Cần Người Giải Hòa
Anh chị em có quyền tự quyết để chọn tranh chấp hay giải hòa. Tôi khuyên nhủ anh chị em nên chọn làm người giải hòa, bây giờ và mãi mãi.
Anh chị em thân mến, tôi rất vui được có mặt cùng với anh chị em. Trong sáu tháng vừa qua, anh chị em đã liên tục ở trong tâm trí tôi và trong những lời cầu nguyện của tôi. Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ truyền đạt điều mà Chúa muốn anh chị em nghe khi tôi ngỏ lời với anh chị em bây giờ.
Cách đây nhiều năm, trong thời gian thực tập phẫu thuật của mình, tôi đã hỗ trợ một bác sĩ phẫu thuật đang cắt bỏ một cái chân bị hoại tử có nguy cơ lây nhiễm cao. Ca phẫu thuật vô cùng khó khăn. Sau đó, để tăng thêm sự căng thẳng, một người trong nhóm đã thực hiện một nhiệm vụ rất kém cỏi, và vị bác sĩ phẫu thuật đã nổi giận. Giữa cơn nóng giận, ông ấy ném con dao mổ chứa đầy vi trùng. Con dao rơi trúng vào cẳng tay của tôi!
Mọi người trong phòng mổ—ngoại trừ vị bác sĩ phẫu thuật bị mất bình tĩnh—đều kinh hoàng trước sự vi phạm nguy hiểm này trong thực hành phẫu thuật. Tôi biết ơn đã không bị nhiễm trùng. Nhưng kinh nghiệm này đã để lại một ấn tượng lâu dài trong tôi. Ngay trong giờ phút đó, tôi đã tự hứa với bản thân rằng bất kể điều gì xảy ra trong phòng mổ của mình, tôi cũng sẽ không bao giờ đánh mất khả năng kiềm chế cảm xúc của mình. Tôi cũng đã thề vào ngày hôm đó là sẽ không bao giờ ném bất cứ thứ gì—cho dù đó là con dao mổ hay thốt ra lời nói nào trong cơn tức giận.
Ngay cả bây giờ, nhiều thập niên sau, tôi vẫn tự hỏi liệu con dao mổ nhiễm trùng rơi trúng vào cánh tay tôi có độc hại hơn sự tranh chấp độc địa đã gây ô nhiễm cho những cuộc đối thoại giữa những người dân và cũng lây nhiễm cho quá nhiều mối quan hệ cá nhân của chúng ta ngày nay hay không. Sự lễ độ và phép lịch sự dường như đã biến mất trong thời đại đầy sự phân cực và những bất đồng gay gắt này.
Sự thô tục, bắt lỗi và nói xấu người khác đều quá phổ biến. Có quá nhiều học giả, chính trị gia, nghệ sĩ trong ngành giải trí và những người có thế lực không ngừng lăng mạ. Tôi rất lo ngại rằng có quá nhiều người dường như tin rằng việc lên án, vu khống và phỉ báng bất cứ ai không đồng ý với họ đều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nhiều người dường như hăm hở muốn làm hủy hoại thanh danh của người khác bằng những lời lẽ chăm chọc và thô lỗ!
Sự tức giận không bao giờ có thể thuyết phục được. Sự thù địch không xây dựng giá trị cho ai cả. Sự tranh chấp không bao giờ dẫn đến các giải pháp được Chúa soi dẫn. Đáng tiếc là đôi khi chúng ta thấy hành vi gây tranh cãi ngay cả trong hàng ngũ của mình. Chúng ta nghe nói về những người coi thường người phối ngẫu và con cái của họ, dùng những cơn giận dữ bộc phát để kiềm chế người khác và hành hạ nhau bằng cách “làm thinh không nói chuyện với nhau nữa.” Chúng ta nghe nói về các thanh thiếu niên và trẻ em có thói bắt nạt và các nhân viên nói xấu đồng nghiệp của họ.
