Được Quy Tụ Về Nhà An Toàn
Chúng ta đang ở một vị trí đặc biệt chưa từng có để quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn theo kế hoạch của Đức Chúa Cha.
Chủ Tịch Russell M. Nelson, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, đã nhấn mạnh nhiều đến trách nhiệm đặc biệt của chúng ta là giúp quy tụ dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán và chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.1 Cha linh hồn của chúng ta mong muốn con cái của Ngài được quy tụ về nhà an toàn.
Kế hoạch của Cha Thiên Thượng để quy tụ con cái của Ngài về ngôi nhà thiên thượng một cách an toàn không dựa trên sự thành công thế gian, tình trạng kinh tế, học vấn, chủng tộc, hoặc giới tính. Kế hoạch của Đức Chúa Cha được dựa trên sự ngay chính, việc tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, việc tiếp nhận các giáo lễ thiêng liêng cùng tôn trọng các giao ước chúng ta đã lập.2
Nền tảng cho công việc quy tụ vĩ đại này chính là giáo lý được soi dẫn thiêng liêng nói rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em và “tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế.” Giáo lý này phù hợp với những ai hết lòng mong muốn những người có tình trạng kinh tế và chủng tộc khác nhau có được cuộc sống tốt hơn. Chúng ta hoan nghênh và tham gia vào những nỗ lực như vậy. Ngoài ra, chúng ta mong muốn tất cả con cái của Thượng Đế đến cùng Ngài và nhận được các phước lành vĩnh cửu mà Ngài ban cho qua phúc âm của Ngài.3 Trong lời mở đầu của Chúa về sách Giáo Lý và Giao Ước, Ngài phán: “Hãy nghe đây, các ngươi là dân từ chốn xa xăm; và các ngươi là dân trên các hải đảo, hãy cùng nghe đây.”4
Tôi thích câu đầu tiên trong sách Giáo Lý và Giao Ước đã nói đến những người sống trên “các hải đảo.” Tôi đã có ba sự kêu gọi cụ thể để phục vụ và sống trên các hải đảo. Thứ nhất, tôi đã phục vụ với tư cách là một người truyền giáo trẻ tuổi ở Quần Đảo Anh, thứ hai là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương mới ở Quần Đảo Philippines, và sau đó là Chủ Tịch Giáo Vùng ở Quần Đảo Thái Bình Dương, bao gồm nhiều hòn đảo thuộc quần đảo Polynesia.
Cả ba khu vực này đã quy tụ thành công những người tin vào phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Những người truyền giáo đến Quần Đảo Anh lần đầu tiên vào năm 1837. Lúc đó là một năm sau khi Joseph Smith làm lễ cung hiến Đền Thờ Kirtland, nơi mà Môi Se đã giao “những chìa khóa về sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên từ bốn phương trời, và về sự dẫn dắt mười chi tộc từ đất phương bắc.”5 Thành công ban đầu ở Quần Đảo Anh là một huyền thoại. Đến năm 1851, hơn một nửa các tín hữu của Giáo Hội là những người cải đạo đã chịu phép báp têm đang sống ở Quần Đảo Anh.6
Năm 1961, Anh Cả Gordon B. Hinckley đến thăm và bắt đầu các nỗ lực truyền giáo toàn thời gian ở Quần Đảo Philippines. Vào lúc đó chỉ có một người Philippines nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Đáng kinh ngạc thay, ngày nay có hơn 850.000 tín hữu của Giáo Hội ở Quần Đảo Philippines. Tôi ngưỡng mộ người dân Philippines; họ có một tình yêu thương sâu đậm và bền lòng dành cho Đấng Cứu Rỗi.
