“Ngươi Sẽ Ở trong Ta, và Ta Sẽ Ở trong Ngươi; Vậy Nên Hãy Đi Cùng với Ta”
Lời hứa của Đấng Cứu Rỗi rằng Ngài sẽ ở trong chúng ta là có thật và dành sẵn cho mọi tín hữu nào tuân giữ giao ước của Giáo Hội phục hồi của Ngài.
Vị tiên tri thời xưa Hê Nóc, được mô tả trong Kinh Cựu Ước, Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá,1 là công cụ trong việc thiết lập thành phố Si Ôn.
Câu chuyện trong thánh thư về sự kêu gọi phục vụ của Hê Nóc cho biết rằng “ông nghe một tiếng nói từ trên trời, phán rằng: Hỡi Hê Nóc, con trai của ta, hãy tiên tri cho dân này và nói với họ rằng—Phải hối cải, … vì lòng chúng đã trở nên chai đá, tai của chúng điếc, và mắt của chúng không thấy được xa.”2
“Và khi Hê Nóc nghe được những lời này, ông bèn sấp mình xuống đất … và thưa trước mặt Chúa rằng: Tại sao con lại được ưu đãi dưới mắt Chúa, trong khi con chỉ là một thiếu niên và tất cả mọi người ghét con; vì con là người nói năng chậm chạp; vậy nên con có phải là tôi tớ của Ngài chăng?”3
Xin lưu ý rằng vào thời điểm Hê Nóc được kêu gọi phục vụ, ông đã có nhận thức sâu sắc về những thiếu sót và giới hạn cá nhân của mình. Và tôi đoán rằng tất cả chúng ta dù lúc này hay lúc khác trong khi phục vụ Giáo Hội đều cảm thấy rất giống Hê Nóc. Nhưng tôi tin rằng câu trả lời của Chúa cho lời cầu vấn của Hê Nóc có tính chất chỉ dạy và áp dụng cho mỗi chúng ta ngày nay.
“Và Chúa phán cùng Hê Nóc: Hãy đi và làm theo lời ta đã truyền lệnh cho ngươi, và chẳng có ai xuyên thủng được ngươi. Hãy mở miệng ngươi ra, và nó sẽ được tràn đầy, và ta sẽ ban cho ngươi lời nói. …
“Này, Thánh Linh của ta ở trên ngươi, vậy nên tất cả những lời nói của ngươi sẽ được ta cho là chính đáng; và các núi sẽ chạy trốn trước mặt ngươi, và các sông sẽ đổi dòng của chúng; và ngươi sẽ ở trong ta, và ta sẽ ở trong ngươi; vậy nên hãy đi cùng với ta.”4
Cuối cùng, Hê Nóc đã trở thành một vị tiên tri mạnh mẽ và là công cụ trong tay Thượng Đế để hoàn thành một công việc vĩ đại, nhưng ông không bắt đầu giáo vụ của mình theo cách đó! Thay vào đó, khả năng của ông theo thời gian được gia tăng khi ông học cách tuân theo và bước đi với Vị Nam Tử của Thượng Đế.
Tôi tha thiết cầu xin sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh khi chúng ta cùng nhau xem xét lời khuyên dạy được Chúa ban cho Hê Nóc và ý nghĩa của điều đó đối với anh chị em và tôi ngày hôm nay.
Ngươi Sẽ Ở trong Ta
Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi mỗi người chúng ta nên ở lại trong Ngài.5 Nhưng làm thế nào để chúng ta thực sự học hỏi và rồi ở lại trong Ngài?
Từ ở lại có nghĩa là vẫn kiên định hoặc vững vàng và chịu đựng mà không đầu hàng. Anh Cả Jeffrey R. Holland giải thích rằng hành động “ở lại” có nghĩa “‘[là] lưu lại—nhưng [là] lưu lại vĩnh viễn.’ Đó là lời kêu gọi của sứ điệp phúc âm cho … mọi người … trên thế gian. Hãy đến, nhưng đến để ở lại. Hãy đến với lòng tin vững chắc và sự kiên trì chịu đựng. Hãy đến rồi ở lại vĩnh viễn, vì lợi ích của chính mình và lợi ích của tất cả các thế hệ theo sau anh chị em.”6 Do đó, chúng ta ở trong Đấng Ky Tô khi chúng ta vững vàng và kiên định trong sự tận tụy của mình đối với Đấng Cứu Chuộc và các mục đích thánh thiện của Ngài, trong lúc thuận lợi lẫn lúc khó khăn.7
Chúng ta bắt đầu ở trong Chúa bằng cách sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức của mình để mang lấy ách của Ngài8 qua các giao ước và các giáo lễ của phúc âm phục hồi. Mối liên hệ giao ước mà chúng ta có với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử phục sinh và hằng sống của Ngài là nguồn thiêng liêng của viễn cảnh, hy vọng, quyền năng, bình an và niềm vui lâu dài; nó cũng là nền tảng vững chắc như đá9 mà chúng ta nên xây dựng cuộc sống của mình trên đó.
