2010–2019
Thượng Đế Sẽ Lau Hết Nước Mắt
Tháng Mười năm 2016


11:54

Thượng Đế Sẽ Lau Hết Nước Mắt

Khi chúng ta thực hành đức tin của mình nơi Đấng Cứu Rỗi, thì Ngài sẽ nâng chúng ta lên và mang chúng ta vượt qua tất cả những thử thách và cuối cùng, cứu chúng ta vào vương quốc thượng thiên.

Là một phần kế hoạch của Cha Thiên Thượng, Ngài cho phép nỗi buồn được đan kín vào kinh nghiệm trần thế của chúng ta.1 Mặc dù dường như những thử thách đau đớn đến với chúng ta không đồng đều, nhưng chúng ta có thể yên tâm rằng chúng ta đều đau khổ và vất vả ở mức độ này hay mức độ khác. Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết rõ hơn về lý do tại sao điều này phải là như vậy.

Khi hiểu được những kinh nghiệm khó khăn của cuộc sống với đức tin nơi Đấng Ky Tô, chúng ta có thể thấy rằng nỗi đau khổ của chúng ta có thể có mục đích thiêng liêng. Người trung tín có thể cảm nhận được lẽ thật của lời khuyên dường như mâu thuẫn của Phi E Rơ. Ông viết: “Nếu anh em phải vì sự công bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước.”2 Khi “đem hết lòng mình tìm hiểu,”3 thì chúng ta có thể gia tăng khả năng của mình để chịu đựng giỏi những thử thách của mình lẫn học hỏi từ—và được tinh lọc bởi—những thử thách này. Sự hiểu biết như vậy mang đến một câu trả lời cho câu hỏi bất hủ: “Tại sao những điều xấu lại xảy ra cho những người tốt?”

Mỗi người đang lắng nghe ngày hôm nay đều quen thuộc với một số mức độ cô đơn, tuyệt vọng, đau buồn, đau đớn hay khổ sở. Nếu không có “con mắt của đức tin”4 và sự hiểu biết về lẽ thật vĩnh cửu, thì chúng ta thường thấy rằng nỗi đau khổ và khổ sở mà mình trải qua trong cuộc sống trần thế có thể che khuất hoặc làm mờ đi niềm vui vĩnh cửu của việc biết rằng kế hoạch vĩ đại của Cha Thiên Thượng thực sự là kế hoạch hạnh phúc vĩnh cửu. Không có cách nào khác để nhận được niềm vui trọn vẹn.5

Thượng Đế mời gọi chúng ta đáp ứng cho những cảnh hoạn nạn riêng của mình bằng đức tin, để chúng ta có thể gặt hái được các phước lành và đạt được sự hiểu biết mà không thể nào học được bằng cách nào khác. Chúng ta được dạy phải tuân giữ các lệnh truyền trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, vì “kẻ nào trung thành trong cơn hoạn nạn, thì phần thưởng cho kẻ đó trong vương quốc thiên thượng sẽ lớn hơn.”6 Và khi chúng ta đọc trong thánh thư: “Nếu ngươi buồn khổ, hãy cầu khẩn Chúa Thượng Đế của các ngươi với những lời khẩn nguyện để tâm hồn mình được hân hoan.”7

Chính Sứ Đồ Phao Lô cũng không lạ gì với sự hoạn nạn. Ông đã rút ​​ra từ kinh nghiệm bản thân để giảng dạy một cách kỹ lưỡng và tuyệt vời về quan điểm vĩnh cửu mà có được khi chúng ta chịu đựng giỏi và với lòng kiên nhẫn. Ông nói: “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên.”8 Nói cách khác, chúng ta có thể biết được trong lúc hoạn nạn rằng Thượng Đế đã ban cho một phần thưởng đền bù vĩnh cửu.

