Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời
Buổi lễ ngày Chủ Nhật đã được thay đổi của chúng ta là nhằm nhấn mạnh đến Tiệc Thánh trong Bữa Ăn Tối của Chúa như một trọng điểm thiêng liêng, được thừa nhận trong kinh nghiệm thờ phượng hằng tuần của chúng ta.
Tôi vẫn bình thường cho đến khi thấy nước mắt lăn dài trên gương mặt các em trẻ tuổi trong ca đoàn này. Những giọt nước mắt đó giống như một bài thuyết giảng hùng hồn hơn cả điều tôi có thể nói.
Ngước nhìn lên từ dưới sông, qua khỏi đám đông háo hức chờ ông làm phép báp têm, Giăng, được gọi là Báp Tít, đã thấy từ đằng xa người em họ của mình, Chúa Giê Su xứ Na Xa Rét, đang quyết tâm đi về phía ông với yêu cầu cũng được làm giáo lễ đó. Một cách kính cẩn, nhưng cũng đủ lớn khiến những người ở gần nghe được, Giăng thốt lên lời tán dương mà vẫn làm chúng ta xúc động hai ngàn năm sau: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời.”1
Đây là một bài học khi người mà đã được tiên đoán từ lâu này là sẽ đi trước mở đường cho Chúa Giê Su đã không gọi Ngài là “Đức Giê Hô Va” hay “Đấng Cứu Rỗi” hoặc “Đấng Cứu Chuộc” hay thậm chí “Vị Nam Tử của Thượng Đế”—dù tất cả các danh xưng này đều phù hợp. Không, Giăng đã chọn danh xưng mang hình ảnh biểu tượng đầu tiên và có lẽ được chấp nhận rộng rãi nhất trong truyền thống tôn giáo của dân ông. Ông sử dụng biểu tượng một con chiên được dâng làm của lễ hy sinh để cứu chuộc cho những tội lỗi và nỗi buồn khổ của một thế giới sa ngã và mọi dân tộc sa ngã sống trong đó.
Xin cho phép tôi nhắc lại chỉ một phần nhỏ lịch sử đó.
Sau khi bị đuổi ra khỏi Vườn Ê Đen, A Đam và Ê Va đối mặt với một tương lai đáng sợ. Bởi vì đã mang lại sự hữu diệt và cuộc sống trần thế cho chúng ta, họ phải chấm dứt trạng thái của sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho chính họ. Do sự phạm giới mà họ đã chủ ý chọn để thực hiện thay cho chúng ta, giờ đây họ phải trải qua cái chết thể xác và bị khai trừ về mặt thuộc linh, bị tách rời khỏi sự hiện diện của Thượng Đế mãi mãi.2 Họ phải làm gì đây? Có cách nào thoát khỏi cảnh ngộ này không? Chúng ta không chắc hai người họ được phép nhớ lại bao nhiêu sự chỉ dẫn mà họ đã nhận được khi đang còn ở trong khu vườn, nhưng họ quả có nhớ rằng họ phải thường xuyên dâng lên Thượng Đế một của lễ hy sinh là một con chiên con thanh khiết không tỳ vết, tức con chiên đực đầu lòng trong đàn.3
Sau đó một thiên sứ tới giải thích rằng sự hy sinh này là một hình thức báo trước sự hiến dâng mà sẽ được thực hiện thay cho họ bởi Đấng Cứu Rỗi của thế gian là Đấng sẽ đến. Vị thiên sứ đã nói rằng: “Việc này là biểu tượng cho sự hy sinh của Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha, là Đấng đầy ân điển và lẽ thật. “Vậy nên, … ngươi phải hối cải cùng cầu gọi Thượng Đế trong danh của Vị Nam Tử mãi mãi.”4 May mắn thay, có một con đường để thoát khỏi sự trừng phạt và nhận được sự tôn cao.