Có lẽ ít được biết đến hơn là nỗ lực truyền giáo đang diễn ra ở Quần Đảo Polynesia. Nó bắt đầu vào năm 1844 khi Addison Pratt đến Polynesia thuộc Pháp ngày nay.7 Nhiều người Polynesia vốn đã tin vào gia đình vĩnh cửu và chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của họ. Ngày nay gần 25 phần trăm người dân Polynesia, tại Quần Đảo Polynesia, là tín hữu của Giáo Hội.8
Có lần tôi lắng nghe một thiếu nữ 17 tuổi sống trên một hòn đảo Tahiti xa xôi, là tín hữu thế hệ thứ bảy. Em bày tỏ lòng kính trọng các tổ tiên của mình đã được cải đạo vào năm 1845 ở Tubuai, hai năm trước khi các tín hữu giáo hội đầu tiên đến Thung Lũng Salt Lake.9
Giáo lý của chúng ta nói rõ rằng sẽ có kỳ định và thì tiết cho tất cả mọi người để tiếp nhận và hưởng ứng sứ điệp phúc âm. Những ví dụ này chỉ là một phần của một bức tranh lớn hơn nhiều. Chủ Tịch Nelson đã liên tục nhấn mạnh rằng “sự quy tụ Y Sơ Ra Ên là thử thách, … chính nghĩa, và … công việc lớn lao nhất trên thế gian ngày nay.”10
Trước khi có Sự Phục Hồi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, kể cả sự ra đời của Sách Mặc Môn và sự mặc khải cùng các chìa khóa chức tư tế được ban cho Tiên Tri Joseph Smith, sự hiểu biết về sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên vẫn còn rời rạc và hạn chế.11
Cái tên đặc biệt “Y Sơ Ra Ên” là danh hiệu được ban cho Gia Cốp.12 Nó đại diện cho con cháu của Áp Ra Ham qua Y Sác và Gia Cốp. Lời hứa và giao ước ban đầu dành cho Tổ Phụ Áp Ra Ham được ghi trong Áp Ra Ham 2:9–10, có phần viết là:
“Ta sẽ làm cho ngươi thành một nước lớn, …
“Và ta sẽ ban phước cho [tất cả các nước] qua danh của ngươi; vì tất cả những ai tiếp nhận Phúc Âm này sẽ được gọi theo tên của ngươi, và sẽ được xem như dòng dõi của ngươi, và sẽ đứng lên chúc phước cho ngươi là tổ phụ của họ.”
Trong Đại Hội Đồng trên Thiên Thượng ở cuộc sống tiền dương thế, kế hoạch cứu rỗi đã được thảo luận và tán trợ. Nó bao gồm một số luật pháp và giáo lễ của chức tư tế được thiết lập trước khi có sự tạo dựng thế gian và được căn cứ vào sự quy tụ.13 Nó cũng lấy quyền tự quyết làm nguyên tắc quan trọng hơn hết.
Sau vài thế kỷ với tư cách là một dân tộc hùng mạnh, bao gồm các triều đại của Sau Lơ, Đa Vít và Sa Lô Môn, Y Sơ Ra Ên bị chia rẽ. Chi tộc Giu Đa và một phần của chi tộc Bên Gia Min trở thành vương quốc Giu Đa. Phần còn lại, được gọi là mười chi tộc, trở thành vương quốc Y Sơ Ra Ên.14 Sau 200 năm tồn tại riêng biệt, sự phân tán đầu tiên của Y Sơ Ra Ên đã xảy ra vào năm 721 trước Công Nguyên khi mười chi tộc Y Sơ Ra Ên bị vua A Si Ri bắt đi làm phu tù.15 Về sau, họ đi đến các xứ miền bắc.16
Năm 600 trước Công Nguyên vào lúc bắt đầu Sách Mặc Môn, Tổ Phụ Lê Hi dẫn một nhóm dân Y Sơ Ra Ên đến Châu Mỹ. Lê Hi hiểu về sự phân tán của Y Sơ Ra Ên mà ông là một phần trong đó. Ông được Nê Phi trích dẫn khi nói rằng gia tộc Y Sơ Ra Ên “được ví như cây ô liu có nhiều cành bị bẻ gãy và bị phân tán khắp trên mặt đất.”17
Ở nơi gọi là Tân Thế Giới, lịch sử của dân Nê Phi và dân La Man như được ghi trong Sách Mặc Môn kết thúc vào khoảng năm 400 sau Công Nguyên. Con cháu của Tổ Phụ Lê Hi lan tràn khắp Châu Mỹ.18
Điều này được Mặc Môn mô tả rõ ràng trong 3 Nê Phi 5:20, có ghi rằng: “Tôi là Mặc Môn, và là con cháu chính thống của Lê Hi. Tôi có lý do để chúc phước cho Thượng Đế của tôi và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của tôi, vì Ngài đã đem tổ phụ của chúng tôi ra khỏi xứ Giê Ru Sa Lem.”19
Rõ ràng điểm nổi bật trong dòng lịch sử của Y Sơ Ra Ên là sự giáng sinh, sứ điệp, giáo vụ, và sứ mệnh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.20
Sau cái chết và Sự Phục Sinh có ảnh hưởng vĩnh cửu của Đấng Cứu Rỗi, sự phân tán nổi tiếng lần thứ hai của dân Giu Đa xảy ra từ năm 70 sau Công Nguyên đến năm 135 sau Công Nguyên, bởi sự đàn áp và ngược đãi của Người La Mã, dân Do Thái phân tán khắp các vùng đất được biết đến lúc bấy giờ.
Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Sách Mặc Môn ra đời như một điềm triệu cho thấy Chúa đã bắt đầu quy tụ con cái giao ước.”21 Do đó, Sách Mặc Môn, do Tiên Tri Joseph Smith phiên dịch qua ân tứ và quyền năng của Thượng Đế, chủ yếu dành cho con cháu của Lê Hi, dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán, và Dân Ngoại là những người được nhận vào các chi tộc Y Sơ Ra Ên. Một phần tiêu đề của chương 1 Nê Phi 22 có ghi rằng: “Y Sơ Ra Ên sẽ bị phân tán trên khắp mặt đất—Dân Ngoại sẽ nuôi dưỡng Y Sơ Ra Ên bằng phúc âm vào những ngày sau cùng.” Trang tựa Sách Mặc Môn viết rằng một trong các mục đích của sách là để “thuyết phục cho người Do Thái và người Dân Ngoại tin rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.” Với Sự Phục Hồi và Sách Mặc Môn, khái niệm quy tụ Y Sơ Ra Ên đã được mở rộng đáng kể.22
Những người chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, bất kể thuộc vào dòng dõi nào, đều là một phần của Y Sơ Ra Ên được quy tụ.23 Với sự quy tụ đó và vô số đền thờ đã được xây cất và loan báo, chúng ta đang ở một vị trí đặc biệt chưa từng có để quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che theo kế hoạch của Đức Chúa Cha.
Chủ Tịch Spencer W. Kimball, khi nói về sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên theo nghĩa đen, đã phát biểu: “Bây giờ, sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên gồm có việc gia nhập giáo hội chân chính và … tiến đến một sự hiểu biết về Thượng Đế chân chính.… Do đó, bất cứ người nào đã chấp nhận phúc âm phục hồi, và những người hiện đang tìm cách thờ phượng Chúa bằng ngôn ngữ của mình và với Các Thánh Hữu ở những quốc gia nơi mình sinh sống, đều đã tuân thủ luật pháp về sự quy tụ Y Sơ Ra Ên và là người thừa hưởng tất cả các phước lành đã được hứa cho Các Thánh Hữu trong những ngày sau cùng.”24
“Sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên giờ đây liên quan đến sự cải đạo.”25
Khi được nhìn qua một lăng kính rõ ràng, các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có đặc ân lớn lao để yêu thương, chia sẻ, mời gọi và giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên để nhận được trọn vẹn các phước lành giao ước của Chúa. Họ bao gồm người Châu Phi và Châu Âu, người Nam Mỹ và Bắc Mỹ, người Châu Á, châu Úc, và những người sống trên các hải đảo. “Vì thật vậy, tiếng nói của Chúa phán ra cho tất cả mọi người.”26 “Sự quy tụ này sẽ tiếp tục cho đến khi những người ngay chính được quy tụ trong giáo đoàn Các Thánh Hữu ở các quốc gia trên thế giới.”27
Không ai nói về sự quy tụ rõ ràng hơn Chủ tịch Russell M. Nelson: “Bất cứ lúc nào [anh chị em] làm bất cứ điều gì để giúp bất cứ ai—ở cả hai bên bức màn che—tiến một bước đến việc lập giao ước với Thượng Đế và tiếp nhận các giáo lễ báp têm và đền thờ cần thiết của họ, thì tức là [anh chị em] đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Chỉ đơn giản vậy thôi.”28
Hiện tại, Giáo Hội ra sao? Trong 62 năm kể từ khi tôi bắt đầu phục vụ truyền giáo vào năm 1960, con số những người truyền giáo toàn thời gian đang phục vụ dưới sự kêu gọi của vị tiên tri đã tăng từ 7.683 đến 62.544. Con số các phái bộ truyền giáo đã tăng từ 58 đến 411. Con số các tín hữu đã tăng từ khoảng 1.700.000 đến khoảng 17.000.000 người.
