Đại Hội Trung Ương
Hiệp Làm Một trong Đấng Ky Tô
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2023


13:21

Hiệp Làm Một trong Đấng Ky Tô

Chỉ trong và qua tình yêu mến và lòng trung thành cá nhân của chúng ta đối với Chúa Giê Su Ky Tô chúng ta mới có thể hy vọng trở nên hiệp làm một.

Như Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã lưu ý, hôm nay là Chủ Nhật Lễ Lá, bắt đầu Tuần Thánh, đánh dấu việc Chúa đắc thắng vào thành Giê Ru Sa Lem, nỗi đau khổ của Ngài trong vườn Ghết Sê Ma Nê và cái chết của Ngài trên thập tự giá chỉ vài ngày sau đó, và Sự Phục Sinh đầy vinh hiển của Ngài vào Chủ Nhật Lễ Phục Sinh. Chúng ta hãy quyết tâm không bao giờ quên những gì Đấng Ky Tô đã chịu đựng để cứu chuộc chúng ta.1 Và chúng ta đừng bao giờ đánh mất niềm vui tràn ngập mà chúng ta sẽ cảm thấy một lần nữa vào lễ Phục Sinh khi suy ngẫm về chiến thắng của Ngài đối với cái chết và ân tứ phục sinh dành cho mọi người.

Vào buổi tối trước những cuộc xét xử và sự đóng đinh đang chờ đợi Ngài, Chúa Giê Su đã dự bữa ăn Lễ Vượt Qua với Các Sứ Đồ của Ngài. Lúc kết thúc Bữa Ăn Tối Cuối Cùng này, trong Lời Cầu Nguyện thiêng liêng thay cho các môn đồ, Chúa Giê Su đã cầu xin Cha Ngài bằng những lời này: “Lạy Cha thánh, xin gìn giữ họ [Các Sứ Đồ của con] trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con, để họ cũng hiệp làm một như chúng ta vậy.”2

Sau đó, Đấng Cứu Rỗi dịu dàng mở rộng lời thỉnh cầu của Ngài để bao gồm tất cả những người tin:

“Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa;

“Để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta.”3

Việc trở nên hiệp một là chủ đề lặp đi lặp lại trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và trong cách giao tiếp của Thượng Đế với con cái của Ngài. Đối với thành phố Si Ôn vào thời Hê Nóc, thì người ta nói rằng “họ đồng một lòng và một trí.”4 Kinh Tân Ước chép về Các Thánh Hữu ban đầu trong Giáo Hội nguyên thủy của Chúa Giê Su Ky Tô: “Người tin theo đông lắm, cứ một lòng một ý cùng nhau.”5

Chúa đã khuyên răn trong gian kỳ của chúng ta: “Ta nói cho các ngươi hay, hãy hiệp làm một; và nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta.”6 Trong số các lý do mà Chúa đã đưa ra để giải thích tại sao Các Thánh Hữu ban đầu ở Missouri đã không thiết lập một địa điểm của Si Ôn là vì họ đã “không hòa hợp với nhau theo sự đoàn kết mà luật pháp vương quốc thượng thiên đòi hỏi.”7

Nơi nào Thượng Đế ngự trị trong mọi tâm hồn và tâm trí thì mọi người mới được mô tả “là hiệp một, đều là con cái của Đấng Ky Tô.”8

Khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh hiện đến cùng các dân tộc thời xưa trong Sách Mặc Môn, Ngài đã không tán thành khi lưu ý rằng trước đây đã xảy ra những cuộc tranh luận giữa những người này về phép báp têm và các vấn đề khác. Ngài truyền lệnh:

“Sẽ không còn có sự tranh luận nào giữa các ngươi như đã từng xảy ra từ trước tới nay; và cũng sẽ chẳng có sự tranh luận nào về các điểm giáo lý của ta giữa các ngươi như đã từng xảy ra từ trước tới nay.

