“Cuộc Sống Tiền Dương Thế,” Đề Tài và Các Câu Hỏi (năm 2023)
Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm
Cuộc Sống Tiền Dương Thế
Cuộc sống của chúng ta với Thượng Đế trước khi chúng ta sinh ra
Vào một thời điểm nào đó, hầu hết mọi người sẽ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra khi họ chết. Nhưng anh chị em có bao giờ tự hỏi liệu mình có tồn tại trước khi được sinh ra không và, nếu có, thì anh chị em là ai lúc bấy giờ?
Chúng ta biết từ thánh thư rằng trước khi đến thế gian, chúng ta đã sống với Thượng Đế và thờ phượng Ngài với tư cách là Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta. Chúng ta cũng đã nhận được sự chỉ dẫn và chuẩn bị cho cuộc sống trần thế của mình và chọn tuân theo kế hoạch của Đức Chúa Cha dành cho sự cứu rỗi của chúng ta.
Kế hoạch cứu rỗi này gồm có việc chúng ta đến thế gian. Là một phần của kinh nghiệm trần thế, chúng ta sẽ nhận được thể xác hữu diệt và một bức màn mà sẽ che phủ những ký ức về cuộc sống tiền dương thế của chúng ta. Trên thế gian này đây, chúng ta cần phải sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức, hoặc khả năng lựa chọn của mình. Trong một Đại Hội Đồng được tổ chức trong cuộc sống tiền dương thế của chúng ta, Cha Thiên Thượng đã chọn Chúa Giê Su Ky Tô để trả cái giá cho tội lỗi của chúng ta và để chiến thắng cái chết, và Chúa Giê Su sẵn lòng chấp nhận vai trò đó. Chúng ta đã học được rằng sự tiến triển của chúng ta để trở nên giống như Cha Thiên Thượng sẽ đòi hỏi chúng ta phải đặt đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế.
Phần 1
Anh Chị Em Đã Sống với Thượng Đế trước khi Được Sinh Ra
Trước khi được sinh ra, chúng ta có thể linh và sống với Thượng Đế với tư cách là các con trai và con gái của cha mẹ thiên thượng (xin xem Môi Se 3:4–5). Ở đó chúng ta “đã biết và thờ phượng Thượng Đế với tư cách là Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu [của chúng ta].” Đây là thời gian học hỏi và chuẩn bị, và Thượng Đế biết chúng ta (xin xem Giê Rê Mi 1:5) và giúp chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống của mình trên thế gian (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 138:56).
Những điều để suy nghĩ
-
Các lẽ thật được giảng dạy trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” giúp chúng ta hiểu cuộc sống tiền dương thế của mình phù hợp như thế nào với kế hoạch của Cha Thiên Thượng về hạnh phúc của chúng ta. Đọc ba đoạn đầu tiên của bản tuyên ngôn, đặc biệt chú ý đến các đoạn tham khảo về cuộc sống tiền dương thế của chúng ta. Sự hiểu biết của anh chị em về cuộc sống tiền dương thế giúp ích như thế nào khi anh chị em gặp phải những thử thách? Anh chị em nghĩ tại sao Thượng Đế đã mặc khải những lẽ thật này về cuộc sống tiền dương thế?
-
Chúng ta không biết nhiều về cuộc sống tiền dương thế của mình. Tuy nhiên, chúng ta thật sự biết rằng “nhiều người … đã nhận được các bài học đầu tiên trong thế giới linh hồn và được chuẩn bị để xuống thế gian vào kỳ định của Chúa” (Giáo Lý và Giao Ước 138:56). Khi xem xét điều anh chị em biết về kế hoạch cứu rỗi và tôn cao của Thượng Đế và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể đã học được những bài học nào trong thời gian này? Nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 138:53–57, đặc biệt chú ý đến (câu 56). Nếu anh chị em có phước lành tộc trưởng của mình, thì cũng có thể là điều hữu ích để đọc lại phước lành đó. Làm thế nào việc biết rằng anh chị em đã được chuẩn bị cho cuộc sống trần thế của mình có thể mang đến sự tin tưởng trong những lúc khó khăn?
Các sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Chủ Tịch Russell M. Nelson nhắc nhở các tín hữu Giáo Hội: “Anh chị em là ai? Trước hết và trên hết, anh chị em là con cái của Thượng Đế.” Mời mọi người chia sẻ lý do tại sao danh tính của họ là con cái của Thượng Đế lại quan trọng đối với họ. Sau đó cùng nhau đọc Hê Bơ Rơ 12:9; Giáo Lý và Giao Ước 76:24; Công Vụ Các Sứ Đồ 17:29; và Rô Ma 8:16. Anh chị em đạt được những sự hiểu biết sâu sắc nào từ các câu thánh thư này? Chúng ta học được điều gì từ các câu thánh thư này về ý nghĩa của việc trở thành con cái của Thượng Đế? Chia sẻ ý kiến của anh chị em với cả nhóm.
