2019
Cẩn Thận so với Tùy Tiện
Tháng Năm 2019


2:3

Cẩn Thận so với Tùy Tiện

Khi những ảnh hưởng của thế gian càng ngày càng chấp nhận điều ác, thì chúng ta cần phải cố gắng hết sức để vững vàng ở trên con đường dẫn chúng ta đến với Đấng Cứu Rỗi một cách an toàn.

Có lần tôi thấy một tấm biển trong tủ kính của một cửa hàng có ghi: “Hạnh phúc, giá 15 đô la.” Tôi rất tò mò muốn biết tôi có thể mua bao nhiêu hạnh phúc với giá 15 đô la nên tôi đã đi vào bên trong để xem. Tôi tìm thấy rất nhiều đồ rẻ tiền và đồ lưu niệm—không có thứ nào tôi thấy mà có thể mang lại cho tôi loại hạnh phúc mà tấm biển đó đã ghi! Trong nhiều năm, tôi đã nhiều lần nghĩ về tấm biển đó và thật là dễ dàng biết bao để tìm kiếm hạnh phúc nơi những món đồ rẻ tiền hoặc tạm thời. Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta được phước để biết làm thế nào và nơi nào hạnh phúc đích thực được tìm thấy. Nó được tìm thấy trong việc cẩn thận sống theo phúc âm mà đã được Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, thiết lập và trong nỗ lực để trở nên giống như Ngài hơn.

Chúng tôi có một người bạn thân là kỹ sư tàu hỏa. Một ngày nọ khi đang lái tàu hỏa trên tuyến đường của mình, thì anh ấy phát hiện một chiếc ô tô dừng lại trên đường ray phía trước anh. Anh nhanh chóng nhận biết rằng chiếc ô tô đó bị kẹt và không thể băng qua đường ray. Ngay lập tức, anh đặt tàu hỏa vào chế độ khẩn cấp, mà điều khiển các cái thắng trên mỗi toa chở hàng dài ba phần tư dặm phía sau đầu máy, mang theo trọng tải 6.500 tấn. Con tàu không có cơ may nào để có thể dừng lại trước khi đâm vào chiếc ô tô đó, và điều đó đã xảy ra. May mắn thay cho những người trong chiếc ô tô, họ đã nghe thấy tiếng cảnh báo của còi tàu và đã thoát ra khỏi ô tô trước khi tàu và xe đụng nhau. Khi người kỹ sư đó đang nói chuyện với người cảnh sát điều tra, thì một người phụ nữ đầy giận dữ tiến đến gần họ. Người phụ nữ đó hét lên rằng mình đã nhìn thấy hết sự việc và rồi làm chứng rằng người kỹ sư thậm chí đã không cố gắng lái con tàu tránh chiếc ô tô!

Hiển nhiên, nếu người kỹ sư đã có thể lái con tàu tránh chiếc ô tô và rời khỏi đường ray để tránh tai nạn, thì anh ấy và toàn thể con tàu của anh sẽ bị trật đường ray và con tàu đang lao về phía trước sẽ bị dừng lại bất thình lình. May mắn thay cho anh ấy là đường ray mà con tàu của anh ấy đang chạy đã giữ cho bánh xe của con tàu di chuyển vững vàng đến đích của nó bất kể chướng ngại vật cản đường. May mắn thay cho chúng ta, chúng ta cũng ở trên con đường, một con đường giao ước mà chúng ta đã cam kết khi chịu phép báp têm với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Mặc dù thỉnh thoảng chúng ta có thể gặp những chướng ngại vật trên đường đi nhưng con đường này sẽ giữ cho chúng ta tiến tới đích vĩnh cửu quý báu nếu chúng ta vẫn vững vàng đi trên nó.