“Vì quả thật, quả thật, ta nói cho các ngươi hay, kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp.”9

Trong thế giới đầy dẫy tranh chấp của chúng ta thì làm sao có thể đạt được tình đoàn kết nhất là trong Giáo Hội nơi mà chúng ta phải “chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp têm”?10 Phao Lô đưa ra cho chúng ta giải pháp:

“Vả, anh em thảy đều chịu phép báp têm trong Đấng Ky Tô, đều mặc lấy Đấng Ky Tô vậy.

“Tại đây không còn chia ra người Giu Đa hoặc người Gờ Réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đờn ông hoặc đờn bà; vì trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô, anh em thảy đều làm một.”11

Chúng ta có quá nhiều sự khác biệt và đôi khi quá bất hòa với nhau để có thể hiệp làm một trên bất cứ cơ sở hoặc dưới bất cứ tên gọi nào khác. Chỉ trong Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta mới thực sự trở nên hiệp làm một.

Việc trở nên hiệp một trong Đấng Ky Tô đến với từng người một—mỗi người chúng ta bắt đầu với chính mình. Chúng ta là những thực thể kép của thể xác và linh hồn, và đôi khi có xung đột xảy ra trong chính con người chúng ta. Như Phao Lô đã nêu rõ:

“Vì theo con người bề trong, tôi vẫn vui thích luật pháp của Thượng Đế;

“Nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy.”12

Chúa Giê Su cũng là một Đấng có thể xác và linh hồn. Ngài đã bị thử thách; Ngài hiểu; Ngài có thể giúp chúng ta đạt được sự đoàn kết bên trong lòng.13 Do đó, nhờ vào ánh sáng và ân điển của Đấng Ky Tô, chúng ta cố gắng để cho linh hồn của mình— cùng Đức Thánh Linh— chi phối thể xác. Và khi chúng ta phạm lỗi lầm thì Đấng Ky Tô, qua Sự Chuộc Tội của Ngài, đã ban cho chúng ta ân tứ hối cải và cơ hội để thử lại lần nữa.

Nếu mỗi người chúng ta đều “mặc lấy Đấng Ky Tô,” thì chúng ta có thể cùng nhau hy vọng trở nên hiệp một, như Phao Lô đã nói là “thân của Đấng Ky Tô.”14 Việc “mặc lấy Đấng Ky Tô” chắc chắn gồm có việc làm cho “điều răn thứ nhất và lớn hơn hết”15 của Ngài thành sự cam kết đầu tiên và quan trọng nhất của chúng ta, và nếu chúng ta yêu mến Thượng Đế thì chúng ta sẽ tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.16

Sự đoàn kết với các anh chị em của chúng ta trong thân của Đấng Ky Tô tăng trưởng khi chúng ta tuân theo giáo lệnh thứ hai—liên hệ chặt chẽ với giáo lệnh thứ nhất—là yêu thương người khác như chính mình.17 Và tôi cho rằng một sự đoàn kết thậm chí còn hoàn hảo hơn nữa sẽ đạt được giữa chúng ta nếu chúng ta tuân theo cách diễn đạt cao cả và thánh thiện hơn của Đấng Cứu Rỗi về giáo lệnh thứ hai này—là yêu thương lẫn nhau, không những như chúng ta yêu chính mình mà còn như Ngài đã yêu thương chúng ta.18 Tóm lại, đó là “mọi người đều phải tìm kiếm làm điều lợi ích cho người lân cận mình, và phải làm mọi việc với con mắt duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế.”19

Chủ Tịch Marion G. Romney, cựu cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, khi ông giải thích cách thức đạt được hòa bình và đoàn kết lâu dài, đã nói:

“Nếu một người đầu hàng Sa Tan, đầy dẫy những việc làm của xác thịt, thì người ấy chiến đấu với nội tâm mình. Nếu hai người đầu hàng Sa Tan thì mỗi người họ sẽ chiến đấu với nội tâm họ và chiến đấu với nhau. Nếu nhiều người đầu hàng Sa Tan thì một xã hội [nhận lãnh] hậu quả của sự căng thẳng và tranh chấp lớn. Nếu những người cai trị một quốc gia đầu hàng Sa Tan thì sẽ có sự tranh chấp trên toàn thế giới.”

