Phục Sự
Chúng ta hãy tìm đến và chăm sóc như Đấng Cứu Rỗi sẽ làm, đặc biệt đối với những người mà chúng ta có đặc ân để phục sự bằng tình yêu thương và theo chỉ định.
Anh chị em và các bạn thân mến, xin chào mừng đến với đại hội trung ương!
Sau đại hội trung ương tháng Mười năm ngoái, Chị Gong và tôi đi ngang qua Trung Tâm Đại Hội để chào hỏi và lắng nghe những kinh nghiệm về phúc âm của anh chị em.
Các tín hữu của chúng ta từ Mexico đã nói: “Hoy es el tiempo de Mexico.” (Bây giờ là thời gian cho Mexico).
Chúng tôi được biết Gilly và Mary là những người bạn từ nước Anh. Khi Mary gia nhập Giáo Hội, chị ấy đã bị mất chỗ ở. Gilly đã sẵn lòng mời Mary đến ở cùng. Với đức tin mãnh liệt, Gilly nói: “Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về việc Chúa luôn ở bên tôi.” Tại đại hội, Gilly cũng có một cuộc hội ngộ vui vẻ với chị truyền giáo mà đã giảng dạy chị ấy cách đây 47 năm.
Jeff cùng vợ là Melissa đang tham dự đại hội trung ương lần đầu tiên của anh ấy. Jeff từng chơi bóng chày chuyên nghiệp (anh là người bắt bóng) và bây giờ là bác sĩ gây mê. Anh đã nói với tôi: “Tôi rất ngạc nhiên là tôi đang tiến dần đến phép báp têm, vì tôi cảm thấy đó là cách sống đích thực và chính trực nhất để sống.”
Trước đó, Mellisa đã xin lỗi người anh em phục sự được chỉ định của Jeff: “Jeff không muốn có ‘người mặc áo sơ mi trắng’ trong nhà chúng tôi.” Người anh em phục sự nói: “Tôi sẽ tìm ra cách.” Bây giờ Jeff và anh ấy là bạn bè thân thiết. Tại lễ báp têm của Jeff, tôi gặp một giáo đoàn Các Thánh Hữu Ngày Sau mà Jeff, Melissa, và con gái của họ, là Charlotte, đều yêu mến.
Là tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta tìm cách để phục sự người khác như Ngài phục sự bởi vì cuộc sống của nhiều người đang chờ đợi để được thay đổi.
Khi Peggy nói với tôi rằng John, chồng của chị, sau 31 năm kết hôn, sẽ chịu phép báp têm, tôi hỏi điều gì đã thay đổi.
Peggy nói: “John và tôi đang nghiên cứu tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta Kinh Tân Ước, và John hỏi về giáo lý của Giáo Hội.”
Peggy nói: “Chúng ta hãy mời những người truyền giáo đến.”
John nói: “Không mời người truyền giáo nào hết—trừ khi bạn anh có thể đến.” Trong suốt 10 năm, người anh em phục sự của John đã trở thành người bạn tin cậy của anh. (Tôi đã nghĩ, liệu điều gì sẽ xảy ra nếu người anh em phục sự của John không đến nữa sau một, hai, hoặc chín năm?)
John đã nghe lời. Anh đã đọc Sách Mặc Môn với chủ ý thực sự. Khi những người truyền giáo mời John chịu phép báp têm, anh đã đồng ý. Peggy nói: “Tôi đã quá đỗi ngạc nhiên và bắt đầu khóc.”
John nói: “Tôi đã thay đổi khi tôi đến gần Chúa hơn.” Về sau, John và Peggy đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ thánh. Tháng Mười Hai năm ngoái, John đã qua đời ở tuổi 92. Peggy nói: “John luôn là một người tốt, nhưng anh ấy đã trở nên khác biệt theo một cách tuyệt vời sau khi chịu phép báp têm.”
Chị Gong và tôi gặp Meb và Jenny qua video trực tuyến trong thời gian đại dịch COVID. (Chúng tôi đã gặp nhiều cặp vợ chồng và cá nhân tuyệt vời qua video trực tuyến trong thời gian COVID, mỗi người đều được chủ tịch giáo khu của họ thành tâm giới thiệu.)