Anh chị em thân mến, không nên như vậy. Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta phải là những tấm gương về cách giao tiếp với những người khác—nhất là khi chúng ta có những ý kiến khác nhau. Một trong những cách dễ dàng nhất để nhận ra một tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô là cách người đó đối xử nhân từ với người khác.
Đấng Cứu Rỗi đã nói rõ điều này trong các bài giảng của Ngài cho các tín đồ ở cả hai bán cầu. Ngài phán: “Phước thay cho những kẻ giải hòa”.1 “Nếu có kẻ nào tát người ở má bên phải, thì hãy đưa má bên kia cho họ luôn.”2 Và rồi, dĩ nhiên, Ngài đưa ra lời khuyên nhủ để thử thách mỗi người chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.”3
Trước khi chết, Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh cho Mười Hai Vị Sứ Đồ của Ngài phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương họ.4 Và rồi Ngài nói thêm: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”5
Sứ điệp của Đấng Cứu Rỗi rất rõ ràng: Các môn đồ chân chính của Ngài xây dựng, nâng đỡ, khuyến khích, thuyết phục và truyền cảm hứng—dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu đi nữa. Các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô là những người giải hòa.6
Hôm nay là ngày Chủ Nhật Lễ Lá. Chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm sự kiện quan trọng và siêu việt nhất từng được ghi lại trên thế gian, đó là Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Một trong những cách tốt nhất chúng ta có thể tôn vinh Đấng Cứu Rỗi là trở thành người giải hòa.7
Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta có thể khắc phục mọi điều ác—kể cả sự tranh chấp. Xin đừng nhầm lẫn về điều này: tranh chấp tức là xấu xa! Chúa Giê Su Ky Tô tuyên phán rằng kẻ nào còn “tinh thần tranh chấp” thì kẻ đó không thuộc về Ngài mà “thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp, nó khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau.”8 Những người nào cổ vũ sự tranh chấp đều đang bắt chước làm theo điều Sa Tan đã làm, cho dù họ có nhận biết điều đó hay không. “Chẳng ai được làm tôi hai chủ.”9 Chúng ta không thể ủng hộ Sa Tan bằng những lời nói đầy công kích và rồi nghĩ rằng mình vẫn có thể phục vụ Thượng Đế.
Anh chị em thân mến, cách chúng ta đối xử với nhau là thực sự quan trọng! Cách chúng ta nói chuyện với người khác và về họ ở nhà, ở nhà thờ, ở nơi làm việc và trên mạng là thực sự quan trọng. Hôm nay, tôi yêu cầu chúng ta hãy giao tiếp với những người khác theo cách thức cao cả hơn, thánh thiện hơn. Xin hãy lắng nghe kỹ. “Nếu có điều gì đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen”10 mà chúng ta có thể nói về một người khác—dù nói thẳng với họ hay sau lưng họ—thì đó phải là tiêu chuẩn truyền đạt của chúng ta.
Nếu một cặp vợ chồng trong tiểu giáo khu của anh chị em ly hôn, hoặc một người truyền giáo trẻ tuổi trở về nhà sớm, hay một thiếu niên nghi ngờ về chứng ngôn của mình, thì họ không cần đến lời phê phán của anh chị em. Họ cần cảm nhận tình yêu thương thuần khiết của Chúa Giê Su Ky Tô mà được phản ánh trong lời nói và hành động của anh chị em.
Nếu một người bạn trên mạng xã hội có các quan điểm mạnh mẽ về chính trị hoặc xã hội mà vi phạm tất cả những gì anh chị em tin tưởng, thì việc anh chị em phản bác một cách giận dữ và gay gắt cũng chẳng có ích gì. Việc xây các nhịp cầu thông cảm sẽ đòi hỏi anh chị em nhiều hơn thế, nhưng đó chính xác là những gì mà người bạn của anh chị em cần.