Chúng ta ở trong Ngài bằng cách liên tục cố gắng củng cố mối ràng buộc giao ước cá nhân của mình với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Ví dụ, việc chân thành cầu nguyện lên Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu trong danh Con Trai Yêu Dấu của Ngài sẽ gia tăng và củng cố mối liên hệ giao ước của chúng ta với hai Ngài.
Chúng ta ở trong Ngài bằng cách thực sự nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô. Giáo lý của Đấng Cứu Rỗi thu hút chúng ta, với tư cách là con cái giao ước, đến gần Ngài hơn10 và sẽ cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta phải làm.11
Chúng ta ở trong Ngài bằng cách sốt sắng chuẩn bị tham dự giáo lễ Tiệc Thánh, xem xét và suy ngẫm về những lời hứa trong giao ước của mình và chân thành hối cải. Việc dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng là làm chứng với Thượng Đế rằng chúng ta sẵn lòng mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô và cố gắng “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài”12 sau một khoảng thời gian ngắn cần thiết để tham gia vào giáo lễ thiêng liêng đó.
Và chúng ta ở trong Ngài bằng cách phục vụ Thượng Đế khi chúng ta phục vụ con cái của Ngài và phục sự các anh chị em của mình.13
Đấng Cứu Rỗi phán: “Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.”14
Tôi đã mô tả ngắn gọn vài cách trong số nhiều cách mà chúng ta có thể ở trong Đấng Cứu Rỗi. Và giờ đây, tôi mời mỗi người chúng ta với tư cách là môn đồ của Ngài hãy cầu xin, tìm kiếm, gõ cửa và tự mình học hỏi bằng quyền năng của Đức Thánh Linh về những cách có ý nghĩa khác mà chúng ta có thể đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm của cuộc sống trong tất cả những gì chúng ta làm.
Và Ta Sẽ Ở trong Ngươi
Lời hứa của Đấng Cứu Rỗi dành cho các tín đồ của Ngài có hai phần: nếu chúng ta ở trong Ngài, thì Ngài sẽ ở trong chúng ta. Nhưng liệu Đấng Ky Tô quả thật có thể—đích thân ở trong mỗi anh chị em và tôi không? Câu trả lời cho câu hỏi này là một tiếng “có” dứt khoát!
Trong Sách Mặc Môn, chúng ta học về lời dạy và lời chứng của An Ma cho những người nghèo khó mà nỗi đau khổ của họ đã buộc họ phải trở nên khiêm nhường. Trong lời chỉ dẫn của mình, ông đã so sánh lời nói của Thượng Đế với một hạt giống phải được gieo trồng và nuôi dưỡng, và ông đã mô tả “lời nói” là cuộc đời, sứ mệnh và sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
An Ma nói: “Hãy bắt đầu tin nơi Vị Nam Tử của Thượng Đế, rằng Ngài sẽ đến để cứu chuộc dân Ngài, và Ngài sẽ chịu thống khổ và chết để chuộc tội cho họ, và rằng Ngài sẽ sống lại từ cõi chết, mà điều này sẽ mang lại sự phục sinh, khiến cho tất cả mọi người đều sẽ được đứng lên trước mặt Ngài để được phán xét vào ngày phán xét cuối cùng, tùy theo những việc làm của mình.”15
Dựa vào phần mô tả này của An Ma về “lời nói”, xin hãy xem xét mối liên hệ đầy cảm hứng mà ông xác định sau đó.
