Đừng Bao Giờ Từ Bỏ Cơ Hội để Làm Chứng về Đấng Ky Tô
Niềm vui đích thực phụ thuộc vào việc chúng ta sẵn lòng đến gần Đấng Ky Tô hơn và được tận mắt chứng kiến.
Ngày này năm năm trước, chúng ta đã giơ tay tán trợ vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô―là người phát ngôn thay cho Chúa trong thời kỳ của sự phát triển và mặc khải đáng chú ý này. Qua ông, chúng ta đã nhận được vô số những lời mời gọi và được hứa các phước lành đầy vinh quang nếu chúng ta đặt trọng tâm cuộc sống của mình vào Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta.
Năm 2011, khi tôi đang cùng chồng phục vụ với tư cách là những người lãnh đạo phái bộ truyền giáo ở Curitiba, Brazil xinh đẹp, trong một cuộc họp nọ, điện thoại của tôi đổ chuông. Khi vội vàng tắt tiếng chuông điện thoại, tôi đã nhận ra cuộc gọi đó là từ cha tôi. Tôi nhanh chóng rời khỏi cuộc họp để nghe điện thoại: “Chào Cha ạ!”
Bất giác, giọng nói của ông đầy xúc động: “Chào con, Bonnie. Cha có điều này cần nói với con. Cha đã được chẩn đoán mắc bệnh ALS (Xơ Cứng Teo Cơ Một Bên).”
Tâm trí tôi quay cuồng trong sự hoang mang “Khoan đã! ALS (Xơ Cứng Teo Cơ Một Bên) là bệnh gì vậy Cha?”
Cha tôi giải thích: “Tâm trí của cha vẫn tỉnh táo trong khi cơ thể cha thì dần dần ngưng hoạt động.”
Tôi cảm thấy cả thế giới của mình thay đổi khi tôi bắt đầu vật lộn với những ý nghĩ về hệ lụy của tin tức đau buồn này. Nhưng vào cái ngày khó quên đó, chính câu nói cuối cùng của ông đã chiếm một vị trí vĩnh viễn trong lòng tôi. Người cha yêu dấu của tôi khẩn thiết nói: “Bonnie à, đừng bao giờ từ bỏ cơ hội để làm chứng về Đấng Ky Tô nhé.”
Tôi đã suy ngẫm và cầu nguyện về lời khuyên của Cha. Tôi thường tự hỏi bản thân liệu tôi có hoàn toàn biết được ý nghĩa của việc đừng bao giờ từ bỏ cơ hội để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô hay không.
Cũng như các anh chị em, thỉnh thoảng tôi đứng lên chia sẻ chứng ngôn về Đấng Ky Tô vào ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng. Nhiều lần tôi đã làm chứng về các lẽ thật phúc âm như là một phần của bài học. Tôi đã mạnh dạn giảng dạy lẽ thật và tuyên bố về thiên tính của Đấng Ky Tô khi là một người truyền giáo.
Tuy nhiên lời khuyên nhủ này mang ý nghĩa cá nhân nhiều hơn! Dường như ông muốn nói rằng: “Bonnie à, đừng để thế gian đánh lạc hướng con! Hãy sống đúng theo các giao ước của con với Đấng Cứu Rỗi. Hãy tìm cách để có được các phước lành của Ngài mỗi ngày, và có thể làm chứng qua Đức Thánh Linh về quyền năng và sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của con!”
Chúng ta sống trong một thế giới sa ngã, với những sự xao lãng cám dỗ chúng ta tập trung vào những điều của thế gian thay vì những điều thuộc linh. Cũng giống với dân Nê Phi trong 3 Nê Phi 11, chúng ta cần Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em có thể tưởng tượng được mình sẽ ra sao nếu ở đó, giữa những người đã trải qua quá nhiều sự hỗn loạn và hủy diệt không? Sẽ như thế nào khi nghe được lời mời của Chúa dành riêng cho cá nhân:
“Hãy đứng dậy và tiến lại gần ta, để các ngươi có thể đặt tay lên hông ta, và cũng để các ngươi có thể rờ thấy vết đinh đóng trên tay ta và chân ta, để các ngươi biết được rằng ta là … Thượng Đế của cả thế gian này, và ta đã bị giết chết vì tội lỗi của thế gian.