Khả năng của Phao Lô để nói về những thử thách, ngược đãi, và buồn khổ của cuộc đời ông như là “sự hoạn nạn nhẹ” tức là nói ngược lại với nỗi đau khổ nghiêm trọng của ông, mà không còn quan trọng nữa đối với ông vì viễn cảnh vĩnh cửu của phúc âm. Đức tin của Phao Lô nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho tất cả mọi thứ đều có thể chịu đựng được. Ông đã bị đánh roi năm lần, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu; ông thường có nguy cơ bị chết đuối, bị trộm cướp, và thậm chí còn có nguy cơ có anh em giả dối nữa; ông phải chịu đựng sự mệt mỏi và đau đớn, đói khát, và bị giam trong cái lạnh và trong lõa lồ.9

Nhiều người trong chúng ta đã khẩn cầu Thượng Đế xin cất bỏ nguyên nhân của nỗi đau khổ của mình, và khi sự giúp đỡ mà mình tìm kiếm đã không đến, thì chúng ta bị cám dỗ để nghĩ rằng Ngài đã không lắng nghe. Tôi làm chứng rằng, ngay cả trong những khoảnh khắc đó, Ngài vẫn nghe những lời cầu nguyện của chúng ta, Ngài có lý do để cho phép những hoạn nạn tiếp tục xảy ra cho chúng ta,10 và sẽ giúp chúng ta chịu đựng chúng.11

Trong một đoạn có tính cách cá nhân và ân cần, Phao Lô nói với chúng ta về một “cái giằm” không tên xóc vào thịt của ông và gây đau đớn cho ông và bắt ông phải ba lần quỳ xuống van xin Chúa lấy nó ra khỏi ông. Để đáp ứng cho lời cầu nguyện của Phao Lô, Chúa đã không lấy đi cái giằm mà lại nói về sự bình an và ban cho lòng ông sự hiểu biết, khi Ngài phán: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Với sự hiểu biết mới, Phao Lô đã có thể chấp nhận và biết ơn về cái giằm xóc mà ông đã được ban cho. Ông nói: “Tôi sẽ rất vui lòng   khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Ky Tô ở trong tôi.”12

Khi chúng ta có được quan điểm vĩnh cửu này trong cuộc sống của mình thì khả năng chịu đựng của chúng ta sẽ tăng trưởng, chúng ta biết được cách giúp đỡ những người cần được giúp đỡ,13 và chúng ta tiến đến việc biết ơn và thậm chí còn cảm tạ về những kinh nghiệm mà Thượng Đế cho phép chúng ta có được để dạy chúng ta trong cuộc sống vĩnh cửu.

Khi chúng ta thấy mình lao nhọc trong cơn hoạn nạn, thì điều đó có thể rất khó để nhìn vào các thử thách của chúng ta như là tấm biển chỉ dẫn trên con đường môn đồ riêng của mình. Nhưng, cho dù đôi khi chúng ta thấy mình ở trong đáy sâu tuyệt vọng hoặc trên con đường hạnh phúc trên cao, thì việc học hỏi và cảm nghĩ trắc ẩn cho nỗi đau khổ của người khác cũng có thể là một phước lành.

Trong một lần được chỉ định đến một đại hội giáo khu mới đây mà tôi đã tham dự ở Philippines, tôi rất đau lòng khi biết được về kinh nghiệm bi thảm của Anh Daniel Apilado. Anh Apilado và vợ của anh đã chịu phép báp têm vào năm 1974. Họ đã chấp nhận phúc âm phục hồi và được làm lễ gắn bó trong đền thờ. Sau đó, họ được ban phước với năm đứa con xinh đẹp. Vào ngày 7 tháng Bảy năm 1997, lúc Anh Apilado đang phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu, thì căn nhà nhỏ của họ bốc cháy. Con trai đầu lòng của anh Apilado là Michael, đã cứu sống cha mình, kéo anh ra từ ngôi nhà đang cháy, và sau đó chạy trở lại vào nhà để cứu những người khác. Đó là lần cuối cùng Anh Apilado nhìn thấy con trai của mình còn sống. Vợ của Anh Apilado, Dominga, và cả năm đứa con của anh đều bị chết cháy.

Việc Anh Apilado sống một cuộc sống làm đẹp lòng Thượng Đế, khi thảm họa xảy ra đã không ngăn chặn được thảm kịch cũng như không làm cho anh không bị phiền muộn tiếp theo sau đó. Nhưng lòng trung tín trong việc tuân giữ các giao ước của anh và thực hành đức tin của anh nơi Đấng Ky Tô đã mang lại cho anh sự bảo đảm trong lời hứa rằng anh sẽ được đoàn tụ với vợ và gia đình của anh. Niềm hy vọng này đã trở thành một chiếc neo cho tâm hồn của anh.14

Trong chuyến thăm của tôi, Anh Apilado, bây giờ là vị tộc trưởng giáo khu, đã giới thiệu tôi với người vợ mới của anh là Simonette, và hai đứa con trai của họ, Raphael và Daniel. Quả thật, Chúa Giê Su Ky Tô có thể và sẽ “rịt những kẻ vỡ lòng.”15

Khi chia sẻ câu chuyện về Anh Apilado, tôi lo ngại rằng mất mát to lớn của anh ấy có thể làm cho nhiều người suy nghĩ rằng nếu so với anh ấy, thì nỗi buồn phiền và đau khổ của họ là không quan trọng gì. Xin đừng so sánh, mà hãy tìm cách học hỏi và áp dụng các nguyên tắc vĩnh cửu khi anh chị em vượt qua những hoạn nạn của mình.

