Lớp Giáo Lý
Phi Líp 3


Phi Líp 3

“Tôi Vì Ngài mà Liều Bỏ Mọi Điều … Hầu Cho Được Đấng Ky Tô”

Hình Ảnh
1st illustration: A warm loving image of Christ, eyes looking out towards the reader. 2nd illustration: stars and the galaxy

Em sẵn sàng hy sinh điều gì để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và trở thành môn đồ của Ngài? Sứ Đồ Phao Lô đã từ bỏ nhiều điều khi chọn noi theo Đấng Cứu Rỗi, kể cả vị thế có sức ảnh hưởng của ông trong xã hội Do Thái với tư cách là người Pha Ri Si (xin xem Phi Líp 3:5). Bài học này có thể giúp em hiểu được tầm quan trọng của việc hy sinh để được biết Chúa Giê Su Ky Tô.

Cho phép sự im lặng. Những câu hỏi hiệu quả cần có thời gian để trả lời. Hãy cho học viên thời giờ để suy ngẫm những câu hỏi này. Nếu học viên không trả lời một câu hỏi ngay lập tức, thì hãy tránh bị cám dỗ để kết thúc sự im lặng quá nhanh bằng việc trả lời câu hỏi đó. Thời gian học viên dành để suy ngẫm các câu hỏi có thể dẫn đến sự soi dẫn và làm sâu sắc thêm chứng ngôn của các em.

Học viên chuẩn bị: Nếu có thể, hãy mời học viên thu thập câu chuyện từ những người trong gia đình hoặc tổ tiên, là những người đã hy sinh để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Khuyến khích các em chuẩn bị trước buổi học để chia sẻ những kinh nghiệm này với cả lớp.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Em sẽ hy sinh điều gì?

Cân nhắc sử dụng câu chuyện sau đây để bắt đầu buổi học hoặc sử dụng các câu chuyện mà học viên đã chuẩn bị trước buổi học để chia sẻ.

Hãy đọc hoặc xem câu chuyện sau đây của Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn kể về một thanh niên đã chia sẻ với Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) về những hy sinh mà anh ấy sẵn sàng thực hiện để trở thành một tín hữu của Giáo Hội.

Hình Ảnh
Official Portrait of President Dallin H. Oaks taken March 2018.

Cách đây nhiều năm, những người tham dự đại hội này nghe câu chuyện về một thanh niên đã tìm ra phúc âm phục hồi trong khi người ấy đang du học ở Hoa Kỳ. Khi người ấy sắp trở về quê hương của mình, thì Chủ Tịch Gordon B. Hinckley hỏi người ấy điều gì sẽ xảy ra cho người ấy khi trở lại quê nhà với tư cách là một Ky Tô hữu. Người thanh niên đã đáp rằng: “Gia đình tôi sẽ thất vọng. Họ có thể đuổi tôi ra và coi như tôi đã chết. Còn về tương lai và sự nghiệp của tôi thì tất cả cơ hội đều có thể đóng lại đối với tôi.”Chủ Tịch Hinckley hỏi: “Anh có sẵn lòng trả một cái giá đắt như vậy cho phúc âm không?”

(Dallin H. Oaks, “Hy Sinh”, Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 21)

  • Em nghĩ người thanh niên đã trả lời như thế nào? Tại sao?

Hãy cho học viên thời gian thích hợp để trả lời câu hỏi tiếp theo. Cân nhắc mời học viên yên lặng suy nghĩ và ghi lại câu trả lời của các em trước khi chia sẻ với cả lớp.

  • Điều gì có thể thúc đẩy một người từ bỏ rất nhiều điều để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô?

Khi em học Phi Líp 3 , hãy suy ngẫm về những điều em đã hy sinh cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và em đã được ban phước như thế nào khi làm việc đó. Ngược lại, việc hy sinh để được gần gũi hơn với Đấng Cứu Rỗi có thể là một khái niệm xa lạ đối với em. Bất kể hoàn cảnh của em là gì, Đấng Cứu Rỗi vẫn nóng lòng muốn giúp em tiến triển. Trong cả bài học này, hãy chú ý đến những suy nghĩ và cảm nhận từ Đức Thánh Linh có thể giúp em hiểu vai trò của sự hy sinh trong cuộc sống của mình.

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đáng giá mọi sự hy sinh

Hãy nhớ lại rằng trước khi Phao Lô cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô trên đường đến Đa Mách (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 9), ông là một người Pha Ri Si, một người có địa vị cao trong xã hội và tôn giáo trong số những người Do Thái (xin xem Phi Líp 3:5). Vì đã chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và dành cả cuộc đời mình để thuyết giảng phúc âm, Phao Lô đã nếm trải sự ngược đãi nghiêm trọng, gặp hoạn nạn, đau đớn về thể xác và căng thẳng về tinh thần (xin xem 2 Cô Rinh Tô 11:23–28). Chúng ta đọc trong Phi Líp 3:7–17 về điều Phao Lô cảm thấy khi từ bỏ cuộc sống trước đây của mình để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và kết quả là các phước lành đã đến với ông.

