2012
Sách An Ma: Các Bài Học cho Ngày Nay
Tháng Mười năm 2012


Sách An Ma: Các Bài Học cho Ngày Nay

Anh Cả Paul B. Pieper

Dân Nê Phi đã trung tín chịu đựng những thử thách của thời kỳ họ và là nhân chứng về việc Chúa sẽ ban cho các phước lành và sự bảo vệ mà chúng ta cần để đáp ứng những thử thách của thời kỳ mình một cách thành công.

Vào lúc cuối thời gian trị vì của mình, Vua Mô Si A đã đề nghị rằng chế độ quân chủ phải được thay thế bằng một chế độ các phán quan do dân chúng chọn ra. Chế độ được đề nghị phải được đặt trên các luật pháp do Thượng Đế ban cho do các phán quan điều hành, là những người được dân chúng chọn ra.

Nguyên tắc về quyền tự quyết là nền tảng của chế độ đã được đề nghị—thay vì là một nhà vua, những cá nhân sẽ chấp nhận trách nhiệm và sự giải trình để hành động đúng theo luật pháp. Vì “rất ít khi tiếng nói của dân chúng lại mong muốn những điều gì trái với lẽ công bình” (Mô Si A 29:26), nên chế độ này sẽ bảo vệ chặt chẽ hơn cho quyền hạn của cá nhân và sự ngay chính chung của xã hội.

Để đáp lại lời đề nghị của Mô Si A, dân chúng “hết sức quan tâm đến việc để cho mọi người có cơ hội đồng đều trong khắp xứ; phải, và mọi người đều tỏ ý sẵn lòng gánh lấy trách nhiệm về tội lỗi của mình” (Mô Si A 29:38).

Sách An Ma ghi lại lịch sử của con người trong thời gian 40 năm sau khi dân chúng đã chấp thuận chế độ được đề nghị. Các chương cuối của biên sử An Ma, các chương 43 đến 62, thuật lại một thời kỳ vô cùng thử thách và khó khăn. Trong thời gian 19 năm ngắn ngủi này, dân chúng đương đầu với những thử thách chính trị nội bộ, những đe dọa ở bên ngoài và hầu như cuộc xung đột thường xuyên có vũ trang.

Hệ thống chính quyền của họ đã hai lần bị đe dọa trong nội bộ bởi những người tìm cách lên làm vua và tước đoạt quyền của người dân để chọn người lãnh đạo và được tự do thờ phượng. Tương tự như thế, những người này phải tự bảo vệ mình khỏi nhiều cuộc tấn công bên ngoài của dân La Man là những kẻ quyết tâm hủy diệt chính quyền Nê Phi và bắt dân Nê Phi làm nô lệ.

Kinh tế bị gián đoạn bởi nhiều thử thách này, mặc dù đã không được đề cập đến một cách cụ thể, có thể là một thử thách đáng kể cho dân chúng. Trong khi sưu tập biên sử thiêng liêng, Mặc Môn đã cảm thấy có ấn tượng để cung cấp một bài tường thuật chi tiết về thời kỳ này. Quả vậy, nếu ông đã không cung ứng chi tiết tương tự cho phần còn lại của lịch sử 1.000 năm của dân Nê Phi thì Sách Mặc Môn đã có nhiều hơn là 2.500 trang!

Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994) dạy:

“Sách Mặc Môn … được viết cho thời kỳ chúng ta. Dân Nê Phi cũng như dân La Man trong thời xưa chưa bao giờ có sách này. Sách này là nhằm dành cho chúng ta. … Dưới sự soi dẫn của Thượng Đế, là Đấng thấy hết mọi sự việc từ lúc ban đầu, [Mặc Môn] đã tóm lược các biên sử của nhiều thế kỷ, chọn những câu chuyện, các bài nói chuyện và sự kiện có ích nhất cho chúng ta. …

“Chúng ta cần phải thường xuyên tự hỏi: ‘Tại sao Chúa đã soi dẫn cho Mặc Môn (hay Mô Rô Ni hoặc An Ma) để gồm điều đó vào biên sử của ông? Tôi có thể học được bài học nào từ điều đó để giúp tôi sống trong thời kỳ và thời đại này?’”1

Ngày nay Các Thánh Hữu Ngày Sau trên khắp thế gian tự thấy mình đang đối phó với nhiều thử thách giống như dân Nê Phi đã có trong thời kỳ này của lịch sử của họ, kể cả những nỗ lực nhằm tước đoạt quyền thờ phượng và lên tiếng về những vấn đề quan trọng đối với xã hội nơi chúng ta đang sống. Một số Thánh Hữu Ngày Sau đã cảm thấy sự đe dọa của cuộc tấn công và xung đột bên ngoài với các lực lượng cam kết sẽ hủy diệt quốc gia và nền tự do của họ.

May mắn thay, dân Nê Phi đã có thể khắc phục được những thử thách nhờ vào nỗ lực tột bậc, sự hy sinh và giúp đỡ của Chúa. Một vài bài học về cách họ đã đáp ứng những thử thách của họ một cách thành công có thể mang đến cho chúng ta sự hướng dẫn và hy sinh để đối phó với những thử thách của chúng ta ngày nay.