Lần nào cũng vậy—sự tranh chấp xua đuổi Thánh Linh. Sự tranh chấp củng cố quan niệm sai lầm rằng việc đối đầu là cách giải quyết những khác biệt; nhưng đó không bao giờ là như vậy. Tranh chấp là một sự lựa chọn. Giải hòa cũng là một sự lựa chọn. Anh chị em có quyền tự quyết để chọn tranh chấp hay giải hòa. Tôi khuyên nhủ anh chị em nên chọn làm người giải hòa, bây giờ và mãi mãi.11
Thưa anh chị em, chúng ta có thể thực sự thay đổi thế giới—từng người một và từng hành động tương tác một. Bằng cách nào? Bằng cách cho thấy hướng giải quyết cho những ý kiến trung thực nhưng đối lập, bằng sự tôn trọng lẫn nhau và một cuộc đối thoại nghiêm túc.
Những khác biệt về quan điểm là một phần của đời sống. Tôi làm việc hằng ngày với các tôi tớ tận tụy của Chúa là những người không phải lúc nào cũng nhìn một vấn đề theo cùng một cách. Họ biết là tôi muốn nghe ý kiến và cảm nghĩ trung thực của họ về mọi điều chúng tôi thảo luận—nhất là các vấn đề nhạy cảm.
Hai cố vấn cao quý của tôi, Chủ Tịch Dallin H. Oaks và Chủ Tịch Henry B. Eyring, nêu gương trong cách họ bày tỏ cảm nghĩ của mình—nhất là khi những cảm nghĩ này của họ có thể khác nhau. Họ làm như vậy với tình yêu thương trọn vẹn dành cho nhau. Không người nào cho rằng mình biết rõ nhất và do đó phải cứng rắn bênh vực lập trường của mình. Không có bằng chứng nào về sự cần thiết phải tranh đua với nhau. Vì mỗi người đều tràn đầy lòng bác ái, “tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô,”12 nên những cuộc thảo luận của chúng tôi có thể được Thánh Linh của Chúa hướng dẫn. Tôi yêu mến và kính trọng hai vĩ nhân này biết bao!
Lòng bác ái là liều thuốc giải độc cho sự tranh chấp. Lòng bác ái là ân tứ thiêng liêng giúp chúng ta loại bỏ con người thiên nhiên ích kỷ, luôn thủ thế, kiêu ngạo và ghen tị. Lòng bác ái là đặc điểm chính của một tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.13 Lòng bác ái tiêu biểu cho một người giải hòa.
Khi chúng ta hạ mình trước mặt Thượng Đế và cầu nguyện với tất cả mãnh lực của lòng mình thì Thượng Đế sẽ ban cho chúng ta lòng bác ái.14
Những người nào được ban phước với ân tứ thiêng liêng này đều nhẫn nhục và nhân từ. Họ không ghen tị với người khác và chẳng khoe mình. Họ không dễ bị khiêu khích và không nghĩ xấu về người khác.15
Thưa anh chị em, tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô là sự giải đáp cho hành vi tranh cãi mà đang làm chúng ta phiền não ngày nay. Lòng bác ái thúc đẩy chúng ta “mang gánh nặng lẫn cho nhau”16 thay vì chất đống gánh nặng cho nhau. Tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô cho phép chúng ta “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào và trong bất cứ việc gì”17—nhất là trong những tình huống căng thẳng. Lòng bác ái cho phép chúng ta chứng tỏ cách những người nam và người nữ của Đấng Ky Tô nói và hành động—nhất là khi đang bị công kích.
Bây giờ, tôi không nói về “hòa bình bằng bất cứ giá nào.”18 Tôi đang nói về việc cư xử với người khác theo những cách phù hợp với việc tuân giữ giao ước mà anh chị em lập khi dự phần Tiệc Thánh. Chúng ta hứa sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi. Trong những tình huống căng thẳng và đầy tranh chấp, tôi mời anh chị em hãy tưởng nhớ đến Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy cầu nguyện để có sự can đảm và khôn ngoan đặng nói hoặc làm những gì Ngài sẽ nói hoặc làm. Khi noi theo Hoàng Tử Bình An, chúng ta sẽ trở thành những người giải hòa của Ngài.