Khải tượng của Lê Hi về cây sự sống

Khải tượng về cây sự sống cho chúng ta thấy những kết quả của sự tùy tiện có thể dẫn chúng ta xa khỏi con đường giao ước. Hãy nghĩ tới thanh sắt và con đường thẳng và hẹp, hay là con đường giao ước, đã dẫn thẳng đến cây sự sống, nơi tất cả các phước lành do Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài dành sẵn cho người trung tín. Một dòng sông tượng trưng cho sự dơ bẩn của thế gian. Thánh thư mô tả rằng con sông này “chảy xuôi” dọc con đường “gần” bên cái cây, chứ không phải tới cái cây. Thế giới đầy những thứ làm xao lãng mà có thể đánh lừa cả người chọn lọc, khiến họ trở nên tùy tiện trong việc sống theo các giao ước của họ—do đó dẫn họ đến gần cái cây, nhưng không phải tới cái cây. Nếu chúng ta không cẩn thận trong việc sống theo các giao ước của mình một cách chính xác, thì cuối cùng những nỗ lực tùy tiện của chúng ta có thể dẫn chúng ta vào những con đường cấm hoặc gia nhập với những người đã bước vào tòa nhà rộng lớn vĩ đại. Nếu không cẩn thận, chúng ta còn có thể bị chết chìm dưới đáy sông dơ bẩn.1

Có một cách cẩn thận và một cách tùy tiện để làm mọi điều, kể cả việc sống theo phúc âm. Khi xem xét cam kết của mình với Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta cẩn thận hay tùy tiện? Vì bản chất phàm tục của mình, đôi khi chúng ta hợp lý hóa hành vi của mình, thỉnh thoảng coi hành động của chúng ta lờ lững, không tốt cũng chẳng xấu, hoặc tốt lẫn lộn với không tốt đó sao? Bất cứ khi nào chúng ta nói “tuy nhiên,” “ngoại trừ,” hay “nhưng” khi áp dụng vào việc tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri lãnh đạo của mình hoặc sống theo phúc âm một cách cẩn thận, thì thực ra chúng ta đang nói rằng: “Lời khuyên dạy đó không áp dụng cho tôi.” Chúng ta có thể hợp lý hóa tất cả những gì chúng ta muốn, nhưng thực tế là, không có cách nào đúng để làm điều sai cả!

Chủ đề cho giới trẻ trong năm 2019 được trích ra từ Giăng 14:15, nơi mà Chúa dạy: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.” Nếu yêu mến Ngài như mình tuyên bố, thì chúng ta có thể nào cho thấy tình yêu thương đó bằng cách cẩn thận hơn một chút trong việc sống theo các giáo lệnh của Ngài không?

Việc cẩn thận sống theo phúc âm không nhất thiết có nghĩa là trịnh trọng hay nghiêm nghị. Điều đó có nghĩa là thích đáng trong ý nghĩ và hành vi của chúng ta với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi chúng ta suy ngẫm về sự khác biệt giữa thái độ cẩn thận và thái độ tùy tiện trong việc sống theo phúc âm của mình, thì đây là một số ý nghĩ cần cân nhắc:

Chúng ta có cẩn thận trong việc thờ phượng trong ngày Sa Bát và trong sự chuẩn bị của mình để dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần không?

Chúng ta có thể cẩn thận hơn trong những lời cầu nguyện và việc học thánh thư của mình hoặc tham gia tích cực hơn vào chương trình Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đìnhkhông?

Chúng ta có cẩn thận trong việc thờ phượng trong đền thờ của mình không và chúng ta có cẩn thận và kiên quyết sống theo các giao ước mà chúng ta đã lập tại lễ báp têm lẫn trong đền thờ không? Chúng ta có cẩn thận về bề ngoài của mình và khiêm tốn trong trang phục, nhất là ở những nơi và tình huống thiêng liêng không? Chúng ta có cẩn thận trong cách chúng ta mặc trang phục đền thờ thiêng liêng không? Hay thời trang của thế gian ra lệnh phải có một thái độ tùy tiện hơn?

Chúng ta có cẩn thận trong cách chúng ta phục sự cho người khác và trong cách chúng ta làm tròn những chức vụ kêu gọi của mình trong Giáo Hội, hay chúng ta thờ ơ hoặc tùy tiện trong sự kêu gọi phục vụ của mình?

Chúng ta có cẩn thận hay tùy tiện trong những gì chúng ta đọc và những gì chúng ta xem trên TV và trên các thiết bị di động của mình không? Chúng ta có cẩn thận trong lời lẽ của mình không? Hay là chúng ta tùy tiện chấp nhận điều thô thiển và thô tục?