Nếu tôi có thể nói chuyện riêng với từng anh chị em— “những kẻ mệt mỏi và gánh nặng”16—thì tôi xin đề nghị rằng bất cứ những nỗi khó khăn, buồn phiền, đau đớn, hoạn nạn và yếu đuối nào của riêng anh chị em, cũng đều được Cha Thiện Thượng và Vị Nam Tử biết cả. Hãy can đảm! Hãy có đức tin! Và tin vào những lời hứa của Thượng Đế!

Mục đích và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô bao gồm việc Ngài sẽ “mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài,” “sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ,” và “giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.”17

Để nhận được trọn vẹn các ân tứ này mà Đấng Cứu Rỗi đã rộng rãi ban cho, chúng ta đều phải biết rằng bản thân nỗi đau khổ—không dạy hoặc cấp cho chúng ta bất cứ điều gì có giá trị lâu dài trừ khi chúng ta tự nguyện tham gia vào tiến trình học hỏi từ những hoạn nạn của mình bằng cách thực hành đức tin.

Anh Cả Neal A. Maxwell đã có lần chia sẻ điều ông đã học được về nỗi khổ đau có mục đích bằng những lời này:

“Một số hình thức khổ đau, nếu chịu đựng giỏi, có thể thực sự là cao quý. ...

“... Một phần của việc chịu đựng giỏi gồm có trở nên đủ nhu mì trong lúc khổ đau để học hỏi từ những kinh nghiệm có liên quan của chúng ta. Thay vì chỉ chịu đựng những điều này, chúng phải xảy đến cho chúng ta ... theo cách làm thánh hóa chúng ta.”18

Tôi đã quan sát được trong cuộc sống và tấm gương của những người khác rằng việc thực hành đức tin mạnh mẽ và lâu dài nơi Chúa Giê Su Ky Tô và những lời hứa của Ngài mang đến niềm hy vọng chắc chắn về những điều tốt đẹp hơn sẽ đến. Niềm hy vọng chắc chắn này làm cho chúng ta được vững vàng, mang lại sức mạnh và quyền năng chúng ta cần để chịu đựng.19 Khi chúng ta có thể liên kết nỗi đau khổ của mình với một sự bảo đảm có mục đích trong cuộc sống trần thế và cụ thể hơn đối với phần thưởng đang chờ chúng ta trên thiên thượng, thì đức tin của chúng ta nơi Đấng Ky Tô gia tăng và chúng ta nhận được sự an ủi cho tâm hồn.

Rồi chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Anh Cả Jeffrey R. Holland đã dạy: “ ánh sáng thực sự ở cuối đường hầm. Đó là Sự Sáng của Thế Gian, Sao Mai Sáng Chói, ‘một sự sáng bất tận, không bao giờ có thể bị lu mờ được’ [Mô Si A 16:9]. Đó chính là Vị Nam Tử của Thượng Đế.”20

Chúng ta có thể thu hết sức mạnh để biết rằng tất cả những kinh nghiệm khó khăn trong cuộc sống này chỉ là tạm thời; thậm chí cả đêm tối nhất cũng thành bình minh.

Khi tất cả đã kết thúc và chúng ta đã chịu đựng hết mọi điều với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta có được lời hứa rằng “Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt [chúng ta].”21

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hằng sống và hai Ngài luôn giữ lời hứa. Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi mời tất cả chúng ta đến và dự phần vào Sự Chuộc Tội của Ngài. Khi chúng ta thực hành đức tin của mình nơi Ngài, thì Ngài sẽ nâng chúng ta lên và mang chúng ta vượt qua tất cả những thử thách, và cuối cùng, cứu chúng ta vào vương quốc thượng thiên. Tôi xin mời anh chị em hãy đến cùng Đấng Ky Tô, chịu đựng giỏi trong đức tin, trở nên được toàn thiện qua Ngài, và có được niềm vui trọn vẹn nơi Ngài. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.