1. Duy trì những ước muốn và động cơ thích hợp.

Qua tất cả những thử thách của họ, dân Nê Phi ngay chính đã có thể có được sức mạnh từ việc hành động với những động cơ thích hợp. Ý định độc nhất của họ là “bảo vệ bản thân và gia đình họ cùng đất đai, xứ sở và quyền lợi cùng tôn giáo của họ.” (An Ma 43:47). Ước muốn của họ là bảo tồn quyền tự quyết của mình—quyền để hành động trong sự ngay chính và để trả lời cho hành vi ứng xử của họ—thay vì có một nhà vua quy định hành vi ứng xử của họ. Động cơ của họ là bảo tồn sự bình đẳng theo như luật pháp, cụ thể là sự tự do của họ để thờ phượng Thượng Đế và bảo vệ giáo hội của họ (xin xem An Ma 43:9, 45).

Hiện có và sẽ luôn luôn có trong những xã hội các lực lượng tìm cách thao túng công luận để đạt được quyền hành cho lợi lộc cá nhân. Có sự cám dỗ để chấp nhận các động cơ của họ và biến cuộc xung đột thành cuộc tranh giành quyền hành. Cách của Chúa là chỉ luôn luôn hành động dựa trên những ước muốn và động cơ thuần khiết như dân Nê Phi đã làm. Việc làm như vậy cho phép họ nhận được quyền năng của thiên thượng để khắc phục những thử thách của họ “trong sức mạnh của Chúa” (An Ma 46:20; xin xem thêm An Ma 60:16; 61:18).

Tương tự như vậy, để đáp ứng những thử thách mình gặp ngày nay, chúng ta cần phải thường xuyên xem xét lòng mình để chắc chắn rằng những ước muốn và động cơ của mình đều thuần khiết và đặt trên các nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu hành động (hoặc lôi kéo những người khác để hành động) theo tính ích kỷ, vì lợi lộc cá nhân, hoặc khinh thường những người khác, thì chúng ta sẽ không có sự giúp đỡ thiên thượng cần có để chịu đựng những thử thách.

2. Hãy tử tế và rộng rãi đối với người kém may mắn.

Khi những kẻ thù xưa của họ, dân An Ti Nê Phi Lê Hi, bị đe dọa sẽ bị hủy diệt, dân Nê Phi biểu quyết dành cho họ một nơi để sống và xây dựng cuộc sống mới cùng cung ứng cho họ sự bảo vệ (xin xem An Ma 27:21–22; 43:11–12). Vì dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã thề sẽ không bao giờ cầm vũ khí chiến tranh nữa, nên thay vì thế họ “trao một phần lớn tài sản của mình để họ nuôi” (An Ma 43:13) những đạo quân Nê Phi trong những lúc nguy kịch này. Tuy nhiên, không có ghi chép rằng dân Nê Phi đã đối xử với những người dân nhập cư này hoàn toàn bằng sự kính trọng và yêu thương, mặc dù họ chắc phải có một đích nhắm chính trị dễ dàng đối với những người muốn khuấy động mối bất đồng.

Cách đối xử tử tế của dân Nê Phi đối với dân Am Môn, vì họ được gọi như vậy, đã được đền đáp lại và cuối cùng góp phần vào sự hình thành một lữ đoàn quân sự soi dẫn nhất trong lịch sử và được ghi chép là—2.000 chiến sĩ trẻ tuổi. Trớ trêu thay, sự phục vụ của các thanh niên có thể đã là bí quyết để bảo tồn xã hội Nê Phi khỏi sự hủy diệt ban đầu.

Trong những lúc chia rẽ nội bộ, cuộc tấn công bên ngoài, và những thử thách kinh tế, thì có một khuynh hướng để trở nên tiêu cực đối với những người “khác chúng ta.” Sẽ trở nên dễ dàng để trở thành người chỉ trích và phê phán họ. Một người có thể thắc mắc về lòng trung thành và giá trị của họ trong xã hội cũng như ảnh hưởng của họ về sự thịnh vương về kinh tế. Những phản ứng tiêu cực này không phù hợp với lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi để yêu thương người lân cận như bản thân mình, và họ tạo ra cảnh phân hóa, bất hòa, và cô lập. Nếu dân Am Môn đã không được tiếp đón vào trong xã hội Nê Phi, thì có lẽ điều đó đã tạo ra nỗi oán giận hơn là lòng biết ơn đối với thế hệ đang vươn lên. Thay vì là 2.000 chiến sĩ trung tín, thế hệ mới có thể đã trở nên xa lạ và gia nhập lại với dân La Man.

Một yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn dân tộc Nê Phi và cho dân Nê Phi quyền nhận được các phước lành của thiên thượng trong thời kỳ khó khăn cực độ của họ là sự sẵn lòng để tử tế và rộng rãi đối với người túng thiếu. Dân của Thượng Đế cần có những phước lành như vậy ngày nay.

