Phúc Âm Chân Chính, Thuần Khiết và Giản Dị của Chúa Giê Su Ky Tô
Yêu thương Thượng Đế và yêu thương người lân cận mình là nền tảng giáo lý của việc phục sự; việc học tập đặt trọng tâm trong nhà và được Giáo Hội hỗ trợ; sự thờ phượng thuộc linh trong ngày Sa Bát; và công việc cứu rỗi.
Các anh chị em của tôi, thật khó tin rằng 71 năm trước, vào năm 1948, tôi đã là một người truyền giáo ở nước Anh và 44 năm trước, Barbara và tôi đã đưa gia đình tới Canada khi tôi là chủ tịch của Phái Bộ Truyền Giáo Canada Toronto. Trong khi đang phục vụ ở đó, vào tháng Tư năm 1976, tôi đã được kêu gọi vào Đệ Nhất Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, và điều không ngờ là năm 1985, tôi đã được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Không giống như những sự kêu gọi trước đó mà tôi sẽ được giải nhiệm sau một khoảng thời gian nhất định, thì việc giải nhiệm cho sự kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai không phải là một sự lựa chọn tốt nhất vào lúc này, tuy nhiên, tôi cầu nguyện ngày đó chỉ đến sau khi tôi hoàn thành tất cả mọi điều mà Chúa kêu gọi tôi làm.
Khi suy nghĩ về 43 năm qua phục vụ với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương và đặc ân tôi có được để phục sự các con cái của Cha Thiên Thượng, tôi đã nhận ra rõ ràng hơn rằng Ngài muốn tất cả con cái của Ngài tìm thấy được sự bình an, niềm vui, và hạnh phúc trong cuộc sống của họ.
Tiên tri Lê Hi đã dạy rằng: “Loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui.”1 Có nhiều lý do tại sao chúng ta không thể có được sự bình an, niềm vui, và hạnh phúc trong cuộc sống này, gồm cả sự nghèo đói, chiến tranh, thiên tai, và những thất bại không mong muốn trong nghề nghiệp, sức khỏe, và mối quan hệ gia đình.
Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát các tác động bên ngoài mà làm ảnh hưởng tới cuộc sống của mình trên thế gian, khi cố gắng trở thành các môn đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể tìm thấy sự bình an, niềm vui, và hạnh phúc bất chấp những khó khăn của thế gian bủa vây xung quanh.
Một trong những người con của tôi đã từng nói: “Cha ơi, con lo rằng con sẽ không thể làm được.” Tôi đã trả lời: “Cha Thiên Thượng chỉ đòi hỏi chúng ta cố gắng hết khả năng mỗi ngày.” Anh chị em hãy cố gắng hết khả năng mỗi ngày, và anh chị em sẽ nhanh chóng nhận ra rằng Cha Thiên Thượng biết tới anh chị em và rằng Ngài yêu thương anh chị em. Và khi anh chị em biết—thực sự biết điều đó—cuộc sống của anh chị em sẽ có mục đích và ý nghĩa thực sự, cùng sẽ tràn đầy niềm vui và sự bình an.
Trên cương vị là Sự Sáng của Thế Gian, Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ai tin ta, chẳng ở nơi tối tăm nữa.”2
“Giê Su Ky Tô là danh được Đức Chúa Cha ban cho, và không có một danh nào khác được ban ra mà nhờ đó [chúng ta] được cứu;
“Vậy nên, tất cả mọi người phải mang lấy danh Đức Chúa Cha ban cho.”3
Thánh thư dạy cho chúng ta rằng Sa Tan mong muốn dẫn dắt loài người đi vào nơi tăm tối. Mọi nỗ lực của nó là nhằm ngăn chặn ánh sáng và lẽ thật của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Như Lê Hi đã dạy con cái của ông, quỷ dữ “tìm cách làm cho tất cả loài người phải đau khổ như nó vậy.”4 Nếu “công việc và vinh quang” của Cha Thiên Thượng là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người,”5 thì “công việc” của Lu Xi Phe là mang đến sự đau đớn khổ cực bất tận cho con cái của Thượng Đế. Tội lỗi và sự phạm giới làm giảm tầm ảnh hưởng của Ánh Sáng của Đấng Ky Tô trong cuộc sống của chúng ta. Đó là lý do tại sao mục tiêu của chúng ta là vui hưởng trọn vẹn hơn nơi Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, là điều mang đến sự bình an, niềm vui, và hạnh phúc.