Học viên có thể cần giúp đỡ để hiểu một số từ trong đoạn thánh thư. Cân nhắc viết các định nghĩa sau đây lên trên bảng hoặc sẵn sàng giúp học viên khi các em nghiên cứu.

Hãy đọc Phi Líp 3:7–14 , tìm kiếm điều Phao Lô sẵn sàng từ bỏ để được biết và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Lưu ý rằng cụm từ nên giống như Ngài trong sự chết Ngài trong câu 10 có nghĩa là trở nên chấp nhận cái chết, cụm từ “đương chạy” trong câu 12 có nghĩa là tiến về phía trước và từ giựt trong câu 12 có nghĩa là có được.

Cân nhắc chia học viên thành từng cặp hoặc nhóm nhỏ để hoàn thành sinh hoạt sau đây. Hãy chú ý đến những học viên có thể cần thêm trợ giúp để viết lại các đoạn bằng lời riêng của các em.

Hãy chọn hai đoạn hoặc cụm từ trong Phi Líp 3:7–14 và viết lại sứ điệp của Phao Lô bằng lời riêng của các em. Ví dụ, một cách để trình bày lại sứ điệp của Phi Líp 3:7 là “Những điều quan trọng đối với tôi trước đây, bây giờ chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô.” Khi em hoàn thành, hãy trả lời các câu hỏi sau đây.

  • Phao Lô đã nhận được một số phước lành nào bởi vì sự hy sinh của ông cho Chúa?

  • Ông vẫn đang cố gắng đạt được một số phước lành nào qua những hy sinh của mình?

  • Chúng ta có thể học những nguyên tắc nào từ tấm gương hy sinh của Phao Lô?

Một nguyên tắc mà chúng ta có thể học được từ tấm gương của Phao Lô là nếu chúng ta từ bỏ tất cả những gì có thể được yêu cầu ở chúng ta để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và tiến bước trong đức tin, thì chúng ta có thể biết được Ngài và có được cuộc sống vĩnh cửu. Cân nhắc viết nguyên tắc này vào trong thánh thư hoặc nhật ký ghi chép việc học tập của em.

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm xem nguyên tắc này có thể liên quan như thế nào đến em.

  • Em đã có những suy nghĩ, câu hỏi, hoặc cảm nhận nào?

Hãy mời những học viên nào sẵn lòng để trả lời câu hỏi trước đó. Nếu học viên không có cơ hội vào đầu bài học để chia sẻ câu chuyện về những người trong gia đình hoặc tổ tiên đã hy sinh vì phúc âm, thì hãy cân nhắc mời các em làm như vậy ngay bây giờ.

Nếu học viên sẽ có được lợi ích khi học thêm về những tấm gương hy sinh, hãy cân nhắc sử dụng các ý kiến trong “Những Ví Dụ từ Sách Mặc Môn” trong phần “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung” của bài học. Cũng hãy cân nhắc chia sẻ một kinh nghiệm hoặc chứng ngôn cá nhân.

Sự hy sinh cá nhân

Hãy nhớ lại câu hỏi do Chủ Tịch Hinckley đặt ra ở đầu bài học liên quan đến sự sẵn sàng hy sinh quá nhiều cho phúc âm của người thanh niên. Đọc phần còn lại của câu chuyện được Chủ Tịch Dallin H. Oaks chia sẻ.

Hình Ảnh
Official Portrait of President Dallin H. Oaks taken March 2018.

Người thanh niên đó vừa khóc vừa đáp: “Phúc âm là chân chính, phải không ạ?” Khi điều đó được khẳng định, người ấy đáp: “Vậy thì có điều gì khác là quan trọng nữa đâu?” Đó là tinh thần hy sinh trong số nhiều tín hữu mới của chúng ta.

(Dallin H. Oaks, “Hy Sinh”, Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 21)

  • Điều gì gây ấn tượng cho em về người thanh niên này?

  • Cuộc sống, giáo vụ và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là ví dụ tột bậc về sự hy sinh như thế nào?

  • Em có suy nghĩ hoặc cảm nhận gì khi suy ngẫm về những điều Chúa Giê Su Ky Tô sẵn sàng hy sinh cho em?

Trước khi học viên hoàn thành sinh hoạt sau đây, có thể hữu ích để mời các em suy ngẫm về những hy sinh mà có lẽ sẽ sớm được yêu cầu ở các em và cho các em chia sẻ các ví dụ với nhau. Học viên cũng có thể liệt kê lên trên bảng những sự hy sinh khác nhau của giới trẻ để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy nghĩ về năm năm tiếp theo của cuộc đời em và viết một bức thư cho chính bản thân mình trong tương lai. Kèm theo những chi tiết sau đây trong thư của em:

  1. Những điều em có thể cần phải hy sinh trong năm năm tới để biết Chúa nhiều hơn và chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu.