Meb và Jenny đã khiêm nhường nói rằng những lo lắng trong cuộc sống của họ đã khiến họ tự hỏi liệu hôn nhân trong đền thờ của họ có thể được gìn giữ hay không, và nếu có thì bằng cách nào. Họ tin rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và những cam kết trong giao ước của họ có thể giúp họ.
Tôi rất vui khi Meb và Jenny đã nhận được giấy giới thiệu mới để đi đền thờ và cùng nhau trở lại nhà của Chúa. Sau đó Meb đã suýt chết. Thật là một phước lành khi Meb và Jenny đã phục hồi các mối quan hệ giao ước với Chúa và với nhau, đồng thời cảm nhận được tình yêu thương phục sự của nhiều người xung quanh họ.
Ở mọi nơi tôi đến, tôi đều học hỏi với lòng biết ơn từ những người phục sự và chăm sóc giống như Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
Ở Peru, Chị Gong và tôi gặp Salvador và anh chị em của cậu ấy.1 Salvador và anh chị em của cậu ấy đều là trẻ mồ côi. Hôm đó là sinh nhật của Salvador. Các vị lãnh đạo và tín hữu Giáo Hội là những người trung tín phục sự cho gia đình này đã truyền cảm hứng cho tôi. “Sự tin đạo thanh sạch không vết … là thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa,”2 “cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, … làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”3
Ở Hồng Kông, một chủ tịch nhóm túc số các anh cả khiêm tốn chia sẻ cách nhóm túc số của họ luôn tiến hành một cách nhất quán 100 phần trăm các cuộc phỏng vấn phục sự. “Chúng tôi thành tâm sắp xếp các cặp đồng hành để mọi người đều có thể chăm sóc cho một ai đó và cũng được chăm sóc,” anh ấy nói. “Chúng tôi thường xuyên hỏi thăm mỗi cặp đồng hành về những người họ phục sự. Chúng tôi không đánh dấu kiểm tra, chúng tôi phục sự những người chăm sóc cho các tín hữu của chúng tôi.”
Ở Kinshasa, Cộng Hòa Dân Chủ Công Gô, Chủ Tịch Bokolo chia sẻ về việc anh và gia đình mình đã gia nhập Giáo Hội ở Pháp như thế nào. Một ngày nọ, khi anh ấy đang đọc phước lành tộc trưởng của mình, Thánh Linh đã soi dẫn Anh Bokolo phải cùng gia đình mình trở về Công Gô. Anh Bokolo biết là họ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách nếu họ trở về. Và giáo hội của họ, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, vẫn chưa được thiết lập ở Kinshasa.
Nhưng, với đức tin, cũng giống như nhiều người khác, gia đình Bokolo đã nghe theo Thánh Linh của Chúa. Ở Kinshasa, họ đã phục sự và ban phước cho những người xung quanh mình, vượt qua nhiều thử thách, nhận được các phước lành thuộc linh và vật chất. Ngày nay, họ vui mừng có được một ngôi nhà của Chúa trong quốc gia của mình.4
Một người cải đạo đã được phục sự bởi tấm gương của một người. Anh đã nói, là một thanh niên trẻ, anh thường dành cả ngày thơ thẩn trên bãi biển. Một ngày nọ, anh ta nói, “Tôi thấy một cô gái xinh đẹp mặc bộ áo tắm trang nhã kín đáo.” Quá ngạc nhiên, anh ta đến hỏi tại sao một cô gái xinh đẹp như vậy lại mặc bộ áo tắm trang nhã kín đáo như thế. Cô ấy là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và mỉm cười hỏi: “Anh có muốn đến nhà thờ vào ngày Chủ Nhật không?” Anh ta đồng ý.