Đại dịch COVID-19 tạm thời ảnh hưởng đến một số cơ hội của chúng ta để chia sẻ phúc âm. Nhưng nó cũng mang lại kinh nghiệm qua việc sử dụng công nghệ mới, mà sẽ làm gia tăng đáng kể sự quy tụ. Chúng tôi biết ơn rằng các tín hữu và những người truyền giáo hiện đang mở rộng các nỗ lực để quy tụ dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán. Sự tăng trưởng tiếp tục ở khắp mọi nơi, nhất là Nam Mỹ và Châu Phi. Chúng tôi cũng biết ơn rằng có rất nhiều người trên khắp thế giới đã đáp ứng lời mời gọi mạnh mẽ của Chủ Tịch Nelson để gia tăng số lượng người phục vụ truyền giáo. Tuy nhiên, sự cam kết của chúng ta để yêu thương, chia sẻ và mời gọi có thể được mở rộng đáng kể.
Một phần thiết yếu của nỗ lực truyền giáo này là để cho mỗi tín hữu trở thành những ngọn hải đăng29 ở bất cứ nơi nào chúng ta sống.30 Chúng ta không thể ẩn mình. Tấm gương giống như Đấng Ky Tô của chúng ta về lòng nhân từ, sự ngay chính, hạnh phúc và tình yêu thương chân thành dành cho tất cả mọi người không những có thể tạo ra ánh sáng dẫn đường cho họ mà còn giúp họ hiểu rằng có một bến đỗ an toàn trong các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.
Xin hãy hiểu rằng có những phước lành phi thường trong việc chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Thánh thư nói về niềm vui và sự bình an, sự tha thứ các tội lỗi, sự bảo vệ khỏi những cám dỗ, và quyền năng hỗ trợ từ Thượng Đế.31 Khi suy ngẫm về những điều sau cuộc sống trần thế này, chúng ta sẽ được chuẩn bị để chia sẻ phúc âm với những người “ở trong bóng tối và dưới vòng nô lệ của tội lỗi trong thế giới bao la của những linh hồn người chết.”32
Lời cầu nguyện cụ thể của tôi hôm nay là dành cho mọi trẻ em, thiếu niên, thiếu nữ, gia đình, nhóm túc số, Hội Phụ Nữ và lớp học để xem lại cách mà mỗi cá nhân chúng ta và cả tập thể chấp nhận lời khuyên dạy sâu sắc để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên mà đã được Chúa và vị tiên tri yêu dấu của chúng ta đưa ra.
Chúng ta tôn trọng quyền tự quyết. Trong thế giới thế tục này, nhiều người sẽ không hưởng ứng hay tham gia vào việc quy tụ Y Sơ Ra Ên. Nhưng nhiều người khác sẽ làm như vậy, và Chúa kỳ vọng những người đã nhận được phúc âm của Ngài phải khẩn trương cố gắng làm một ngọn hải đăng mà sẽ giúp những người khác đến với Thượng Đế. Điều này cho phép anh chị em của chúng ta trên khắp thế giới vui hưởng các phước lành và giáo lễ thiêng liêng của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô và được quy tụ về nhà an toàn.
Là một sứ đồ, tôi làm chứng một cách chắc chắn và vững vàng về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô và kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.