Đại Hội Trung Ương
Sau Ngày Thứ Tư
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


10:43

Sau Ngày Thứ Tư

Khi chúng ta tiến bước với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì sẽ luôn luôn có một ngày thứ tư như thế. Ngài sẽ luôn luôn đến để giúp chúng ta.

Như đã được nhắc nhở vào sáng nay, hôm nay là Chủ Nhật Lễ Lá, đánh dấu việc Đấng Cứu Rỗi đắc thắng tiến vào thành Giê Ru Sa Lem và bắt đầu tuần lễ thánh diễn ra trước Sự Chuộc Tội vĩ đại của Ngài, mà bao gồm nỗi thống khổ, Sự Đóng Đinh trên Thập Tự Giá, và Sự Phục Sinh của Ngài.

Không lâu trước sự tiến vào thành mà đã được các vị tiên tri tiên đoán này, Chúa Giê Su Ky Tô đang tập trung hoàn toàn vào giáo vụ của mình khi Ngài nhận được tin từ hai người bạn thân thiết là Ma Ri và Ma Thê báo rằng anh trai La Xa Rơ của họ bị bệnh.1

Mặc dù bệnh tình của La Xa Rơ rất nghiêm trọng, Chúa vẫn “ở lại hai ngày nữa trong nơi Ngài đương ở. Rồi đó, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Chúng ta hãy trở về xứ Giu Đê.”2 Trước khi bắt đầu cuộc hành trình đến nhà các bạn của Ngài ở Bê Tha Ni, “[Chúa Giê Su] bèn nói tỏ tường cùng [các môn đồ của Ngài] rằng: La Xa Rơ chết rồi.”3

Khi Chúa Giê Su đến Bê Tha Ni và gặp Ma Thê trước tiên, rồi đến Ma Ri, có lẽ vì thất vọng bởi Ngài đến trễ nên cả hai đều chào Ngài bằng câu: “Lạy Chúa, nếu có Chúa đây, thì anh tôi không chết!”4 Ma Thê còn nói rằng: “Lạy Chúa, đã có mùi, vì người nằm đó bốn ngày rồi.”5

Bốn ngày đó rất quan trọng với Ma Ri và Ma Thê. Theo một số trường phái tư tưởng Do Thái, người ta tin rằng linh hồn của người chết sẽ ở lại với cơ thể trong ba ngày, mang lại hy vọng rằng họ vẫn có thể sống lại. Tuy nhiên, đến ngày thứ tư thì hy vọng đó tiêu tan, có lẽ bởi vì thân xác bắt đầu phân hủy và “có mùi.”6

Ma Ri và Ma Thê đang ở trong trạng thái tuyệt vọng. “Đức Chúa Giê Su thấy [Ma Ri] khóc, … bèn đau lòng cảm động,

“Mà phán rằng: Các ngươi đã chôn người ở đâu? Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin hãy lại coi.”7

Chính là giây phút này mà chúng ta thấy được một trong những phép lạ vĩ đại nhất trong giáo vụ trên trần thế của Ngài. Trước tiên, Chúa phán: “Hãy lăn hòn đá đi.”8 Rồi sau khi cảm tạ Cha Ngài, “[Ngài] bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La Xa Rơ, hãy ra!

“Người chết đi ra, chân tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. [Chúa Giê Su] phán cùng chúng rằng: Hãy mở cho người, và để người đi.”9

Giống như Ma Ri và Ma Thê, chúng ta có cơ hội đến cuộc sống trần thế này, nếm trải cả nỗi buồn10 lẫn sự yếu đuối.11 Mỗi người chúng ta sẽ trải qua nỗi đau khi mất đi người mà chúng ta yêu mến. Cuộc hành trình trần thế của chúng ta có lẽ có cả bệnh tật của bản thân hoặc của người thân yêu; trầm cảm, lo âu, hoặc các thử thách khác về sức khỏe tâm thần; khó khăn tài chính; bị phản bội; tội lỗi. Và đôi khi những vấn đề này còn mang đến cảm nghĩ vô vọng. Tôi cũng không khác gì. Cũng như anh chị em, tôi đã trải qua vô vàn thử thách chắc chắn sẽ đến trong cuộc sống này. Tôi suy nghĩ nhiều về câu chuyện này của Đấng Cứu Rỗi và điều nó dạy cho tôi về mối quan hệ của chúng ta với Ngài.