Đến đây, thì anh chị em có thể nghĩ rằng sứ điệp này sẽ thực sự giúp đỡ cho một ai đó mà mình biết. Có lẽ anh chị em đang hy vọng rằng sứ điệp đó sẽ giúp người ấy đối xử tốt hơn với mình. Tôi hy vọng là sẽ như vậy! Nhưng tôi cũng hy vọng rằng anh chị em sẽ nhìn sâu vào đáy lòng mình để xem liệu có một chút kiêu hãnh hay ghen tị nào ngăn cản anh chị em trở thành người giải hòa hay không.19
Nếu anh chị em nghiêm túc về việc giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên và về việc xây đắp các mối quan hệ mà sẽ tồn tại suốt thời vĩnh cửu, thì bây giờ chính là lúc phải gạt bỏ sự cay đắng sang một bên. Bây giờ là lúc để ngừng khăng khăng rằng người khác phải đồng ý với anh chị em vì không còn cách nào khác cả. Bây giờ là lúc để ngừng làm những việc khiến người khác phải e dè thận trọng vì sợ làm anh chị em khó chịu. Bây giờ là lúc để chôn cất vũ khí chiến tranh của anh chị em.20 Nếu lời nói như dao cứa của anh chị em chứa đầy sự lăng mạ và buộc tội, thì bây giờ là lúc để dẹp bỏ.21 Anh chị em sẽ đứng lên như là một người nam hay nữ mạnh mẽ về phần thuộc linh của Đấng Ky Tô.
Đền thờ có thể giúp chúng ta trong công cuộc tìm kiếm của mình. Ở đó, chúng ta được ban cho quyền năng của Thượng Đế mà ban cho chúng ta khả năng chiến thắng Sa Tan, kẻ xúi giục mọi tranh chấp.22 Hãy loại bỏ nó ra khỏi các mối quan hệ của anh chị em! Hãy lưu ý rằng chúng ta cũng hay khiển trách kẻ nghịch thù mỗi khi chúng ta hàn gắn một sự hiểu lầm hoặc từ chối việc bị xúc phạm. Thay vì thế, chúng ta có thể cho thấy lòng thương xót dịu dàng, là nét đặc trưng của các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Những người giải hòa sẽ cản trở kẻ nghịch thù.
Chúng ta, với tư cách là một dân tộc, hãy trở thành nguồn ánh sáng thực sự trên ngọn đồi—ánh sáng “không thể bị che khuất được.”23 Chúng ta hãy cho thấy rằng có một cách êm thấm, lễ độ để giải quyết các vấn đề phức tạp và một cách sáng suốt để giải quyết những mối bất đồng. Khi anh chị em cho thấy lòng bác ái mà các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô thể hiện, thì Chúa sẽ làm vinh hiển những nỗ lực của anh chị em vượt xa ngoài óc tưởng tượng phong phú nhất của anh chị em.
Mạng lưới phúc âm là mạng lưới lớn nhất trên thế gian. Thượng Đế đã mời gọi tất cả mọi người đến cùng Ngài, “dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ.”24 Có đủ chỗ cho mọi người. Tuy nhiên, không có chỗ cho thành kiến, sự chỉ trích hoặc tranh chấp dưới bất kỳ hình thức nào.
Anh chị em thân mến, điều tốt nhất vẫn chưa đến với những người nào dành cả cuộc đời mình để khích lệ những người khác. Hôm nay tôi mời anh chị em hãy xem xét tư cách môn đồ của mình trong bối cảnh cách anh chị em đối xử với người khác. Tôi ban phước cho anh chị em để có bất cứ điều chỉnh nào có thể cần thiết để cho hành vi của mình trở nên cao quý, lễ độ và tiêu biểu cho một tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi ban phước cho anh chị em để thay thế sự hiếu chiến bằng sự cầu xin, sự thù hận bằng sự thông cảm, và sự tranh chấp bằng hòa bình.
Thượng Đế hằng sống! Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Ngài đứng đầu Giáo Hội này. Chúng ta là tôi tớ của Ngài. Ngài sẽ giúp chúng ta trở thành những người giải hòa của Ngài. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.