Anh Chị Em Có Biết Tại Sao Tôi, một Ky Tô Hữu, Tin nơi Đấng Ky Tô không?
Chúa Giê Su Ky Tô đã phải chịu đau khổ, chịu chết, và sống lại để cứu chuộc tất cả nhân loại khỏi cái chết thể xác và để ban cho cuộc sống vĩnh cửu với Thượng Đế.
Cách đây nhiều năm, vào một buổi tối sau giờ làm, tôi lên chuyến xe buýt quen thuộc từ Thành Phố New York về nhà ở New Jersey. Người phụ nữ mà tôi tình cờ ngồi cạnh đã để ý thấy những điều tôi đang viết trên máy tính và hỏi tôi: “Anh tin nơi … Đấng Ky Tô à?” Tôi đáp: “Vâng, tôi tin nơi Đấng Ky Tô!” Khi chúng tôi trò chuyện, tôi được biết chị vừa chuyển đến vùng này từ quốc gia Châu Á xinh đẹp để làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang cạnh tranh khốc liệt ở New York.
Một cách tự nhiên, tôi hỏi chị ấy rằng: “Chị có biết tại sao tôi, một Ky Tô Hữu, tin nơi Đấng Ky Tô không?” Chị ấy cũng trả lời theo lẽ thường và mời tôi hãy nói cho chị ấy biết lý do tại sao. Nhưng khi tôi bắt đầu nói, bỗng trong tôi có một khoảnh khắc với vô vàn những suy nghĩ tràn ngập trong tâm trí. Đây là lần đầu tiên tôi giải thích “lý do tại sao” của Ky Tô Giáo cho một người rất thông minh và khá lạ lẫm với điều này. Tôi không thể nói một cách đơn giản rằng: “Tôi noi theo Chúa Giê Su Ky Tô bởi vì Ngài sẵn lòng chịu đau khổ và chết vì tội lỗi của tôi.” Chị ấy có thể thắc mắc: “Chúa Giê Su có cần phải chết không? Chẳng lẽ Thượng Đế không thể tha thứ và tẩy sạch tội lỗi của chúng ta nếu chúng ta cầu xin Ngài sao?”
Anh chị em sẽ trả lời câu hỏi đó như thế nào trong một vài phút ngắn ngủi? Anh chị em sẽ giải thích điều này như thế nào với một người bạn? Các em thiếu nhi và giới trẻ thân mến: sau này, xin các em hãy hỏi cha mẹ hoặc người lãnh đạo của mình rằng: “Tại sao Chúa Giê Su cần phải chết?” Và thưa các anh chị em, tôi phải thú nhận rằng: mặc dù tôi nghĩ rằng tất cả những gì tôi đã biết về giáo lý, lịch sử, chính sách của Giáo Hội, và cùng nhiều điều khác, thì câu trả lời cho câu hỏi thiết yếu này về tín ngưỡng của chúng ta cũng thật không dễ dàng. Ngày hôm đó, tôi đã quyết định tập trung nhiều hơn vào những điều quan trọng nhất đối với cuộc sống vĩnh cửu.
Vâng, tôi đã nói với người bạn mới của mình rằng1 ngoài thể xác, chúng ta có một linh hồn và rằng Thượng Đế là Cha linh hồn của chúng ta.2 Tôi nói với chị ấy rằng chúng ta đã sống với Cha Thiên Thượng trước khi chúng ta được sinh ra trên thế gian này.3 Bởi vì Ngài yêu thương chị ấy và tất cả các con cái của Ngài, nên Ngài đã lập một kế hoạch cho chúng ta để nhận được một thể xác theo hình ảnh của thể xác vinh quang của Ngài,4 là một phần của một gia đình,5 và trở lại nơi hiện diện đầy tình yêu thương của Ngài để vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu với gia đình của chúng ta6 giống như Ngài đã làm với gia đình của Ngài.7 Tôi nói tiếp, nhưng chúng ta sẽ đối mặt với hai trở ngại chính trong thế giới cần có sự sa ngã này:8(1) cái chết thể xác—sự tách rời của thể xác và linh hồn của chúng ta. Tất nhiên, chị ấy biết tất cả chúng ta đều sẽ chết. Và (2) cái chết thuộc linh—chúng ta bị tách rời khỏi Thượng Đế vì những tội lỗi, sai lầm, và khuyết điểm của chúng ta, là những con người trần thế khiến chúng ta rời xa khỏi sự hiện diện thánh thiện của Ngài.9 Chị ấy cũng cảm thấy quen thuộc với điều này.