Những khi lo sợ nhất, chúng ta, giống như Ma Ri và Ma Thê, tìm đến Đấng Cứu Rỗi hoặc cầu xin sự can thiệp thiêng liêng của Cha Thiên Thượng. Câu chuyện về La Xa Rơ dạy cho chúng ta các nguyên tắc có thể áp dụng cho cuộc sống của chính chúng ta khi phải đối mặt với các thử thách cá nhân.

Khi Đấng Cứu Rỗi đến Bê Tha Ni, tất cả mọi người đều không còn hy vọng là La Xa Rơ có thể được cứu nữa—đã bốn ngày rồi, ông ấy chết thật rồi. Đôi khi trong những thử thách của mình, chúng ta có thể cảm thấy như Đấng Ky Tô đến quá trễ và hy vọng cùng đức tin của chúng ta thậm chí bị lung lay. Tôi làm chứng rằng khi chúng ta tiến bước với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì sẽ luôn luôn có một ngày thứ tư như thế. Ngài sẽ luôn luôn đến để giúp chúng ta hoặc để mang hy vọng của chúng ta trở lại cuộc đời. Ngài đã hứa:

“Lòng các ngươi chớ hề bối rối.”12

“Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi.”13

Đôi khi dường như Ngài không đến cùng chúng ta cho đến tận “ngày thứ tư”, là khi mọi hy vọng đều tan biến. Nhưng tại sao phải trễ như vậy? Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy: “Cha Thiên Thượng, là Đấng đã ban cho chúng ta rất nhiều điều để vui hưởng, cũng biết rằng chúng ta học hỏi, phát triển và trở nên vững mạnh hơn khi đối phó và qua khỏi được các thử thách mình phải trải qua.”14

Kể cả Tiên Tri Joseph Smith cũng phải đối mặt với thử thách “ngày thứ tư” vô cùng lớn. Anh chị em còn nhớ lời khẩn nài của ông chứ? “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu? Và đâu là lều bao phủ chốn ẩn náu của Ngài?”15 Khi chúng ta tin ở Ngài, chúng ta có thể mong đợi một câu trả lời tương tự: “Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi.”16

Một sứ điệp khác mà chúng ta có thể học được từ câu chuyện của La Xa Rơ là về vai trò của chúng ta trong sự can thiệp thiêng liêng mà chúng ta đang tìm kiếm. Khi Chúa Giê Su đến ngôi mộ, trước tiên Ngài phán với những người ở đó là: “Hãy lăn hòn đá đi.”17 Với quyền năng của mình, Đấng Cứu Rỗi có thể làm phép lạ để dịch chuyển hòn đá dễ dàng mà không cần tốn sức cơ mà? Tuy việc đó có thể là một kinh nghiệm ấn tượng và khó quên cho mọi người chứng kiến, nhưng Ngài lại phán với họ: “Hãy lăn hòn đá đi.”

Thứ hai, Chúa “kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La Xa Rơ, hãy ra.”18 Chẳng phải sẽ ấn tượng hơn nếu chính Chúa khiến cho La Xa Rơ xuất hiện kỳ diệu ở cửa mộ để đám đông có thể nhìn thấy ông ấy ngay lập tức khi tảng đá được dời đi hay sao?

Thứ ba, khi La Xa Rơ đi ra, “chân tay [ông] buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. [Chúa Giê Su] phán cùng chúng rằng: Hãy mở cho người, và để người đi.”19 Tôi chắc rằng Chúa có thể khiến cho La Xa Rơ đứng ở cửa mộ, trong bộ dạng sạch sẽ và dễ gần, với vải liệm đã được gấp gọn gàng.

Mục đích của việc chỉ ra những khía cạnh này là gì? Cả ba điều này đều có một điểm chung—đó là không cần sử dụng đến quyền năng thiêng liêng của Đấng Ky Tô. Những gì mà các môn đồ của Ngài có thể làm được thì Ngài đã chỉ thị cho họ làm rồi. Các môn đồ chắc chắn có thể tự họ lăn hòn đá ra; La Xa Rơ, sau khi được làm cho sống lại, có thể đứng lên và tự đi ra cửa mộ; và những người yêu mến La Xa Rơ hoàn toàn có thể giúp ông tháo lớp vải liệm.