“Và … đám đông tiến lên … từng người một … được thấy tận mắt và sờ tận tay để biết … và được tận mắt chứng kiến.”1
Những người dân Nê Phi này háo hức tiến đến và đặt tay họ lên hông Ngài và rờ các đấu đinh đóng trên tay và chân Ngài, để họ có thể được tận mắt chứng kiến rằng đây chính là Đấng Ky Tô. Tương tự như vậy, nhiều người trung tín mà chúng ta học trong Kinh Tân Ước năm nay đã háo hức trông chờ sự tái lâm của Đấng Ky Tô. Họ bước ra khỏi cánh đồng, bàn làm việc, và bàn ăn của mình và đi theo Ngài, chen quanh Ngài, lấn ép quanh Ngài, và ngồi bên Ngài. Chúng ta có ao ước để được tự mình chứng kiến như đám đông dân chúng trong thánh thư không? Các phước lành chúng ta tìm kiếm có ít cần thiết hơn các phước lành của họ không?
Khi Đấng Ky Tô đích thân đến thăm dân Nê Phi tại đền thờ của họ, lời mời của Ngài là đừng đứng từ xa nhìn Ngài, mà hãy đến rờ Ngài, để tự mình cảm nhận sự thật hiện hữu về Đấng Cứu Rỗi của nhân loại. Làm thế nào chúng ta có thể đến đủ gần để có được một chứng ngôn cá nhân về Chúa Giê Su Ky Tô? Đây có thể là một phần của những điều cha tôi đã cố gắng dạy cho tôi. Mặc dù chúng ta không có được sự gần gũi về mặt thể chất như những người đã bước đi cùng Đấng Ky Tô trong giáo vụ trên trần thế của Ngài, nhưng qua Đức Thánh Linh, chúng ta có thể kinh nghiệm được quyền năng của Ngài mỗi ngày! Nhiều như chúng ta cần!
Các thiếu nữ trên khắp thế giới đã dạy cho tôi rất nhiều về việc tìm kiếm Đấng Ky Tô và đạt được một chứng ngôn cá nhân, hằng ngày về Ngài. Tôi xin chia sẻ sự khôn ngoan của hai trong số các em thiếu nữ này:
Livvy luôn luôn xem đại hội trung ương. Thực ra, trong gia đình của em, mọi người thường cùng nhau xem cả năm phiên họp. Trước đây, đối với Livvy, đại hội có nghĩa là lúc để vẽ nguệch ngoạc hoặc vô tình chợp mắt trong chốc lát. Nhưng đại hội trung ương tháng Mười vừa qua thì khác. Nó đã trở nên cá nhân đối với em.
Lần này, Livvy quyết định là một người chủ động lắng nghe. Em ấy tắt chuông các thông báo trên điện thoại của mình và ghi chú lại những ấn tượng từ Thánh Linh. Em ấy đã ngạc nhiên khi cảm nhận được những điều cụ thể mà Thượng Đế muốn em ấy nghe và làm theo. Quyết định này đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của em ấy gần như ngay lập tức.
Chỉ vài ngày sau đó, các bạn của em ấy mời em ấy đi xem một bộ phim không thích hợp. Em ấy nhớ lại: “Tôi nhớ lại những sứ điệp và cảm giác mình đã có khi xem đại hội, và tôi biết rằng mình nên từ chối.” Em ấy cũng đã có can đảm để chia sẻ chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi trong tiểu giáo khu của mình.
Sau những việc này, em ấy nói “Điều đáng kinh ngạc là, khi tôi nghe mình làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, tôi đã cảm nhận được Đức Thánh Linh xác nhận điều đó một lần nữa với tôi.”
Livvy đã không lướt qua những ngày cuối tuần của đại hội; mà em đã nỗ lực bằng cả tâm trí và thuộc linh, và rồi chứng ngôn cùng sự làm chứng của em về Đấng Cứu Rỗi đã được củng cố.
Và đây là Maddy. Khi gia đình em ngừng tham dự nhà thờ, Maddy đã bị bối rối và không biết chắc phải làm gì. Em ấy nhận ra mình đang thiếu một điều gì đó quan trọng. Vì vậy, ở tuổi 13, Maddy đã bắt đầu tham dự nhà thờ một mình. Mặc dù việc đi nhà thờ một mình đôi lúc rất khó khăn và không thoải mái, nhưng em ấy biết mình có thể tìm được Đấng Cứu Rỗi ở nhà thờ và em ấy muốn được ở nơi mà Ngài hiện diện. Em ấy nói: “Ở nhà thờ, tâm hồn tôi cảm thấy giống như ở nhà vậy.”
Maddy được an ủi với sự thật rằng gia đình em đã được gắn bó với nhau cho thời vĩnh cửu. Em ấy bắt đầu dẫn các em trai của mình đến nhà thờ và cùng học thánh thư với chúng ở nhà. Cuối cùng mẹ em bắt đầu đi nhà thờ trở lại cùng họ. Maddy nói với mẹ về ước muốn của em để đi phục vụ truyền giáo và hỏi liệu mẹ có sẵn sàng tham dự đền thờ cùng mình không.