Tôi nói với chị ấy rằng đây là kết quả của luật pháp công lý. Luật pháp vĩnh cửu này đòi hỏi một hình phạt vĩnh cửu phải được trả cho mọi tội lỗi của chúng ta hay những sự vi phạm luật pháp hoặc lẽ thật của Thượng Đế, nếu không chúng ta sẽ không bao giờ có thể trở lại sống nơi hiện diện thánh thiện của Ngài.10 Điều đó sẽ trở nên bất công, và Thượng Đế “không thể phủ nhận công lý.”11 Chị ấy hiểu điều này nhưng cũng dễ để hiểu rằng Thượng Đế cũng nhân từ, yêu thương, và tha thiết mang lại cuộc sống vĩnh cửu cho chúng ta.12 Tôi nói với người bạn của mình rằng chúng ta cũng có một kẻ thù xảo quyệt, hung hãn—nguồn gốc của mọi sự xấu xa và dối trá—đang chống lại chúng ta.13 Vậy nên, sẽ cần phải có một Đấng có quyền năng tin kính vô hạn để vượt qua mọi sự chống đối và trở ngại để cứu chúng ta.14
Rồi tôi chia sẻ với chị ấy về tin mừng—“tin lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân”15—rằng “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”16 Tôi đã làm chứng với người bạn của mình, và tôi làm chứng với anh chị em rằng, Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi, rằng Ngài phải chịu đau khổ, chịu chết, và sống lại—Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài—là để cứu chuộc tất cả nhân loại khỏi cái chết thể xác17 và ban cho tất cả những ai sẽ noi theo Ngài một cuộc sống vĩnh cửu với Thượng Đế và gia đình của chúng ta18. Sách Mặc Môn đã nêu rằng: “Như vậy, Thượng Đế … đã chiến thắng cái chết; và Ngài ban cho Đức Chúa Con quyền năng để can thiệp cho con cái loài người … ; và Ngài tràn đầy những nỗi lòng thương hại … ; Ngài đã bứt những dây trói buộc của sự chết và chịu gánh về phần mình những điều bất chính và phạm giới của họ, và đã cứu chuộc họ cùng đáp ứng những đòi hỏi của công lý.”19
Thượng Đế đã mặc khải cho chúng ta các bước phải thực hiện để noi theo Chúa Giê Su và nhận được cuộc sống vĩnh cửu, được gọi là giáo lý của Đấng Ky Tô. Các bước đó gồm có “đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, sự hối cải, phép báp têm [vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô], tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh và kiên trì đến cùng.”20 Tôi đã chia sẻ các bước này với người bạn của mình, nhưng đây là một số cách mà các vị tiên tri và sứ đồ đã giảng dạy gần đây về cách mà giáo lý của Đấng Ky Tô có thể ban phước cho tất cả các con cái của Thượng Đế.
