so sánh với một “tiếng êm dịu nhỏ nhẹ” (xin xem 1 Các Vua 19:11–12). Đôi khi Đức Thánh Linh được biểu hiện qua những cảm nghĩ hy vọng và niềm vui (xin xem Rô Ma 15:13). Đức Thánh Linh là một cách quan trọng để chúng ta học hỏi lẽ thật (xin xem Giăng 14:26; Mô Rô Ni 10:5).

Những điều để suy nghĩ

  • Hãy xem video “Feeling the Holy Ghost: Power of the Holy Spirit” (3:17) để xem cách một số tín hữu Giáo Hội cảm nhận được Thánh Linh. Đức Thánh Linh đã giao tiếp với anh chị em theo một số cách thức nào?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Joseph Smith và Oliver Cowdery đang phiên dịch Sách Mặc Môn khi họ biết được rằng đôi khi Đức Thánh Linh có thể được nhận ra qua một cảm giác “hừng hực” (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 9:8–9). Hãy cân nhắc việc đọc Giáo Lý và Giao Ước 6:22–23; 8:1–2; 11:11–14 và cùng nhau nói về những cách thức thông thường mà Đức Thánh Linh giao tiếp với chúng ta. Thảo luận lý do tại sao là điều quan trọng để nhớ rằng một cảm giác hừng hực không phải là cách độc nhất mà anh chị em có thể cảm nhận được Thánh Linh.

Tìm hiểu thêm

Những Nguồn Tài Liệu Khác về Ân Tứ Đức Thánh Linh

In