Trong các hội đồng tiền dương thế trên thiên thượng, Thượng Đế đã hứa với A Đam và Ê Va (và tất cả chúng ta) rằng sự giúp đỡ sẽ đến từ Đấng thanh khiết, không tỳ vết, Con Trai Đầu Lòng của Đức Chúa Cha, thế nên Chiên Con của Thượng Đế “đã bị giết từ buổi sáng thế,”5 theo như cách mà Sứ Đồ Giăng mô tả về Ngài sau này. Bằng việc hiến dâng các con chiên con nhỏ bé mang tính biểu tượng trong cuộc sống trần thế, A Đam và hậu duệ của ông cho thấy sự hiểu biết và sự lệ thuộc của họ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Đấng Chịu Xức Dầu.6 Về sau, ngôi đền tạm trong đồng vắng trở thành nơi thực hiện giáo lễ này, và sau đó là tại đền thờ mà Sa Lô Môn sẽ xây cất.
Thật không may, tuy là một biểu tượng của sự hối cải chân thành và lối sống trung tín, nhưng việc dâng hiến các chiên con nhỏ bé không tỳ vết mang tính lễ nghi này của họ đã không được tốt lắm, theo những gì Kinh Cựu Ước tiết lộ. Lòng quyết tâm về mặt đạo đức mà nên đi kèm với sự hy sinh đó đôi khi kéo dài không đủ lâu. Bất luận thế nào, nó đã không kéo dài đủ lâu để ngăn chặn tội ác giết anh em, khi Ca In giết em mình là A Bên trong thế hệ đầu tiên.7
Với những nỗi gian nan và rối loạn tiếp diễn trong hàng thế kỷ, không có gì phải kinh ngạc khi các thiên sứ trên trời hát ca reo mừng vì cuối cùng, Chúa Giê Su đã giáng sinh—Ngài chính là Đấng Mê Si A đã được hứa từ lâu. Theo sau giáo vụ trần thế ngắn ngủi của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã chuẩn bị cho các môn đồ của Ngài chấp nhận cái chết của Ngài bằng cách giới thiệu Tiệc Thánh trong Bữa Ăn Tối của Chúa, một giáo lễ có hình thức mang tính cá nhân hơn mà chỉ được giới thiệu bên ngoài Vườn Ê Đen. Vẫn sẽ có một của lễ hiến dâng, vẫn sẽ cần một sự hy sinh, nhưng nó sẽ mang ý nghĩa biểu tượng theo một cách sâu sắc hơn, phải suy ngẫm trong lòng nhiều hơn và mang tính cá nhân hơn là việc giết con chiên con đầu lòng. Đấng Cứu Rỗi đã phán với dân Nê Phi, sau khi Ngài phục sinh, rằng:
“Các ngươi sẽ không còn dâng hiến cho ta sự đổ máu nữa. …
“… Các ngươi chỉ phải hiến dâng cho ta một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối làm của lễ hy sinh. Và bất cứ kẻ nào đến cùng ta với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, thì sẽ được ta báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh. …
“… Vậy nên, hãy hối cải, … rồi các ngươi sẽ được cứu.”8
Thưa anh chị em yêu mến của tôi, với sự nhấn mạnh mới đầy hứng khởi nhằm gia tăng việc học hỏi phúc âm ở nhà, thật vô cùng cần thiết cho chúng ta để nhớ rằng chúng ta vẫn được truyền lệnh phải “đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh vào ngày thánh của Ta.”9 Ngoài việc dành thời gian nhiều hơn cho việc giảng dạy phúc âm đặt trọng tâm trong nhà, buổi lễ ngày Chủ Nhật đã được thay đổi cũng là nhằm giảm bớt sự phức tạp trong lịch trình họp theo hướng nhấn mạnh một cách đúng đắn vào Tiệc Thánh trong Bữa Ăn Tối của Chúa, để trở thành trọng điểm thiêng liêng, được thừa nhận trong kinh nghiệm thờ phượng hằng tuần của chúng ta. Chúng ta cần ghi nhớ theo một cách càng mang tính cá nhân càng tốt rằng Chúa Giê Su đã chết với tấm lòng vô cùng đau khổ do phải một mình gánh lấy tất cả tội lỗi và những nỗi buồn của toàn thể gia đình nhân loại.