Cách đây nhiều năm, khi cùng tham gia trong một chỉ định, Anh Cả L. Tom Perry đã chia sẻ cách ông và người bạn đồng hành của mình thường xuyên phục sự cho một chị phụ nữ sống một mình trong một khu xóm nghèo nguy hiểm ở Boston. Khi Anh Cả Perry và bạn đồng hành của ông tới nơi, chị phụ nữ đó thận trọng yêu cầu: “Xin đưa giấy giới thiệu đi đền thờ của anh qua khe ở dưới cửa.” Chỉ sau khi thấy giấy giới thiệu đi đền thờ chị ấy mới mở cánh cửa có nhiều ổ khóa.5 Dĩ nhiên, tôi không nói là các cặp đồng hành phục sự cần phải có giấy giới thiệu đi đền thờ. Nhưng tôi thích ý nghĩ rằng, khi những người mà tôn trọng các giao ước đi phục sự, thì những ngôi nhà sẽ mở cửa và những tấm lòng sẽ rộng mở.
Anh Cả Perry cũng đã đưa ra lời khuyên thiết thực. Ông nói: “Hãy giao cho các cặp đồng hành một số những chỉ định hợp lý, được thành tâm lựa chọn, tập trung vào một phạm vi địa lý thích hợp để không mất nhiều thời gian đi lại.” Ông khuyên bảo: “Hãy bắt đầu với những người cần được đến thăm nhất. Tập trung vào những người rất có thể sẽ chào đón và hưởng ứng nhiệt tình mỗi lần anh chị em đến thăm.” Ông kết luận: “Việc trung tín một cách kiên định sẽ mang đến phép lạ.”
Chúng ta sẽ phục sự trong cách thức cao quý và thánh thiện hơn6 khi chúng ta cầu xin để có được “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô”7 và nghe theo Thánh Linh. Điều này cũng xảy ra khi các chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả và Hội Phụ Nữ, dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ, giám sát các nỗ lực phục sự, kể cả việc chỉ định các cặp đồng hành phục sự. Xin hãy giao cho các thanh niên và thiếu nữ của chúng ta cơ hội cần thiết để cùng đi và được hướng dẫn bởi những người anh chị em phục sự dày dạn kinh nghiệm. Và xin hãy để cho thế hệ trẻ đang vươn lên của chúng ta truyền cảm hứng cho những cặp anh em và chị em đồng hành phục sự.
Ở một số nơi trong Giáo Hội, chúng ta có một khoảng cách trong việc phục sự. Nhiều người nói rằng họ đang phục sự hơn là được phục sự. Chúng ta không muốn thể hiện sự lo lắng về một người nào đó chỉ vì được chỉ định phục sự người ấy. Nhưng thường thì chúng ta cần nhiều hơn là một lời chào hỏi ở ngoài hành lang hoặc một câu hỏi thông thường “Tôi có thể giúp gì được cho anh/chị không?” ở bãi đậu xe. Ở nhiều nơi, chúng ta có thể tìm đến, thấu hiểu tình trạng hiện tại của người khác, và xây dựng các mối quan hệ khi chúng ta thường xuyên đến thăm các tín hữu tại nhà của họ. Những lời mời đầy soi dẫn làm thay đổi cuộc sống. Khi những lời mời giúp chúng ta lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng, chúng ta đến gần Chúa và đến gần nhau hơn.