Ngày hôm nay, Maddy đang ở Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo (MTC). Em ấy đang phục vụ. Em ấy đang làm chứng về Đấng Ky Tô. Tấm gương của em đã giúp cả cha và mẹ của em quay trở lại đền thờ và quay về cùng với Đấng Ky Tô.
Giống như Livvy và Maddy, khi chúng ta chọn tìm kiếm Đấng Ky Tô, Thánh Linh sẽ làm chứng về Ngài trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Những sự làm chứng này của Thánh Linh xảy đến khi chúng ta nhịn ăn, cầu nguyện, trông chờ, và tiếp tục tiến bước. Chúng ta gần gũi với Đấng Ky Tô hơn qua việc thường xuyên thờ phượng trong đền thờ, hối cải hằng ngày, học thánh thư, tham dự nhà thờ và lớp giáo lý, suy ngẫm phước lành tộc trưởng của mình, tiếp nhận các giáo lễ một cách xứng đáng, và tôn trọng các giao ước thiêng liêng. Tất cả những điều này mời Thánh Linh soi sáng tâm trí chúng ta, và chúng cũng mang đến thêm sự bình an cùng sự bảo vệ. Nhưng chúng ta có tôn trọng những điều đó như những cơ hội thiêng liêng để làm chứng về Đấng Ky Tô không?
Tôi đã tham dự đền thờ rất nhiều lần, nhưng mỗi khi tôi thờ phượng trong ngôi nhà của Chúa, điều đó thay đổi tôi. Thỉnh thoảng khi nhịn ăn, tôi thấy mình chỉ cảm thấy đói, nhưng những lần khác, tôi yêu thích và thấy được lợi ích về mặt thuộc linh. Có đôi lúc tôi lẩm nhẩm những lời cầu nguyện lặp đi lặp lại theo thói quen, nhưng tôi cũng háo hức đến để nhận được lời khuyên dạy của Chúa qua lời cầu nguyện.
Việc thực hiện các thói quen thiêng liêng này không chỉ là để làm theo một bản liệt kê những điều cần làm, mà là để được làm chứng thì sẽ mang lại quyền năng. Tiến trình này diễn ra dần dần nhưng sẽ phát triển qua sự tham gia hằng ngày một cách tích cực cùng các kinh nghiệm có mục đích với Đấng Ky Tô. Khi kiên trì hành động theo lời dạy của Ngài, chúng ta sẽ đạt được một chứng ngôn về Ngài; chúng ta xây đắp một mối quan hệ với Ngài cùng Cha Thiên Thượng. Chúng ta bắt đầu trở nên giống như Hai Ngài.
Kẻ nghịch thù tạo ra quá nhiều tiếng ồn ào khiến chúng ta khó có thể nghe được tiếng nói của Chúa. Thế giới của chúng ta, các thử thách cùng hoàn cảnh của chúng ta sẽ không trở nên yên tĩnh hơn, nhưng chúng ta có thể và cần phải sốt sắng và khao khát những điều của Đấng Ky Tô để “lắng nghe Ngài” một cách rõ ràng.2 Chúng ta muốn tạo ra những thói quen của vai trò môn đồ và chứng ngôn mà sẽ giúp chúng ta tập trung sự tin cậy của mình vào Đấng Cứu Rỗi mỗi ngày.
Cha tôi đã qua đời hơn 11 năm, nhưng lời của ông vẫn còn sống mãi trong tôi. “Bonnie à, đừng bao giờ từ bỏ cơ hội để làm chứng về Đấng Ky Tô nhé.” Tôi mời anh chị em hãy cùng với tôi chấp nhận lời mời này của ông. Hãy tìm kiếm Đấng Ky Tô ở mọi nơi―tôi hứa rằng Ngài ở đó!3 Niềm vui đích thực phụ thuộc vào việc chúng ta sẵn lòng đến gần Đấng Ky Tô hơn và được tận mắt chứng kiến.
Chúng ta biết rằng trong những ngày sau cùng “mọi đầu gối sẽ phải quỳ xuống, và mọi lưỡi sẽ phải thú nhận” rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.4 Tôi cầu nguyện rằng sự làm chứng này sẽ trở thành một kinh nghiệm bình thường và tự nhiên đối với chúng ta bây giờ—rằng chúng ta sẽ tận dụng mọi cơ hội để vui vẻ làm chứng rằng: Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống!
Ôi, tôi yêu mến Ngài biết bao. Chúng ta biết ơn biết bao về Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài mà “làm cho cuộc sống vĩnh cửu trở thành điều khả thi và sự bất diệt trở thành [hiện thực] cho tất cả [chúng ta].”5 Tôi làm chứng về lòng nhân từ và vinh quang vĩ đại của Đấng Cứu Rỗi trong thánh danh của Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.