Vì chúng ta đã chất thêm vào gánh nặng chí tử đó, chúng ta cần phải tôn trọng hành động vĩ đại đó của Ngài. Do đó, chúng ta được khuyến khích nên đến các buổi thờ phượng sớm và nghiêm trang, ăn mặc phù hợp để tham dự một giáo lễ thiêng liêng. Truyền thống mặc những bộ đồ đẹp nhất khi đi nhà thờ đã mất đi một chút ý nghĩa của nó trong thời của chúng ta, và để cho thấy sự tôn trọng Đấng mà chúng ta bước vào sự hiện diện của Ngài, thì chúng ta phải phục hồi truyền thống ăn mặc chỉnh tề đó vào ngày Sa Bát khi có thể.
Về việc đúng giờ, chúng ta nên thấu hiểu và thông cảm cho những người mẹ được phước, tay xách nách mang, với con cái, đồ ăn vặt cho chúng, và túi tã lỉnh kỉnh, vẫn may mắn đến được nhà thờ. Hơn nữa, sẽ có những người khác không tránh được việc cứu con trâu khỏi vũng bùn trong buổi sáng ngày Sa Bát. Tuy nhiên, với nhóm người này, chúng tôi đồng ý rằng việc thi thoảng trễ giờ có thể thông cảm được, nhưng nếu con trâu kẹt trong vũng bùn mỗi ngày Chủ Nhật, thì chúng tôi mạnh mẽ khuyên anh chị em phải bán con trâu hoặc lấp vũng bùn đi.
Tương tự, chúng tôi, với tư cách là các sứ đồ, khẩn nài anh chị em hãy giảm bớt sự ồn ào khi ở nơi thánh trong các tòa nhà của chúng ta. Chúng ta thích thăm hỏi nhau, và nên làm vậy—đó là một trong những niềm vui của việc tham dự nhà thờ—nhưng việc đó không nên thực hiện một cách lớn tiếng trong không gian đặc biệt dành riêng cho sự thờ phượng. Tôi e rằng những người khách không thuộc tín ngưỡng của chúng ta sẽ giật mình khi đôi lúc có những âm thanh ầm ĩ không trang nghiêm ở một nơi mà nên mang đậm sự bình an, chứng ngôn, cầu nguyện và mặc khải. Có lẽ Thượng Đế cũng bực mình một chút luôn.
Thái độ trang nghiêm trong các buổi lễ Tiệc Thánh của chúng ta sẽ gia tăng nếu các vị chức sắc chủ tọa ngồi ở trên bục từ lâu trước khi buổi họp bắt đầu, lắng nghe phần nhạc dạo đầu và nghiêm trang làm gương cho những người còn lại trong chúng ta noi theo. Nếu có người chuyện trò trên bục, thì chúng ta không nên ngạc nhiên khi giáo đoàn phía dưới cũng trò chuyện với nhau. Chúng tôi khen ngợi những giám trợ đoàn đã bỏ bớt các thông báo làm giảm đi tinh thần thờ phượng của chúng ta. Ví dụ, tôi không thể tưởng tượng được một thầy tư tế như Xa Cha Ri— khi đứng trong đền thờ cổ xưa của Chúa, sắp tham dự vào đặc ân chỉ dành riêng cho thầy tư tế mà được ban cho ông ấy một lần trong suốt cả đời ông—tôi không thể hình dung ra ông ngừng lại trước bàn thờ để nhắc chúng ta rằng sinh hoạt đua xe tự chế của hội thiếu nhi sẽ diễn ra trong sáu tuần nữa và sẽ sớm hết hạn đăng ký.