Trong 18 tháng gần đây, Chúa đã soi dẫn cho vị tiên tri cùng các Sứ Đồ của Ngài để thực thi một vài thay đổi tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi lo rằng nếu chúng ta quá háo hức về những thay đổi đó thì chúng ta có thể quên đi những mục đích thuộc linh của chúng.
Joseph F. Smith đã nói: “Phúc âm chân chính, thuần khiết, giản dị của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi. Chúng ta có trách nhiệm cho việc gìn giữ phúc âm này trên thế gian.”6 Ông bổ sung rằng phúc âm chân chính, thuần khiết, và giản dị là “các giáo lý cứu rỗi của Đấng Ky Tô.”7
Trong Các Tín Điều, Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng: “Nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”8
Các nguyên tắc đầu tiên của phúc âm là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng. Anh trai của ông là Hyrum đã giảng dạy rằng: “Hãy thuyết giảng lại các nguyên tắc đó: Anh chị em sẽ thấy rằng dần dần những ý nghĩ mới mẻ và sự hiểu biết thêm về các nguyên tắc đó sẽ được mặc khải cho anh chị em. Anh chị em có thể gia tăng sự hiểu biết của mình về các nguyên tắc đó và các nguyên tắc đó sẽ trở nên rõ ràng đối với anh chị em. Rồi anh chị em sẽ có thể làm cho những người mà [anh chị em] giảng dạy hiểu các nguyên tắc đó một cách minh bạch hơn.”9
Các cách thức tốt nhất cho chúng ta nhìn thấy các mục đích thuộc linh của Giáo Hội là sống theo những lời giảng dạy chân chính, thuần khiết, và giản dị của Đấng Ky Tô cùng áp dụng hai lệnh truyền lớn của Đấng Cứu Rỗi là: “Các ngươi yêu thương Chúa Thượng Đế của các ngươi với tất cả tấm lòng. … Các ngươi phải yêu thương người lân cận như chính mình.”10
Sự vâng lời hai lệnh truyền đó cung ứng một cách thức để có được nhiều sự bình an và niềm vui hơn. Khi chúng ta yêu thương và phục vụ Chúa cùng yêu thương và phục vụ người lân cận mình, chúng ta tự nhiên sẽ cảm thấy nhiều hạnh phúc mà đến với chúng ta theo một cách thức tuyệt vời nhất.
Yêu thương Thượng Đế và yêu thương người lân cận mình là nền tảng giáo lý của việc phục sự; học tập đặt trọng tâm trong nhà và được Giáo Hội hỗ trợ; sự thờ phượng thuộc linh trong ngày Sa Bát; và công việc cứu rỗi ở cả hai bên bức màn che được hỗ trợ trong các Hội Phụ Nữ và các nhóm túc số các anh cả. Tất cả các việc này đều được dựa trên các lệnh truyền thiêng liêng là yêu thương Thượng Đế và yêu thương người lân cận mình. Có điều gì cơ bản hơn, nền tảng hơn, và giản dị hơn không?
Sống theo kế hoạch phúc âm chân chính, thuần khiết, và giản dị sẽ cho phép chúng ta có thêm thời gian để đi thăm những người góa phụ, góa vợ, trẻ mồ côi, người cô đơn, đau ốm, và người nghèo. Chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an, niềm vui, và hạnh phúc trong cuộc sống của chúng ta khi phục vụ Chúa và những người lân cận mình.