Người ta nói rằng những người hiểu được tinh thần phục sự đích thực thì sẽ nỗ lực nhiều hơn trước, còn khi không hiểu thì sẽ nỗ lực ít hơn. Chúng ta hãy phục sự nhiều hơn, giống như Đấng Cứu Rỗi. Như bài thánh ca của chúng ta có nói, đó là một “phước lành của bổn phận và tình yêu thương.”8
Các hội đồng tiểu giáo khu, các nhóm túc số các anh cả và Hội Phụ Nữ, xin hãy lắng nghe Đấng Chăn Hiền Lành và giúp Ngài “tìm con nào đã mất, … dắt về con nào đã bị đuổi, … rịt thuốc cho con nào bị gãy, … làm cho con nào đau được mạnh.”9 Chúng ta có thể tiếp đãi “thiên sứ mà không biết”10 khi chúng ta dành chỗ trong Giáo Hội của Ngài cho tất cả mọi người.11
Việc phục sự đầy soi dẫn ban phước cho các cá nhân và gia đình; đồng thời cũng củng cố các tiểu giáo khu và chi nhánh. Hãy xem tiểu giáo khu và chi nhánh của anh chị em như một hệ sinh thái thuộc linh. Theo tinh thần của câu chuyện ngụ ngôn về cây ô liu trong Sách Mặc Môn, Chúa vườn và tôi tớ của Ngài gặt hái được các trái quý báu và phát triển mỗi cây bằng cách kết hợp ưu điểm và khuyết điểm của tất cả các cây lại với nhau.12 Chúa Vườn và các tôi tớ của Ngài đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần: “Ta có thể làm gì hơn nữa?”13 Họ cùng nhau ban phước cho những tấm lòng và các mái gia đình, tiểu giáo khu và chi nhánh, qua việc phục sự đầy soi dẫn và kiên định.14
Việc phục sự—chăn chiên—làm cho vườn nho của chúng ta trở thành “một”15—một khu rừng thiêng liêng. Mỗi cây trong khu rừng của chúng ta là một cây gia phả sống động. Con cái kết nối với tổ tiên của mình nhờ phúc âm. Việc phục sự ban phước cho các thế hệ. Khi cần đến sự phục vụ, các vị giám trợ sáng suốt và các chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả và Hội Phụ Nữ hỏi: “Ai là những người anh em và chị em phục sự?” Các hội đồng tiểu giáo khu và các buổi phỏng vấn phục sự không chỉ đề cập đến những khó khăn hay vấn đề mà còn tận mắt trải nghiệm và vui mừng trước tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta phục sự như Ngài phục sự.
Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo của chúng ta.16 Bởi vì Ngài nhân từ, Ngài có thể đi khắp nơi làm điều thiện.17 Ngài ban phước cho tất cả mọi người. Mọi việc Ngài làm là để phục sự dân chúng. Chúng ta trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn khi chúng ta phục sự “cho những người rất hèn mọn này” như cách chúng ta làm với Ngài,18 khi chúng ta yêu thương người lân cận như chính mình,19 khi chúng ta “yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi,”20 và khi “trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi.”21
Chúa Giê Su Ky Tô phục sự. Các thiên sứ phục sự.22 Các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô “phục sự lẫn nhau,”23 “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc,”24 “chăm sóc … [và] nuôi dưỡng [dân chúng] bằng những điều thuộc về sự ngay chính,”25 “nhớ tới … những kẻ nghèo khó và những kẻ túng thiếu, những người bệnh tật và những người đau buồn,”26 và qua giáo vụ của chúng ta, danh Ngài sẽ được biết đến.27 Khi chúng ta phục sự như Ngài phục sự, chúng ta chứng kiến các phép lạ, các phước lành của Ngài.28 Chúng ta đạt được “một chức vụ rất tôn trọng hơn.”29
Cơ thể chúng ta có thể mệt mỏi. Nhưng trong sự phục vụ Ngài, chúng ta không “chán mệt làm sự lành.”30 Chúng ta siêng năng cố gắng hết sức mình, không chạy mau hơn sức mình có thể chạy được,31 nhưng như Sứ Đồ Phao Lô dạy, hãy tin cậy rằng “Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng của cách vui lòng.”32 Vì Thượng Đế là “Đấng phát hột giống cho kẻ gieo giống và bánh để nuôi mình, cũng sẽ phát hột giống cho [anh chị em] và làm cho sanh hóa ra nhiều.”33 Nói cách khác, Thượng Đế “làm [cho chúng ta] giàu trong mọi sự.”34 “Hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều.”35
Dù ở bất cứ nơi đâu vào mùa lễ Phục Sinh này, chúng ta hãy tìm đến và chăm sóc như Đấng Cứu Rỗi sẽ làm, đặc biệt đối với những người mà chúng ta có đặc ân để phục sự bằng tình yêu thương và theo chỉ định. Khi làm như vậy, cầu mong chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô và đến gần nhau hơn, trở nên giống Ngài hơn và trở thành các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô mà Ngài muốn mỗi chúng ta trở thành. Trong thánh danh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.