2012
Làm Thế Nào để Sống Còn trong Lãnh Thổ của Kẻ Thù
Tháng Mười năm 2012


Làm Thế Nào để Sống Còn trong Lãnh Thổ của Kẻ Thù

Từ bài nói chuyện đưa ra vào ngày 22 tháng Giêng năm 2012 tại buổi phát sóng lễ kỷ niệm một trăm năm lớp giáo lý.

Chủ Tịch Boyd K. Packer

Chúng ta kỷ niệm 100 năm lớp giáo lý trong Giáo Hội. Tôi nghĩ về lịch sử này đã bắt đầu cách đây từ lâu khi những nguồn lực và tài liệu dành cho chương trình này còn rất khan hiếm.

Kể từ những hoàn cảnh khiêm tốn đó, chúng ta hiện có 375.008 học sinh trong lớp giáo lý ở 143 quốc gia với hơn 38.000 người tình nguyện và các giảng viên toàn thời gian trên toàn cầu. Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào giới trẻ của mình. Chúng tôi biết giá trị và tiềm năng của các em.

Sự Thông Sáng Sẽ Giúp Các Em Chống Lại Kẻ Thù

Tôi nói chuyện với tư cách là một người đã chứng kiến quá khứ và muốn chuẩn bị các em cho tương lai.

Các em đang lớn lên trong lãnh thổ của kẻ thù. Khi trở nên chín chắn trong phần thuộc linh, các em sẽ hiểu cách kẻ nghịch thù đã xâm nhập vào thế giới xung quanh các em như thế nào. Nó đang ở trong nhà, trong phương tiện giải trí, truyền thông đại chúng, lời lẽ—mọi thứ xung quanh các em. Trong đa số trường hợp, sự hiện diện của nó không bị phát hiện.

Tôi muốn nói cho các anh chị em biết rằng điều gì là đáng giá và đáng ao ước nhất. Thánh thư nói: “Sự khôn ngoan là điều cần nhất; vậy, khá cầu lấy sự khôn ngoan,” và tôi xin nói thêm, “với tất cả điều [các em] nhận được, hãy [làm theo!]” Châm Ngôn 4:7). Tôi không có thời giờ để lãng phí và các em cũng thế. Vậy thì hãy lắng nghe kỹ!

Khi tôi quyết định làm giáo viên, thì điều đó thật rõ ràng. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, tôi mới được hơn 20 tuổi và là một phi công trong Không Quân. Tôi đóng quân ở trên hòn đảo nhỏ Ie Shima. Hòn đảo này nhỏ, to bằng hình con tem trên bản đồ, nằm lẻ loi gần ngay đỉnh phía bắc Okinawa.

Vào một buổi chiều cô đơn, tôi ngồi trên một vách đá để xem cảnh hoàng hôn. Tôi đang suy ngẫm điều tôi sẽ làm với cuộc sống của mình sau chiến tranh, nếu tôi đủ may mắn để sống sót. Tôi muốn làm gì? Đó là vào cái đêm mà tôi quyết định muốn làm giáo viên. Tôi lập luận rằng giáo viên luôn luôn học hỏi. Học hỏi là một mục đích cơ bản của cuộc sống.

Lần đầu tiên tôi dạy lớp giáo lý là vào năm 1949 ở Brigham City. Tôi đã là học sinh cũng trong lớp giáo lý đó trong khi theo học trung học.

Có ba khóa được giảng dạy đầu tiên trong lớp giáo lý: Kinh Cựu Ước, Kinh Tân Ước và Lịch Sử Giáo Hội. Tôi có đặc ân để thêm vào lớp buổi sáng sớm khóa học về Sách Mặc Môn. Tôi đã trở về từ chiến trận với chứng ngôn về Sách Mặc Môn và một sự hiểu biết về ân tứ Đức Thánh Linh đã tác động như thế nào.

Ân Tứ Thánh Linh Sẽ Bảo Vệ Các Em trong Lãnh Thổ của Kẻ Thù

Các em đã được giảng dạy suốt cuộc sống của mình về ân tứ Đức Thánh Linh, nhưng điều giảng dạy đó chỉ đến mức độ đó thôi. Trong thực tế, các em có thể và phải một mình đi đoạn đường còn lại để tự khám phá nơi mình cách mà Đức Thánh Linh có thể là một ảnh hưởng hướng dẫn và bảo vệ như thế nào.

