Chúng Tôi Đi theo Ai?
Cuối cùng, mỗi người chúng ta cần phải trả lời câu hỏi của Đấng Cứu Rỗi: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”
Vài năm trước, tôi cùng gia đình đến thăm Đất Thánh. Một trong những ký ức sống động của tôi về chuyến đi đó là chuyến thăm căn phòng trên lầu ở Giê Ru Sa Lem, địa điểm truyền thống của Bữa Ăn Tối Cuối Cùng.
Trong khi chúng tôi đứng ở nơi đó, thì tôi đọc cho gia đình tôi nghe từ Giăng 17 nơi mà Chúa Giê Su khẩn nài với Cha Ngài cho các môn đồ của Ngài:
“Con vì họ mà cầu nguyện ... để họ cũng hiệp làm một như chúng ta vậy.
“Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa.
“Để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta.”1
Tôi vô cùng xúc động trong khi đọc những lời này và tự thấy mình đang cầu nguyện trong chốn thiêng liêng đó để tôi có thể luôn luôn hiệp một với gia đình tôi và với Cha Thiên Thượng cùng Vị Nam Tử.
Mối quan hệ quý báu của chúng ta với gia đình, bạn bè, Chúa, và Giáo Hội phục hồi của Ngài là những điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Vì những mối quan hệ này rất quan trọng nên chúng phải được trân quý, bảo vệ và nuôi dưỡng.
Một trong những câu chuyện đau lòng nhất trong thánh thư đã xảy ra khi “nhiều môn đồ [của Chúa]” thấy việc chấp nhận những lời dạy và giáo lý của Ngài là quá khó, và họ “trở lui, không đi với Ngài nữa.”2
Trong khi các môn đồ này bỏ đi, Chúa Giê Su quay về phía Mười Hai Sứ Đồ và hỏi: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”3
Phi E Rơ đáp:
“Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời;
“Chúng tôi đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng thánh của Đức Chúa Trời.”4
Trong giây phút đó, khi những người khác tập trung vào điều họ không thể chấp nhận, thì Các Sứ Đồ đã chọn tập trung vào điều họ thật sự tin tưởng và biết, và do đó, họ đã ở lại với Đấng Ky Tô.
Về sau, vào ngày lễ Ngũ Tuần, Mười Hai Sứ Đồ nhận được ân tứ Đức Thánh Linh. Họ trở nên mạnh dạn trong việc làm chứng về Đấng Ky Tô và bắt đầu hiểu trọn vẹn hơn những lời dạy của Chúa Giê Su.
Thời nay cũng không khác gì. Đối với một số người, lời mời của Đấng Ky Tô để tin tưởng và tiếp tục ở lại thì vẫn là rất khó—hoặc khó chấp nhận. Một số môn đồ vất vả để hiểu được một chính sách hoặc lời giảng dạy cụ thể của Giáo Hội. Những người khác thấy quan tâm đến lịch sử của chúng ta hoặc những khuyết điểm của một số tín hữu và các vị lãnh đạo trước kia và hiện nay. Còn những người khác cảm thấy khó để có thể sống theo một tôn giáo mà đòi hỏi quá nhiều hy sinh. Cuối cùng, một số người đã trở nên “mệt mỏi khi làm điều thiện.”5 Vì những lý do này và những lý do khác, một số tín hữu Giáo Hội có đức tin lung lay, tự hỏi có lẽ họ nên đi theo những người “trở lui, không đi” với Chúa Giê Su nữa chăng.
Nếu có bất cứ ai trong anh chị em đang có đức tin lung lay thì tôi xin hỏi anh chị em cùng câu hỏi tương tự mà Phi E Rơ đã hỏi: “[Anh chị em] đi theo ai?” Nếu anh chị em chọn trở nên kém tích cực hoặc rời bỏ Giáo Hội phục hồi của Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, thì anh chị em sẽ đi đâu? Anh chị em sẽ làm gì? Quyết định “không đi nữa” với các tín hữu Giáo Hội và các vị lãnh đạo chọn lọc của Chúa sẽ có ảnh hưởng lâu dài mà không thể luôn luôn được hiểu ngay bây giờ. Có thể có một số giáo lý, chính sách, một khía cạnh lịch sử mà đặt anh chị em vào tình trạng mâu thuẫn với đức tin của mình, và có thể cảm thấy rằng cách duy nhất để giải quyết tình trạng hỗn loạn nội tâm ngay lúc này là “không đi nữa” với Các Thánh Hữu. Nếu anh chị em sống lâu như tôi thì anh chị em sẽ tiến đến việc biết rằng những sự việc đều có một cách để tự giải quyết. Một sự hiểu biết sâu sắc đầy soi dẫn hoặc sự mặc khải đều có thể giúp làm sáng tỏ một vấn đề. Hãy nhớ rằng, Sự Phục Hồi không phải là một sự kiện, mà vẫn tiếp tục phát triển.