-
Hãy nghĩ về những câu chuyện mà người khác đã kể cho anh chị em nghe về thời thơ ấu của anh chị em. Mặc dù anh chị em không nhớ mình từng là một đứa bé sơ sinh hay một đứa trẻ chập chững biết đi, nhưng điều đã xảy ra với anh chị em lúc đó vẫn có thể ảnh hưởng đến anh chị em trong suốt cuộc đời của anh chị em. Mời cả nhóm chia sẻ một vài ví dụ. Giống như chúng ta không thể nhớ được thời thơ ấu của mình, chúng ta cũng không thể nhớ cuộc sống tiền dương thế của mình. Sự thật này ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta nghĩ về cuộc sống tiền dương thế của mình?
Tìm hiểu thêm
-
Dieter F. Uchtdorf, “Cuộc Hành Trình Kỳ Diệu Trở Về Nhà của Các Em,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 125–129
-
Neal A. Maxwell, “Premortality, a Glorious Reality,” Ensign, tháng Mười Một năm 1985, trang 15–18
-
“Chương 6: Cuộc Sống Tiền Dương Thế của Chúng Ta,” Sách Học Các Giáo Lý của Phúc Âm dành cho Học Viên (năm 2010), trang 13–15
Phần 2
Chúa Giê Su Ky Tô Đã Được Chọn trong Cuộc Sống Tiền Dương Thế để làm Đấng Cứu Rỗi của Chúng Ta
Trong cuộc sống tiền dương thế, Cha Thiên Thượng đã triệu tập một Đại Hội Đồng để trình bày kế hoạch của Ngài về sự tiến triển vĩnh cửu của chúng ta. Chúng ta đã biết được rằng chúng ta sẽ đến thế gian, nơi mà chúng ta có thể sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức của mình và trở nên giống như Thượng Đế hơn (xin xem Áp Ra Ham 3:23–26). Cha Thiên Thượng đã chọn Chúa Giê Su Ky Tô làm Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian, và Ngài sẵn lòng chấp nhận vai trò đó (xin xem 1 Phi E Rơ 1:19–20). Là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Ngài sẽ làm cho chúng ta có thể trở về nơi hiện diện của Thượng Đế bằng cách chiến thắng cái chết và tội lỗi.
Tuy nhiên, Lu Xi Phe (Sa Tan) tìm cách hủy diệt quyền tự quyết mà Thượng Đế đã ban cho con cái của Ngài (xin xem Môi Se 4:1–3). Nó cũng muốn nhận được vinh quang của Thượng Đế (xin xem Ê Sai 14:12–15; Giáo Lý và Giao Ước 76:25–29). Điều này gây ra một sự chia rẽ lớn lao giữa con cái của Thượng Đế (xin xem Áp Ra Ham 3:27–28; Khải Huyền 12:7). Những người đi theo Lu Xi Phe bị đuổi ra khỏi thiên thượng với nó (xin xem Khải Huyền 12:8–9; Giáo Lý và Giao Ước 29:36–37). Tất cả những ai chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi đều có thể tiến triển và nhận được một thể xác trên thế gian.
Thượng Đế ban cho chúng ta ân tứ về quyền tự quyết về mặt đạo đức. Đọc 2 Nê Phi 2:27–29, và chú ý đến vai trò của quyền tự quyết trong cuộc sống của chúng ta. Tại sao ân tứ về quyền tự quyết là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng và trong kinh nghiệm trần thế của chúng ta? Việc đuổi Lu Xi Phe và những người đi theo nó dạy cho anh chị em biết điều gì về tầm quan trọng của quyền tự quyết?
Chúa Giê Su Ky Tô đã được tiền sắc phong để làm Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Tước vị “Đấng Cứu Rỗi” có nghĩa là gì? Đọc Giăng 3:17; Công Vụ Các Sứ Đồ 2:21; Hê La Man 14:15; và Môi Se 1:6. Anh chị em học được gì từ những câu này về vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô?
Sinh hoạt học hỏi với người khác
Trong cuộc sống tiền dương thế của mình, chúng ta đã biết Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô. Trên trần thế, chúng ta không nhớ gì về thời kỳ này và phải “bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy” (2 Cô Rinh Tô 5:7). Nếu đang giảng dạy các trẻ em nhỏ tuổi hơn, anh chị em có thể mời chúng chịu bị bịt mắt và đi ngang qua căn phòng để giúp chúng hiểu ý nghĩa của điều này. Cùng với cả nhóm, hãy nghiên cứu một số câu thánh thư được liệt kê dưới mục “Đức Tin” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Sau đó thảo luận về vai trò của đức tin đó nơi Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc hành trình của chúng ta trở về ngôi nhà thiên thượng của mình.
Tìm hiểu thêm
-
Dallin H. Oaks, “Kế Hoạch Vĩ Đại,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 93–96
-
Sách Hướng Dẫn Thánh Thư: “Đại Hội trên Thiên Thượng,” Thư Viện Phúc Âm
-
Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đấng Cứu Rỗi,” Thư Viện Phúc Âm