Chủ Tịch Romney nói tiếp: “Như các việc làm của xác thịt đều có ảnh hưởng ở khắp nơi, phúc âm về sự bình an cũng có ảnh hưởng ở khắp nơi. Nếu một người sống theo phúc âm, thì người đó sẽ có sự bình an trong lòng mình. Nếu hai người sống theo phúc âm, thì mỗi người họ có sự bình an trong lòng mình và với nhau. Nếu các công dân sống theo phúc âm, thì quốc gia sẽ có sự bình an trong nước. Khi có đủ quốc gia thụ hưởng trái của Thánh Linh để kiểm soát các vấn đề thế giới, thì khi đó và chỉ khi đó, những hồi trống lâm chiến sẽ không còn vang lên nữa và những cờ trận không còn bay phất phới nữa. … (Xin xem Alfred Lord Tennyson, “Locksley Hall,” The Complete Poetical Works of Tennyson, do W. J. Rolfe, Boston: Houghton-Mifflin Co. biên soạn, năm 1898, trang 93, dòng 27–28.)”20

Khi “mặc lấy Đấng Ky Tô,” chúng ta có thể giải quyết hoặc gạt sang một bên những sự khác biệt, bất hòa và tranh luận. Một ví dụ khá ấn tượng về việc khắc phục sự chia rẽ được tìm thấy trong lịch sử Giáo Hội của chúng ta. Anh Cả Brigham Henry Roberts (thường được gọi là B. H. Roberts), sinh ra ở Anh vào năm 1857, từng là thành viên của Đệ Nhất Hội Đồng Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi—ngày nay chúng ta gọi là Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. Anh Cả Roberts là một người có năng lực và không ngừng bênh vực cho phúc âm phục hồi và Giáo Hội trong một số thời điểm khó khăn nhất.

Thiếu niên B. H. Roberts

Tuy nhiên, vào năm 1895, sự phục vụ của Anh Cả Roberts trong Giáo Hội bị lâm nguy vì sự tranh chấp. B. H. đã được bổ nhiệm làm đại biểu cho hội nghị soạn thảo hiến pháp cho Utah khi nơi này trở thành một tiểu bang. Sau đó, ông đã quyết định trở thành ứng cử viên Quốc Hội Hoa Kỳ nhưng không thông báo hay xin phép Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Chủ Tịch Joseph F. Smith, một cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã khiển trách B. H. về sai sót đó trong một buổi họp chung chức tư tế. Anh Cả Roberts đã thua trong cuộc bầu cử và cảm thấy rằng mình thua phần lớn là do những lời phát biểu của Chủ Tịch Smith. Ông đã chỉ trích các vị lãnh đạo Giáo Hội trong một số bài phát biểu và phỏng vấn chính trị. Ông đã rút lui khỏi công việc phục vụ tích cực Giáo Hội. Trong một cuộc họp kéo dài tại Đền Thờ Salt Lake với các thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Hội Đồng Mười Hai, B. H. vẫn cương quyết tự biện minh. Về sau, “Chủ tịch [Wilford] Woodruff đã cho [Anh Cả Roberts] ba tuần để xem xét lại lập trường của mình. Nếu ông vẫn không hối cải, thì họ sẽ giải nhiệm ông khỏi Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi.”21

Trong cuộc gặp riêng sau đó với các Sứ Đồ Heber J. Grant và Francis Lyman, thoạt đầu B. H. vẫn không nhượng bộ, nhưng cuối cùng tình yêu thương và Đức Thánh Linh đã chiến thắng. Mắt ông nhòa lệ. Hai Vị Sứ Đồ này đã có thể giải quyết một số hành động xem thường và xúc phạm mà làm buồn lòng B. H. và họ ra về với lời cầu xin hòa giải chân thành. Sáng hôm sau, sau một thời gian dài cầu nguyện, Anh Cả Roberts gửi một bức thư ngắn cho Anh Cả Grant và Lyman cho biết rằng ông đã sẵn sàng hòa giải với các anh em trong nhóm túc số của ông.22

Về sau, khi họp với Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Anh Cả Roberts đã nói: “Tôi đã đến với Chúa và nhận được ánh sáng cùng sự chỉ dẫn qua Thánh Linh của Ngài để phục tùng thẩm quyền của Thượng Đế.”23 Được thúc đẩy bởi tình yêu mến của ông đối với Thượng Đế, B. H. Roberts vẫn là một vị lãnh đạo trung thành và có năng lực của Giáo Hội cho đến cuối cuộc đời ông.24