Đừng bao giờ từ bỏ những lẽ thật lớn lao đã được mặc khải qua Tiên Tri Joseph Smith. Đừng bao giờ ngừng đọc, suy ngẫm, và áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô đã được ghi trong Sách Mặc Môn.
Đừng bao giờ quên dâng lên Chúa đồng đều thời gian của mình qua những nỗ lực chân thành để hiểu điều Chúa đã mặc khải. Anh Cả Neal A. Maxwell, một người bạn thân và đồng nghiệp cũ của tôi, đã từng nói: “Chúng ta đừng nên giả sử... rằng một điều gì đó không thể giải thích được, chỉ vì chúng ta không thể giải thích được điều đó.”6
Vậy, trước khi anh chị em đưa ra sự lựa chọn nguy hiểm về phần thuộc linh để bỏ đi, thì tôi khuyên anh chị em nên ngừng lại và suy nghĩ kỹ trước khi từ bỏ bất cứ điều gì mà trước tiên đã mang anh chị em đến việc có được chứng ngôn của mình về Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy ngừng lại và suy nghĩ về cảm nghĩ của anh chị em ở đây và tại sao anh chị em cảm thấy như vậy. Hãy suy nghĩ về những lúc Đức Thánh Linh đã làm chứng với anh chị em về lẽ thật vĩnh cửu.
Anh chị em sẽ đi đâu để tìm ra những người khác có cùng một niềm tin với cá nhân anh chị em nơi Cha Mẹ Thiên Thượng nhân từ, là hai Đấng đã dạy cho chúng ta cách để trở về nơi hiện diện vĩnh cửu của hai Ngài?
Anh chị em sẽ đi đâu để được dạy về một Đấng Cứu Rỗi là người bạn tốt nhất của anh chị em, là Đấng đã không những phải chịu đựng tội lỗi của anh chị em, mà còn phải chịu đựng “mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ” để “cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ,”7 kể cả, tôi tin là sự yếu đuối của việc mất đức tin?
Anh chị em sẽ đi đâu để học hỏi thêm về kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho hạnh phúc vĩnh cửu và sự bình an của chúng ta, là một kế hoạch tràn đầy những khả năng kỳ diệu, lời giảng dạy, và sự hướng dẫn cho cuộc sống trần thế và vĩnh cửu của chúng ta? Hãy nhớ rằng, kế hoạch cứu rỗi mang mục đích và sự hướng dẫn đến cho cuộc sống trần thế.
Anh chị em sẽ đi đâu để tìm thấy một cơ cấu tổ chức chi tiết và đầy soi dẫn của Giáo Hội mà qua đó được giảng dạy và hỗ trợ bởi những người nam và người nữ đã hết lòng cam kết phục vụ Chúa bằng cách phục vụ anh chị em và gia đình mình?
Anh chị em sẽ đi đâu để tìm thấy các vị tiên tri và sứ đồ tại thế, là những người đã được Thượng Đế kêu gọi để mang đến cho anh chị em một nguồn khác để có được sự khuyên bảo, hiểu biết, an ủi và soi dẫn đối với những thử thách của thời kỳ chúng ta?
Anh chị em sẽ đi đâu để tìm thấy những người sống theo một loạt các giá trị và tiêu chuẩn đã được quy định mà anh chị em cũng có và muốn truyền lại cho con cháu của mình?
Và anh chị em sẽ đi đâu để có được niềm vui nhờ vào các giáo lễ cứu rỗi và các giao ước của đền thờ?
Thưa anh chị em, việc chấp nhận và sống theo phúc âm của Đấng Ky Tô có thể đầy thử thách. Điều đó đã và sẽ luôn luôn là như vậy. Cuộc sống có thể giống như một người đi trên con đường mòn đầy dốc và khó đi. Là một điều tự nhiên và bình thường để thỉnh thoảng dừng chân trên con đường của mình để thở, để tính toán lại phương hướng của mình, và xem xét lại tốc độ của mình. Không phải ai cũng cần phải dừng chân trên con đường, việc làm như vậy thì không có gì là sai nếu hoàn cảnh bắt buộc. Trong thực tế, đó có thể là một điều khả quan tích cực đối với những người tận dụng cơ hội để làm mới lại bản thân mình với nước sự sống của phúc âm của Đấng Ky Tô.
