“Cuộc Sống Trần Thế,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)
Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm
Cuộc Sống Trần Thế
Lý do của anh chị em để sống
Phần lớn thời gian, cuộc sống rất bận rộn và chúng ta không thực sự suy nghĩ liệu xem có bất cứ mục đích lớn lao nào cho cuộc sống không. Chúng ta chỉ đang cố gắng sống qua một ngày nữa. Tuy nhiên, dường như có một điều gì đó bên trong chúng ta mong muốn biết “Tại sao tôi ở đây?” hoặc “Mục đích của cuộc sống là gì?”
Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô tuyên bố một cách chắc chắn rằng cuộc sống của anh chị em có một mục đích, và anh chị em có thể biết điều đó. Nói đơn giản, anh chị em đang ở đây vì Cha Thiên Thượng đã ban cho anh chị em cơ hội đó, và anh chị em vui mừng chấp nhận cơ hội đó. Mục đích của anh chị em trong cuộc sống này là tăng trưởng, học hỏi về Thượng Đế, trở nên giống như Ngài hơn, và một ngày nào đó nhận được cuộc sống vĩnh cửu với Ngài. Sự hiểu biết của anh chị em về các lẽ thật này có thể có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách anh chị em nhìn các phước lành và thử thách, nỗi buồn phiền cùng niềm vui của cuộc sống.
Phần 1
Một Cơ Hội để Nhận Được một Thể Xác
Thật khó để tưởng tượng cuộc sống mà không có thể xác của chúng ta—có quá nhiều điều chúng ta biết và kinh nghiệm được là nhờ vào các giác quan của cơ thể chúng ta. Nhưng anh chị em còn có nhiều điều hơn là thể xác của mình. Anh chị em có một linh hồn đã tồn tại từ lâu trước khi anh chị em được sinh ra. Thượng Đế, Cha linh hồn của anh chị em, đã ban cho anh chị em thể xác này như là một ân tứ để giúp anh chị em trải qua cuộc sống trần thế và tăng trưởng để trở nên giống như Ngài hơn. Việc nhận được một thể xác và trải qua cuộc sống trần thế trên thế gian là một phần chính yếu của kế hoạch Ngài dành cho hạnh phúc vĩnh cửu của anh chị em.
Những điều để suy nghĩ
-
Thượng Đế muốn chúng ta hiểu điều gì về thể xác của mình? Hãy suy ngẫm câu hỏi này khi anh chị em đọc Sáng Thế Ký 1:26–27; Môi Se 2:27; và 1 Cô Rinh Tô 6:19–20. Quan điểm của Thượng Đế về thể xác của anh chị em khác như thế nào với các sứ điệp mà anh chị em thấy và nghe trên thế gian? Việc nhìn thể xác của anh chị em như Ngài nhìn có thể ảnh hưởng như thế nào đến những lựa chọn của anh chị em về thể xác của anh chị em?
-
Cân nhắc việc xem video “God’s Greatest Creation” (2:51) hoặc đọc bài viết của Chủ Tịch Russell M. Nelson “Your Body: A Magnificent Gift to Cherish.” Hãy ghi lại những cảm nghĩ của anh chị em về ân tứ về thể xác mình. Anh chị em cảm thấy được soi dẫn để làm điều gì nhằm cho thấy lòng biết ơn của mình đối với ân tứ này?
Sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn có một tiết có tựa đề là “Thân Thể của Em Là Thiêng Liêng” (các trang 22–29). Có lẽ anh chị em có thể cùng nhau đọc tiết đó và thỉnh thoảng dừng lại để hỏi một câu hỏi như “Điều này có ý nghĩa gì đối với anh chị em?” hoặc “Những nguyên tắc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những lựa chọn của chúng ta về cơ thể mình?”
Tìm hiểu thêm
-
Russell M. Nelson, “Những Quyết Định cho Thời Vĩnh Cửu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 106–109
-
Dieter F. Uchtdorf, “Cuộc Hành Trình Kỳ Diệu Trở Về Nhà của Các Em,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 125-129
-
Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 211–213
Phần 2
Thời Gian để Chuẩn Bị và Tự Chứng Tỏ Mình
Nếu từng đi học, thì có lẽ anh chị em biết việc làm một bài trắc nghiệm hoặc bài thi là như thế nào. Một bài thi cho anh chị em cơ hội để thể hiện điều anh chị em đã học được nhằm cho anh chị em có thể lên lớp hoặc khóa học kế tiếp và học hỏi thêm.