Đối với các thanh niên và thiếu nữ, tiến trình đó cũng như vậy. Việc khám phá ra cách Đức Thánh Linh tác động đến cuộc sống của các em là cuộc tìm kiếm suốt đời. Một khi tự mình khám phá ra điều đó, thì các em có thể sống trong lãnh thổ của kẻ thù và sẽ không bị lừa gạt hay bị hủy diệt. Không có tín hữu nào của Giáo Hội này—và điều đó có nghĩa là mỗi em—sẽ làm một lỗi lầm nghiêm trọng mà lại không được cảnh cáo trước hết bởi những thúc giục của Đức Thánh Linh.

Đôi lúc, khi đã làm một điều lầm lỗi, các em có lẽ đã nói sau đó: “Tôi biết tôi đã không nên làm điều đó. Tôi không cảm thấy đúng,” hoặc có lẽ: “Tôi biết tôi đã nên làm điều đó. Tôi chỉ không có can đảm để hành động!” Các ấn tượng đó chính là Đức Thánh Linh đang cố gắng hướng dẫn các em hướng đến điều tốt hoặc cảnh cáo các em tránh khỏi điều nguy hại.

Có một số điều các em không được làm nếu đường dây truyền đạt này phải được để mở sẵn. Các em không thể nói dối, gian lận hay ăn cắp hoặc hành động một cách vô luân mà lại không làm gián đoạn những đường dây đó. Đừng đi đến nơi nào mà môi trường ở đó chống lại sự truyền đạt với Thánh Linh.

Các em cần phải biết cách tìm kiếm quyền năng và sự hướng dẫn có sẵn cho mình, và rồi tuân theo hướng đi đó dù cho bất cứ điều gì xảy ra đi nữa.

Trước hết, trên bản liệt kê “những việc cần làm”, hãy viết xuống từ cầu nguyện. Phần lớn những lời cầu nguyện của các em sẽ là thầm lặng. Các em có thể nghĩ ra một lời cầu nguyện.

Các em luôn luôn có thể có được một đường dây truyền đạt trực tiếp với Cha Thiên Thượng. Đừng để cho kẻ nghịch thù thuyết phục các em rằng không có một ai đang lắng nghe ở bên kia đầu dây. Các em không bao giờ cô đơn cả! Những lời cầu nguyện của các em luôn luôn được nghe thấu. Các em không bao giờ cô đơn cả!

Hãy chăm sóc thân thể của mình. Hãy trong sạch. “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?” 1 Cô Rinh Tô 3:16).

Hãy đọc kỹ những lời hứa trong tiết 89 của sách Giáo Lý và Giao Ước. Lời Thông Sáng không hứa ban cho sức khỏe hoàn hảo, nhưng những cơ quan cảm nhận thuộc linh bên trong các em có thể được củng cố.

Hãy tránh xa việc xăm mình và những điều tương tự mà làm xấu đi thân thể các em. Thể xác của các em được tạo ra theo hình ảnh của Ngài.

Lời Khuyên Bảo của Vị Tiên Tri Dạy Điều Chân Chính

Bây giờ, tôi muốn nói theo mẫu mực của một cuộc nói chuyện thẳng về một vấn đề khác.

Chúng ta biết rằng phái tính đã được quy định trong tiền dương thế.1 “Linh hồn cùng thể xác tạo thành bản thể con người.” (GLGƯ 88:15). Vấn đề về phái tính này là mối lo âu lớn đối với Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, cũng như tất cả các vấn đề đạo đức.

Một vài em có thể cảm thấy hoặc được cho biết rằng các em được sinh ra với những cảm nghĩ rắc rối và các em không cảm thấy có lỗi nếu hành động theo những cám dỗ này. Theo giáo lý, chúng ta biết rằng nếu điều đó đúng thì quyền tự quyết của các em sẽ bị xóa đi, và điều đó không thể xảy ra được. Các em luôn luôn có một sự lựa chọn để tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh cùng sống thanh sạch và trinh khiết, một cuộc sống tràn đầy đức hạnh.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley loan báo điều sau đây trong một đại hội trung ương: “Có những người hỏi về lập trường của chúng ta về những người tự xem mình là … người đồng tính luyến ái. Câu trả lời của tôi là chúng ta yêu thương họ như là các con trai và con gái của Thượng Đế. Họ có thể có một số khuynh hướng mạnh mẽ và có lẽ khó kiềm chế nào đó. Hầu hết những người có [loại cám dỗ] này hay cám dỗ khác vào những thời điểm khác nhau. Nếu không hành động theo những khuynh hướng này, thì họ có thể tiến bước như tất cả các tín hữu khác của Giáo Hội. Nếu vi phạm luật trinh khiết và các tiêu chuẩn đạo đức của Giáo Hội, thì họ phải chịu kỷ luật của Giáo Hội, cũng giống như những người khác vậy.