Cuốn sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ chứa đựng các tiêu chuẩn mà khi được tuân theo cẩn thận sẽ mang lại các phước lành dồi dào và giúp chúng ta ở trên con đường giao ước. Mặc dù cuốn sách này được viết vì lợi ích của giới trẻ, nhưng các tiêu chuẩn trong sách không kết thúc khi chúng ta rời các chương trình Thiếu Niên và Thiếu Nữ. Các tiêu chuẩn này vẫn luôn áp dụng cho mỗi người chúng ta. Việc xem xét các tiêu chuẩn này có thể soi dẫn cho những cách khác mà chúng ta có thể cẩn thận hơn trong việc sống theo phúc âm của mình.

Chúng ta không hạ thấp các tiêu chuẩn của mình để được người khác chấp nhận hoặc làm cho người khác cảm thấy thoải mái. Chúng ta là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, và như vậy chúng ta đang đề cao những người khác, nâng họ lên một nơi cao hơn, thánh thiện hơn, nơi họ cũng có thể đạt được các phước lành lớn lao hơn.

Tôi mời mỗi người chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để biết những điều chỉnh nào chúng ta cần có trong cuộc sống của mình để được phù hợp hơn với các giao ước của chúng ta. Tôi cũng khẩn nài với anh chị em đừng bình phẩm những người khác mà cũng đang thực hiện cuộc hành trình tương tự này. “Vì sự phán xét là của ta, lời Chúa phán vậy.”2 Mỗi người chúng ta đều ở trong tiến trình tăng trưởng và thay đổi.

Câu chuyện được kể trong Sách Mặc Môn về dân Am Li Si bội giáo thì rất thú vị đối với tôi. Như là một cách lưu ý những người khác rằng họ không còn liên kết với Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài nữa, họ đã đánh một dấu đỏ trên trán cho mọi người dễ nhận thấy.3 Ngược lại, và với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, làm thế nào để chúng ta đánh dấu chính mình? Những người khác có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh của Ngài trong diện mạo của chúng ta và biết chúng ta đại diện cho ai qua cách chúng ta cẩn thận sống cuộc sống của mình không?

Là một dân giao ước, chúng ta không có ý định hòa nhập với thế gian. Chúng ta đã được gọi là “một dân đặc biệt”4—thật là một lời khen ngợi tuyệt vời! Khi những ảnh hưởng của thế gian càng ngày càng chấp nhận điều ác, thì chúng ta cần phải cố gắng hết sức để vững vàng ở trên con đường dẫn chúng ta đến với Đấng Cứu Rỗi một cách an toàn, giữ kỹ khoảng cách giữa việc sống theo giao ước của chúng ta với những ảnh hưởng của thế gian.

Khi suy nghĩ về việc đạt được hạnh phúc lâu dài, tôi nhận biết rằng đôi khi chúng ta thấy mình đang hợp lý hóa những chọn lựa sai của mình. Đám sương mù tối đen là không thể tránh khỏi khi chúng ta đi dọc theo con đường giao ước. Sự cám dỗ và tùy tiện có thể khiến chúng ta khéo léo chuyển hướng đi vào bóng tối của thế gian và tránh xa con đường giao ước. Trong thời gian khi điều này có thể xảy ra, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã khuyên nhủ chúng ta nên quay trở lại con đường giao ước và phải nhanh chóng làm vậy. Tôi biết ơn biết bao về ân tứ hối cải và quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Không thể nào sống một cuộc sống hoàn hảo. Chỉ có một người có thể sống hoàn hảo trong khi ở trên hạ thiên giới này. Đó là Chúa Giê Su Ky Tô. Thưa anh chị em, mặc dù có thể không hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể xứng đáng: xứng đáng dự phần Tiệc Thánh, xứng đáng với các phước lành đền thờ, và xứng đáng nhận được sự mặc khải cá nhân.

Vua Bên Gia Min làm chứng về những phước lành và hạnh phúc mà đến với những người noi theo kỹ Đấng Cứu Rỗi: “Và ngoài ra, tôi mong rằng các người hãy nên suy ngẫm về trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. Vì này, họ được ban phước lành trong tất cả mọi điều, cả vật chất lẫn tinh thần; và nếu họ trung thành cho đến cùng thì họ sẽ được thu nhận vào thiên thượng, để nhờ đó họ có thể ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”5

Hạnh phúc có thể mua với giá 15 đô la được không? Không thể được. Hạnh phúc sâu xa và lâu dài có được bằng cách sống có chủ ý và cẩn thận theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.