Những thay đổi trong ngày Sa Bát nhằm nhấn mạnh việc học tập và nghiên cứu phúc âm đặt trọng tâm trong nhà, được Giáo Hội hỗ trợ là một cơ hội để làm mới lại phần thuộc linh và sự tận tụy của chúng ta đối với Thượng Đế trong ngôi nhà của mình. Có điều gì mà lại giản dị hơn, cơ bản hơn, và có ảnh hưởng hơn không? Anh chị em thân mến, anh chị em có hiểu rằng việc học tập và giảng dạy phúc âm trong gia đình mình là một cách thức quan trọng để tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống của mình không?
Đấng Cứu Rỗi đã phán về ngày Sa Bát là: “Vì thật vậy, đây là ngày đã được định để cho các ngươi nghỉ ngơi khỏi phải lao nhọc, và để trả sự ngoan đạo cho Đấng Tối Cao.”11 Ngài thêm rằng: “Để niềm vui của các ngươi có thể được trọn vẹn … [thông qua] niềm vui và lời nguyện cầu … ngươi [cần] làm những điều này với sự cảm tạ, với tấm lòng vui vẻ và gương mặt hớn hở, … [và] với tấm lòng vui sướng và gương mặt hớn hở.”12
Xin hãy suy nghĩ về một số từ ngữ quan trọng trong điều mặc khải này: niềm vui, sự cảm tạ, tấm lòng vui vẻ, tấm lòng vui sướng, và gương mặt hớn hở. Đối với tôi, việc tuân giữ ngày Sa Bát dường như sẽ mang tới nụ cười trên khuôn mặt chúng ta.
Khi chúng ta phục sự theo một cách thức cao quý hơn và thánh thiện hơn, xin hãy suy nghĩ việc chúng ta chào đón tất cả mọi người đến các buổi họp của Giáo Hội là rất cần thiết, đặc biệt đối với những tín hữu mới và những người viếng thăm. Tất cả chúng ta nên vui thích việc hát các bài thánh ca và lắng nghe kỹ những lời cầu nguyện Tiệc Thánh với một tấm lòng và tâm trí rộng mở.
Các chứng ngôn về đức tin trong các buổi họp nhịn ăn và chia sẻ chứng ngôn được một thành viên trong giám trợ đoàn hướng dẫn, là vị sẽ chia sẻ một chứng ngôn ngắn mà tập trung vào kế hoạch hạnh phúc và phúc âm chân chính, thuần khiết, và giản dị của Đấng Ky Tô. Tất cả những người khác nên làm theo tấm gương đó. Chúng ta cần nhớ rằng đó không phải là lúc thích hợp nhất để kể chuyện hay chia sẻ về những chuyến đi. Khi chúng ta giữ chứng ngôn của mình giản dị và tập trung vào phúc âm của Đấng Ky Tô, Ngài sẽ cung ứng cho chúng ta sự đổi mới về mặt thuộc linh khi chúng ta chia sẻ chứng ngôn của mình với người khác.
Sự phục sự hiệu quả được hiểu rõ nhất là khi chúng ta suy nghĩ tới việc yêu thương Thượng Đế và yêu thương người lân cận mình. Nói một cách đơn giản, chúng ta phục sự bởi vì chúng ta yêu thương Cha Thiên Thượng và con cái của Ngài. Các nỗ lực phục sự của chúng ta sẽ thành công hơn nếu chúng ta giữ việc phục sự của mình giản dị. Niềm vui lớn nhất đến từ những điều giản dị của cuộc sống, vì thế chúng ta cần cẩn thận để không nghĩ rằng những điều thay đổi chúng ta đã được nhận là không đủ để vun đắp đức tin và chứng ngôn mạnh mẽ trong tấm lòng của con cái của Thượng Đế.
Chúng ta đừng nên phức tạp hóa các vấn đề bằng các buổi họp, sự mong đợi, hay yêu cầu bổ sung nào. Hãy giữ cho mọi thứ đơn giản. Qua sự đơn giản đó, anh chị em sẽ tìm thấy sự bình an, niềm vui, và hạnh phúc như điều tôi đang nói tới.