Tuy nhiên, chỉ có Đấng Ky Tô mới có quyền năng và thẩm quyền để làm cho La Xa Rơ sống lại. Điều tôi ấn tượng là Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm, rồi Ngài sẽ làm điều mà chỉ có Ngài mới có thể làm được.20

Chúng ta biết rằng “đức tin [nơi Chúa Giê Su Ky Tô] là một nguyên tắc [cần] hành động”21 và “phép lạ không sinh ra đức tin, nhưng đức tin vững mạnh được phát triển qua sự vâng theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nói cách khác, đức tin đến bởi sự ngay chính.”22 Khi chúng ta cố gắng hành động ngay chính bằng cách lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng và áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô vào cuộc sống, thì đức tin của chúng ta không chỉ đủ để giúp chúng ta đến “ngày thứ tư”, mà cùng với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta cũng sẽ có khả năng dời những hòn đá cản trở con đường của mình, vực dậy sau nỗi tuyệt vọng, và cởi hết những dây trói buộc chúng ta. Trong khi Chúa mong muốn chúng ta “làm mọi công việc trong tầm khả năng của chúng ta,”23 hãy nhớ rằng Ngài sẽ cung ứng sự giúp đỡ cần thiết trong mọi công việc này nếu chúng ta tin cậy Ngài.

Làm thế nào chúng ta có thể dời những hòn đá và xây dựng trên tảng đá của Ngài?24 Chúng ta có thể tuân theo lời khuyên bảo của các vị tiên tri.

Ví dụ, vào tháng Mười năm ngoái, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khẩn nài chúng ta phải chịu trách nhiệm cho chứng ngôn của chính chúng ta về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài, nỗ lực tìm kiếm và nuôi dưỡng chứng ngôn đó bằng lẽ thật, và tránh làm suy yếu chứng ngôn đó bởi triết lý sai lạc của những người không tin. Ông hứa với mỗi chúng ta: “Khi anh chị em đặt ưu tiên cao nhất cho việc tiếp tục củng cố chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô, hãy chờ xem những phép lạ xảy đến trong cuộc sống của mình.”25

Chúng ta có thể làm được!

Làm thế nào chúng ta có thể “trỗi dậy và bước ra”? Chúng ta có thể hân hoan hối cải và chọn vâng theo các lệnh truyền. Chúa phán: “Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta.”26 Chúng ta có thể nỗ lực để hối cải hằng ngày và vui vẻ tiến bước với tấm lòng sẵn sàng, tràn ngập tình yêu thương dành cho Chúa.

Chúng ta có thể làm được!

Cùng với sự giúp đỡ của Chúa, làm thế nào để chúng ta có thể cởi hết những dây trói buộc mình? Chúng ta có thể chủ ý ràng buộc chúng ta trước nhất với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, qua các giao ước. Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy: “Nguồn quyền năng đạo đức và thuộc linh đó là gì, và làm sao chúng ta đạt được nó? Nguồn gốc đó là Thượng Đế. Chúng ta đạt được quyền năng đó qua các giao ước với Ngài. … Trong các thỏa thuận thiêng liêng này, Thượng Đế đã tự ràng buộc Ngài để hỗ trợ, thánh hóa, và tôn cao chúng ta, đổi lại [là] sự cam kết của chúng ta để phục vụ Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.”27 Chúng ta có thể lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng.

Chúng ta có thể làm được!

“Hãy lăn hòn đá đi.” “Hãy ra.” “Hãy mở cho người, và để người đi.”

Những lời khuyên bảo, các lệnh truyền, và các giao ước. Chúng ta có thể làm được!

Anh Cả Jeffrey R. Holland đã đưa ra lời hứa: “Một số phước lành đến sớm, một số phước lành đến muộn, và một số phước lành không đến cho đến lúc ở trên thiên thượng; nhưng đối với những người nào hoàn toàn chấp nhận và tuân theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì những phước lành đó sẽ đến.”28

Và cuối cùng, “vậy nên, hãy vui lên, và chớ sợ hãi, vì ta là Chúa đang ở với các ngươi, và ta sẽ đứng bên các ngươi.”29

Đây là chứng ngôn của tôi, trong thánh danh của Đấng sẽ luôn đến, là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Giăng 11:3.

