Thư Viện
Thế Giới Linh Hồn


“Thế Giới Linh Hồn,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
những tia sáng xuyên qua các đám mây

Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm

Thế Giới Linh Hồn

Nơi mà linh hồn ở giữa cái chết và sự phục sinh của chúng ta

Anh chị em có bao giờ tự hỏi điều gì xảy ra sau khi chúng ta chết không? Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô dạy rõ rằng cuộc sống trên thế gian không phải chỉ có thế thôi. Thể linh của chúng ta đã tồn tại trước khi chúng ta được sinh ra và sẽ tiếp tục sống sau khi chúng ta chết. Sau khi chết, chúng ta đi đến thế giới linh hồn để chờ đợi sự phục sinh của mình. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cũng được giảng dạy trong thế giới linh hồn. Vì mỗi linh hồn đều quý báu đối với Thượng Đế, nên Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho một đường lối để cứu rỗi những người đã chết mà không có cơ hội để tiếp nhận phúc âm.

Thế Giới Linh Hồn Là Gì?

Thế giới linh hồn là nơi mà linh hồn của người chết sống tạm thời trong khi họ chờ được phục sinh. Thế giới linh hồn gồm có cả thiên đàng lẫn ngục tù linh hồn. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô được thuyết giảng cho những người đã không có cơ hội trong cuộc sống trần thế để chấp nhận phúc âm và tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao.

Khái quát về đề tài: Thế Giới Linh Hồn

Các sách hướng dẫn học tập phúc âm liên quan: Kế Hoạch Cứu Rỗi, Sự Phục Sinh, Giáo Lễ Làm Thay cho Người Chết, Tham Gia vào Công Việc Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình

Tiết 1

Có Cuộc Sống sau khi Chết

Hình Ảnh
Bé gái đang đặt hoa trên mộ phần

Cái chết của một người bạn hoặc một người thân luôn đi kèm với nỗi đau đớn và buồn phiền. Mặc dù việc than khóc vì sự mất mát những người khác là một phần của kinh nghiệm trần thế của chúng ta, thánh thư loan báo rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã loại bỏ “nọc của sự chết” qua Sự Phục Sinh của Ngài từ cõi chết (Mô Si A 16:8; An Ma 22:14; Mặc Môn 7:5). Vì Chúa Giê Su Ky Tô đã cởi bỏ những dây trói buộc của sự chết, nên tất cả chúng ta đều sẽ sống lại lần nữa (xin xem An Ma 11:42–43). Khi chúng ta chết, thể xác và thể linh của chúng ta bị tách rời. Thể linh của chúng ta “[lúc bấy giờ] được chỉ định đến một nơi tùy theo những việc làm của [chúng ta] với người công minh hoặc với người không công minh, ở đó để chờ đợi sự phục sinh.” (Xin xem An Ma 40:11–13.)

Những điều để suy nghĩ

  • Anh Cả Weatherford T. Clayton đã nhận xét: “Thế gian hiểu sự ra đời và cái chết như là sự khởi đầu và kết thúc. Nhưng nhờ vào kế hoạch thiêng liêng của Thượng Đế nên chúng ta biết rằng sự ra đời và cái chết thật sự là những giây phút quan trọng trong cuộc hành trình của chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng.” Quan điểm này có thể chuẩn bị anh chị em như thế nào cho lúc mà một người nào đó anh chị em yêu thương qua đời?

  • Xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:51–55, 57. Hãy nghĩ lại lúc mà một người nào đó anh chị em yêu thương đã qua đời. Sự hiểu biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục cái chết giúp đỡ anh chị em như thế nào? Anh chị em có thể sử dụng sự hiểu biết đó như thế nào để củng cố những người khác có thắc mắc về sự mất mát và cái chết?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Để giúp đỡ những người không quen thuộc với khái niệm về thể linh, anh chị em có thể sử dụng một cái găng tay để tượng trưng cho thể xác và bàn tay của mình để tượng trưng cho linh hồn. Lồng bàn tay của anh chị em vào trong găng tay và chỉ ra rằng găng tay chỉ “còn sống khi có bàn tay ở trong đó. Sau đó rút bàn tay của anh chị em ra và giải thích rằng bàn tay tiếp tục sống bất kể điều gì xảy ra với cái găng tay. Sau đó anh chị em có thể mang găng tay trở lại và giải thích rằng sau khi chúng ta được phục sinh, linh hồn và thể xác của chúng ta sẽ không bao giờ bị tách rời nữa. (Xin xem An Ma 11:45.)

Tìm hiểu thêm

Tiết 2

Chúng Ta Biết Điều Gì về Thế Giới Linh Hồn?

Hình Ảnh
Ngôi mộ trống

Sau khi chết, thể linh của chúng ta đi đến thế giới linh hồn. Ở đó, linh hồn của người ngay chính “được đón nhận vào một trạng thái đầy hạnh phúc được gọi là thiên đàng, một trạng thái an nghỉ, một trạng thái bình an, là nơi mà họ sẽ được nghỉ ngơi khỏi mọi sự phiền nhiễu, lo âu và sầu muộn” (An Ma 40:12). “Những ai đã chết trong tội lỗi của mình mà không có sự hiểu biết về lẽ thật, hay trong sự phạm giới, vì đã chối bỏ các tiên tri,” đều là những linh hồn trong ngục tù (Giáo Lý và Giao Ước 138:32; xin xem thêm 1 Phi E Rơ 3:18–20).