3. Lắng nghe và tuân theo các vị lãnh đạo đầy soi dẫn.

Chúa biết những thử thách mà dân Nê Phi sẽ gặp, và Ngài đã lập lên các vị lãnd đạo đầy soi dẫn để giúp họ đáp ứng với những thử thách đó. Lãnh Binh Mô Rô Ni là một chiến sĩ nhưng được soi dẫn để chuẩn bị giáp che ngực, khiên che tay, mũ giáp che đầu, y phục dày để bảo vệ dân của ông (xin xem An Ma 43:19). Do đó, dân Nê Phi đánh trận giỏi hơn dân La Man (xin xem An Ma 43:37–38). Về sau, Mô Rô Ni hướng dẫn dân chúng đào đất đắp thành lũy xung quanh thành của họ và dựng lên những hàng cọc nhọn trên mặt các lũy đất ấy (xin xem An Ma 50:1–3). Những sự chuẩn bị đầy soi dẫy này đã giúp bảo tồn dân Nê Phi khỏi sự hủy diệt.

Trong khi Mô Rô Ni đang chuẩn bị chiến tranh, thì Hê La Man và các anh em của ông đang thuyết giảng lời của Thượng Đế và khuyến khích dân chúng sống ngay chính để Thánh Linh của Chúa có thể hướng dẫn và bảo tồn họ. Bằng cách lắng nghe lời hướng dẫn về vật chất và thuộc linh của các vị lãnh đạo đầy soi dẫn, dân Nê Phi đã được bảo tồn. Chỉ có khi nào nổi lên những mối chia rẽ nội bộ và dân chúng từ chối không tuân theo những lời cảnh cáo đầy soi dẫn thì mới có sự thất bại và đau khổ.

Chúng ta được ban phước để sống trong một thời kỳ mà Chúa đã kêu gọi các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải tại thế để cảnh cáo và hướng dẫn chúng ta chuẩn bị cho những thử thách ngày nay. Vào năm 1998, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) đã đưa ra lời chỉ dẫn và cảnh cáo đầy soi dẫn cho các tín hữu Giáo Hội:

“Đã đến lúc phải sắp xếp nhà cửa chúng ta cho được trật tự.

“Có rất nhiều người đang sống trong tình trạng nguy ngập về thu nhập. Thật vậy, một số người đang sống bằng số tiền vay mượn. …

“Kinh tế là một điều mỏng manh. … Có một điềm báo trước về thời tiết bão bùng mà chúng ta nên lưu ý.”2

Mới đây, tôi có nói chuyện với một người đã nghe lời của Chủ Tịch Hinckley và những thúc giục của Thánh Linh. Vợ chồng người ấy quyết định thanh toán hết tiền đầu tư của họ, trả hết nợ nhà, và thoát khỏi cảnh nợ nần.

Ngày nay người ấy đang sống tự lực cánh sinh. Cảnh kinh tế suy thoái theo sau đó đã ảnh hưởng rất ít đến gia đình người ấy. Quả thật, khả năng tự túc của người ấy đã làm cho vợ chồng người ấy có thể phục vụ truyền giáo.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã được lập lên cho thời kỳ chúng ta. Cuộc sống và lời giảng dạy của ông là sứ điệp mà Thượng Đế đã gửi đến để bảo vệ và ban phước cho chúng ta ngày nay. Vào thời kỳ mà có nhiều người lo lắng về thứ họ không có, thì Chủ Tịch Monson dạy chúng ta phải biết ơn về nhiều phước lành Chúa đã ban cho chúng ta. Và vào thời kỳ mà nhiều người tập trung vào các vấn đề của riêng họ, thì Chủ Tịch Monson khuyến khích chúng ta tìm đến cứu giúp, quên mình ban phước cho những người khác. Việc lưu ý đến lời hướng dẫn của Chủ Tịch Monson sẽ mang đến cho gia đình chúng ta sự bảo vệ thuộc linh và các phước lành cần thiết trong thời kỳ chúng ta.

Tôi biết ơn đã sống trong một thời kỳ mà phúc âm đã được phục hồi. Tôi biết ơn Chúa đã chuẩn bị Sách Mặc Môn cho thời kỳ chúng ta. Dân Nê Phi đã trung tín chịu đựng những thử thách của thời kỳ họ và là nhân chứng về việc Chúa sẽ ban cho các phước lành và sự bảo vệ mà chúng ta cần để đáp ứng những thử thách của thời kỳ chúng ta một cách thành công.

Ghi Chú

  1. Ezra Taft Benson, “The Book of Mormon—Keystone of Our Religion,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 6.

  2. Gordon B. Hinckley, “To the Boys and to the Men,” Ensign, tháng Mười Một năm 1998, 53.

Hãy Đến, tranh do Walter Rane họa, với nhã ý của Viện Bảo Tàng Lịch Sử Giáo Hội

Họ Đặt Sự Tin Cậy của Mình vào nơi Thượng Đế, tranh do Walter Rane họa, với nhã ý của Viện Bảo Tàng Lịch Sử Giáo Hội

Lãnh Binh Mô Rô Ni và Lá Cờ Tự Do, do Clark Kelley Price họa