Sẽ có hiểm nguy khi một người nào đó chọn đi ra khỏi con đường dẫn đến cây sự sống.8 Đôi khi chúng ta có thể học hỏi, nghiên cứu và hiểu biết, và đôi khi chúng ta phải tin tưởng, tin cậy và hy vọng.
Cuối cùng, mỗi người chúng ta cần phải trả lời câu hỏi của Đấng Cứu Rỗi: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”9 Chúng ta đều phải tìm kiếm câu trả lời của riêng mình cho câu hỏi đó. Đối với một vài người, câu trả lời thật là dễ dàng; đối với những người khác thì đó là câu trả lời khó. Tôi không giả vờ là biết lý do tại sao đức tin để tin tưởng lại đến dễ dàng hơn đối với một số người hơn là những người khác. Tôi rất biết ơn để biết rằng những câu trả lời luôn luôn ở đó, và nếu chúng ta tìm kiếm chúng—thật sự tìm kiếm với chủ ý thực sự và hết lòng—thì cuối cùng chúng ta sẽ tìm thấy các câu trả lời cho những câu hỏi của mình trong khi tiếp tục đi trên con đường phúc âm. Trong giáo vụ của mình, tôi biết có những người đã rời xa đức tin và trở lại sau khi đức tin bị thử thách.
Hy vọng chân thành của tôi là chúng ta sẽ tìm thấy và mời gọi càng nhiều người hơn để tìm kiếm và tiếp tục đi trên con đường phúc âm để họ cũng có thể “ăn trái cây ấy, đó là trái hấp dẫn hơn hết thảy mọi trái khác.”10
Lời khẩn nài chân thành của tôi là chúng ta sẽ khuyến khích, chấp nhận, thấu hiểu và yêu thương những người đang vất vả với đức tin của họ. Chúng ta đừng bao giờ bỏ mặc bất cứ anh chị em nào của mình. Chúng ta đều ở những nơi khác nhau trên con đường, và chúng ta cần phải phục sự với nhau sao cho phù hợp.
Giống như chúng ta nên dang rộng vòng tay để chào đón những người mới cải đạo, thì chúng ta cũng nên chấp nhận và hỗ trợ những người có thắc mắc và có đức tin lung lay.
Bằng cách sử dụng một phép ẩn dụ quen thuộc khác, tôi cầu nguyện rằng bất cứ ai đang nghĩ đến việc bỏ rơi “Con Tàu Si Ôn Cũ Kỹ,” nơi mà Thượng Đế và Đấng Ky Tô đang lèo lái, thì sẽ ngừng lại và suy nghĩ kỹ trước khi làm như vậy.
Xin hãy biết rằng mặc dù những cơn bão lớn và sóng gió làm cho con tàu cũ kỹ ngả nghiêng nhưng Đấng Cứu Rỗi đang ở trên tàu và có thể quở cơn bão với mệnh lệnh của Ngài: “Hãy êm đi, lặng đi.” Cho đến lúc đó, chúng ta không phải sợ hãi, và chúng ta phải có đức tin vững vàng và biết rằng “ngay cả gió và biển cũng đều vâng lịnh người.”11
Thưa anh chị em, tôi hứa với anh chị em trong danh của Chúa rằng Ngài sẽ không bao giờ từ bỏ Giáo Hội của Ngài và Ngài sẽ không bao giờ từ bỏ bất kỳ ai trong chúng ta. Hãy ghi nhớ câu trả lời của Phi E Rơ cho câu hỏi và lời phán của Đấng Cứu Rỗi:
“ Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời.
“Chúng tôi đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng thánh của Đức Chúa Trời.”12
Tôi làm chứng rằng “sẽ không có một danh xưng nào khác được ban ra, hay một con đường hoặc một phương tiện nào khác mà nhờ đó sự cứu rỗi có thể đến với con cái loài người, chỉ có ở trong hay nhờ danh của Đấng Ky Tô.”13
Tôi cũng làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã kêu gọi các vị sứ đồ và tiên tri trong thời kỳ của chúng ta và phục hồi Giáo Hội của Ngài là nơi “dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ” mà chắc chắn sẽ đến trừ khi dân chúng trên thế gian hối cải và trở lại với Ngài.14
Tôi cũng làm chứng thêm rằng Chúa “đã kêu gọi mọi người hãy đến cùng Ngài và thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài; Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài, dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ. ... tất cả mọi người ... đều như nhau trước mặt Thượng Đế.”15
Chúa Giê Su là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, và phúc âm phục hồi của Ngài sẽ dẫn chúng ta an toàn trở về nơi hiện diện của Cha Mẹ Thiên Thượng nếu chúng ta vẫn ở trên con đường phúc âm và noi theo bước chân của Ngài. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.