“Chúng ta muốn giúp đỡ … củng cố họ, để phụ giúp với những vấn đề khó khăn của họ. Nhưng chúng ta không thể không làm gì cả nếu họ thỏa thích trong hành động vô luân, nếu họ cố gắng ủng hộ và sống trong tình trạng được gọi là hôn nhân cùng phái tính. Việc cho phép điều đó xảy ra như vậy sẽ làm giảm đi nền tảng rất hệ trọng và thiêng liêng của hôn nhân đã được Thượng Đế thừa nhận và mục đích chính của hôn nhân là nuôi dạy gia đình.”2

Chủ Tịch Hinckley đang nói thay cho Giáo Hội.

Sử Dụng Quyền Tự Quyết của Các Em để Giữ Gìn hoặc Giành Lại Vị Thế An Toàn

Ân tứ thứ nhất mà A Đam và Ê Va nhận được là quyền tự quyết: “Ngươi có thể tự chọn lựa, vì quyền đó được ban cho ngươi.” (Môi Se 3:17).

Các em cũng có quyền tự quyết đó. Hãy sử dụng quyền đó một cách khôn ngoan để bác bỏ hành động theo bất cứ sự thôi thúc không thanh khiết hay cám dỗ tội lỗi nào có thể hiện đến tâm trí của các em. Đừng bao giờ làm điều đó, và nếu các em đã làm rồi, thì hãy từ bỏ và quay trở lại. “Hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính” (Mô Rô Ni 10:32).

Đừng đùa giỡn với các khả năng sinh sản trong cơ thể của mình hoặc với các tín hữu của bất cứ phái tính nào. Đó là tiêu chuẩn của Giáo Hội, và tiêu chuẩn đó sẽ không thay đổi. Khi các em trưởng thành, thì sẽ có cám dỗ để thử nghiệm hay khám phá những sinh hoạt vô luân. Đừng làm điều đó!

Từ chủ yếu là kỷ luật—kỷ luật tự giác. Từ kỷ luật là từ môn đồ hay tín đồ mà ra. Hãy là một môn đồ-tín đồ của Đấng Cứu Rỗi, rồi các em sẽ được an toàn.

Một hoặc hai người trong số các em có thể nghĩ rằng: “Tôi đã phạm tội lỗi nghiêm trọng này hay tội lỗi nghiêm trọng đó. Quá trễ rồi.” Không bao giờ là quá trễ cả.

Các em đã được dạy ở nhà và trong lớp giáo lý về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự Chuộc Tội giống như một cục tẩy. Nó có thể tẩy xóa tội lỗi và hậu quả của bất cứ điều gì đang khiến cho các em cảm thấy phạm tội.

Tội lỗi là nỗi đau khổ tinh thần. Đừng chịu cảnh đau đớn kinh niên. Hãy loại bỏ nỗi đau đớn đó. Hãy từ bỏ nó. Hãy hối cải, và nếu cần thiết, hối cải nhiều lần cho đến khi các em—chứ không phải kẻ thù—làm chủ bản thân mình.

Sự Bình An Có Được Là qua Việc Hối Cải Thường Xuyên

Cuộc sống hóa ra là một loạt thử thách và lỗi lầm. Hãy thêm “thường xuyên hối cải” vào bản liệt kê những việc cần làm của mình. Điều này sẽ mang đến cho các em cảm giác bình an lâu dài mà không thể mua được bằng bất cứ giá nào trên thế gian. Việc hiểu biết về Sự Chuộc Tội có lẽ là một trong những lẽ thật quan trọng nhất mà các em có thể học được trong thời niên thiếu của mình.