Trong một số phương diện, cuộc sống giống như một bài thi hoặc một bài trắc nghiệm. Những kinh nghiệm của chúng ta—và những câu trả lời của chúng ta đối với những kinh nghiệm đó—cho chúng ta một cơ hội để cho thấy “nếu [chúng ta] sẽ làm theo tất cả những gì Chúa … sẽ truyền lệnh” (Áp Ra Ham 3:25). Nhưng không giống như hầu hết các bài thi ở trường, bài thi của cuộc sống không phải chỉ là một thời gian để được đánh giá; mà đó cũng là một tiến trình để trở thành. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em có thể sửa chỉnh những lỗi lầm qua sự hối cải và dần dần trở nên giống như Thượng Đế hơn. Nếu chúng ta sử dụng thời gian của mình trên thế gian để tìm đến Đấng Ky Tô và tiếp nhận phúc âm của Ngài, thì Ngài có thể sử dụng những kinh nghiệm của chúng ta trên trần thế—kể cả những kinh nghiệm đau đớn, đáng tiếc—để chuẩn bị chúng ta cho thời vĩnh cửu (xin xem Rô Ma 8:28).
Những điều để suy nghĩ
-
Nếu một người nào đó hỏi anh chị em “Mục đích của cuộc sống là gì?” thì anh chị em sẽ nói gì? Hãy cân nhắc cách mà những đoạn thánh thư này có thể cho biết câu trả lời của anh chị em: An Ma 12:24; 34:31–37; Giáo Lý và Giao Ước 84:43–48. Anh chị em “chuẩn bị như thế nào để gặp Thượng Đế”?
-
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Cuộc sống này thực sự là thời gian mà anh chị em phải quyết định cuộc sống nào anh chị em muốn sống vĩnh viễn.” Hãy tự hỏi: “Tôi muốn sống vĩnh viễn cuộc sống nào? Tôi đang đưa ra những lựa chọn nào mà sẽ dẫn đến mục tiêu đó? Tôi có cần phải có bất cứ sự điều chỉnh nào không? Làm thế nào tôi có thể tiếp cận quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để giúp tôi thực hiện những thay đổi đó?”
Sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Trong video “The Challenge to Become,” Chủ Tịch Dallin H. Oaks chia sẻ một câu chuyện ngụ ngôn về một người cha giàu có. Truyện ngụ ngôn này có thể thúc đẩy cuộc thảo luận về các mục đích của Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta trong cuộc sống trần thế. Anh chị em có thể nói về những cách mà cha mẹ có thể giúp con cái họ chuẩn bị cho tương lai của họ. Cha Thiên Thượng đang chuẩn bị anh chị em như thế nào cho các phước lành vĩnh cửu tương lai mà Ngài muốn ban cho anh chị em? Có lẽ anh chị em có thể chia sẻ với nhau một số kinh nghiệm và những lựa chọn mà đang giúp anh chị em chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu.
Tìm hiểu thêm
-
Rô Ma 5:3–5; 1 Phi E Rơ 1:6–7; Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8; 122:5–7
-
David A. Bednar, “Chúng Ta Sẽ Thử Thách Họ Bằng Phương Tiện Này,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 8–11
Phần 3
Một Cách để Cảm Nhận Niềm Vui nơi Chúa Giê Su Ky Tô
Tiên tri Lê Hi đã tóm lược mục đích của cuộc sống trong một câu ngắn gọn: “Loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi 2:25). Nhưng ngay cả Lê Hi cũng không có một cuộc sống dễ dàng. Ông đã trải qua đủ mọi nỗi lo lắng và buồn phiền—ông đã phải chạy trốn khỏi nhà mình để giữ mạng sống của mình, và hai đứa con trai của ông nổi loạn chống lại ông. Chủ Tịch Nelson đã nói về phần mô tả của Lê Hi về mục đích của cuộc sống: “Hãy tưởng tượng! Trong tất cả những lời ông có thể sử dụng để mô tả tính chất và mục đích của cuộc sống chúng ta ở đây trên trần thế này, thì Lê Hi đã chọn từ niềm vui!” Cho dù với tất cả những thử thách và lcông việc vất vả liên quan đến cuộc sống trần thế, chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng điều mà Đức Chúa Cha thật sự muốn, cuối cùng, là để cho chúng ta nhận được niềm vui mà Ngài có.
Những điều để suy nghĩ
-
Trong những lúc không cảm thấy đặc biệt vui vẻ—và tất cả chúng ta đều có những lúc như vậy—thì một câu thánh thư như Hê Bơ Rơ 4:14–16 có thể giúp ích. Anh chị em học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi từ những câu này? Điều gì làm cho Ngài hội đủ điều kiện để “giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng”?
Sinh hoạt học hỏi với người khác
Tìm hiểu thêm
-
D. Todd Christofferson, “Niềm Vui của Các Thánh Đồ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 15–18