Những điều để suy nghĩ

  • Các linh hồn nào đang ở trong ngục tù có thể nhận được những lời giảng dạy về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nhưng tình trạng của một số linh hồn trong ngục tù đôi khi được gọi trong thánh thư là “ngục giới,” hoặc nơi tạm thời mà những người không thành tín cùng những người không chịu tiếp nhận phúc âm phải chịu đau khổ cho đến khi họ phục sinh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:81–85). Những cá nhân nào chọn không hối cải tội lỗi của mình hoặc không chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ chịu đau khổ vì tội lỗi của họ trước khi được cứu vào một vương quốc vinh quang trong thời vĩnh cửu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 19:16–18). Làm thế nào đoạn này có thể giúp anh chị em hiểu rõ hơn kinh nghiệm của những người trong ngục tù linh hồn?

  • Các linh hồn trong thiên đàng là các linh hồn của những người ngay chính “được đón nhận vào một trạng thái đầy hạnh phúc, … một trạng thái an nghỉ, một trạng thái bình an, là nơi mà họ sẽ được nghỉ ngơi khỏi mọi sự phiền nhiễu, lo âu và sầu muộn” (An Ma 40:12). Lẽ thật này gia tăng ước muốn của anh chị em như thế nào để tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và sống ngay chính?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Để học điều mà thánh thư dạy về thế giới linh hồn, hãy lập ra hai cột trên tờ giấy và viết ở một bên “Ngay Chính” và bên kia là “Tà Ác.” Rồi nghiên cứu An Ma 40:6–14Giáo Lý và Giao Ước 138:12–14, 20–22. Thảo luận điều anh chị em đã khám phá ra trong các đoạn thánh thư này.

Tìm hiểu thêm

  • An Ma 34:32–34

  • The Spirit World,” Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young (năm 1997), trang 279–284

Tiết 3

Phúc Âm Được Thuyết Giảng trong Thế Giới Linh Hồn

Hình Ảnh
em thiếu nữ

Anh chị em có xem xét điều gì xảy ra cho những người chết mà chưa hề nghe phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô hoặc không có cơ hội để tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao không? Cha Thiên Thượng thông sáng và nhân từ đã chuẩn bị một đường lối cho tất cả con cái của Ngài để trở lại và sống với Ngài nếu họ chọn để đi theo. Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố với các tín hữu Giáo Hội: “Những người chết hãy hát lên những bài ca tán mỹ vĩnh cửu Vua Em Ma Nu Ên, Đấng đã lập lên, trước khi có thế gian này, những gì giúp chúng ta có thể cứu chuộc được họ ra khỏi ngục tù của họ; vì những người bị giam cầm sẽ được tự do” (Giáo Lý và Giao Ước 128:22).

Vào năm 1918, Chủ Tịch Joseph F. Smith trông thấy một khải tượng thiêng liêng về thế giới linh hồn. Các chi tiết của khải tượng đó, được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 138, làm sáng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về cách Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho những người trong vòng nô lệ của ngục tù linh hồn có thể học hỏi phúc âm, hối cải, và tiếp nhận các giáo lễ thiết yếu của chức tư tế.

Những điều để suy nghĩ

  • Đọc Giáo Lý và Giao Ước 138:16–19, 50–52. Theo như các câu này, trong phương diện nào toàn thể thế giới linh hồn giống như một ngục tù ngay cả đối với các linh hồn ngay chính? (xin xem thêm 1 Phi E Rơ 3:18–20; 4:6). Những người đó đã trải qua những cảm xúc nào ở thiên đàng trước cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô và sự hiện đến của Ngài trong thế giới linh hồn?

  • Đọc Giáo Lý và Giao Ước 138:29–37, 57–59, cùng tìm kiếm cách mà các phước lành của phúc âm được dành sẵn cho những người đã chết mà không nhận được phúc âm trong cuộc sống này. Việc các tổ tiên của anh chị em có thể được cứu rỗi nhờ vào những gì Chúa Giê Su Ky Tô đã làm có ý nghĩa gì đối với anh chị em?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Chủ Tịch Russell M Nelson đã nói: “Bất cứ lúc nào anh chị em làm bất cứ điều gì để giúp đỡ bất cứ ai—ở cả hai bên bức màn che—thì anh chị em tiến một bước hướng tới việc lập giao ước với Thượng Đế và tiếp nhận các giáo lễ báp têm và đền thờ cần thiết của họ, thì tức là anh chị em đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên.” Thảo luận những cách thức anh chị em có thể giúp những người đã chết được cứu chuộc và nhận được các giáo lễ thiết yếu. Mời các thành viên trong nhóm mà đã tham gia vào công việc đó chia sẻ những kinh nghiệm riêng của họ.

Tìm hiểu thêm

Ghi Chú

  1. Joseph Fielding Smith, Answers to Gospel Questions (năm 1958), 2:85.

  2. Weatherford T. Clayton, “Kế Hoạch Vinh Quang của Cha Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 26.

  3. Russell M. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), Thư Viện Phúc Âm.

In