  2. Những trở ngại em có thể gặp phải khi hy sinh và “nhắm mục đích mà chạy … để giựt giải” ( Phi Líp 3:14).

  3. Những điều em đã học được về tầm quan trọng của sự hy sinh và những phước lành có thể đến từ việc đó.

  4. Sự hy sinh có thể giúp em trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn như thế nào.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Phi Líp 3:14 . Phao Lô có ý gì khi nói: “Tôi nhắm mục đích mà chạy”?

Anh Cả Edward Dube thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy như sau.

Hình Ảnh
Official Portrait of Elder Edward Dube. Photographed March 2017.

Việc nhắm tới mục đích là kiên định tiếp tục trên “con đường chật và hẹp dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu” [ 2 Nê Phi 31:18 ] với Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng của chúng ta. Phao Lô đã coi nỗi đau khổ của ông là “chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta” [ Rô Ma 8:18 ; xin xem thêm 2 Cô Rinh Tô 1:3–7 ]. Thư của Phao Lô gửi cho người Phi Líp, mà ông viết khi bị giam cầm trong tù, là một bức thư tràn ngập niềm vui sướng và hân hoan cùng sự khích lệ cho tất cả chúng ta, nhất là trong thời điểm khó khăn và bấp bênh này. …

Điều thú vị là Phao Lô đang khuyên nhủ chúng ta nên tiến về phía trước, đồng thời kêu gọi chúng ta nên quên đi những gì đã qua—nỗi sợ hãi, sự tập trung, thất bại cùng nỗi buồn trong quá khứ của chúng ta.

(Edward Dube, “Nhắm tới Mục Đích”, Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 90, 91)

Làm thế nào tôi có thể biết mình cần phải hy sinh những điều gì để đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

Anh Cả Larry R. Lawrence thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy rằng thời điểm lý tưởng để suy ngẫm một cách tôn kính về những sự hy sinh mà chúng ta có thể làm cho Chúa là trong thời gian giáo lễ Tiệc Thánh.

Hình Ảnh
Official Portrait of Elder Larry R. Lawrence. Photographed March 2017.

Trong bầu không khí nghiêm trang này, khi những ý nghĩ của chúng ta hướng tới thiên thượng, thì Chúa có thể nhẹ nhàng cho chúng ta biết điều kế tiếp chúng ta cần phải cố gắng. Cũng giống như các anh chị em, tôi đã nhận được nhiều sứ điệp từ Thánh Linh trong những năm qua cho tôi thấy cách tôi có thể cải thiện. …

Có lẽ Thánh Linh sẽ nói cho các anh chị em biết rằng các anh chị em cần phải tha thứ cho một ai đó. Hoặc các anh chị em có thể nhận được một sứ điệp để có sự lựa chọn nhiều hơn về các bộ phim mình xem hoặc âm nhạc mình đang nghe. Thánh Linh có thể thúc giục các anh chị em phải lương thiện hơn trong việc giao dịch kinh doanh của mình hoặc rộng rãi hơn trong các của lễ nhịn ăn. Các khả năng là vô tận.

(Larry R. Lawrence, “Còn Thiếu Chi cho Tôi Nữa?Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 34–35)

Một số tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô phải hy sinh những gì để noi theo Đấng Cứu Rỗi?

Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã liệt kê nhiều sự hy sinh được thực hiện bởi các tín hữu trong Giáo Hội phục hồi của Chúa. Các em có thể đọc bài nói chuyện của ông “Hy Sinh”, Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 19–22 hoặc xem video “Hy Sinh” (16:30), trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung

Phi Líp 2:6–11

Sau khi học viên trả lời câu hỏi về cuộc sống, giáo vụ và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hy sinh tột bậc ra sao, hãy cân nhắc xem xét Phi Líp 2:6–11 và mời học viên tìm kiếm những điều Đấng Cứu Rỗi đã từ bỏ và phước lành Cha Thiên Thượng đã ban cho Ngài vì điều đó.

Những Ví Dụ từ Sách Mặc Môn

Một ví dụ trong Sách Mặc Môn minh họa cho nguyên tắc hy sinh là việc gia đình của Lê Hi hành trình đến đất hứa. Hãy nhớ lại rằng La Man và Lê Mu Ên đã ta thán và thiếu đức tin vào sự chỉ dẫn của Chúa để rời bỏ vùng đất thừa hưởng của họ (xin xem 1 Nê Phi 2:11–13). Nê Phi cũng có thể đã thắc mắc về lệnh truyền rời khỏi Giê Ru Sa Lem, nhưng ông vẫn tiếp tục hy sinh bằng cách “kêu cầu Chúa” (xin xem 1 Nê Phi 2:16).

Hãy đọc 1 Nê Phi 2:16–20 và liệt kê hoặc đánh dấu những phước lành Nê Phi đã nhận được nhờ sự vâng lời và sự hy sinh của mình.

Học viên cũng có thể có lợi từ việc tìm hiểu về cha của Vua La Mô Ni và sự sẵn sàng hy sinh tất cả tội lỗi của ông để biết Chúa (xin xem An Ma 22:15–23).

Mời học viên suy ngẫm về những tấm gương thời hiện đại khác về sự hy sinh mà các em đã chứng kiến. 

In