Thưa các anh chị em, một giờ này mà Chúa đã quy định là một giờ thiêng liêng nhất trong tuần của chúng ta. Qua lệnh truyền, chúng ta tụ họp lại để tham dự giáo lễ mà được các tín hữu trên khắp thế giới thường xuyên tiếp nhận nhất. Giáo lễ đó tưởng nhớ đến Đấng mà đã xin cất chén đắng mà Ngài phải uống, nhưng vẫn tiếp tục nhận lấy bởi vì Ngài biết rằng vì lợi ích của chúng ta nên chén ấy không thể được cất khỏi. Điều sẽ giúp ích cho chúng ta là ghi nhớ rằng một biểu tượng của sự hy sinh đó đang từ từ được chuyền xuống hàng ghế cho chúng ta bởi bàn tay của một thầy trợ tế 11 hay 12 tuổi.
Khi giờ thiêng liêng đó đến để chúng ta dâng lên Chúa món quà hy sinh của mình, thì chúng ta quả vẫn có những tội lỗi và yếu kém cùng những khó khăn của riêng mình mà cần được giải quyết; là lý do tại sao chúng ta ở đó. Nhưng chúng ta có thể thành công hơn trong sự ăn năn đó nếu chúng ta để ý đến những tấm lòng đau khổ và tâm hồn đau buồn của những người xung quanh chúng ta. Ngồi cách chúng ta không xa là những người có thể đang khóc—biểu lộ ra ngoài hoặc thầm kín ở bên trong—trong suốt bài thánh ca Tiệc Thánh và lời cầu nguyện của các thầy tư tế. Ngoại trừ một số hành động phục sự của chúng ta để giúp họ được cứu rỗi, liệu chúng ta có thể lặng lẽ lưu tâm đến điều đó và dâng lên miếng bánh nhỏ của sự an ủi và chén nước nhỏ của lòng cảm thông—liệu chúng ta có thể dâng hiến cho họ không? hoặc cho những tín hữu đang vất vả khóc than mà không tham dự buổi lễ và sẽ không ở đó tuần tới nữa không? hoặc cho những anh chị em không phải là tín hữu của Giáo Hội nhưng vẫn là các anh chị em của chúng ta không? Có rất nhiều nỗi đau khổ trên thế giới này, ở trong và ở ngoài Giáo Hội, vì thế hãy nhìn mọi hướng và anh chị em sẽ tìm thấy một ai đó có nỗi đau dường như quá nặng để gánh vác và những người có nỗi khổ tâm dường như không bao giờ chấm dứt. Một cách để “luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài”10 là tham gia cùng Chúa Giê Su Ky Tô trong bổn phận không bao giờ chấm dứt để nhấc gánh nặng ra khỏi đôi vai người ưu phiền và xoa dịu nỗi đau của người sầu khổ.
Các bạn thân mến, khi chúng ta đoàn kết khắp địa cầu mỗi tuần trong điều chúng ta hy vọng là một sự thừa nhận thiêng liêng rõ ràng hơn về ân tứ chuộc tội vĩ đại của Đấng Ky Tô dành cho toàn thể nhân loại, tôi mong rằng chúng ta sẽ mang đến bàn thờ Tiệc Thánh “[thêm nước mắt để] chia sẻ nỗi đau của Ngài, và cùng với nỗi buồn.” Và rồi, khi chúng ta suy ngẫm, cầu nguyện, và tái lập giao ước, cầu xin cho chúng ta nhận từ giây phút thiêng liêng đó “[sự] bền chí khi khổ đau, … ngợi khen khi an lành.”11 Bởi sự bền chí và giải thoát đó, bởi sự thánh thiện và hy vọng đó, tôi cầu nguyện cho toàn thể anh chị em trong danh của Đấng đã bẻ miếng bánh quý báu của sự tha thứ và rót giọt rượu thánh của sự cứu chuộc, trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Chiên Con vĩ đại đầy thương xót và thánh thiện của Thượng Đế, A Men.