Nếu các em đang giao thiệp với những người làm suy yếu các tiêu chuẩn của mình thay vì giúp xây đắp cho các em, thì hãy ngừng lại và kiếm bạn khác mà chơi. Đôi khi các em có thể cô đơn một mình. Vậy thì, câu hỏi quan trọng có thể được đặt ra: “Khi cô đơn, ta có đang có bạn tốt không?”

Việc sửa đổi một thói xấu mà các em đã cho phép mình vướng vào có thể là điều rất khó khăn. Nhưng quyền năng ở với các em. Đừng nản lòng. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng “tất cả những ai có thể xác đều có quyền năng đối với những người không có thể xác.”3 Các em có thể chống lại cám dỗ mà!

Có lẽ các em sẽ không phải đụng độ riêng với kẻ nghịch thù; nó không hiện ra như cách đó đâu. Nhưng cho dù nó có đích thân đến với các em để thử thách và cám dỗ, thì các em cũng có một lợi thế. Các em có thể sử dụng quyền tự quyết của mình và nó sẽ phải để cho các em yên.

Tận Dụng Các Phước Lành của Lớp Giáo Lý

Các em không tầm thường đâu. Các em có một cuộc sống rất đặc biệt. Các em rất phi thường. Làm sao tôi biết được điều đó? Tôi biết điều đó vì các em sinh ra vào một thời điểm và nơi chốn mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có thể đến với cuộc sống của các em qua những lời giảng dạy và sinh hoạt trong nhà cũng như trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Và chính Chúa đã phán là: “giáo hội hằng sống và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này.” (GLGƯ 1:30).

Chúng ta có thể thêm vào bản liệt kê những điều khác, nhưng các em biết điều gì mình nên làm và không nên làm trong cuộc sống của mình. Các em biết điều đúng với điều sai và không cần phải được truyền lệnh trong tất cả mọi điều.

Đừng phí phạm những năm tháng được dạy dỗ trong lớp giáo lý. Hãy tận dụng phước lành lớn lao mà các em có để học hỏi các giáo lý của Giáo Hội và những lời giảng dạy của các vị tiên tri. Hãy học hỏi điều gì có giá trị nhất. Điều ấy sẽ ban phước cho các em và con cháu của các em trong nhiều thế hệ mai sau.

Sẽ không còn bao nhiêu năm nữa khi các em sẽ kết hôn và có con cái, một cuộc hôn nhân mà cần phải được gắn bó trong đền thờ. Lời cầu nguyện của chúng tôi là các em sẽ tự tìm ra bản thân mình, và khi đến lúc sẽ được an toàn ổn định trong một tiểu giáo khu hay chi nhánh gồm có những người có gia đình.

Hãy Tiến Tới với Hy Vọng và Đức Tin

Đừng lo sợ cho tương lai. Hãy tiến bước với hy vọng và đức tin. Hãy nhớ tới ân tứ thiêng liêng đó của Đức Thánh Linh. Hãy học cách để được Đức Thánh Linh giảng dạy. Hãy học cách tìm kiếm ân tứ đó. Hãy học cách sống theo ân tứ đó. Hãy học cách cầu nguyện luôn luôn trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 3 Nê Phi 18:19–20). Thánh Linh của Chúa sẽ chăm sóc các em và các em sẽ được ban phước.

Chúng tôi có đức tin lớn lao và trọn vẹn nơi các em.

Tôi làm chứng với các em—một lời chứng đến với tôi khi tôi còn trẻ. Và các em cũng không khác gì với tôi so với bất cứ người nào khác. Các em có nhiều quyền đối với chứng ngôn đó như bất cứ người nào. Và chứng ngôn đó sẽ đến với các em nếu các em đạt được chứng ngôn đó. Tôi cầu khẩn các phước lành của Chúa ban xuống cho các em—các phước lành của lời chứng đó trong cuộc sống của các em, để hướng dẫn các em khi tạo lập một tương lai hạnh phúc.

Ghi Chú

  1. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” LiahonaEnsign, tháng Mười Một năm 2010, 129; xin xem thêm Môi Se 3:5; Áp Ra Ham 3:22–23.

  2. Gordon B. Hinckley, “What Are People Asking about Us?” Ensign, tháng Mười Một năm 1998, 71.

  3. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 211.

Tranh do Cary Henrie minh họa

Biểu hiệu do Scott Greer minh họa