Như đã được nêu ra trong Sách Hướng Dẫn 2, mục tiêu của giới lãnh đạo trong Giáo Hội luôn luôn rõ ràng và đơn giản, được trích dẫn như sau:
“Các vị lãnh đạo khuyến khích mọi tín hữu nên tiếp nhận tất cả các giáo lễ thiết yếu của chức tư tế, tuân giữ các giao ước liên quan, và hội đủ điều kiện cho sự tôn cao và cuộc sống vĩnh cửu. …
“Người thành niên: Khuyến khích mỗi người thành niên nên sống xứng đáng để tiếp nhận các giáo lễ của đền thờ. Giảng dạy cho tất cả những người thành niên biết nhận ra tổ tiên của họ và thực hiện các giáo lễ đền thờ thay cho tổ tiên của họ.
“Giới trẻ: Giúp chuẩn bị cho mỗi thiếu niên tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, tiếp nhận các giáo lễ của đền thờ và sống xứng đáng để phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Giúp chuẩn bị cho mỗi thiếu nữ sống xứng đáng để lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng cùng tiếp nhận các giáo lễ của đền thờ. Củng cố giới trẻ qua sự tham gia vào các sinh hoạt đầy ý nghĩa.
“Tất cả tín hữu: Giúp các vị lãnh đạo chức tư tế và tổ chức bổ trợ, các hội đồng tiểu giáo khu, những người truyền giáo tiểu giáo khu và những người truyền giáo toàn thời gian, và các tín hữu cùng hợp tác làm việc trong một nỗ lực cân bằng để giải cứu các cá nhân, củng cố gia đình và các đơn vị Giáo Hội, gia tăng sinh hoạt của chức tư tế, và quy tụ Y Sơ Ra Ên qua sự cải đạo, việc giữ chân người cải đạo và giúp người kém tích cực trở lại Giáo Hội. Giảng dạy cho các tín hữu phải lo liệu cho bản thân họ và gia đình của họ, cùng phụ giúp người nghèo khó và túng thiếu theo cách của Chúa.”13
Sự phục vụ trong Giáo Hội đã ban phước cho tôi với nhiều kinh nghiệm thuộc linh đáng quý và đặc biệt. Tôi làm chứng rằng Chúa chỉ dẫn Giáo Hội của Ngài để hoàn thành các mục đích của Ngài. Tôi đã nhận được sự chỉ dẫn thiêng liêng mà vượt xa khả năng của mình. Niềm vui của tôi trong việc sống theo phúc âm là dựa trên giáo lý và phúc âm chân chính, thuần khiết, và giản dị của Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi đã phục vụ dưới các chìa khóa và sự hướng dẫn của sáu vị tiên tri và Chủ Tịch Giáo Hội, từ Chủ Tịch Spencer W. Kimball tới Chủ Tịch Russell M. Nelson. Tôi làm chứng rằng mỗi người trong số họ đã và đang là một vị tiên tri được chọn của Thượng Đế. Họ đã giảng dạy chúng ta các nguyên tắc thiết yếu về Giáo Hội cùng phúc âm và giáo lý của Đấng Ky Tô. Chủ Tịch Nelson đang xúc tiến công việc của Chúa với một tốc độ rất nhanh. Tôi nói “rất nhanh” bởi vì ông là Vị Sứ Đồ duy nhất mà lớn tuổi hơn tôi, và tôi đang khó khăn để bắt kịp ông ấy! Tôi làm chứng rằng các chìa khóa chức tư tế và thẩm quyền của vị tiên tri của Thượng Đế đang được đặt lên ông. Chủ Tịch Nelson giảng dạy phúc âm chân chính, thuần khiết, và giản dị của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, và đây là Giáo Hội của Ngài—tôi khiêm nhường làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.