Anh Cả B. H. Roberts

Chúng ta cũng có thể thấy trong ví dụ này rằng sự đoàn kết không có nghĩa là chỉ đồng ý rằng mọi người nên làm việc của riêng mình hoặc đi theo con đường của riêng mình. Chúng ta không thể hiệp làm một trừ khi chúng ta đều cùng nỗ lực vì chính nghĩa chung. Theo lời của B. H. Roberts, thì điều đó có nghĩa là phục tùng thẩm quyền của Thượng Đế. Chúng ta là các chi thể khác nhau trong thân của Đấng Ky Tô, làm tròn các chức năng khác nhau vào những thời điểm khác nhau—tai, mắt, đầu, tay, chân—nhưng tất cả đều thuộc một thân thể.25 Do đó, mục tiêu của chúng ta là “hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.”26

Sự đoàn kết không đòi hỏi chúng ta phải giống nhau, nhưng nó thực sự đòi hỏi sự hòa thuận. Chúng ta có thể đồng tâm trong tình yêu thương, hiệp làm một trong đức tin và giáo lý, mà vẫn cổ vũ cho các đội thể thao khác nhau, bất đồng về các vấn đề chính trị khác nhau, tranh luận về các mục tiêu và cách thức đúng để đạt được chúng và nhiều vấn đề tương tự khác. Nhưng chúng ta có thể không bao giờ bất hoà hoặc tranh chấp với nỗi tức giận hoặc khinh thường nhau. Đấng Cứu Rỗi đã phán:

“Vì quả thật, quả thật, ta nói cho các ngươi hay, kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp, nó khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau.

“Này, đây không phải là giáo lý của ta, để khích động trái tim loài người tức giận, để người này chống lại với người kia, mà giáo lý của ta là những việc như vậy phải được hủy bỏ.”27

Cách đây một năm, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khẩn nài với chúng ta “Không ai trong chúng ta có thể kiểm soát các quốc gia, hoặc hành động của những người khác, hay thậm chí những người trong gia đình của mình. Nhưng chúng ta có thể tự kiểm soát bản thân mình. Anh chị em thân mến, lời kêu gọi của tôi ngày hôm nay là hãy chấm dứt những xung đột đang hoành hành trong lòng của anh chị em, trong nhà của anh chị em và cuộc sống của anh chị em. Hãy chôn giấu bất cứ và tất cả các khuynh hướng muốn gây tổn thương người khác—cho dù những khuynh hướng đó là tính nóng nảy, miệng lưỡi sắc bén hay là nỗi oán hận đối với người đã nhiều lần làm tổn thương anh chị em. Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh cho chúng ta phải đưa má bên kia cho họ vả vào [xin xem 3 Nê Phi 12:39], phải yêu kẻ thù của chúng ta, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ chúng ta [xin xem 3 Nê Phi 12:44].”28

Tôi xin nói lại rằng chỉ trong và qua tình yêu mến và lòng trung thành cá nhân của chúng ta đối với Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta mới có thể hy vọng trở nên hiệp làm một—một ở trong lòng, một ở trong nhà, một ở trong Giáo Hội, cuối cùng là một ở trong Si Ôn, và trên hết, là một với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con cùng Đức Thánh Linh.

Tôi quay lại với các sự kiện của Tuần Thánh và sự chiến thắng khải hoàn của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô làm chứng về thiên tính của Ngài và rằng Ngài đã chiến thắng vạn vật. Sự Phục Sinh của Ngài làm chứng rằng, vì được ràng buộc với Ngài bằng giao ước, nên chúng ta cũng có thể chiến thắng mọi điều và trở nên hiệp một. Sự Phục Sinh của Ngài làm chứng rằng qua Ngài, sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu là có thật.

Buổi sáng hôm nay, tôi làm chứng về Sự Phục Sinh thực sự của Ngài và tất cả những ý nghĩa mà Sự Phục Sinh bao hàm, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.