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giảng dạy: “Giáo lý thuần khiết của Đấng Ky Tô là đầy quyền năng. Giáo lý này thay đổi cuộc sống của [tất cả những ai] hiểu và cố gắng áp dụng giáo lý đó trong cuộc sống của mình.”21
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf đã dạy: “[trong sách hướng dẫn] Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ đã mạnh dạn tuyên bố giáo lý của Đấng Ky Tô [và] mời các em [giới trẻ] lựa chọn dựa trên [giáo lý đó].”22
Anh Cả Dale G. Renlund dạy: “Chúng tôi mời những người truyền giáo làm những điều mà họ mời những người họ giảng dạy làm: … áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô vào cuộc sống của họ [và] luôn đứng vững trên con đường giao ước.”23
Giáo lý của Đấng Ky Tô ban sức cho những người đang gặp khó khăn hoặc cảm thấy không thuộc về Giáo Hội bởi vì giáo lý này hữu ích cho họ, như Anh Cả D. Todd Christofferson đã “khẳng định rằng: Chúa Giê Su Ky Tô đã chết cho tôi … [và] yêu thương tôi.”24
Thưa các bậc cha mẹ, nếu con cái của anh chị em gặp khó khăn về một nguyên tắc phúc âm hay lời giảng dạy của vị tiên tri, thì xin hãy gạt bỏ đi bất kỳ lời nói tiêu cực25 hoặc chống đối nào hướng đến Giáo Hội hoặc các vị lãnh đạo của Giáo Hội. Những tác động nhỏ nhặt, đời thường này âm thầm lặng lẽ và có thể gây ra cái chết cho đức tin lâu dài của con cái anh chị em.26 Mặc dù đó là điều tốt khi anh chị em muốn bảo vệ hoặc biện hộ cho con cái yêu quý của mình hoặc cho thấy sự gắn kết với chúng. Nhưng vợ tôi, Jayne, và tôi biết được từ kinh nghiệm cá nhân rằng việc giảng dạy cho đứa con yêu quý của mình lý do tại sao tất cả chúng ta đều khao khát cần có Chúa Giê Su Ky Tô và cách áp dụng giáo lý hạnh phúc của Ngài là điều mà sẽ củng cố và chữa lành chúng. Chúng ta hãy hướng chúng đến Chúa Giê Su, Đấng biện hộ chân chính của chúng với Đức Chúa Cha. Sứ Đồ Giăng đã dạy: “Hễ ai … bền lòng trong đạo ấy, thì người đó có Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.” Rồi ông cảnh báo chúng ta hãy coi chừng “nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo.”27
Jayne và tôi gần đây đã đến thăm vùng hoang dã nơi mà Môi Se đã giơ cao con rắn bằng đồng trước mặt các con cái Y Sơ Ra Ên đang lang thang. Chúa đã hứa chữa lành tất cả những ai bị rắn độc cắn, nếu họ nhìn vào con rắn đó.28 Khi giơ cao giáo lý của Đấng Ky Tô trước mặt chúng ta, vị tiên tri của Chúa cũng làm điều tương tự, “rằng Ngài sẽ chữa lành các dân.”29 Bất kể những vết cắn hay nọc độc hoặc khó khăn nào mà chúng ta trải qua trong vùng hoang dã hữu diệt này, chúng ta đừng giống như những người ở thời xưa và thời nay, lẽ ra có thể được chữa lành nhưng đáng buồn thay đã “không chịu nhìn … vì họ không tin rằng biểu tượng đó có thể chữa lành cho họ được.”30 Sách Mặc Môn khẳng định rằng: “Này, … đây là con đường; và ngoài ra không còn con đường hay danh hiệu nào khác được ban ra dưới gầm trời này mà nhờ đó loài người được cứu vào vương quốc của Thượng Đế. Và giờ đây, này, đây là giáo lý của Đấng Ky Tô.”31
Buổi tối hôm đó tại New Jersey, việc chia sẻ lý do tại sao chúng ta cần Chúa Giê Su Ky Tô và giáo lý của Ngài đã mang đến cho tôi một người chị em mới và mang đến cho chị ấy một người anh em mới. Chúng ta cảm nhận được lời chứng êm dịu, xác thực của Đức Thánh Linh. Dĩ nhiên, tôi đã mời chị ấy gửi thông tin liên lạc và tiếp tục trò chuyện với những người truyền giáo của chúng ta. Chị ấy rất vui để làm vậy.
“Vậy nên, việc tối quan trọng là làm sao phổ biến những điều này cho dân cư của thế gian,” sách Mặc Môn đã nêu—yêu thương, chia sẻ, và mời gọi32 khi chúng ta quy tụ Y Sơ Ra Ên trong tất cả các cộng đồng và gia đình mình—“để họ biết rằng không một xác thịt nào có thể sống được trong sự hiện diện của Thượng Đế, trừ phi phải qua sự trung gian của công lao, lòng thương xót, và ân điển [cùng giáo lý] của Đấng Mê Si thánh.”33 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.