“Và giờ đây, … tôi mong rằng các người sẽ gieo trồng lời này vào tim mình, và khi nào nó bắt đầu nẩy nở thì các người hãy nuôi dưỡng nó với đức tin của mình. Và này, nó sẽ trở thành một cây, lớn mạnh trong các người cho tới cuộc sống vĩnh viễn. Và kế đó cầu xin Thượng Đế khiến cho gánh nặng của các người sẽ được nhẹ đi, qua sự vui mừng về Vị Nam Tử của Ngài. Và tất cả những điều này các người đều có thể làm được nếu các người muốn.”16
Hạt giống mà chúng ta nên cố gắng gieo vào lòng mình là lời nói—thậm chí là cuộc đời, sứ mệnh và giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô. Và khi được nuôi dưỡng bằng đức tin thì lời nói của Ngài có thể trở thành một cái cây lớn mạnh trong chúng ta cho tới cuộc sống vĩnh viễn.17
Biểu tượng của cái cây trong khải tượng của Lê Hi là gì? Cái cây có thể được coi là tượng trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô.18
Anh chị em thân mến, liệu rằng Lời Ngài có ở trong chúng ta không? Các lẽ thật trong phúc âm của Đấng Cứu Rỗi có được viết trong lòng chúng ta không?19 Chúng ta có đang đến gần và dần dần trở nên giống Ngài hơn không? Cây của Đấng Ky Tô có đang lớn lên trong chúng ta không? Chúng ta có đang cố gắng trở thành “[người] mới”20 trong Ngài không?21
Có lẽ tiềm năng kỳ diệu này đã truyền cảm hứng cho An Ma để hỏi rằng: “Các người đã được Thượng Đế sinh ra trong thể thuộc linh chưa? Các người đã thụ nhận được hình ảnh của Ngài trong sắc mặt mình chưa? Các người đã có nhận thấy sự thay đổi lớn lao này trong lòng mình chưa?”22
Chúng ta nên luôn luôn ghi nhớ lời chỉ dạy của Chúa dành cho Hê Nóc: “Ngươi sẽ ở trong ta, và ta sẽ ở trong ngươi.”23 Và tôi làm chứng rằng lời hứa của Đấng Cứu Rỗi rằng Ngài sẽ ở trong chúng ta là có thật và dành sẵn cho mọi tín hữu nào tuân giữ giao ước của Giáo Hội phục hồi của Ngài.
Vậy Nên Hãy Đi Cùng với Ta
Sứ Đồ Phao Lô khuyên nhủ những người tin mà đã tiếp nhận Chúa: “Hãy bước đi trong Ngài thể ấy.”24
Việc bước đi trong và cùng với Đấng Cứu Rỗi làm nổi bật hai khía cạnh quan trọng của vai trò môn đồ: (1) tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế, và (2) tưởng nhớ cũng như tôn trọng các giao ước thiêng liêng đã liên kết chúng ta với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử.
Giăng tuyên bố:
“Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài.
“Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.
“Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài.
“Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.”25
Chúa Giê Su vẫy gọi mỗi người chúng ta: “Hãy đến mà theo ta”26 và “hãy đi cùng với ta.”27
Tôi làm chứng rằng khi chúng ta tiến bước trong đức tin và bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh Chúa,28 thì chúng ta được ban phước với quyền năng, sự hướng dẫn, sự bảo vệ và bình an.
Chứng Ngôn và Lời Hứa
An Ma mô tả một lời khẩn nài đầy yêu thương từ Chúa cho tất cả mọi người:
“Này, Ngài gửi lời mời đến tất cả mọi người, vì cánh tay thương xót của Ngài đang dang ra về phía họ, và Ngài phán: Hãy hối cải, rồi ta sẽ thu nhận các ngươi.
“… Hãy đến cùng ta, rồi các ngươi sẽ được hưởng trái cây sự sống; phải, các ngươi sẽ được tự do ăn uống bánh nước của sự sống.”29
Tôi nhấn mạnh đến tính toàn diện tuyệt đối trong lời khẩn nài của Đấng Cứu Rỗi. Ngài khao khát ban phước với ân điển và lòng thương xót của Ngài cho mỗi người hiện đang sống, những người đã từng sống và những người sẽ sống trên thế gian.
Một số tín hữu Giáo Hội chấp nhận giáo lý, các nguyên tắc và chứng ngôn được tuyên bố nhiều lần từ bục giảng này ở Trung Tâm Đại Hội và trong các giáo đoàn địa phương trên khắp thế giới là đúng—nhưng vẫn có thể gặp khó khăn để tin rằng các lẽ thật vĩnh cửu này áp dụng cụ thể trong cuộc sống và hoàn cảnh của họ. Họ chân thành tin tưởng và phục vụ một cách nghiêm túc, nhưng mối liên hệ giao ước của họ với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử cứu chuộc của Ngài vẫn chưa trở thành một thực tế sống động và biến đổi trong cuộc sống của họ.
Tôi hứa rằng bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, anh chị em có thể biết và cảm nhận được các lẽ thật phúc âm mà tôi đã cố gắng mô tả là dành cho anh chị em—dành cho cá nhân của mỗi anh chị em.
Tôi vui mừng làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc nhân từ và hằng sống của chúng ta. Nếu chúng ta ở trong Ngài, thì Ngài sẽ ở trong chúng ta.30 Và khi bước đi trong và cùng với Ngài thì chúng ta sẽ được ban phước để kết được nhiều trái quý. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.