  2. Giăng 11:6–7.

  3. Giăng 11:14.

  4. Giăng 11:21, 32.

  5. Giăng 11:39.

  6. “Linh hồn, theo niềm tin của người Do Thái, vẫn quẩn quanh bên thân xác ba ngày sau khi chết. Người Do Thái tin rằng vì vậy, một người đã chết không thể tỉnh lại vào ngày thứ tư, bởi vì linh hồn sẽ không thể nhập lại vào thân xác mà đã bị dịch chuyển vị trí. Vậy nên, việc Chúa Giê Su làm cho La Xa Rơ sống lại vào ngày thứ tư lại càng khiến những người chứng kiến thêm phần sửng sốt. Do đó, ngày thứ tư có một ý nghĩa đặc biệt ở đây, và được người kể chuyện cố tình nhắc đến để cho thấy đây là phép lạ vĩ đại nhất trong số những phép lạ phục sinh có thể xảy ra” (Ernst Haenchen, John 2: A Commentary on the Gospel of John, Các chương 7–21, do Robert W. Funk và Ulrich Busse biên soạn, được dịch bởi Robert W. Funk [năm 1984], trang 60–61).

  7. Giăng 11:33–34.

  8. Giăng 11:39.

  9. Giăng 11:43–44.

  10. Xin xem Môi Se 4:22–25.

  11. Xin xem Ê The 12:27.

  12. Giăng 14:1.

  13. Giăng 14:18.

  14. Thomas S. Monson, “Ta Sẽ Không Lìa Ngươi, Không Bỏ Ngươi Đâu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 87. Chủ Tịch Monson giải thích thêm: “Chúng ta biết rằng có những lúc chúng ta sẽ trải qua những nỗi đau khổ, khi đau buồn, và khi có thể bị thử thách đối với các giới hạn của mình. Tuy nhiên, những nỗi khó khăn như vậy cho phép chúng ta thay đổi để được tốt hơn, để xây dựng lại cuộc sống của mình theo cách Cha Thiên Thượng đã dạy chúng ta, và để trở thành một con người khác hơn với con người lúc trước của mình—tốt hơn so với con người mình trước đây, chúng ta hiểu biết nhiều hơn, đồng cảm nhiều hơn, với chứng ngôn vững mạnh hơn bao giờ hết” (“Ta Sẽ Không Lìa Ngươi, Không Bỏ Ngươi Đâu,” trang 87). Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 84:119: “Vì ta, là Chúa, đã đưa tay ra để vận dụng các quyền năng trên trời; giờ đây các ngươi không thể thấy được, nhưng một thời gian ngắn nữa thôi, các ngươi sẽ trông thấy được điều đó, và sẽ hiểu được rằng ta hằng hữu, và ta sẽ đến.”

    Xin xem thêm Mô Si A 23:21–24:

    “Tuy nhiên, Chúa thấy cần phải sửa phạt dân Ngài; phải, Ngài thử lòng kiên nhẫn và đức tin của họ.

    “Tuy nhiên—bất cứ kẻ nào đặt lòng tin cậy của mình nơi Ngài thì sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng. Phải, và đối với dân này là như vậy.

    “Vì này, tôi sẽ cho các người thấy rằng họ đã bị đưa vào vòng nô lệ và chẳng ai có thể giải cứu họ được ngoại trừ Chúa, Thượng Đế của họ, phải, là Thượng Đế của Áp Ra Ham, của Y Sác, và của Gia Cốp.

    “Và chuyện rằng, quả thật Ngài đã giải cứu họ, và Ngài đã cho họ thấy quyền năng lớn lao của Ngài, và những niềm vui sướng của họ lớn lao biết bao.”

  15. Giáo Lý và Giao Ước 121:1.

  16. Giáo Lý và Giao Ước 121:7.

  17. Giăng 11:39.

  18. Giăng 11:43.

  19. Giăng 11:44.

  20. Chủ Tịch Russell M. Nelson nhận xét: “Có nhiều khi, các cố vấn của tôi và tôi đã nhìn qua đôi mắt đẫm lệ khi Ngài cầu nguyện thay cho chúng tôi trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn sau khi chúng tôi đã cố gắng hết sức và không thể làm gì hơn được nữa. Quả thực chúng tôi đều vô cùng kinh ngạc” (“Sứ Điệp Khai Mạc,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 6).

  21. Bible Dictionary, “Faith.”

  22. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đức Tin,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.

  23. Giáo Lý và Giao Ước 123:17.

  24. Xin xem 3 Nê Phi 11:32–39.

  25. Russell M. Nelson, “Thắng Thế Gian và Tìm Sự Yên Nghỉ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 97.

  26. Giăng 14:21.

  27. D. Todd Christofferson, “Quyền Năng của Các Giao Ước,” Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 20.

  28. Jeffrey R. Holland, “An High Priest of Good Things to Come,” Liahona, tháng Một năm 2000, trang 45.

  29. Giáo Lý và Giao Ước 68:6.